Tác động của đại dịch Covid-19 tới lao động, việc làm ở một số nhóm dễ bị tổn thương

17:00 07/02/2021
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +

Lê Thị Thanh Bình*

 

Tóm tắt: Đại dịch Covid - 19 được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá là “cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ II”. Đại dịch diễn ra thần tốc trên phạm vi toàn cầu nhiều tháng qua, lan rộng đến 215 quốc gia và vùng lãnh thổ, ảnh hưởng trầm trọng đến mọi hoạt động của tất cả các quốc gia. Nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng, tác động nặng nề tới thị trường lao động. Nhiều nhóm lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, trong đó các nhóm dễ bị tổn thương, như: lao động di cư, lao động khu vực phi chính thức, người nghèo, phụ nữ, v.v. rơi vào tình trạng trầm trọng hơn. Bài viết sẽ đề cập đến những tác động của đại dịch Covid - 19 tới thị trường lao động, việc làm nói chung và một số nhóm lao động dễ bị tổn thương nói riêng. 

Từ khóa: Đại dịch Covid - 19; lao động; việc làm.

 

Đặt vấn đề

Thế giới đã trải qua nhiều đại dịch, gây tổn thất nặng nề đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Đại dịch Covid - 19 được biết đến như đại dịch về bệnh truyền nhiễm, với tác nhân là virus SARS-CoV-2, diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Đại dịch Covid - 19 đã tàn phá nghiêm trọng tổng thể nền kinh tế và thị trường lao động toàn cầu, là cú sốc kinh tế lớn nhất trong vòng 35 năm qua. Sự tàn phá của đại dịch không chỉ với các nền kinh tế dễ bị tổn thương mà còn khiến cho nhiều nền kinh tế lớn rơi vào tình trạng bế tắc: kinh tế suy giảm, thất nghiệp tràn lan, nghèo đói và thất nghiệp gia tăng, v.v. Tác động nghiêm trọng của đại dịch đối với lao động việc làm nói chung và những nhóm lao động dễ bị tổn thương nói riêng là một trong những khó khăn lớn mà mỗi quốc gia đặc biệt quan tâm. Bài viết sẽ tổng quan những tác động của đại dịch Covid - 19 tới lao động việc làm nói chung và nhóm lao động dễ bị tổn thương nói riêng.

1. Tác động của đại dịch Covid - 19 tới thị trường lao động việc làm

Đại dịch Covid - 19 là cú sốc mạnh đối với thị trường kinh tế và lao động, gây ảnh hưởng trầm trọng đến nguồn cung sản xuất hàng hóa và dịch vụ, gây ra những tác động mạnh tới nhu cầu tiêu dùng và đầu tư. Tác động của cuộc khủng hoảng đã làm đứt gẫy quá trình sản xuất diễn ra trước tiên ở châu Á, sau đó lan rộng sang các chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến tình trạng việc làm trên ba khía cạnh chính: (1) Số lượng việc làm (cả thất nghiệp và thiếu việc làm); (2) Chất lượng công việc (ví dụ: tiền lương và tiếp cận an sinh xã hội); (3) Ảnh hưởng đến các nhóm cụ thể là những người dễ bị tổn thương hơn với tình trạng bất lợi của thị trường lao động[1].

Theo cục Thống kê quốc gia Trung Quốc[2], ước tính sơ bộ đến ngày 10 tháng 3 năm 2020, những người lao động bị nhiễm bệnh đã mất gần 30.000 tháng làm việc. Tổng thiệt hại dự kiến trong khoảng từ 860 đến 3.440 tỷ đô la Mỹ (USD) trong năm 2020. Theo ILO, ước tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2020, số giờ làm việc của quý II sẽ giảm khoảng 6,7%, tương đương với 195 triệu người lao động làm việc toàn thời gian (với giả định người lao động làm việc 48 giờ một tuần)[3]. Các tác động của đại dịch đều gây mức độ nghiêm trọng đối với tất cả các nhóm thu nhập, với các quốc gia có thu nhập trung bình cao, nguy cơ sẽ có mức suy giảm lớn nhất. Những khu vực có nguy cơ cao chịu tác động nghiêm trọng là các nước Ả Rập (mất 8,1% số giờ làm việc, tương đương 5 triệu người lao động toàn thời gian), châu Âu (7,8%, tức 12 triệu người lao động toàn thời gian), và châu Á  Thái Bình Dương (7,2%, tương đương 125 triệu lao động toàn thời gian)[4].

