1. Vài nét về quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta về hoạt động xuất bản
Như chúng ta biết, trong suốt quá trình cách mạng Việt Nam, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò đặc biệt của hoạt động xuất bản, Đảng ta luôn xác định xuất bản là bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, văn hóa, là vũ khí sắc bén trong công tác tư tưởng của Đảng; đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng... Để công tác xuất bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mỗi giai đoạn lịch sử, Đảng ta đều ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quy định để chỉ đạo, định hướng và tạo điều kiện cho xuất bản phát triển. Có thể kể tới Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 31/3/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác báo chí và xuất bản, định hướng cho việc ban hành Luật Xuất bản năm 1993; đặc biệt là Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản, khẳng định quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của xuất bản, xác định định hướng phát triển của xuất bản trong điều kiện đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trong đó khẳng định xuất bản là một lĩnh vực tư tưởng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam. Sang đến Đại hội XI, XII, Đảng tiếp tục xác định phương hướng, nhiệm vụ: “... Khắc phục xu hướng thương mại hoá, xa rời tôn chỉ, mục đích trong hoạt động báo chí, xuất bản”.
Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Luật Xuất bản cũng khẳng định hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng nhằm phổ biến, giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội, giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước, phát triển kinh tế - xã hội, đấu tranh chống mọi tư tưởng và hành vi làm tổn hại lợi ích quốc gia, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Một mặt, xác định xuất bản là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và Nhà nước, nhưng mặt khác Nhà nước ta lại coi xuất bản là một trong những ngành công nghiệp văn hóa. Điều đó được nêu tại Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Theo đó, các ngành công nghiệp văn hóa được coi là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam.
Tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định phải “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”[1].
2. Nhà xuất bản Khoa học xã hội với việc thực hiện các cuốn sách, bộ sách có giá trị, khẳng định thương hiệu và phục vụ nhu cầu thị trường
Nhà xuất bản Khoa học xã hội được thành lập theo Quyết định số 01/VH-QĐ ngày 16/01/1967 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa[2], là đơn vị xuất bản của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tiền thân là: Tổ Xuất bản (1953) thuộc Ban Nghiên cứu Lịch sử - Địa lý - Văn học trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương; Nhà xuất bản Văn - Sử - Địa (1955 - 1959) thuộc Bộ Giáo dục; Nhà xuất bản Sử học (1960 - 1963), Nhà xuất bản Khoa học - mảng sách khoa học xã hội (1963 - 1966) thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước.
Nhà xuất bản được cơ quan chủ quản giao nhiệm vụ và được cơ quan quản lý nhà nước cho phép xuất bản các công trình nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói riêng, xuất bản phẩm trong lĩnh vực khoa học xã hội nói chung để các cơ quan của Đảng, Nhà nước tham khảo, sử dụng trong việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách xây dựng và phát triển đất nước; phục vụ công tác nghiên cứu và truyền bá tri thức về khoa học xã hội cho nhân dân nhằm nâng cao dân trí, phục vụ nhân sinh.

Từ năm 1953 đến nay, Nhà xuất bản Khoa học xã hội và các tổ chức tiền thân đã công bố hàng nghìn xuất bản phẩm là kết quả nghiên cứu khoa học có chất lượng của các tập thể, cá nhân nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học nhân văn, nghiên cứu quốc tế, từ điển học và bách khoa thư được chắt lọc từ các chương trình, đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở của Viện Hàn lâm và các học viện, viện nghiên cứu, trường đại học trên phạm vi cả nước. Nhiều ấn phẩm do Nhà xuất bản xuất bản đã giành được giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về khoa học - công nghệ, văn học - nghệ thuật, giải Vàng sách hay, các giải thưởng cao thuộc Giải thưởng Sách quốc gia… Đó là những ấn phẩm có “hàm lượng chất xám cao”, kết quả của sự trăn trở, nghiên cứu công phu của các nhà khoa học. Các ấn phẩm chứa đựng những giá trị đa dạng được Nhà xuất bản đã kịp thời đi vào cuộc sống, phục vụ xã hội, trong đó có nhiều công trình đã góp phần cung cấp những thông tin quan trọng và các luận cứ khoa học, có giá trị tham khảo rất tốt để phục vụ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhà xuất bản luôn xác định mục tiêu hoạt động không chạy theo xu hướng thị trường, thương mại hóa đơn thuần, mà phải vừa cố gắng thích nghi với cơ chế thị trường nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu quan trọng nhất là phải giữ vững chất lượng. Chính vì vậy, tính tư tưởng, chất lượng khoa học và hình thức trong từng xuất bản phẩm ngày càng được nâng cao, góp phần khẳng định “thương hiệu”, uy tín của Nhà xuất bản Khoa học xã hội, nhất là đối với các hội đồng chuyên môn xét điểm các công trình khoa học đã được xuất bản.
