Trong những năm gần đây, môi trường cạnh tranh tại khu vực Châu Á đang có những biến đổi mạnh mẽ. Sự vươn dậy của Trung Quốc đang có những tác động to lớn tới cân bằng chính sách giữa các nước lớn trong khu vực. Sự gia tăng ảnh hưởng này của Trung Quốc đã và đang làm xói mòn vai trò của Mỹ tại khu vực Châu Á, và lâu dài, có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực và Trung Quốc sẽ tiến tới thống trị khu vực. Cạnh tranh chiến lược Mỹ- Trung đang trở thành tất yếu và quyết liệt.Với môi trường khu vực Châu Á thay đổi nhanh chóng này, Mỹ cần phải có một chiến lược mới nhằm bảo vệ lợi ích của mình tại khu vực. Những chuyển động mới về chính sách của Mỹ với Châu Á thông qua chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương (TBD) cũng như gia tăng tính đối kháng trong quan hệ Mỹ - Trung đang đặt ra nhiều vấn đề mới cho hợp tác và phát triển tại khu vực Châu Á, nhất là khu vực Đông Á và Ấn Độ Dương. Việt Nam là nước nằm tại trung tâm của chiến lược Ấn Độ - TBD, sẽ chịu tác động mạnh của chiến lược Ấn Độ - TBD của Mỹ cũng như những phản ứng của của Trung Quốc. Như vậy, việc nghiên cứu chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, phản ứng của Trung Quốc cũng như của các nước đối với chiến lược này, cũng như đánh giá những tác động tới môi trường an ninh và hợp tác phát triển của Việt Nam là một vấn đề cần thiết phải được triển khai nghiên cứu, qua đó đưa ra các kiến nghị chính sách cho Việt Nam nhằm duy trì môi trường phát triển ổn định cũng như bảo đảm an ninh và chủ quyền quốc gia.
Mục tiêu đề tài hướng tới phân tích nội dung và tác động của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tới khu vực và Việt Nam, từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam nhằm khai thác những tác động tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực của chính sách này.
Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung nghiên cứu của Đề tài kết cấu trong 03 chương: Chương 1. Bối cảnh mới và sự hình thành chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ; Chương 2. Ảnh hưởng của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ tới khu vực và Việt Nam; Chương 3. Khuyến nghị chính sách của Việt Nam trước tác động của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ.
Sau khi phân tích nội dung của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương và những tác động, đề tài đã đưa ra một số kiến nghị chính sách như sau:
1/ Ủng hộ và hợp tác với Mỹ về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương: Về cơ bản, Việt Nam có một số lợi ích song trùng với các lợi ích của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc. Đứng trên phương diện này, Việt Nam cần phải ủng hộ và hợp tác với Mỹ trong phạm vi có thể để bảo vệ lợi ích quốc gia; có những động thái phù hợp trong quan hệ với Mỹ. Sự ủng hộ về ngoại giao đối với chiến lược Ấn Độ - TBD, đẩy mạnh hợp tác trên một số lĩnh vực mà Mỹ đưa ra trong thời gian gần đây: FONOPs, tập trận đa phương; 2/ Thúc đẩy các hoạt động hợp tác về quốc phòng và an ninh với Mỹ: Việt Nam cần tích cực chủ động để thúc đẩy các chương trình hợp tác; 3/ Nhất quán trong chính sách “không chọn bên”; 4/ Tận dụng cơ hội bứt phá về kinh tế; 5/ Thúc đẩy đàm phán FTA với Mỹ: Việt Nam vừa cần phải đẩy mạnh cải cách kinh tế theo những đề nghị của Mỹ gần đây và vừa phải đẩy mạnh các hợp tác an ninh, quốc phòng để Mỹ thấy rằng Việt Nam là một đối tác hàng đầu của Mỹ tại khu vực; 6/ Tranh thủ các cơ hội từ các sáng kiến gần đây của Mỹ liên quan tới chiến lược Ấn Độ - TBD: Để thực hiện chiến lược Ấn Độ - TBD và cũng để gia tăng ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực, Mỹ đã triển khai nhiều sáng kiến mới như kết nối kinh tế số với ASEAN…Trong bối cảnh này, Việt Nam cần nhanh chóng hình thành chiến lược hạ tầng và quy hoạch, danh sách các dự án ưu tiên hợp tác cùng với các công ty của Mỹ; 7/ Kết nối kinh tế Mỹ vào kinh tế biển của Việt Nam: Mỹ có tiềm năng lớn về các ngành kinh tế biển bao gồm dầu khí, logistic, khai thác đại dương. Việc lôi kéo Mỹ tham gia vào các hoạt động kinh tế biển sẽ là “nhất cử lưỡng dụng” theo đó vừa phát triển kinh tế và vừa hỗ trợ an ninh quốc gia trên khu vực Biển Đông; 8/ Xử lý tốt các vấn đề kinh tế với Mỹ.
Có thể nói rằng, Việt Nam đang đối diện với bối cảnh mới có những thách thức lớn nhưng cũng có những cơ hội “vàng” trong Chiến lược Ấn Độ - TBD của Mỹ, tuy nhiên Việt Nam cần phân tích và đưa ra các quyết sách đúng đắn, vừa loại bỏ rủi ro, và vừa đồng thời cụ thể hoá các cơ hội cho việc bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như phát triển kinh tế. Các cơ hội là rất lớn, và nếu tận dụng hiệu quả các cơ hội này, Việt Nam cũng có thể trở thành một điểm sáng trong nền kinh tế, chính trị toàn cầu như một số nước trong khu vực đã tận dụng các cơ hội giống như cơ hội hiện nay.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về mặt lý luận và thực tiễn, có tính khoa học cao, đã cung cấp được thông tin và kiến giải khá đầy đủ về Chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương của Mỹ. Qua đó đã rút ra được những gợi ý đối sách cho Việt Nam trong bối cảnh mới. Các kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là nguồn tài liệu tham khảo quí báu, cung cấp thêm nhiều luận cứ khoa học cho các nhà quản lý, nghiên cứu và giảng dạy.
Đề tài đã công bố 3 bài báo trong nước và 01 chương sách: “Strategic Competition Between China and the United States in the Indo-Pacific” quốc tế trong cuốn “China’s Search for ‘National Rejuvenation’: Domestic and Foreign Policies under Xi Jinping” Nhà xuất bản Palgrave Macmillan, Singapore, 2020. Đề tài sẽ chỉnh sửa và công bố dưới dạng sách vào năm 2021.
Nguyễn Thu Trang