Hội thảo đã thu hút sự quan tâm theo dõi và tham dự của nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia đến từ các trường Đại học, Viện nghiên cứu quốc tế có uy tín như: Đại học Bách khoa Hồng Kông; Viện Nghiên cứu Văn Triết Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan; Đại học Văn hoá Trung Quốc; Đại học Tứ Xuyên; Đại học Quốc lập Thành công; Đại học Ngôn ngữ và Văn minh Paris; Đại học Bang Pennsylvania; Đại học Brandeis; Đại học Sorbonne; cùng nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia đến từ các trường Đại học, Viện nghiên cứu, tổ chức ở Việt Nam gồm: Trường Đại học KHXH&NV, Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Khoa học thuộc Đại học Huế; Trường Đại học Quy Nhơn; Phân viện Văn hoá, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch miền Trung; Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Đại học Thăng Long; Ban Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam huyện Ba Vì, Hà Nội; Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L; một số đơn vị nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam như Viện Nghiên cứu Hán Nôm; Viện Triết học; Viện Dân tộc học và Tôn giáo học; Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Thông tin) cùng một số đơn vị truyền thông trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đến đưa tin về Hội thảo.
PGS.TS. Tạ Minh Tuấn đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo nhân dịp hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập Viện Thông tin Khoa học xã hội (8/5/1975-8/5/2025)
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm nhiệt liệt chúc mừng sự hiện diện của các đại biểu, khách quý trong và ngoài nước đã có mặt tham dự Hội thảo. Phó Chủ tịch Tạ Minh Tuấn cho biết: Từ những ngày đầu thành lập cách đây 72 năm, Viện Hàn lâm đã đề cao công tác sưu tầm, lưu trữ, bảo quản và gần đây nhất là vấn đề số hóa tư liệu để tăng cường năng lực phục vụ độc giả trong nước và quốc tế. Hệ thống các thư viện thuộc Viện Hàn lâm hiện đang quản lý nhiều bộ sưu tập tư liệu quý hiếm bằng các ngôn ngữ khác nhau, trong đó có kho tư liệu Hán Nôm. Vì vậy, sáng kiến kết nối giữa Viện Thông tin với Viện Nghiên cứu Văn Triết Trung Quốc (thuộc Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan), Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viện Triết học (thuộc Viện Hàn lâm) để tổ chức Hội thảo quốc tế “Tư liệu Hán Nôm: sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu và khai thác” là một sự kiện rất có ý nghĩa; là một trong những sự kiện quan trọng trong chuỗi các hoạt động trọng điểm hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Viện Thông tin Khoa học xã hội (8/5/1975-8/5/2025).
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm nhận định: mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực xong công tác sưu tầm, bảo quản, phiên dịch, phiên âm và giám định các văn bản Hán Nôm vẫn còn đối mặt với nhiều hạn chế; nhiều tư liệu đối diện nghiêm trọng với nguy cơ dần bị hỏng, không thể lưu truyền lại được cho các thế hệ tương lai nếu như ngay từ bây giờ các cơ quan nghiên cứu, các đơn vị lưu trữ không có các biện pháp mạnh mẽ và kịp thời để sưu tầm, bảo quản, khai thác và phát huy các giá trị to lớn của nguồn tư liệu này. Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm mong rằng, qua Hội thảo, Viện Hàn lâm sẽ tập hợp được lực lượng cán bộ nghiên cứu, chuyên gia quốc tế và Việt Nam có đam mê và hiểu biết về tư liệu Hán Nôm để cùng hợp tác, mở rộng mạng lưới sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, khai thác và phát huy kho tư liệu quý hiếm này, góp phần gìn giữ những giá trị lịch sử và văn hóa của dân tộc cũng như truyền bá tri thức cho xã hội.
PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin phát biểu đề dẫn Hội thảo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin chia sẻ: Năm 1954, khi trụ sở chính của trường Viễn Đông Bác cổ (EFEO, Pháp) chuyển vào Sài Gòn, nay là thành phố Hồ Chí Minh, các tài liệu Hán Nôm cùng với các tài liệu Trung Quốc cổ và Nhật Bản cổ do các thành viên EFEO sưu tầm được để lại ở Hà Nội và sau đó được bàn giao cho Thư viện Khoa học xã hội lữu giữ, quản lý. Năm 1980, sau khi Viện Nghiên cứu Hán Nôm thành lập, phần lớn các sách Hán Nôm (khoảng hơn 16.000 quyển) đã được Viện Thông tin bàn giao cho Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Hiện nay, Thư viện Viện Thông tin còn lưu trữ khoảng 7.029 đơn vị tài liệu gồm: các loại thần tích thần sắc, hương ước, thống kê thần sắc và một số tài liệu Hán Nôm chưa đăng ký. Trong đó, kho thần sắc Hán Nôm và kho Hương ước Hán Nôm là những kho tư liệu có lượng độc giả tra cứu nhiều nhất, chiếm 50% lượng độc giả đến Thư viện hàng năm.
