Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2013-2018

12:00 15/11/2013
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 15/11/2013, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2018.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng và Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh GS.TS. Tạ Ngọc Tấn ký kết thỏa thuận hợp tác

Tham dự Lễ ký kết, về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; đại diện lãnh đạo các đơn vị giúp việc Chủ tịch Viện và một số đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm.

Về phía Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh có: GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện; PGS.TS. Nguyễn Đăng Thành, Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Trương Thị Thông, Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Học viện.

Chương trình hợp tác giữa Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2018 nhằm các mục tiêu:

1. Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dựa trên cơ sở các kết quả nghiên cứu cơ bản về khoa học xã hội, khoa học chính trị, hành chính, khoa học lãnh đạo và quản lý;

2. Tăng cường ứng dụng các kết quả nghiên cứu cơ bản về khoa học xã hội, khoa học chính trị, hành chính, khoa học lãnh đạo và quản lý vào việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong từng giai đoạn, điều kiện cụ thể;

3. Phối hợp, kết hợp trong công tác nghiên cứu và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở đó, hai Bên thống nhất hợp tác theo các nội dung chính sau:

1. Hai Bên phối hợp cùng đi sâu nghiên cứu, làm rõ giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Nghiên cứu để đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò  chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội, nâng cao trình độ lý luận chính trị và kiến thức khoa học xã hội, khoa học chính trị, hành chính, khoa học lãnh đạo và quản lý cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và nhân dân.

Hai đoàn lãnh đạo cấp cao Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác

 

2. Hai Bên phối hợp cùng nghiên cứu, làm rõ các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về đổi mới hệ thống chính trị, về cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, về Đảng Cộng sản cầm quyền, về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân,…

3. Hai Bên phối hợp nghiên cứu để tổng kết, sơ kết việc thực hiện các nghị quyết Đại hội Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trên cơ sở đó đúc kết những bài học kinh nghiệm, tham mưu, đề xuất, các quan điểm chỉ đạo, các chủ trương, chính sách và giải pháp lớn cho Đảng và Nhà nước.

4. Cùng phối hợp xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ. Tập hợp và phát huy hiệu quả mạng lưới các chuyên gia của hai Bên, trong nước và quốc tế để phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu do hai Bên cùng đề xuất.

5. Cùng phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý; đào tạo sau đại học nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của hai Bên và đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và xã hội.

6. Phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn khoa học phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của hai Bên và đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước.

7. Trao đổi thông tin, ấn phẩm, các tư liệu, các kết quả nghiên cứu, khảo sát và công tác  thông tin, truyền thông phục vụ cho hoạt động phối hợp công tác.

Phát biểu tại Lễ ký kết, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cảm ơn sự tin tưởng và sẵn sàng hợp tác của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Thời gian qua, hai cơ quan đã có điều kiện tìm hiểu, xem xét cân nhắc kỹ các nội dung hợp tác. Việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai cơ quan dựa trên thế mạnh, chức năng nhiệm vụ của mỗi bên, trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Học viện có lợi trong việc chia sẻ các nhiệm vụ chính trị với một cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội lớn, có uy tín, chia sẻ trong mọi hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển của mỗi Bên. Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cam kết thực hiện nghiêm túc các nội dung hợp tác, cụ thể hóa thỏa thuận hợp tác bằng các đề án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cụ thể để hai Bên hợp tác có hiệu quả.

Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng phát biểu nhấn mạnh: việc ký kết thỏa thuận hợp tác là bước đi thể chế hóa quan trọng đối với quan hệ hợp tác giữa hai Bên đã có truyền thống từ lâu, hình thành khung hợp tác để các đơn vị trực thuộc triển khai các nhiệm vụ hợp tác cụ thể, có hiệu quả. Hai cơ quan có nhiều điểm tương đồng, đó là cùng là các cơ quan nghiên cứu tầm chiến lược, có nhiệm vụ đóng góp vào quá trình xây dựng chiến lược, qui hoạch và kế hoạch phát triển KTXH của đất nước; đào tạo cán bộ cấp chiến lược và nguồn nhân lực KHXH cho cả nước. Hai Bên cùng phối hợp với nhau trên nhiều nhiệm vụ quan trọng như Tổng kết 30 năm đổi mới phát triển KTXH; tham gia đào tạo các lớp dự nguồn; tham gia tổ chức các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cao cấp và đào tạo chuyên môn về KHXH&NV. Hai Bên cùng hướng tới mở rộng quan hệ hợp tác trong các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị cao cấp cho lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm, cũng như trong các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao. Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam coi sự kiện ký kết thỏa thuận hợp tác với Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh là bước khởi động mới hết sức quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược mà Đảng và Nhà nước giao cho hai cơ quan./.

 

TS. Vũ Hùng Cường

In trang Chia sẻ

Tin khác