Đại dịch Covid - 19 đã gây nên sự sụt giảm chưa từng có đối với hoạt động kinh tế và số giờ làm việc trên toàn thế giới. Trong đó, tình trạng mất việc làm và số giờ làm việc  bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Uớc tính có 1,25 tỷ lao động, chiếm 38% lực lượng lao động toàn cầu đang làm việc trong các lĩnh vực phải đối diện với sự sụt giảm trầm trọng về sản lượng, nguy cơ cao bị sa thải, bao gồm các ngành: thương mại bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống và sản xuất[5]. Đặc biệt đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình, các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất lại có tỷ lệ cao người lao động làm các công việc phi chính thức và người lao động ít được tiếp cận với các dịch vụ y tế cũng như an sinh xã hội.

Bảng 1: Lao động trong nhóm rủi ro cao, tình trạng phi chính thức và an sinh xã hội

 

Tỷ trọng làm việc trong các lĩnh vực rủi ro cao (%)

Tỷ lệ việc làm phi chính thức ngoài ngành nông nghiệp (%)

Tỷ lệ bao phủ của an sinh xã hội (%)

Thế giới

37,5

50,5

45,2

Châu phi

26,4

71,9

17,8

Châu Mỹ

43,2

36,1

67,6

Các nước Ả Rập

33,2

63,9

 

Châu Á - Thái Bình Dương

37,9

59,2

38,9

Châu Âu và Trung Á

42,1

20,9

84,1

 

Nguồn: ILO (2020). Covid-19 và thế giới việc làm.

Theo ILO, các lĩnh vực được xem là có nguy cơ cao bị đình trệ là hoạt động lưu trú và ăn uống; sản xuất; bất động sản; hoạt động kinh doanh và hành chính; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa xe gắn máy và xe máy. Lao động chịu tác động lớn nhất thường là những người bị trả lương thấp và ít thuộc diện bao phủ của an sinh xã hội. Ước tính mức tăng số lượng thất nghiệp toàn cầu vào cuối năm 2020, sẽ cao hơn đáng kể so với số dự báo ban đầu 25 triệu người.

Tại Việt Nam, ước tính sơ bộ có 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giày da, dệt may bị giảm việc làm, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc. Hàng triệu lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là lao động giản đơn có thu nhập thấp và không thường xuyên. Trong tháng 02/2020 số người thất nghiệp trên cả nước đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp khoảng 47,1 nghìn người, tăng 63,26% so với tháng 01/2020[6]. Quý II năm 2020, lực lượng lao động của Việt Nam giảm 2,2 triệu so với quý I và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp 2,73% cao nhất trong 10 năm qua và tỷ lệ tham gia thị trường lao động giảm sâu hơn ở khu vực nông thôn và lực lượng lao động nữ. Đến hết tháng 6/2020, Việt Nam có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, bao gồm: mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập, v.v. Thu nhập bình quân/tháng của người lao động là 5,2 triệu đồng, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Những nhóm lao động dễ bị tổn thương nhất đang phải gánh chịu những tác động kinh tế nặng nề nhất của đại dịch,[7].

Với những ước tính trên của cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động cho thấy một bức tranh tổng thể về giờ làm giảm và tình trạng thất nghiệp trầm trọng trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Đại dịch đã khiến hàng triệu người rơi vào tình trạng thất nghiệp, giảm giờ làm, giảm tiền lương và rơi xuống nghèo đói. Sự tổn thất thu nhập của lao động dẫn đến sự sụt giảm các chỉ tiêu của hàng hóa và dịch vụ, tới khả năng duy trì kinh doanh liên tục của các doanh nghiệp và những khó khăn đảm bảo khả năng phục hồi cho nền kinh tế trong thời gian tới.