Toàn cảnh Hội thảo
Theo đánh giá của các chuyên gia về giá trị tư liệu, hiện vật và giá trị lưu trữ, kho tư liệu Hán Nôm của Thư viện Khoa học xã hội có giá trị cao về độ phong phú về chủng loại tư liệu, là một bộ sưu tập thư tịch cổ với đa phần là các văn bản có niên đại gần 100 năm, được đánh giá là một trong những bộ sưu tập lớn nhất ở Việt Nam, chứa đựng nhiều tài liệu mà ở nơi khác không thể có (giá trị độc bản). Với mong muốn đưa kho tư liệu Hán Nôm đến gần hơn với đời sống đương đại, phục vụ công tác nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn cũng như mở rộng khả năng kết nối các cơ sở dữ liệu về tư liệu Hán Nôm đang được lưu trữ ở nhiều nơi trên thế giới, nâng cao khả năng khai thác, quảng bá tư liệu Hán Nôm, Viện trưởng 4 cơ quan là Viện Thông tin, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm và Viện Nghiên cứu Văn Triết Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan đã thống nhất chủ trương tổ chức chuỗi hội thảo quốc tế thường niên về tư liệu Hán Nôm luân phiên giữa 4 cơ quan, ưu tiên Viện Thông tin đăng cai tổ chức hội thảo đầu tiên để chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Viện Thông tin Khoa học xã hội (8/5/1975-8/5/2025).
GS.TS. Huang Kuan-min, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn Triết Trung Quốc phát biểu tham luận tại Hội thảo
Hội thảo đã nhận được gần 40 bài viết của các nhà nghiên cứu, học giả, chuyên gia ở Việt Nam và quốc tế. Dựa trên sự đa dạng của các tham luận, Ban tổ chức Hội thảo đã nghiên cứu các bản thảo, phân chia theo các phiên gồm: Phiên toàn thể do PGS.TS. Vũ Hùng Cường, GS.TS. Huang Kuan-min (Viện Nghiên cứu Văn Triết Trung Quốc) và PGS.TS. Hang Xing (Đại học Bách Khoa Hồng Kông) đồng chủ trì; Phiên “Nghiên cứu tư liệu Nho giáo và lịch sử - địa lý” do PGS.TS. Trần Thị Minh Thi (Viện Thông tin), PGS.TS. Nguyễn Tài Đông (Viện Triết học) và TS. Liu Po-hung (Viện Nghiên cứu Văn Triết Trung Quốc) đồng chủ trì; Phiên “Sưu tầm, bảo quản và khai thác tư liệu Hán Nôm (do PGS.TS. Lê Hải Đăng (Viện Thông tin), TS. Phan Thị Thu Hiền (Trường Đại học KHXH&NV) và ông Hoàng Dũng (Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L đồng chủ trì được tổ chức song song vào buổi sáng; Phiên “Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm Phật giáo và Đạo giáo do TS. Nguyễn Tô Lan (Viện Triết học), TS. Sun Ruixue (Đại học Tứ Xuyên) và PGS.TS. Kathlene Baldanza (Đại học Bang Pennsylvania) đồng chủ trì; Phiên “Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm tục lệ, thần tích – thần sắc, văn bia và văn học” do PGS.TS. Nguyễn Tuấn Cường (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), TS. Chuang Chiu - Chun (Đại học Thăng Long) và PGS.TS. Nguyễn Thanh Tùng (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đồng chủ trì được tổ chức song song vào buổi chiều để tối đa hoá cơ hội cho các nhà nghiên cứu trình bày tham luận và trao đổi tại Hội thảo.
Ông Hoàng Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L khẳng định tính cấp thiết của việc xây dựng cơ sở dữ liệu và bảo vệ bản quyền tư liệu Hán Nôm trên môi trường Internet
Với các tham luận được trình bày tại 5 phiên thảo luận, Hội thảo đã thực sự trở thành diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu có cơ hội trao đổi sâu về giá trị của các tư liệu Hán Nôm qua các khía cạnh tiếp cận đa chiều, góp phần tạo nên bức tranh đầy màu sắc về kho tư liệu Hán Nôm cổ được lưu trữ tại Thư viện Khoa học xã hội của Viện Thông tin và nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Các tham luận dù ở chiều cạnh khai thác khái quát hoặc đi sâu vào nghiên cứu giá trị của một cuốn sách, một bộ sách hay là nghiên cứu so sánh, đối chiếu với các văn bản được lưu trữ ở nhiều nơi khác nhau, đều cho thấy giá trị to lớn của việc khai thác, so sánh, đối chiếu, bổ sung, nhất là khả năng liên kết của các cơ sở dữ liệu lưu trữ ở các nơi khác nhau trên thế giới để bổ sung, làm giàu kho tư liệu này là rất lớn.
Chia sẻ về khả năng khai thác và bảo vệ bản quyền tư liệu Hán Nôm trên môi trường Internet, ông Hoàng Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L nhấn mạnh: Tư liệu Hán Nôm là di sản văn hóa quý báu của Việt Nam, mang giá trị lịch sử, văn học và tri thức độc đáo. Trong thời đại chuyển đổi số, bảo vệ bản quyền tư liệu Hán Nôm trên môi trường Internet là nhiệm vụ cấp thiết nhằm đảm bảo quyền lợi của các tổ chức, cá nhân lưu trữ, số hóa và duy trì tính toàn vẹn của tài liệu. Đồng thời, với tiềm năng lớn trong nghiên cứu, giáo dục và quảng bá văn hóa, việc khai thác hiệu quả tư liệu này trên các nền tảng số là rất cần thiết hướng tới việc tiếp cận công chúng toàn cầu.
