Lễ Kỷ niệm 94 năm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2024)

17:00 18/10/2024
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Thực hiện Chương trình hoạt động năm 2024, sáng ngày 18/10/2024, tại Hội trường lớn, trụ sở 1B Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 94 năm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2024) và nói chuyên chuyên đề về “Vai trò, vị thế của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử, gia đình và chuyển đổi số”do TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội thuyết trình. Buổi lễ diễn ra đã thu hút sự quan tâm tham dự của đại diện Ban Lãnh đạo Viện Hàn lâm; các đồng chí đại diện Ban Thường vụ Đảng ủy; Tổ chức Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; các đồng chí Ủy viên Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Viện Hàn lâm và các đơn vị thuộc và trực thuộc và đông đảo nữ viên chức và người lao động đang công tác tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm.

PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm đã trân trọng gửi lời cảm ơn tới những đóng góp của các đồng chí là lao động nữ tại Viện Hàn lâm trong suốt thời gian qua và khẳng định lao động nữ là nguồn lực trụ cột, góp phần vào sự phát triển bền vững của <br/> Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm đã trân trọng gửi lời cảm ơn tới những đóng góp của các đồng chí là lao động nữ tại Viện Hàn lâm trong suốt thời gian qua và bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, các cán bộ nữ sẽ tiếp tục là nguồn lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững của Viện Hàn lâm, có đóng góp hiệu quả vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị bản sắc của dân tộc và phát huy những phẩm chất đạo đức tốt đẹp tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới đó là “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”. Chúc toàn thể cán bộ nữ và gia đình luôn có nhiều niềm vui, hạnh phúc, giữ mãi được ngọn lửa say mê nghiên cứu khoa học, tình yêu và niềm tin vào chặng đường phát triển mới của Viện Hàn lâm trong giai đoạn tới.

PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội kiêm Phó Trưởng ban Ban Vì sự Tiến bộ phụ nữ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các tổ chức đoàn thể tại buổi Lễ

Thay mặt cho nữ viên chức, người lao động Viện Hàn lâm, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi đã phát biểu cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng ủy, lãnh đạo Viện Hàn lâm và các tổ chức vì đã quan tâm đến sự phát triển của cán bộ nữ và chia sẻ: Cũng giống như ý kiến phát biểu của Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, PGS.TS. Tạ Minh Tuấn đã khẳng định: Phụ nữ Viện Hàn lâm đang đóng vai trò là lực lượng lao động đa số, khẳng định được sự đóng góp cả về học hàm, học vị, nghiên cứu khoa học, đào tạo, tư vấn chính sách, tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế, xuất bản trong nước và quốc tế, tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý, nhiều nhà nữ khoa học đã và đang ngày càng khẳng định được vị thế chuyên gia của mình trong các lĩnh vực nghiên cứu chuyên môn sâu.

Năm 2023, Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Viện Hàn lâm đã tiến hành cuộc khảo sát với hơn 800 viên chức về các khía cạnh liên quan đến kinh tế, việc làm, trong đó có 600 nữ viên chức. Kết quả khảo sát cho thấy, ngoài những mặt mạnh đã được khẳng định, hiện nay, tỷ lệ nữ viên chức có học hàm, học vị vẫn còn thấp hơn so với nam viên chức, mức độ đại diện trong các vị trí lãnh đạo cấp Vụ, Viện và các cấp ủy vẫn còn đang thấp hơn so với nam giới,… đặc biệt là thu nhập trung bình của nữ viên chức, người lao động ở Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam hiện nay đang thấp hơn viên chức nam khoảng 1 triệu đồng/tháng. Vượt lên trên những khó khăn chung bởi viên chức nữ, người lao động Viện Hàn lâm cũng như bao phụ nữ khác đều đang gánh trên vai những trách nhiệm liên quan đến gia đình và xã hội, hiện nay số con trung bình của Viện Hàn lâm đang ở mức trung bình 1,7 con/người, thấp hơn so với trung bình trung của cả nước khoảng 1,96 con/người, những công việc liên quan đến chăm sóc con cái và gia đình, chủ yếu vẫn là người vợ đảm nhiệm chính; Nếu như so sánh sự nghiệp của nam giới là một con đường khá liên tục thì với người phụ nữ con đường đó còn bao gồm những khúc dừng, khúc quanh, như là thời gian sinh con, thời gian chăm sóc và cả những lực kéo liên quan đến định kiến giới cho rằng “phụ nữ nên hay không nên, có thể hay không thể làm những việc này, việc kia, hay là những tiêu chuẩn kép khác. Qua những chia sẻ trên PGS.TS. Trần Thị Minh Thi cho rằng học vị, học hàm, hay những vị trí ngang bằng với nam giới đối với phụ nữ là một sự nỗ lực hơn rất nhiều, con đường phấn đấu của phụ nữ sẽ thuận lợi và hạnh phúc hơn khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, động viên và ghi nhận và bảo vệ kịp thời để viên chức nữ có được môi trường làm việc thuận lợi, công bằng, nhân văn. Phụ nữ Viện Hàn lâm sẽ luôn ghi nhớ và phấn đấu để luôn xứng đáng với 8 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng cho Phụ nữ Việt Nam đó là: Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang. Sự quan tâm của Ban Lãnh đạo Viện Hàn lâm cũng như các tổ chức đoàn thể ngày hôm nay đã một lần nữa khẳng định và giúp cho viên chức nữ Viện Hàn lâm thấy yên tâm, hạnh phúc và gắn bó hơn trên con đường đã chọn, phấn đấu, nỗ lực góp phần vào sự phát triển chung, vì một Viện Hàn lâm với vị thế và tầm cao mới trong giai đoạn tới.

TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày chuyên đề tại buổi Lễ

Trong không khí trang trọng của buổi lễ, TS. Bùi Sỹ Lợi đã có cuộc nói chuyện chuyên đề về “Vai trò, vị thế của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử, gia đình và chuyển đổi số”. Thông qua các nội dung trình bày có liên quan đến: Vai trò và vị thế của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử và gia đình và vấn đề phát huy vai trò của phụ nữ trong bối cảnh chuyển đổi số, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng phụ nữ Việt Nam đang ngày càng có nhiều cơ hội và điều kiện thể hiện vai trò quan trọng của mình trong thực tiễn đổi mới của đất nước; phụ nữ có thể tiếp cận những công nghệ mới, để giảm bớt áp lực công việc và việc làm; có thêm điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực cũng như cơ hội phát triển nghề nghiệp bằng cách tham gia vào nhiều công việc khác nhau nhờ ứng dụng công nghệ thông tin. Điều này, giúp cho phụ nữ có tiếng nói hơn trong công việc, tạo sự ảnh hưởng đến tiến trình phát triển trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh việc làm rõ những thách thức mà phụ nữ phải đối mặt có liên quan tới: việc thiếu kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số; đứng trước các rào cản về tư duy, quan điểm, các chuẩn mực xã hội và định kiên giới; sự thiếu hụt trong các quy định, chính sách đột phá để phát huy vai trò của phụ nữ trong chuyển đổi số và nguy cơ mất việc làm ở một số ngành nghề có tính chất đặc thù như: dệt may, da giầy, chế biến hải sản...; TS. Bùi Sỹ Lợi đã đưa ra một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong bối cảnh chuyển đổi số như: Hoàn thiện thể chế, chính sách, lồng ghép bình đẳng giới trong thực thi văn bản quy phạm pháp luật; hỗ trợ giúp phụ nữ khởi nghiệp trong các lĩnh vực: thương mại điện tử, quảng bá sản phẩm, phát triển kinh tế số; Phụ nữ cần trang bị kiến thức, kỹ năng, tích cực học hỏi về công nghệ, ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn chuyển đổi số; Tăng cường tuyên truyền về chuyển đổi số, CMCN4.0, nâng cao nhận thức, xóa bỏ khuân mẫu giới trong chương trình giảng dạy, định hướng nghề nghiệp, tăng cường giáo dục có chất lượng cho phụ nữ; Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phụ nữ, giảm khoảng cách giới (vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn); Chú trọng các công tác cán bộ nữ theo hướng hiện đại, đáp ứng các nhiệm vụ trong tình hình mới, quy hoạch, tạo điều kiện... để phát huy tinh thần làm chủ, khả năng sáng tạo của phụ nữ./.

Sau đây là một số hình ảnh tại Lễ Kỷ niệm:

PGS.TS.Tạ Minh Tuấn đại diện Ban lãnh đạo Viện Hàn lâm tặng hoa tri ân cán bộ nữ tại buổi Lễ

PGS.TS. Võ Xuân Vinh, đại diện Tổ chức Công đoàn Viện Hàn lâm tặng hoa tri ân cán bộ, lao động nữ tại buổi Lễ

Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại buổi Lễ

Toàn cảnh buổi lễ

Biểu diễn văn nghệ tại buổi Lễ

Thời Trân

In trang Chia sẻ

Tin khác