Trần Minh Hằng & Lương Thị Minh Ngọc*
Khái niệm về nhân học y tế
Nhân học y tế là một chuyên ngành nhân học nghiên cứu về các vấn đề sức khoẻ, nhất là ốm đau, bệnh tật và các hệ thống chữa trị của con người trong bối cảnh văn hoá và xã hội cụ thể (Vivanco 2018, 597). Nhân học y tế cũng tìm hiểu sự khác biệt về quan niệm và lý giải nguyên nhân của sự đau ốm, phương pháp chữa trị bệnh của các cộng đồng khác nhau. Bằng cách đó, nhân học y tế đã và đang có vai trò quan trọng trong nghiên cứu về sức khỏe con người và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành Nhân học nói chung.
Trên thực tế, niềm tin và các thực hành chăm sóc sức khoẻ của các nền văn hoá rất đa dạng và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như kinh tế, xã hội, lịch sử, tôn giáo, chính trị, v.v. Nói cách khác, nhận thức và hành vi liên quan đến sức khoẻ con người đều gắn với sự thay đổi về sinh học, tâm lý và xã hội trong đời sống của một cộng đồng người nhất định. Nhân học y tế áp dụng các lý thuyết và phương pháp nghiên cứu nhân học nhằm giải thích quan điểm và hành vi liên quan đến sức khỏe của cộng đồng được nghiên cứu.
Một trong những vấn đề trọng tâm trong nghiên cứu nhân học y tế là sự phân định giữa hai khái niệm ốm đau và bệnh tật. Khái niệm bệnh tật (disease) đề cập đến tình trạng sức khỏe dựa trên ý kiến của nhà chuyên môn y học với các lý giải mang tính khoa học và các đo lường khách quan. Theo quan điểm y học, nguyên nhân chủ yếu của bệnh tật là do các rối loạn thể chất/sinh lý, các yếu tố xã hội và tâm lý chỉ đóng vai trò thứ yếu. Khái niệm ốm đau (illness) đề cập đến quan điểm của bản thân người bệnh về sức khỏe của họ (Kleinman 1980). Theo quan điểm này, ốm đau không chỉ là vấn đề sinh lý đơn thuần mà còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như nghèo đói, các mối quan hệ xã hội, ảnh hưởng của phong tục, tập quán hay tín ngưỡng… Nghiên cứu nhân học y tế luôn chú ý phân biệt giữa quan điểm của người trong cuộc cùng những cảm nhận của họ về ốm đau và việc đo lường các rối loạn thể chất/ sinh lý của người ngoài cuộc về một loại bệnh tật cụ thể nào đó. Một ví dụ khá sinh động về sự khác biệt quan điểm của người dân và các nhà chuyên môn đối với bệnh đau mắt đỏ trước đây ở nhiều làng quê Việt Nam được thể hiện qua câu ca dao “Đau mắt là tại hướng đình. Cả làng đau mắt chứ mình em đâu”. Hiện tượng đau mắt đỏ có nguyên nhân chủ yếu từ vấn đề vệ sinh môi trường và nguồn nước không được đảm bảo. Tuy nhiên, đau mắt đỏ diễn ra khá phổ biến ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam khiến cho người dân quan niệm rằng hiện tượng này liên quan đến hướng đình của làng họ! Nghiên cứu cảm nhận của đối tượng về ốm đau trong bối cảnh cuộc sống cụ thể giúp nhà nghiên cứu hiểu thêm và lý giải thấu đáo các thực hành liên quan đến sức khỏe của con người (Mogensen và cộng sự 2004).
Trên thế giới, có rất nhiều hệ thống y tế khác nhau. Ở nhiều nơi, người ta có xu hướng cho rằng y học chỉ bao gồm nền y học “phương Tây”. Tuy nhiên, hệ thống y tế có thể tồn tại song song nhiều nền y học khác nhau, hay còn gọi là đa nguyên y học (Foster 1976). Nhà nhân học Arthur Kleinman (1980) đã giới thiệu mô hình khu vực như là một công cụ để tìm hiểu về hoạt động của hệ thống y tế. Theo ông, nghiên cứu hệ thống y tế phải xem xét ba khu vực khác nhau, đó là: khu vực chuyên môn, khu vực dân gian, và khu vực phổ thông.