Ông Lê Đình Hùng, Phân Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch miền Trung trình bày tham luận tại Hội thảo
Chia sẻ về hướng nghiên cứu và khai thác tài liệu Hán Nôm viết về địa lý phong thủy Việt Nam, ông Lê Đình Hùng, Phân Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch miền Trung cho biết: Học thuyết về địa lý, phong thủy hình thành và phát triển từ Trung Quốc được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Ngoài những thư tịch được lưu truyền vào Việt Nam qua các triều đại được người Việt tiếp nhận vận dụng vào thực tiễn còn có những tác phẩm được người Việt trước tác lưu truyền cho đến hậu thế. Đây là nguồn tư liệu quý, chủ yếu viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, hiện đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thư viện Quốc gia Việt Nam… và trong các gia đình, dòng họ với số lượng tương đối lớn, nội dung phong phú và đa dạng về thể tài, thể hiện các vấn đề liên quan đến địa lý – phong thủy. Song, trong đời sống đương đại chúng chưa được các nhà nghiên cứu khai thác, biên dịch, chú giải một cách đầy đủ. Vì vậy, việc tiếp cận để tìm ra các hướng nghiên cứu khai thác nguồn tài liệu này là rất khả thi và cần thiết nhằm bảo tồn, lưu trữ và phát triển giá trị của nguồn tư liệu này trong đời sống hiện nay.
TS. Nguyễn Tô Lan, Viện Triết học trình bày tham luận tại Hội thảo
Đánh giá bối cảnh lưu trữ và quản lý tư liệu Hán Nôm tại các đơn vị công lập ở Việt Nam hiện nay, TS. Nguyễn Tô Lan, Viện Triết học chia sẻ: Thư viện Khoa học xã hội của Viện Thông tin là một trong những đơn vị công lập được giao quản lý một hệ thống các loại hình tài liệu Hán Nôm bao gồm thần tích, thần sắc, hương ước, sắc phong và sách Hán Nôm. Trong đó, sưu tầm sách Hán Nôm được hình thành từ hai nguồn chính là thừa tiếp phần còn lại của Viện Viễn Đông Bác Cổ, Pháp sau khi chuyển giao phần lớn cho Viện Nghiên cứu Hán Nôm và sách do GS. Nguyễn Sĩ Lâm biếu tặng sau này. Tổng cộng cả hai nguồn lên tới khoảng 3.500 cuốn. Đây là kho tư liệu rất lớn và quý hiếm không chỉ của riêng Viện Thông tin mà còn là trên cả nước và quốc tế. Vì vậy, rất cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa đối với công tác nghiên cứu, khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị của nguồn tư liệu này, nhất là trong bối cảnh Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số.
Ths. Nguyễn Thị Minh Trung, Viện Thông tin Khoa học xã hội trình bày tham luận tại Hội thảo
Trao đổi về triển vọng của việc phát triển, bảo tồn tài liệu Hán Nôm trên môi trường số, Ths. Nguyễn Thị Minh Trung, Viện Thông tin cho rằng: Bằng việc duy trì các mối quan hệ truyền thống, tăng cường tìm hiểu và tích cực mở rộng với các đối tác trong nước và quốc tế, Thư viện Khoa học xã hội của Viện Thông tin đang không ngừng nỗ lực kết nối và kêu gọi các tổ chức trong việc bổ sung, sưu tầm, nghiên cứu các nguồn tư liệu quý hiếm; đồng thời đẩy mạnh tiến độ số hóa phim kính, nhân bản kho micro phim và đang xây dựng dự án bảo quản và số hóa kho phim kính âm bản với sự hỗ trợ của UNESCO và Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Dự án được triển khai thực hiện sẽ mở ra cơ hội để Thư viện Khoa học xã hội của Viện Thông tin có thêm một kho tư liệu cổ, quý hiếm được đưa vào khai thác, nâng cao năng lực bảo tồn, lưu trữ phục vụ công tác nghiên cứu và truyền bá văn hóa tài liệu quý hiếm tại Việt Nam.
Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Có thể nhận thấy, với nguồn thông tin lớn được trao đổi, thảo luận, Hội thảo đã thực sự trở thành diễn đàn học thuật để các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên các trường đại học trong nước và quốc tế được trao đổi trực tiếp những vấn đề liên quan đến việc phát huy và bảo tồn giá trị của nguồn tài liệu quý hiếm này trong đời sống đương đại, tìm kiếm các giải pháp liên kết, bổ sung, hướng tới việc làm giàu nguồn tài liệu Hán Nôm trên môi trường Internet, góp phần mở rộng cơ hội hợp tác, mạng lưới sưu tầm, gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc cho các thế hệ tương lai./.