2. Tác động của đại dịch Covid - 19 tới một số nhóm lao động dễ bị tổn thương

Khủng hoảng kinh tế thường mang lại những tác động nghiêm trọng cho một số nhóm dân số nhất định, ILO đã chỉ ra, gồm: (i) Những người có bệnh lý nền và người cao tuổi là nhóm người có nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe cao nhất; (ii) Thanh niên, những người luôn có nguy cơ phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm cao hơn, khi đại dịch diễn ra, nhóm này trở nên dễ bị tổn thương hơn với sự sụt giảm lao động nói chung; (iii) những người lao động lớn tuổi dễ bị thất nghiệp và thiếu việc làm, cũng như bị giảm giờ làm nhiều hơn so những người trong độ tuổi lao động vàng; (iv) Phụ nữ chiếm số lượng cao hơn trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều (như dịch vụ) hoặc trong các ngành nghề đang ở tuyến đầu đối phó với đại dịch (ví dụ: y tá). ILO ước tính có 58,6% phụ nữ làm việc trong ngành dịch vụ trên toàn thế giới, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 45,4%. Phụ nữ ít có khả năng tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội và thường chịu gánh nặng nhiều hơn đối với các việc liên quan đến chăm sóc sức khỏe trong lĩnh vực y tế và giáo dục; (v) Những người lao động không được bảo vệ như: lao động tự do, lao động làm việc không thường xuyên và các công việc tạm thời, có khả năng phải chịu thiệt thòi nặng nề từ loại virus này, vì họ không được tiếp cận với các cơ chế nghỉ phép hoặc nghỉ ốm và ít được bảo vệ bởi các cơ chế an sinh xã hội thông thường; lao động di cư đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19, họ bị hạn chế tiếp cận nơi làm việc của họ ở các quốc gia tiếp nhận và khả năng trở về với gia đình,[8].

Ở Việt Nam, các nhóm dễ bị tổn thương nhất trong thị trường lao động gồm người lao động làm công việc phi chính thức, lao động di cư và phụ nữ. Nhu cầu của họ trong đại dịch là vấn đề cấp bách và rất cần được quan tâm giải quyết,[9]

Bảng 2 cho thấy, thu nhập của các hộ gia đình bị giảm sút mạnh và giảm sút nhiều hơn ở tháng 5 so với tháng 4, trong đó, thu nhập của hộ gia đình người lao động dễ bị tổn thương sụt giảm đáng kể, nhóm hộ gia đình dân tộc thiểu số và di cư chịu tác động mạnh hơn.

Bảng 2: Đánh giá tác động kinh tế xã hội của đại dịch Covid-19 đối với hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương ở Việt Nam

Nguồn: UNDP (2020), Đánh giá tác động kinh tế xã hội của đại dịch COVID-19 đối với hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương ở Việt Nam.

* Lao động khu vực phi chính thức

ILO cho thấy, đến tháng 4 năm 2020, trên toàn thế giới có 2 tỷ người lao động trong khu vực phi chính thức (chủ yếu ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển) là nhóm có nguy cơ cao chịu các tác động tiêu cực. Do thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch cùng với các biện pháp phong tỏa đã có tới 1,6 tỷ lao động bị ảnh hưởng trong số 2 tỷ lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức trên toàn thế giới. Phần lớn trong số họ làm việc trong các lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất hoặc trong các đơn vị kinh tế nhỏ dễ bị ảnh hưởng hơn trước các cú sốc, bao gồm: lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, bán buôn và bán lẻ và hơn 500 triệu nông dân sản xuất phục vụ thị trường thành thị[10].

Lao động phi chính thức phần lớn không có phương tiện hỗ trợ nào, phải chấp nhận đối mặt với sự chết đói hoặc chết do virus. Trong khi đó, sự đứt đoạn về cung ứng chuỗi thực phẩm càng làm trầm trọng thêm đối với những người làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức. Và khi phải áp dụng các biện pháp phong tỏa toàn diện, những nước có nền kinh tế phi chính thức lớn nhất đã phải chịu những hệ quả nặng nề nhất của đại dịch. Cụ thể, châu Mỹ La tinh và các quốc gia Ả Rập lực lượng lao động trong khu vực phi chính thức bị ảnh hưởng với tỷ lệ dao động từ 83% - 89%; châu Phi, châu Á và Thái Bình Dương 73%; châu Âu và Trung Á  64%. Trong tháng đầu tiên của cuộc khủng hoảng ước tính 60% thu nhập của người lao động phi chính thức bị giảm trên toàn cầu. Trong đó: 81% ở châu Phi và châu Mỹ, 21,6% ở châu Á và Thái Bình Dương và 70% ở châu Âu và Trung Á. Tại Ấn Độ, có gần 90% người lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, khoảng 400 triệu lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức đang đứng trước nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo đói nghiêm trọng hơn trong khủng hoảng[11].