- Khu vực chuyên môn bao gồm các chuyên gia y học. Ở Việt Nam, khu vực chuyên môn bao gồm cả người hành nghề Tây y và Đông y, hai nhóm này đều được chuyên nghiệp hóa. Khu vực này được tổ chức một cách chính thống và được công nhận về pháp luật. Chỉ những người được đào tạo đầy đủ theo yêu cầu và thuộc tổ chức nào đó mới được phép hành nghề.
- Khu vực dân gian bao gồm các thầy lang, thầy cúng, bà đỡ dân gian…, họ không thuộc hệ thống y tế chính thống. Khu vực này khá phát triển ở hầu hết các tộc người thiểu số ở Việt Nam. Ví dụ, khi phụ nữ người Dao chuẩn bị sinh con (chuyển dạ), gia đình thường mời bà đỡ trong thôn bản đến giúp sản phụ sinh đẻ. Nếu gặp trường hợp khó đẻ, người Dao mời thầy cúng đến nhà làm lễ yiển xây cú (cúng cho dễ đẻ). Theo nghi lễ này, người chồng lấy ba cây cỏ tranh đưa cho thầy cúng cắm vào bát gạo có ba nén hương và cầu khấn cho sản phụ dễ đẻ. Người Dao cũng rất ưa chuộng các loại thảo dược khi ốm đau hoặc bồi bổ sức khỏe cho sản phụ và các thành viên trong gia đình (Phạm Quang Hoan và Hùng Đình Quý 1999).
- Khu vực phổ thông đại chúng là khu vực của người dân. Khu vực này chiếm phần lớn nhất trong bất kỳ hệ thống chăm sóc sức khỏe nào. Đây chính là khu vực diễn ra hầu hết các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Các ví dụ về việc thực hành y tế trong khu vực này bao gồm: kiêng kỵ trong mang thai và sinh đẻ, tự chữa bệnh bằng những kinh nghiệm cá nhân… Một trong những quan niệm phổ biến của người Việt về sự cân bằng cơ thể dựa trên thuyết âm - dương. Theo quan niệm này, phụ nữ mang thai được coi là cơ thể lạnh vì thế cần bổ sung các loại thực phẩm mang tính nóng như gừng, ớt, thịt gà; kiêng những thực phẩm có tính lạnh (hàn) như rau cải, thịt trâu, thịt vịt... Bên cạnh đó, rất nhiều kinh nghiệm cá nhân được áp dụng trong chăm sóc sức khỏe hàng ngày như: xông hơi khi bị cảm lạnh, uống nước gạo rang với đường và muối khi bị tiêu chảy, ngậm chanh ngâm mật ong khi bị viêm họng…
Lịch sử phát triển và cơ sở lý luận của nghiên cứu nhân học y tế
Về lịch sử phát triển: Nhìn lại những thành tựu của nhân học y tế, chúng ta có thể thấy chuyên ngành này phát triển rất nhanh chóng. Trong những năm 1930 đã có nhiều nhà nhân học làm việc cho các chương trình y tế, giáo dục tại các khu vực thuộc địa ở châu Á và châu Phi với mục đích bảo vệ sức khoẻ cho những người đại diện nhà nước đô hộ Anh và Pháp. Vào những năm 1940, những chuyên gia sức khoẻ cộng đồng hy vọng rằng người dân ở các nước nghèo sẽ chấp nhận những can thiệp y tế với những can thiệp bằng quyền lực của các nước xâm chiếm thuộc địa. Tuy nhiên, những nỗ lực này đã thất bại. Sau đó, họ đã nhờ đến sự trợ giúp của các nhà nhân học để có thể hiểu thấu đáo những tri thức địa phương về chăm sóc sức khoẻ. Cho đến những năm 1950, các nhà nhân học y tế ứng dụng đã tập trung nghiên cứu vào lĩnh vực sức khoẻ quốc tế để xác định các “rào cản văn hoá” trong các chiến dịch nâng cao sức khoẻ và thiết kế các chương trình sức khỏe phù hợp với người dân địa phương. Trong những năm 1960, các khu công nghiệp và đô thị trở thành tiêu điểm của nhiều chương trình phát triển. Vào thời điểm đó, các nhà nhân học tập trung vào các chương trình phát triển cộng đồng và nông thôn, rất ít người tham gia vào các dự án phát triển. Một số nhà nhân học y tế có những phê phán rất mạnh mẽ đối với các chương trình phát triển trên cả phương diện phát triển kinh tế và công nghệ. Cũng tại thời điểm đó, phong trào chăm sóc sức