Thực hiện khai quật tại Gò Sáu Thuận, huyện Thoại Sơn, An Giang, các nhà khảo cổ học đã phát hiện đây là một khu di tích dạng cổng, nằm ở phía đông núi Ba Thê, đồng trục và có liên quan đến đền thờ chính trên khu vực sườn núi Ba Thê (hiện chỉ còn nền móng nằm bên dưới Linh Sơn tự, được nhận diện qua các vật liệu kiến trúc, hệ thống tường bao trong một số cuộc khai quật trước đây).
Thám sát sâu hơn, các nhà khảo cổ học còn làm xuất lộ được hệ thống đường dẫn kết nối giữa các kiến trúc cổng nơi Gò Sáu Thuận và Linh Sơn Tự với một đường kè gạch đá hai bên và ở giữa đắp đất kéo dài khoảng hơn 200m, hướng thẳng vào trung tâm Linh Sơn tự. Phía Bắc và hai bên đường dẫn này là các kiến trúc quy mô nhỏ, được xây bằng gạch - đá thuộc nhiều giai đoạn khác nhau. Qua phân tích trục xây dựng, kỹ thuật và vật liệu kiến trúc các nhà khoa học xác định công trình thuộc hai giai đoạn: giai đoạn sớm khoảng thế kỷ VI-VII và giai đoạn muộn hơn sau thế kỷ thứ VIII.
|
Điểm khai quật tại Gò Út Trạnh |
Tại Gò Út Trạnh, di tích kiến trúc tôn giáo nằm trong quần thể khu di tích Óc Eo – Ba Thê (An Giang), các nhà khoa học đã tiến hành khai quật mở rộng khu vực phía Tây để kết hợp với tư liệu cuộc khai quật được tiến hành từ năm 2012 nhằm hướng tới mục tiêu hoàn thiện mặt bằng kết cấu kiến trúc, góp phần nhận diện tổng thể kiến trúc khu vực này. Kết quả khai quật đã làm xuất lộ bình diện tổng thể khu kiến trúc với ba kiến trúc xây bằng đá (đã khai quật năm 2012) và hệ thống tường bằng gạch trên móng đá bao quanh khu di tích và xác định được niên đại của kiến trúc Gò Út Trạnh vào khoảng thế kỷ VII, kéo dài đến thế kỷ IX.
Tại di tích Gò Giồng Cát (nằm bên chân núi Ba Thê, An Giang), kết quả khai quật đã làm xuất lộ giếng cổ hình tròn, xây bằng gạch, đá và gỗ. Chức năng của giếng được các nhà nghiên cứu cho rằng liên quan đến việc lấy nước để tiến hành các hoạt động tôn giáo, niên đại tương đối của giếng được ước định trong khoảng thế kỷ IV-VII. Ngoài ra, tại đây các nhà khoa học còn phát hiện ra một kiến trúc dạng “giếng vuông” với kết cấu gạch bên trên cùng lớp móng gỗ, kè đá bên dưới. Nhiều khả năng đây cũng là một kiến trúc liên quan đến tôn giáo, có niên đại khoảng thế kỷ IV-VII. Ngoài ra các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều kiến trúc lớn được xây bằng đá nhưng chưa xác định được chức năng.
|
Xuất lộ kiến trúc tường bao kết nối các kiến trúc cổng Linh Sơn Tự và Gò Sáu Thuận |
Tại khu vực dòng kênh cổ Lung lớn (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang), qua kết quả ghi nhận tại nhiều hố khai quật cùng với khảo sát mặt cắt ngang của dòng kênh này bằng phương pháp điện từ (EM) cho thấy kênh cổ Lung Lớn (đoạn gần Gò Óc Eo - khu A) và Gò Giồng Cát - khu B) có chiều rộng khoảng 35-40m, sâu khoảng 1,5-2m (so với bề mặt hiện tại), với các lớp tích tụ của phù sa và vết tích cư trú còn lại trong dòng kênh, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều cột gỗ được xếp thẳng hàng, một số có lỗ mộng để lắp ghép, nhiều khả năng liên quan đến nhà sàn hay các công trình bằng gỗ. Qua áp dụng một số phương pháp liên ngành với địa chất học, cổ động - thực vật học các nhà khoa học còn phát hiện được một số chi tiết liên quan đến đời sống, môi trường và sinh kế của cư dân Óc Eo, qua các vết tích thực vật như lúa, bầu bí, đậu, hạt còn sót lại đã cho thấy vai trò của dòng kênh cổ Lung Lớn có liên quan mật thiết với di tích Gò Óc Eo gần đó khi số lượng hạt chuỗi thủy tinh được tìm thấy trong tầng văn hóa với mật độ cao, có sự tương đồng với hạt chuỗi thủy tinh khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Tây Á (thông qua phân tích bằng phương pháp XRF).
|
Cận cảnh chi tiết nền móng xuất lộ tại địa điểm khai quật |
TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên, Trung tâm Khảo cổ học, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ khẳng định: các hoạt động nghiên cứu đa dạng của Trung tâm đã góp phần nhận diện một số di tích khảo cổ học thuộc nhiều loại hình, giai đoạn khác nhau trên địa bàn Nam Bộ, các kết quả trên từng bước góp phần giúp giới nghiên cứu phục dựng được bức tranh đa sắc về đời sống văn hóa và sinh kế của các cộng đồng cư dân cổ ở vùng đất Nam Bộ, mở ra các hướng nghiên cứu mới, giúp địa phương có thêm cơ sở lập hồ sơ di tích cũng như có cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn, tránh những xâm hại hay phá hủy không đáng có đối với di sản văn hóa dân tộc./.
Phạm Vĩnh Hà