Đồ gốm sứ thời Trần phát hiện được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long có số lượng rất lớn, rất phong phú về dòng men và rất đa dạng về loại hình. Những sưu tập đồ gốm sứ này là những bằng chứng vật chất quan trọng phản ánh sinh động về các loại đồ dùng vật dụng trong đời sống văn hóa, xã hội của Hoàng cung Thăng Long thời Trần. Đồng thời nó chứa đựng nhiều thông điệp quan trọng, phản ánh nhiều mặt về trình độ kỹ thuật, nghệ thuật chế tác gốm cũng như nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ xã hội của đồ gốm trong xã hội thời bấy giờ.
Đồ gốm thời Trần cơ bản có sự kế thừa khá xuất sắc truyền thống công nghệ chế tác đồ gốm của thời Lý, gồm có các dòng gốm men nổi tiếng như: men trắng, men ngọc, men nâu, hoa nâu, men xanh lục. Tính kế thừa và được phát triển mạnh mẽ có thể nhận thấy rõ ràng nhất, điển hình là các đồ gốm men nâu và hoa nâu.. Tuy nhiên bên cạnh đó, thời Trần còn bắt đầu chế tác dòng gốm hoa lam, đưa lại một khởi đầu mới cho lịch sử gốm cổ Việt Nam. Và mặc dù chịu ảnh hưởng khá sâu đậm phong cách nghệ thuật của gốm thời Lý, nhưng gốm thời Trần cũng đã tạo ra những đặc trưng rất riêng biệt, đó là sự xuất hiện phổ biến các loại thạp, liễn có thân hình trụ; các loại bát, đĩa lòng rộng hình phễu, có thân vát xiên, đáy rộng, cùng với các loại đồ án hoa văn với lối diễn đạt mang đặc trưng điển hình mang hơi thở của thời đại và nghệ thuật thời Trần. Đó là sự khỏe khoắn, khoáng đạt, đơn giản, dung dị và giàu tính hiện thực.
Nghiên cứu các sưu tập đồ gốm thời Trần tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long không những phản ánh đa chiều về đời sống văn hóa, xã hội trong Hoàng cung Thăng Long mà còn góp phần minh chứng cho sự phát triển của nghề thủ công sản xuất gốm sứ dưới thời Trần nói riêng cũng như trong dòng chảy lịch gốm cổ Việt Nam nói chung. Đồ gốm thời Trần vừa phản ánh sự kế thừa những thành tựu rực rỡ đã có từ thời Lý, lại vừa có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng, với sự xuất hiện mới về dòng men, cũng như phong phú về loại hình. Điều này chứng tỏ rằng, các thợ thủ công làm nghề gốm men thời Trần đã luôn không ngừng sáng tạo và chế tác nhiều loại hình, bổ sung các dòng men mới nhằm đáp ứng yêu cầu của đời sống Hoàng cung cũng như nhu cầu đời sống trong xã hội lúc bấy giờ, tạo nên những sắc thái văn hóa hay những dấu ấn riêng mang tính thời đại.
Nội dung nghiên cứu của đề tài gồm 3 chương, tập trung vào các nội dung chính như sau:
Chương 1: Tổng quan về đồ gốm sứ thời Trần phát hiện tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Trong chương này, nhóm tác giả đã nghiên cứu, tìm hiểu những dấu vết kiến trúc của các cung điện lầu gác thời Trần nói riêng, cũng như các thời đại trước và sau đó nói chung, cùng một số lượng lớn các loại hình di vật liên quan như phù điêu, tượng tròn và ngói lợp mái cung điện trang trí rồng, phượng được tìm thấy ở đây là những chứng tích vật chất phản ánh sinh động về dòng chảy lịch sử lâu dài của Kinh đô Thăng Long hoa lệ một thời.
Chương 2: Đặc trưng cơ bản của đồ gốm sứ thời Trần trong Hoàng cung Thăng Long. Trong chương này, đề tài đã đề cập chi tiết đến đồ gốm thuộc 06 dòng men: men trắng, men ngọc, men lục, men nâu, hoa nâu và hoa lam, dưới nhiều giác độ, nhằm nhận diện ra những đặc trưng mà đồ gốm thời Trần hàm chứa.
Chương 3: Giá trị lịch sử, văn hóa và vai trò của đồ gốm sứ thời Trần trong Hoàng cung Thăng Long. Trong chương này đã đề cập đến những giá trị và vai trò của đồ gốm thời Trần phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long. Những giá trị phản ánh lịch sử hình thành và phát triển của nghề thủ công gốm sứ dưới thời Trần. Chúng được sản xuất như thế nào, những đặc điểm về tạo hình, kỹ thuật xếp nung nào mang tính kế thừa từ thời đại trước và những đặc điểm nào là sự sáng tạo dưới thời này. Nhiều di vật là bằng chứng khẳng định sự tồn tại những lò gốm sản xuất tại Thăng Long. Và nhiều đồ gốm là bằng chứng trực tiếp cũng như gián tiếp góp phần phản ánh mối quan hệ giao lưu giữa Đại Việt và các nước trong châu lục đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản.
Nhóm thực hiện đề tài đã tập trung nghiên cứu, phân tích làm rõ đặc trưng các sưu tập gốm sứ Việt Nam thời Trần phát hiện được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long trên các phương diện từ dòng men, loại hình, chất liệu, hoa văn, kỹ thuật đến các vấn đề niên đại, nguồn gốc các loại hình trong từng dòng gốm. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu so sánh, đề tài làm rõ giá trị lịch sử, văn hóa và vai trò, chức năng của các loại hình đồ gốm được sử dụng trong đời sống Hoàng cung Thăng Long, thế kỷ 13-14.
Có thể nói, những kết quả nghiên cứu của đề tài về đồ gốm Việt Nam trong Hoàng cung Thăng Long thời Trần không những đã góp phần làm sáng rõ hơn đặc trưng, chức năng, vai trò của các loại hình đồ gốm dùng trong Hoàng cung Thăng Long, mà còn góp phần làm sáng rõ hơn lịch sử phát triển của các loại hình đồ gốm, xác định bước đầu được nguồn gốc sản xuất của những loại hình đồ gốm, đồng thời phác họa bức tranh về lịch sử phát triển của gốm thời Trần trong lịch sử gốm cổ Việt Nam và đặt nó trong mối quan hệ với khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Các kết quả nghiên cứu của đề tài rất hũu ích, có thể làm tài liệu tham khảo, cung cấp thêm luận cứ khoa học cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và giảng dạy. Dự kiến đề tài sẽ được in thành sách và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới./.
PV.