khoẻ ban đầu với sự tham gia của cộng đồng dựa trên những khái niệm về quyền lực đã khuyến khích các nhà nhân học y tế tham gia thiết kế, thực hiện và đánh giá chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Sự đóng góp của các nhà nhân học trong lĩnh vực phát triển ngày càng tăng thêm bởi sự phát triển của các lý thuyết và phương pháp nhân học. Những nghiên cứu về tác động đối với những nhóm đối tượng nghèo bị coi là ngoài lề xã hội trong các quyết định về sức khoẻ và các chính sách xã hội đã được khởi xướng trong giai đoạn này. Đến những năm 1980, phương pháp lấy người dân làm trung tâm và cách tiếp cận có sự tham gia của người dân được coi là chìa khoá thành công trong các chương trình phát triển. Quyền con người và bất bình đẳng giới là những chủ đề được đặc biệt quan tâm. Trong những năm 1990, nhân học y tế mang tính phê phán đã bắt đầu hướng tới các quá trình kinh tế - xã hội và chính trị để tìm hiểu “ốm đau và bệnh tật là biểu hiện của quyền lực trong xã hội” (Farmer & Good 1991, trích dẫn từ Castro and Farmer 2004). Những năm đầu thế kỷ XXI là những năm mà nhân học y tế mang tính phê phán hướng đến nhiều lĩnh vực liên quan đến các vấn đề sức khoẻ và chăm sóc sức khoẻ như sức khoẻ tâm thần, các chất gây nghiện, hút thuốc lá, AIDS, vô gia cư, tái sinh sản, y học cổ truyền, chăm sóc trẻ sơ sinh, tử vong trẻ, đái tháo đường, tiêm chủng, dinh dưỡng, chính sách y tế, bất bình đẳng trong chăm sóc sức khoẻ, công nghiệp dược, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ nông thôn, mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân, vai trò của nhà nước trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu…
Về tiếp cận lý thuyết: Nhân học y tế có tính liên ngành cao, sử dụng các quan điểm lý thuyết đa dạng. Đầu thế kỷ XX, các nghiên cứu về sự ốm đau và chữa bệnh ở các xã hội có quy mô nhỏ và bên ngoài châu Âu có sử dụng lý thuyết duy lý và quan điểm hiện tượng học. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện các nghiên cứu về sức khoẻ cộng đồng, truyền thống y tế xã hội của Đức và các hệ thống y học ở châu Á. Sau thời gian này, xu hướng nhân học y tế diễn giải được phát triển mạnh. Trong đó, các nhà nghiên cứu quan tâm đến việc tìm hiểu ý nghĩa và tính biểu tượng của các trải nghiệm về ốm đau mà Kleinman gọi là so sánh các hệ thống y tế. Dựa trên lý thuyết diễn giải và hiện tượng học, nhân học y tế đã diễn giải các ý nghĩa, triệu chứng cũng như nhận thức và biểu hiện tâm lý của ốm đau ở con người. Đến những năm 1980, hậu cấu trúc luận và lối viết được lấy cảm hứng từ chủ nghĩa Mác đã ảnh hưởng sâu rộng đến nhân học y tế khi các nhà nghiên cứu tìm hiểu về các chủ đề đương thời như thảm họa hạt nhân, điều trị HIV, sức khoẻ di cư hay vấn đề bạo lực liên quan đến sức khỏe. Những năm tiếp theo, công nghệ sinh học có những ứng dụng mạnh mẽ trong chăm sóc sức khoẻ của con người. Vì vậy, nhân học y tế nghiên cứu sự tham gia của công nghệ sinh học liên quan đến sức khoẻ con người trong cuộc chiến chống đại dịch AIDS và nạn buôn bán trái phép các bộ phận cơ thể người trên thế giới. Tới những năm đầu của thế kỷ XXI, phong trào về bình đẳng và quyền chăm sóc sức khoẻ trỗi dậy mạnh mẽ. Dựa trên những quan sát tỉ mỉ về sức khoẻ cộng đồng, nhiều nhà nghiên cứu nhân học y tế đã kế thừa và phát triển quan điểm về y tế xã hội do Rudolf Virchow khởi xướng, coi y tế như một lĩnh vực ứng dụng, gắn với quyền con người và công bằng xã hội (Good et al. 2010, 1-6).