Việt Nam hiện có hơn 70% dân số có việc làm vẫn đang làm các công việc phi chính thức (gồm cả các việc làm nông nghiệp). Phần lớn những lao động này không được hưởng các hình thức bảo vệ cơ bản như khi làm những công việc chính thức, cụ thể đó là chế độ bảo vệ thu nhập, nghỉ ốm và chăm sóc y tế. Trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid -19, những lao động này có thể vẫn buộc phải tiếp tục làm việc hoặc có thể không muốn tự cách ly khi cần thiết, như vậy, họ tự chấp nhận sự nguy hiểm cho sức khỏe bản thân và mang nguy cơ lây nhiễm thêm cho nhiều người. Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là lao động tự làm, lao động phi chính thức làm việc trong các lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất, lao động giúp việc gia đình và lao động tự do. Lao động phi chính thức bị giảm thu nhập nhiều hơn so với lao động chính thức (tương ứng là 8,4% và 4,7%) so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, người lao động càng có bằng cấp, trình độ cao hơn, thu nhập giảm càng ít hơn[12].

Lao động di cư của Việt Nam là lực lượng lao động chiếm 13,6% tổng dân số[13], thường làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức không có hợp đồng làm việc và không được tiếp cận với các chế độ bảo trợ xã hội, thường làm việc trong những lĩnh vực bị khủng hoảng việc làm nặng nề nhất. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng chiếm số đông trong các công việc thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất như: dệt may và giúp việc gia đình.

* Lao động nghèo trong khu vực phi chính thức

Ước tính sẽ có thêm từ 8,8 triệu đến 35 triệu người lao động rơi vào cảnh đói nghèo trên khắp thế giới, so với mức ước tính trước đây cho năm 2020 (giảm 14 triệu người)[14]. Ngoài ra, tác động của cuộc khủng hoảng việc làm tới một số nhóm lao động cũng không đồng đều và sẽ làm gia tăng bất bình đẳng. Các biện pháp phong tỏa và kiểm soát dịch Covid-19 có nguy cơ làm tăng mức nghèo tương đối của người lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức trên toàn thế giới. Cụ thể, thêm tới 56 điểm % ở các nước có thu nhập thấp; các nước có thu nhập cao sẽ tăng 52 điểm % nghèo tương đối trong bộ phận lao động phi chính thức; các nước có thu nhập trung bình cao, ước tính mức tăng 21 điểm %,[15].

Bảng 2: Ước tính sụt giảm thu nhập của người lao động và gia tăng tình trạng lao động nghèo cùng cực và nghèo trung bình (<3,2 USD/ngày, tính theo ngang giá sức mua)

Kịch bản

Thấp

Trung bình

Cao

Thu nhập từ lao động (tỷ USD)

-860

-1 720

-3 440

Lao động cùng cực và nghèo trung bình (triệu người)

Trung bình thế giới

8,8

20,1

35,5

Thu nhập thấp

1,2

2,9

5,0

Thu nhập trung bình thấp

3,7

8,5

14,8

Thu nhập trung bình cao

3,6

8,3

14,5

 

Nguồn: ILO (2020). Covid -19 và việc làm: Tác động và ứng phó.

Ước tính về lao động nghèo liên quan đến ngưỡng nghèo tuyệt đối (dưới 3,2 USD theo ngang giá sức mua) ở bảng 2 cho 138 quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình (không bao gồm các tác động tiềm tàng đối với lao động ở các quốc gia, có thu nhập cao). Với các ước tính thất nghiệp do tác động của đại dịch ở Bảng 2 cho thấy số lao động nghèo sẽ tăng thêm 8,8 triệu người trên toàn thế giới so với ước tính ban đầu. Theo kịch bản trung bình và cao, thế giới sẽ có thêm từ 20,1 triệu đến 35 triệu người lao động nghèo được so với ước tính cho năm 2020 trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Như vậy, do tình trạng mất việc làm trầm trọng sẽ khiến một lực lượng lớn lao động, đặc biệt lao động dễ bị tổn thương mất thu nhập, gặp khó khăn lớn để duy trì cuộc sống và dễ rơi vào tình trạng nghèo cùng cực.