Thực tế nhìn lại cả quá trình phát triển cho thấy, Nhà xuất bản đã công bố hàng nghìn ấn phẩm là kết quả nghiên cứu khoa học có chất lượng của tập thể, cá nhân các nhà khoa học được chắt lọc từ các chương trình, đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở của các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm và các học viện, viện nghiên cứu, trường đại học trên phạm vi cả nước.
Một trong những thành tựu quan trọng của Nhà xuất bản trong suốt gần 60 năm qua là đã đầu tư nhiều công sức và thời gian để xuất bản những bộ sách lớn, có giá trị tư tưởng và khoa học cao. Đó là: Đại Việt sử ký toàn thư (4 tập, xuất bản lần đầu năm 1967), Ngô Thì Nhậm toàn tập (5 tập), Lịch sử Việt Nam (15 tập), Sử thi Tây Nguyên (91 tập), Tổng tập văn học dân gian người Việt (19 tập), Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam (23 tập), Biển Đông lịch sử pháp lý và quan hệ quốc tế, Đối thoại với nền văn minh cổ Chăm Pa, Lịch sử giáo dục miền Bắc Việt Nam, Tổ chức quyền lực nhà nước ở địa phương trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, v.v... Những cuốn sách và bộ sách này đã góp phần lưu giữ, phổ biến tri thức khoa học ra xã hội, nâng cao uy tín, vị thế, khẳng định thương hiệu của Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
Đối với các cuốn sách xuất bản trên cơ sở kết quả các đề tài cấp Bộ của Viện Hàn lâm (thường chỉ có kinh phí in 200-300 cuốn từ nguồn ngân sách nhà nước), trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường, Nhà xuất bản đã mạnh dạn đầu tư in thêm để phát hành, phục vụ nhu cầu bạn đọc, như cuốn “Chiến lược an ninh đối ngoại mới của Trung Quốc - Sự lựa chọn cho vị trí siêu cường”, “Tứ bất tử - Tư liệu và khảo cứu”…

Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ xuất bản, công bố các công trình khoa học của Viện Hàn lâm, Nhà xuất bản còn liên kết theo quy định của pháp luật với các đối tác là các tổ chức, cá nhân nhằm huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động xuất bản. Bên cạnh những đầu sách đáp ứng kịp thời nhu cầu công bố kết quả nghiên cứu khoa học của các tổ chức, cá nhân nhà khoa học, số đầu sách gắn với đề tài nghiên cứu chuyên ngành, chuyên sâu về lịch sử phục vụ thị trường chiếm một tỷ lệ khá lớn trong cơ cấu, số lượng sách của Nhà xuất bản đã được xuất bản. Thời gian gần đây, Nhà xuất bản đã liên kết với một số đối tác có uy tín xuất bản nhiều cuốn sách, bộ sách về tri thức nền tảng, về lịch sử, văn hóa có giá trị như: Liên kết với Viện Giáo dục IRED xuất bản bộ sách "Lịch sử văn minh thế giới" của học giả Will Durant (bản tiếng Việt) gồm 11 phần, mỗi phần có từ ba đến năm tập, được đánh giá là phục vụ rất tốt cho thị trường, bởi tác giả viết cho mọi đối tượng, chứ không dành riêng cho giới nghiên cứu, học thuật như các pho sử truyền thống[3]; liên kết với Omega+ thuộc Công ty cổ phần sách Alpha Books xuất bản và tái bản nhiều lần cuốn “Adolf Hitler Adolf Hitler - Chân dung một trùm phát xít”; liên kết với TIMES Books tái bản cuốn "Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII” - công trình nghiên cứu khoa học có giá trị sâu sắc về luật pháp, lịch sử và xã hội Việt Nam của GS Insun Yu, học giả quốc tế có gần 50 năm nghiên cứu chuyên sâu về Việt Nam; liên kết với MaiHa Books xuất bản cuốn sách “Các hiệp ước, hiệp định lịch sử Việt Nam ký với Pháp và Mỹ (1787-1973) biên soạn bởi các học giả của Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, v.v… Bên cạnh đó, thời gian qua, Nhà xuất bản cũng bước đầu mạnh dạn tổ chức bản thảo thuộc lĩnh vực khoa học để đưa ra thị trường. Cụ thể là đã phối hợp với các giáo sư, phó giáo sư được đào tạo bài bản ở các nước có nền khoa học phát triển và có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu công tác ở một số viện chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm xuất bản cuốn sách “Vận dụng phương pháp định lượng và định tính trong nghiên cứu khoa học: Từ hình thành ý tưởng đến phát hiện khoa học”; phối hợp với chuyên gia của Viện Sử học xuất bản cuốn sách “Chính quyền nhà nước Việt Nam trong lịch sử (1527-1802)…
Đến nay, các xuất bản phẩm của Nhà xuất bản Khoa học xã hội đều đảm bảo phù hợp với quan điểm chính trị của Đảng và có tư tưởng, nội dung khoa học tốt, được bạn đọc hoan nghênh, dư luận xã hội đánh giá cao. Điều này đã góp phần khẳng định thương hiệu và những đóng góp có hiệu quả của Nhà xuất bản Khoa học xã hội, của Viện Hàn lâm đối với ngành Xuất bản Việt Nam và công tác quảng bá, giáo dục các giá trị lịch sử, truyền thống, tri thức của nhân loại đến với bạn đọc.