Về chủ đề nghiên cứu: Nhân học y tế ngày càng được mở rộng, bao gồm: bất bình đẳng trong chăm sóc sức khoẻ; sức khoẻ toàn cầu; đạo đức trong nghiên cứu y sinh học và ứng dụng công nghệ trong y học; y học tộc người; tổ chức xã hội của hệ thống y tế; chính sách và thực hành y tế trong điều kiện lịch sử và văn hoá; y tế trong bối cảnh hiện đại, xã hội thực dân và hậu thực dân; khác biệt trong việc sử dụng và khả năng của các nguồn lực chăm sóc sức khỏe thuộc nhà nước và tư nhân; vai trò của kinh tế chính trị trong việc phân phối dịch vụ chăm sóc sức khỏe; sự lan truyền bệnh tật; sinh thái chính trị của các bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh, tình trạng suy dinh dưỡng và bạo lực;… Nhân học y tế góp phần miêu tả, chuyển tải và đánh giá có tính phản biện các vấn đề về sức khoẻ, ốm đau và bệnh tật trong mối quan hệ với văn hoá, xã hội, chính trị, kinh tế và quá trình lịch sử. Những nghiên cứu trong nhân học y tế không dừng lại ở việc tìm hiểu mà còn khái quát, đề xuất các giải pháp phù hợp cho cộng đồng thụ hưởng.
Về phương pháp nghiên cứu: Nhân học y tế ứng dụng các lý thuyết và phương pháp nhân học để nghiên cứu các vấn đề về sức khoẻ, ốm đau, thuốc men và điều trị. Nhân học y tế dựa trên phương pháp kinh điển của Nhân học là khảo tả dân tộc học để thu thập dữ liệu và nghiên cứu về các vấn đề sức khoẻ, ốm đau, bệnh tật đặt trong bối cảnh văn hoá xã hội cụ thể. Tuy nhiên, để tìm hiểu về con người một cách toàn diện trên nhiều lĩnh vực, từ sinh học đến văn hóa, xã hội và chính trị, ngôn ngữ, tôn giáo… trong quá khứ cho đến hiện tại, nghiên cứu nhân học y tế sử dụng các cách tiếp cận liên ngành. Tiếp cận y sinh học (biomedical approach), tiếp cận y tế tộc người (ethnomedical approach), tiếp cận sinh thái học (ecological approach), tiếp cận phản biện (critical approach), và tiếp cận ứng dụng (applied approach) là một số hướng tiếp cận cơ bản được sử dụng trong nghiên cứu nhân học y tế.
Về địa bàn nghiên cứu: Với những đề tài phong phú, một nghiên cứu nhân học y tế có thể diễn ra ở bản làng của vùng miền núi hẻo lánh, khu vực nông thôn, hoặc các trung tâm đô thị náo nhiệt. Ở cấp độ bao quát hơn, một nghiên cứu nhân học về sức khoẻ có thể được tiến hành ở một quốc gia hoặc tại nhiều quốc gia để so sánh các trường hợp; thậm chí nhà nghiên cứu có thể thu thập thông tin trên môi trường mạng internet.
Tính liên ngành và khả năng ứng dụng
Trong bối cảnh hiện nay, y học đã phát triển nhanh với những thành tựu to lớn. Các kỹ thuật y học tiên tiến cùng với sự ra đời của các loại máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại và sự hỗ trợ của các loại thuốc chất lượng cao đã khiến nhiều người lạc quan tin rằng trong tương lai, mọi vấn đề về sức khỏe, bệnh tật sẽ được giải quyết một cách dễ dàng. Tuy nhiên, đến nay bệnh tật vẫn dường như có chiều hướng tăng lên, một số loại bệnh như lao phổi, sốt rét, tả, thương hàn… tưởng chừng đã được thanh toán nhưng bỗng nhiên quay trở lại. Kinh nghiệm của nhiều nước phát triển đã chỉ ra rằng, có tới trên 2/3 trường hợp bệnh tật không thể giải quyết bằng máy móc tối tân hay những loại thuốc hiện đại. Thay vào đó, y học cổ truyền và những phương pháp khác trên cơ sở từ các bộ môn y tế công cộng và khoa học xã hội và nhân văn như nhân học y tế lại có khả năng ph ng ngừa, điều trị một số bệnh mà không cần đến thuốc hay phẫu thuật. Với những lợi thế trong việc nghiên cứu văn hoá, nhân học y tế có tiềm năng quan trọng trong việc đóng góp cho những hiểu biết của cá nhân, cộng đồng và xã hội về vấn đề sức khỏe, các vấn đề đạo đức được hình thành bởi các chuẩn mực xã hội.