Ở Việt Nam, mặc dù đại dịch được khống chế tốt hơn nhưng những tác động nhất định của đại dịch tới tổng thể nền kinh tế và xã hội đã làm gia tăng nhanh chóng tỷ lệ nghèo tuyệt đối (thu nhập) chung của cả nước và đã làm cho mức độ nghèo trầm trọng hơn trong những tháng vừa qua.

Biểu đồ 1: Kết quả gia tăng đáng kể nghèo tạm thời và mức nghèo sâu hơn

Nguồn: UNDP (2020), Đánh giá tác động kinh tế xã hội của đại dịch COVID-19 đối với hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương ở Việt Nam.

Biểu đồ 2: Kết quả tính toán mô phỏng sử dụng chuẩn nghèo thu nhập ở mức 3,2 USD
theo sức mua ngang bằng (PPP) năm 2011

Nguồn: UNDP (2020). Đánh giá tác động kinh tế xã hội của đại dịch Covid-19

đối với hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương ở Việt Nam.

* Lao động là phụ nữ

Đối với các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng, lao động nữ luôn là một lực lượng chiếm chủ yếu trong nhóm lao động nghèo[16]. Lao động nữ thường có mức thu nhập thấp, điều kiện việc làm không ổn định, do vậy, dễ rơi vào tình trạng thiếu việc làm hoặc thất nghiệp hơn so với lao động nam. Lao động nữ ở Việt Nam chủ yếu làm việc trong các ngành nghề có mức thu nhập thấp hoặc những công việc dễ bị tổn thương, chiếm phần lớn trong nhóm làm công việc của gia đình và không có lương, họ thường làm giúp việc, bán hàng rong, làm việc trong ngành công nghiệp giải trí.

Khi đại dịch Covid - 19 diễn ra, lao động nữ là nhóm đối tượng phải chịu tác động nặng nề. Trong 2 triệu lao động gia đình, lao động nữ chiếm số đông không được trả lương. Với lao động nữ ở Việt Nam, ILO đã xác định bốn lĩnh vực có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn nhất, gồm: dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản và hoạt động kinh doanh (hiện đang sử dụng 44,1% lao động nữ, nhưng với lao động nam là 30,4%[17]). Như vậy, lao động nữ được đánh giá là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch Covid - 19, là nhóm lao động chiếm chủ yếu trong cấu phần của nhóm lao động nghèo. Đối với tình trạng thất nghiệp của thanh niên, lao động nữ cùng chiếm tỷ lệ nhiều hơn nam. Do vậy, các chính sách ứng phó và hỗ trợ cho nhóm lao động mất việc, bị giảm giờ làm, nhóm lao động đặc biệt khó khăn rất cần chú ý đến yếu tố giới.

3. Kết luận

Sự bùng phát của đại dịch Covid - 19 đã mang lại những thách thức chưa từng có trong mấy chục năm qua đối với ngành y tế và đối với toàn bộ các hoạt động phát triển kinh tế và xã hội trên toàn cầu. Trên cơ sở các báo cáo thống kê, bài viết đã tổng quan lại những tác động của đại dịch tới thị trường lao động và việc làm nói chung và một số nhóm lao động dễ bị tổn thương nói riêng. Các kết quả cho thấy, mức động trầm trọng từ việc giảm giờ làm do tác động của đại dịch và các biện pháp phòng chống dịch toàn diện khiến lực lượng rất lớn lao động nói chung rơi vào tình trạng thất nghiệp, mất thu nhập, trong đó các nhóm lao động dễ bị tổn thương như lao động khu vực phi chính thức, lao động di cư, lao động nghèo, lao động là phụ nữ… rơi vào tình trạng tuyệt vọng hơn. Tuy nhiên, những báo cáo thống kê mới chỉ chủ yếu là ước lượng, vẫn chưa đánh giá đầy đủ, chi tiết, sâu hơn về mức độ nghiêm trọng bên trong và những hệ lụy liên quan. Bên cạnh đó, nhóm lao động dễ bị tổn thương còn phải nói đến nhóm thanh niên trẻ bị mất việc, nhóm người lao động cao tuổi, nhóm lao động tật nguyền, lao động trẻ em, v.v. những lao động này cũng phải chịu những tác động nghiêm trọng, thậm chí cùng cực do bị giảm việc làm, mất việc, giảm thu nhập mạnh hoặc mất hẳn thu nhập vì cuộc khủng hoảng.

