Tội phạm mạng trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0

17:00 24/02/2021
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +

Lê Thị Hồng Xuân*

Nguyễn Thị Thùy Linh**

 

Bên cạnh những lợi ích và cơ hội to lớn cho sự phát triển của quốc gia, thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0) cũng đang đặt ra những thách thức khó khăn, đặc biệt là đối với vấn đề an ninh phi truyền thống và tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tuy chỉ mới xuất hiện trong khoảng một thập kỷ gần đây, nhưng do sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, đặc biệt là mạng Internet, tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát sinh, tồn tại và phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Hiện tại, tình hình tội phạm công nghệ cao đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, xảy ra trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước. Có lẽ chưa khi nào tội phạm sử dụng mạng Internet để thực hiện hành vi phạm tội lại nhiều như hiện nay khi mà thế giới đang bước vào thời đại công nghiệp 4.0. Bài viết sẽ làm rõ những thách thức trong việc đấu tranh phòng ngừa loại tội phạm này trong thời đại công nghiệp 4.0.

1. Khái niệm tội phạm sử dụng công nghệ cao

Tội phạm sử dụng công nghệ cao là một vấn đề của thế giới hiện đại, và chỉ mới xuất hiện trong giai đoạn cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Tội phạm sử dụng công nghệ cao là một yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống (non-traditional security).

Không có định nghĩa duy nhất được thống nhất chung về “tội phạm mạng”. Nó đề cập đến các hoạt động trung gian internet bất hợp pháp thường diễn ra trong các mạng điện tử toàn cầu. [1] Tội phạm mạng là "quốc tế" hoặc "xuyên quốc gia" - có 'không có ranh giới giữa các quốc gia'. [2] Các tội phạm mạng quốc tế thường thách thức tính hiệu quả của luật pháp và luật pháp trong nước và quốc tế. Bởi vì luật pháp hiện tại ở nhiều quốc gia không phù hợp để đối phó với tội phạm mạng, tội phạm ngày càng tiến hành các hành vi phạm tội thông qua mạng Internet để tận dụng lợi thế của những hình phạt ít nghiêm trọng hoặc khó khăn khi bị truy tìm.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao hoặc Tội phạm ảo hay Tội phạm không gian ảo (tiếng Anh: Cyber criminal) là bất kỳ hành động phi pháp nào liên quan đến một máy tính hoặc một mạng máy tính. Các máy tính có thể được dùng như phương tiện để thực hiện các hoạt động phạm pháp hoặc cũng có thể là mục tiêu của hành vi phạm tội. Tội phạm công nghệ cao cũng có thể được định nghĩa là: “Hành vi phạm pháp có chủ đích đối với một cá nhân, một nhóm người hay một tổ chức nào đó, gây ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của nạn nhân hoặc gây hại về mặt vật chất hoặc tinh thần cho nạn nhân một cách trực tiếp hoặc gián tiếp bằng những công nghệ hiện đại liên quan đến mạng viễn thông như Internet (việc này cũng bao gồm các nhóm chat, email, mạng xã hội,....) và điện thoại (các công nghệ Bluetooth, 3G, SMS, MMS,...)”[1].

 Các hoạt động tội phạm công nghệ cao ngày nay đều là những mối đe dọa tới an ninh và nền kinh tế của quốc gia. Những vấn đề xoay quanh tội phạm công nghệ cao thường bao gồm các hoạt động bất hợp pháp như: chiếm dụng và sử dụng trái phép tài nguyên máy tính (hacking), vi phạm bản quyền, các chương trình giám sát bất hợp pháp, tống tiền và ấu dâm. Ở những mức độ trầm trọng hơn, các hoạt động tội phạm công nghệ cao còn nhắm đến việc phá hoại các hệ thống máy tính bằng cách phát tán các mã độc, ăn cắp các thông tin về thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của nạn nhân, lấy cắp các thông tin tình báo, bí mật quốc gia, mua bán trái phép vũ khí, ma túy, nô lệ tình dục. Do ảnh hưởng của các hoạt động tội phạm công nghệ cao xuyên biên giới có thể làm ảnh hưởng tới nhiều quốc gia, nguy cơ của những cuộc chiến tranh trên không gian mạng giữa các nước là điều không thể tránh khỏi[2].

Xét về khái niệm “tội phạm sử dụng công nghệ cao”, hiện nay luật pháp của nhiều nước trên thế giới như Australia, Mỹ, Anh. đã có định nghĩa liên quan đến tội phạm này như: Tội phạm công nghệ cao (high-tech crime); tội phạm máy tính (computer crime): Tội phạm liên quan đến máy tính (computer-related crime); tội phạm mạng (cybercrime)...

Ví như trong luật hình sự năm 1995 của Australia và phần 10.7 của luật Thịnh vượng chung (Commonwealth legislation - Part 10.7: Computer Offences), tội phạm công nghệ cao (hi- tech crime) được định nghĩa “là sự xâm nhập máy tính một cách trái phép; sự sửa đổi trái phép dữ liệu bao gồm việc phá hủy dữ liệu; tấn công từ chối dịch vụ (DoS); Tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DdoS) có sử dụng botnets; tạo ra và phân phối phần mềm độc hại”.