Trong những thập kỷ gần đây, nhân học y tế ứng dụng ngày càng có vai trò quan trọng. Các nhà nhân học y tế tham gia vào nhiều nghiên cứu ứng dụng trong các lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, tâm lý, giáo dục, dân số, dịch tễ học, môi trường… Kết quả từ nghiên cứu nhân học y tế đã góp phần đưa ra những gợi ý chính sách, những giải pháp phù hợp đối với nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe con người.
Ở Việt Nam, nghiên cứu nhân học y tế bắt đầu được quan tâm phát triển vào những năm 1980, khi một số nhà nhân học phương Tây và Bắc Mỹ thực hiện các nghiên cứu về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình để phục vụ cho các mục tiêu giảm sinh và nâng cao sức khỏe sinh sản của chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế như WHO, UNFPA, SIDA Thụy Điển, DANIDA... Một trong những nghiên cứu về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình điển hình là của Giáo sư Tine Gammeltoft làm việc ở Trường Đại học Copenhagen, Đan Mạch với tiêu đề Cơ thể phụ nữ và những lo lắng của họ: Sức khỏe và Kế hoạch hóa gia đình ở một cộng đồng ở nông thôn Việt Nam (Gammeltoft 1999). Bằng phương pháp điền dã dân tộc học được thực hiện bài bản ở một vùng nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ, tác giả đã tìm hiểu những trải nghiệm của phụ nữ về việc sử dụng và những tác dụng phụ của biện pháp kế hoạch hóa gia đình đối với sức khỏe của họ. Những trải nghiệm này được xem xét gắn với các hoạt động lao động và sinh hoạt hàng ngày trong bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị của địa phương và đất nước c n nhiều khó khăn sau chiến tranh. Sự hiểu biết sâu sắc từ nghiên cứu này giúp tác giả chỉ ra những suy nghĩ, trải nghiệm, và các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình ở nông thôn Việt Nam, góp phần vào những thành công của các chính sách và các chương trình chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình của Việt Nam – thành tựu này đã được thế giới ghi nhận bằng Giải thưởng Dân số do Liên hợp quốc trao tặng cho Việt Nam năm 1999.
Trong những thập kỷ tiếp theo, các nhà nhân học y tế cả trong và ngoài nước đã tiến hành nhiều nghiên cứu về y tế và các nghiên cứu liên ngành trong đó có vấn đề sức khỏe để phục vụ cho nhiều chương trình, dự án được triển khai từ các nguồn lực khác nhau. Giai đoạn này, cùng với xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa, những công nghệ tiên tiến của thế giới đã được ứng dụng trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam. Có nhiều câu hỏi về khía cạnh đạo đức xung quanh việc sử dụng những công nghệ này. Ví dụ, sự phát triển của siêu âm đã cho phép chẩn đoán về giải phẫu chi tiết sự phát triển của thai nhi, và mang đến nhiều tiến bộ trong chẩn đoán sản khoa. Một trong những tiến bộ đó là phát hiện dị tật thai nhi. Tuy nhiên, công nghệ này lại là công cụ để chẩn đoán giới tính thai nhi ngoài mục đích y học. Điều này dẫn đến sự mất cân bằng giới tính và phân biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái. Để tìm hiểu vấn đề này, có một số nghiên cứu đã được tiến hành như: Siêu âm và nạo phá thai khuyết tật ở Việt Nam (Gammeltoft 2001). Sự ưa thích con trai ở Việt Nam: Ước muốn thâm căn, công nghệ tiên tiến (UNFPA 2011), Nạo phá thai lựa chọn giới tính ở Việt Nam (Trần Minh Hằng 2018). Các nghiên cứu này đã chỉ ra rằng công nghệ mới tiên tiến mang lại những tiến bộ trong chăm sóc sản khoa song cũng dẫn đến những hậu quả trái chiều đối với các thai nhi nữ, thai nhi khuyết tật và tăng thêm sự phân biệt và bất bình đẳng giới thông qua việc xác định giới tính thai nhi.