3. Một số vấn đề đặt ra và giải pháp
Như đã đề cập ở trên, Đảng và Nhà nước ta xác định hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng và xây dựng văn hóa, con người Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã hội là cơ quan xuất bản của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội, cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lực, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tư vấn về chính sách phát triển trong lĩnh vực khoa học xã hội. Trên thực tế, các đề tài khoa học cấp Bộ, cấp cơ sở được thực hiện chủ yếu ở các viện trực thuộc Viện Hàn lâm, mặc dù tiếp cận nghiên cứu toàn diện nhưng thương chỉ chuyên sâu về một vấn đề khoa học. Trong nghiên cứu khoa học, việc nghiên cứu vấn đề hẹp, chuyên sâu là rất cần thiết. Kết quả các công trình nghiên cứu này có giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn. Tuy nhiên, các công trình này thường kén độc giả, tính thị trường không cao. Đây là một thực tế và là một đặc tính khó khăn tác động đến việc đưa các cuốn sách là kết quả nghiên cứu của các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm ra thị trường. Đối với các công trình này, Nhà xuất bản chủ yếu tập trung cho khâu biên tập để hoàn chỉnh nội dung và hình thức xuất bản phẩm, khó đầu tư kinh doanh, phát triển thành công nghiệp văn hóa đem lại doanh thu, lợi nhuận như các dòng sách khác.
Như đã nêu ở trên, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ xuất bản do cơ quan chủ quản giao, như các nhà xuất bản khác, Nhà xuất bản Khoa học xã hội còn thực hiện nhiệm vụ xuất bản theo phương thức tự đầu tư sản xuất, kinh doanh và liên doanh, liên kết trong lĩnh vực xuất bản, phát hành. Kết quả hoạt động những năm gần đây cho thấy, hằng năm lượng sách liên kết xuất bản chiếm khoảng 80% tổng số sách xuất bản. Tuy nhiên, lĩnh vực liên kết chủ yếu ở khâu thực hiện công tác biên tập, duyệt nội dung, ban hành quyết định xuất bản, phát hành; liên kết ở cả hai khâu xuất bản, phát hành rất ít. Trên thực tế, công tác phát hành có vai trò quan trọng trong việc tạo ra giá trị về mặt kinh tế cũng như giá trị về mặt xã hội - lan toả rộng rãi các công trình nghiên cứu, kiến thức về khoa học xã hội và nhân văn. Song, do hạn chế về nguồn lực, nhân lực cũng như đặc thù của sách khoa học xã hội kén độc giả hơn các dòng sách khác, đã ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác phát hành của Nhà xuất bản. Chính vì vậy, trong thời gian tới Nhà xuất bản cần hướng đến việc nghiên cứu thị trường, nhu cầu độc giả, chọn lọc, phát triển nội dung, chú trọng hơn đến hình thức trình bày, truyền thông, quảng bá hiệu quả… để khắc nâng cao hiệu quả hoạt động xuất bản, phát hành, đưa sách tới độc giả.
Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết Đại hội Chi bộ Nhà xuất bản Khoa học xã hội nhiệm kỳ 2020 - 2025; nhằm ứng dụng có hiệu quả của chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, đa dạng sản phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động, đầu năm 2024, Nhà xuất bản đã báo cáo Lãnh đạo Viện Hàn lâm và đã được phê duyệt chủ trương xây dựng Đề án xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử. Đến tháng 6/2024, Nhà xuất bản đã được Cục Xuất bản, In và Phát hành thông qua Đề án, đã thẩm định các điều kiện triển khai xuất bản điện tử trong thực tế, và cấp xác nhận, cho phép thực hiện công tác xuất bản, phát hành điện tử trên nền tảng xuất bản sách điện quốc gia ebook365.vn, tại địa chỉ ebookkhoahocxahoi.vn. Hy vọng, trong thời gian tới và trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, với ưu thế của xuất bản và phát hành sách điện tử, các công trình khoa học, các bộ sách, cuốn sách chứa đựng những tri thức khoa học vô giá của Viện Hàn lâm, của giới khoa học xã hội sẽ nhanh chóng đến được với đông đảo độc giả trong và ngoài nước, khẳng định thương hiệu Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Nhà xuất bản Khoa học xã hội./.
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tI, tr.146.
[2] Xem thêm: Nhà xuất bản Khoa học xã hội (2012), 45 năm Nhà xuất bản Khoa học xã hội (1967-2012), Nxb. Khoa học xã hội, tr. 10.
[3] Nhà hoạt động giáo dục của IRED Giản Tư Trung cho biết tâm đắc tác phẩm vì tác giả nhìn lịch sử bằng lăng kính của triết học."Durant viết lịch sử theo lối kể chuyện trong văn học, đọc lịch sử mà như thể đọc tiểu thuyết, dù những gì ông viết là sự thật lịch sử, chứ không phải hư cấu”.