Vấn  đề việc làm và thất nghiệp của lao động khi đại dịch đã và vẫn đang diễn ra trở thành mối quan tâm lớn trên toàn cầu, của mỗi quốc gia, trở thành gánh nặng lớn trong các gói cứu trợ, nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời, làm sụt giảm quá trình sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng sản phẩm và khả năng vực lại của các nền kinh tế trong thời gian tới. Với thực trạng này, ILO đã kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp, quyết liệt trên diện rộng và đồng bộ trên các trụ cột: bảo vệ người lao động tại nơi làm việc; kích thích nền kinh tế, việc làm; hỗ trợ việc làm và thu nhập. ILO cũng đã nhận định “Khủng hoảng COVID-19 làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương và bất bình đẳng hiện hữu. Do vậy, những phản ứng chính sách phải đảm bảo sự hỗ trợ đến được với những người lao động và doanh nghiệp cần sự hỗ trợ nhất”.

 


* ThS., Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng.

[1] ILO (2020), Covid-19 và việc làm: Tác động và ứng phó.

[2] http://www.stats.gov.cn/english/PressRelease/202003/t20200316_1732244.html)

[3] ILO (2020), Covid-19 và việc làm.

[4] ILO (2020), Covid-19 và việc làm: Tác động và ứng phó.

[5] ILO (2020), Covid-19 và việc làm: Tác động và ứng phó.

[6] http://www.tapchicongsan.org.vn/kinh-te/-/2018/816502/mot-so-danh-gia-tac-dong-xa-hoi-cua-dai-dich-covid-19.aspx

[7] http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Tu-105-chi-tra-tien-ho-tro-lao-dong-tu-do-bi-anh-huong-COVID19/394750.vgp

[8] ILO (2020). Covid-19 và việc làm: Tác động và ứng phó.

[9] https://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/comments-and-analysis/WCMS_741637/lang--vi/index.htm

[10] ILO (2020), Covid-19 và việc làm: Tác động và ứng phó.

[11] ILO (2020), Covid-19 và việc làm: Tác động và ứng phó.

[12] https://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/comments-and-analysis/WCMS_741637/lang--vi/index.htm

[13] ILO (2020), Đại dịch Covid-19 với thị trường lao động Việt Nam.

[14] ILO (2020), Covid-19 và việc làm: Tác động và giải pháp.

[15] ILO (2020), Covid-19 và việc làm: Tác động và ứng phó.

[16] ILO (2020), Covid-19 và việc làm: Tác động và ứng phó.

[17] ILO (2020), Đại dịch COVID-19 với thị trường lao động Việt Nam.

 

Tài liệu tham khảo

  1. ILO (2020), Covid-19 và thế giới việc làm.
  2. ILO (2020), Covid-19 và việc làm: Tác động và giải pháp.
  3. ILO (2020), Covid-19 và việc làm: Tác động và ứng phó.
  4. ILO (2020), Đại dịch COVID-19 với thị trường lao động Việt Nam.
  5. Quốc Hội (2013), Luật số 33/2013/QH13- Luật phòng chống thiên tai.
  6. UNDP (2020), Đánh giá tác động kinh tế xã hội của đại dịch COVID-19 đối với hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương ở Việt Nam.
  7. http://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=44379;
  8. http://www.stats.gov.cn/english/PressRelease/202003/t20200316_1732244.html
  9. http://www.tapchicongsan.org.vn/kinh-te/-/2018/816502/mot-so-danh-gia-tac-dong-xa-hoi-cua-dai-dich-covid-19.aspx;
  10. https://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/comments-and-analysis/WCMS_741637/lang--vi/index.htm;
  11. http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Tu-105-chi-tra-tien-ho-tro-lao-dong-tu-do-bi-anh-huong-COVID19/394750.vgp;

 

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Covid-19, đại dịch và những vấn đề đặt ra đối với phát triển bền vững”,

tại Hà Nội, ngày 30/11/2020.

 

In trang Chia sẻ

Tin khác