Đối với các vấn đề sức khỏe hoặc liên quan đến sức khỏe mang tính thời sự như sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, sử dụng chất thải chăn nuôi trong nông nghiệp đã và đang được các nhà nhân học quan tâm. Những nghiên cứu này đã cập nhật được các vấn đề liên quan đến sức khỏe không chỉ bằng góc nhìn truyền thống của các nhà nông nghiệp, dịch tễ hay kinh tế. Những lý giải từ khía cạnh văn hóa như vấn đề đạo đức, tập quán trong chăn nuôi hay mạng lưới xã hội ảnh hưởng đến việc sử dụng kháng sinh đã được nghiên cứu và lý giải dưới góc nhìn nhân học (Trần Minh Hằng 2016; Trần Minh Hằng và cộng sự 2020).
Nhân học y tế ngày càng tham gia nghiên cứu nhiều hơn mọi mặt đời sống có liên quan đến sức khỏe và phản ứng nhanh nhạy hơn với những vấn đề thời sự của đất nước và quốc tế. Từ trải nghiệm Cuộc sống ở Hà Nội trong giai đoạn đại dịch virus Corona, Tiến sĩ Nguyễn Công Thảo (2020) đã cập nhật các thông tin về cuộc sống, giúp các nhà quản lý, các nhà chuyên môn có định hướng tiếp cận nhanh chóng, phù hợp với thực tiễn cuộc sống trong bối cảnh mới.
Ngoài ra, các nhà nhân học y tế còn tham gia làm tư vấn cho các chương trình, dự án, kể cả các chương trình, dự án hợp tác của các tổ chức quốc tế như UNDP, WHO, UNFPA, UNESCO,… Một số hướng dẫn về y tế, chăm sóc sức khỏe có sự tham gia của các nhà nhân học như: Hướng dẫn thúc đẩy bình đẳng giới và đa dạng văn hóa trong chăm sóc sức khỏe ban đầu tuyến y tế cơ sở (WHO 2019), 50 câu hỏi đáp về chất da cam/ dioxin (UNDP, Bộ Tài nguyên và Môi trường 2014),…
Tóm lại, nhân học y tế được đánh giá là một ngành có tính học thuật, song cũng mang tính ứng dụng cao phục vụ tốt cho đời sống xã hội hiện nay. Triển vọng nghề nghiệp của nhân học y tế khá đa dạng. Các nhà nhân học nghiên cứu về sức khoẻ có thể làm việc tại các trung tâm/ viện nghiên cứu, các trường đại học và các cơ sở đào tạo về y khoa, y tế công cộng, khoa học xã hội và nhân văn hay các chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực y tế và sức khỏe. Các nhà nghiên cứu hàn lâm thường làm việc trong các trường đại học, các viện nghiên cứu mà ở đó họ nghiên cứu, giảng dạy và viết các công trình nghiên cứu (tạp chí chuyên ngành, đề tài nghiên cứu lý thuyết cơ bản,…). Trong khi đó, các nhà nhân học y tế ứng dụng thường tiến hành công việc bên ngoài môi trường học thuật, chủ yếu ở các cơ sở y tế, các trường đào tạo y khoa, dự án về sức khoẻ cộng đồng hoặc trong các tổ chức phi chính phủ quốc tế.
Tài liệu trích dẫn
Barfield, Thomas J. ed. 1997. The Dictionary of Anthropology (Từ điển Nhân học). Oxford: Blackwell. (Bản dịch tiếng Việt do Văn ph ng Quỹ Ford tài trợ, Viện Dân tộc học thực hiện, lưu tại thư viện Viện Dân tộc học).
Castro, Arachu and Paul Farmer. 2004. “Health and Economic Development.” In Encyclopedia of Medical Anthropology: Health and Illness in the World’s Cultures, edited by Carol, R. Ember, and Melvin Ember, pp. 164-170. New York: Plenum Publishers.
Gammeltoft, Tine. 1999. Women’s Bodies, Women’s Worries: Health and Family Planning in a Vietnamese Rural Community, Richmond: Curzon.
Gammeltoft, Tine, Minh Hang Tran, Thi Hiep Nguyen, and Thi Thúy Hanh Nguyen. 2008. “Late-Term Abortion for Fetal Anomaly: Vietnamese Women’s Experiences”, Reproductive Health Matters 16, no. sup31: 46-56. doi: 10.1016/S0968-8080(08)31373-1.
Good, Byron J., Michael M. J. Fischer, Sarah S. Willen, and Mary-Jo DelVecchio Good. eds. 2010. A Reader in Medical Anthropology: Theoretical Trajectories, Emergent Realities. Malden, MA: Wiley -Blackwell.
Foster, G. M. 1976. “Diseases Etiologies in Non-western Medical Systems.” American Anthropologist 78, No. 4 (December): 773-782.
Trần Minh Hằng. 2016. “Huy động sự tham gia của các bên liên quan và cộng đồng trong nghiên cứu Ecohealth.” Trong Tiếp cận hệ sinh thái đối với sức khỏe (Ecohealth), Nguyễn Việt Hùng và Trần Thị Tuyết Hạnh (chủ biên). Hà Nội: NXB Y học.
Tran Minh Hang. 2018. Global Debates, Local Dilemmas: Sex Selective Abortion in Contemporary Viet Nam (Tranh luận toàn cầu và tình huống lưỡng nan: Nạo phá thai lựa chọn giới tính ở Việt Nam).
Australia: ANU Press.
Trần Minh Hằng và cộng sự. 2020. “Một số yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi lợn tại tỉnh Bắc Ninh.” Tạp chí Khoa học kỹ thuật thú y, số 7.
Phạm Quang Hoan và Hùng Đình Quý (chủ biên). 1999. Văn hóa truyền thống người Dao ở Hà Giang, Hà Nội: Nxb Văn hóa dân tộc.
Kleinman, Arthur. 1980. Patients and Healers in the Context of Culture. Berkeley: University of California Press.
Mogensen, Hanne O. và cộng sự. 2004. Nhập đề về nhân học xã hội trong bối cảnh Việt Nam, Dự án hợp tác Việt Nam – Đan Mạch “Nâng cao năng lực nghiên cứu dân số và sức khỏe sinh sản tại Việt Nam (REACH). Hà Nội.
Nguyen, Cong Thao. 2020. “Life in Hanoi during the Coronavirus Pandemic.” City & Society. First Published: 14 May 2020. https:// doi.org/10.1111/ciso.12283.
Sobo, Elisa J. 2004. “Theoretical and Applied Issues in Cross-Cultural Health Research: Key Concepts and Controversies.” In Encyclopedia of Medical Anthropology: Health and Illness in the World’s Cultures, edited by Carol, R. Ember, and Melvin Ember, 3-11. New York: Plenum Publishers.
UNDP, Bộ Tài nguyên và Môi trường. 2014. 50 câu hỏi đáp về chất da cam/ dioxin. Hà Nội.
UNFPA. 2011. Sự ưa thích con trai ở Việt Nam: Ước muốn thâm căn, công nghệ tiên tiến. Hà Nội. https://vietnam.unfpa.org/ sites/ default/files/pub-pdf/Son%20preference%20in%20Vietnam_VIE_ Final%20version%20for%20printing.pdf
Vivanco, Luis Antonio. 2018. Oxford Dictionary of Cultural Anthropology. Oxford: University Press.
World Health Organisation. 2019. Hướng dẫn thúc đẩy bình đẳng giới và đa dạng văn hóa trong chăm sóc sức khỏe ban đầu tuyến y tế cơ sở. Hà Nội.
* Về tác giả
TS. Trần Minh Hằng tốt nghiệp Thạc sĩ Sức khỏe quốc tế ở Trường Đại học Copenhagen, Đan Mạch và Tiến sĩ Nhân học y tế ở Trường Đại học Quốc gia Úc. TS. Trần Minh Hằng đã giảng dạy môn Nhân học y tế tại Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 2012 đến nay. TS. Trần Minh Hằng đã có hơn 20 năm ứng dụng các kiến thức về Nhân học y tế trong nghiên cứu về sức khỏe, chăm sóc sức khỏe và các vấn đề liên quan như giới, dân tộc thiểu số, nông nghiệp, môi trường.
ThS. Lương Thị Minh Ngọc tốt nghiệp đại học ngành Nhân học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Lịch sử tại Đại học Leiden (Hà Lan). Các hướng nghiên cứu: nhân học y tế, nhân học và các vấn đề phát triển. Hiện đang là nghiên cứu sinh ở Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; tham gia giảng dạy môn Nhân học đại cương và Nhân học y tế.
Nguồn: Giáo trình “Nhân học: Ngành khoa học về con người”,
Nguyễn Văn Sửu (chủ biên), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020