Theo Từ điển luật học Black’s Law, tội phạm máy tính (computer crime) được định nghĩa là: “tội phạm đòi hỏi về kiến thức công nghệ máy tính chẳng hạn như phá hoại hoặc ăn cắp dữ liệu máy tính hay sử dụng máy tính để thực hiện một số tội phạm khác.”. Hay nói cách khác, tội phạm công nghệ cao hoặc Tội phạm ảo hay Tội phạm không gian ảo (tiếng Anh: Cyber criminal) là bất kỳ hành động phi pháp nào liên quan đến một máy tính hoặc một mạng máy tính[3].

Tại Việt Nam, theo Khoản 1 điều 3 Nghị định số 25/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 07 tháng 4 năm 2014 quy định: “Tội phạm có sử dụng công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự có sử dụng công nghệ cao”.

Theo khoản 1 điều 3 của Luật Công nghệ cao năm 2008 quy định: Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.

Nghiên cứu các định nghĩa và khái niệm trên có thế thấy điểm chung trong nội hàm của các khái niệm này đều chỉ các hành vi liên quan đến việc sử dụng máy tính, thiết bị số, khai thác mạng máy tính, mạng viễn thông để gây tổn hại cho lợi ích của các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Nhưng thực tế tại Việt Nam, tội phạm sử dụng công nghệ cao còn tác động đến thông tin và dữ liệu điện tử được lưu trữ, truyền phát trong mạng viễn thông và thiết bị số. Theo Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, hành vi sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh đã được quy định tại Điều 293. Để thực hiện hành vi này, đối tượng có thể sử dụng công cụ, thiết bị viễn thông để can thiệp, chiếm quyền sử dụng tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh hoặc cố ý sử dụng trái phép thiết bị phát tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh.

Kế thừa những quan điểm đã nghiên cứu và từ những phân tích nêu trên, có thể hiểu: Tội phạm sử dụng công nghệ cao là tội phạm sử dụng tri thức, kỹ năng, công cụ, phương tiện công nghệ ở trình độ cao tác động trái pháp luật đến thông tin, dữ liệu, tín hiệu được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị số, xâm phạm đến trật tự an toàn thông tin, gây tổn hại lợi ích của Nhà nước, quyền và các lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

  • Các thuộc tính bản chất của tội phạm sử dụng công nghệ cao như sau:

Thứ nhất, khách thể loại của các tội phạm sử dụng công nghệ cao là trật tự an toàn thông tin, trong đó, trật tự an toàn thông tin được hiểu là những quy tắc xử sự (pháp lý, đạo đức hoặc quy tắc chuyên môn... ) được Nhà nước và xã hội xác lập nhằm đảm bảo an toàn thông tin được lưu trữ, xử lý trong các hệ thống máy tính, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức trong việc khai thác, sử dụng các thông tin đó. “An toàn thông tin” được hiểu là thông tin và hệ thống thông tin không bị truy cập, sử dụng, tiết lộ, gián đoạn, sửa đổi, phá hoại trái phép[4]. An toàn thông tin gồm có 3 thuộc tính đó là: tính bảo mật, tính toàn vẹn và tính khả dụng. Như vậy, trật tự an toàn thông tin bao gồm các quy tắc đảm bảo an toàn thông tin và những quy tắc liên quan đến trật tự pháp luật trong khai thác, sử dụng thông tin. Một tội phạm sử dụng công nghệ cao cụ thể có thể tác động đến một hoặc cả hai khía cạnh của trật tự an toàn thông tin.

Theo Công ước Budapest năm 2011 về tội phạm mạng của Liên minh châu Âu cho thấy các hành vi sau đây được chấp nhận phổ biến là tội phạm sử dụng công nghệ cao như: Truy cập bất hợp pháp; cản trở bất hợp pháp việc truyền tải dữ liệu máy tính; can thiệp trái phép vào dữ liệu; can thiệp trái phép vào hệ thống; Sử dụng trái phép thiết bị; giả mạo liên quan đến máy tính; gian lận liên quan đến máy tính; vi phạm liên quan đến hình ảnh trẻ em khiêu dâm; vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan qua hệ thống máy tính.

Thứ hai, tội phạm sử dụng công nghệ cao phải là những hành vi được xác định là tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự. Một hành vi chỉ được coi là tội phạm khi hành vi đó được quy định trong Bộ luật Hình sự. Vì vậy, khi xem xét một hành vi xâm phạm đến trật tự an toàn thông tin, gây tổn hại cho xã hội có phải là tội phạm sử dụng công nghệ cao phải xem hành vi đó có được quy định trong Bộ luật Hình sự hay không.

Thứ ba, về chủ thể, tội phạm sử dụng công nghệ cao có thể được thực hiện bằng bất kỳ ai có đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của luật hình sự. Tuy nhiên, xuất phát từ tính chất của hành vi phạm tội, chủ thể trực tiếp thực hiện tội phạm sử dụng công nghệ cao phải là những người có tri thức và kỹ năng cần thiết để trực tiếp khai thác, sử dụng thiết bị, công cụ, phương tiện công nghệ hoặc trực tiếp phát triển, ứng dụng công nghệ.

Thứ năm, tội phạm sử dụng công nghệ cao được thực hiện bởi lỗi cố ý trực tiếp. Nghĩa là khi thực hiện tội phạm, người phạm tội buộc phải ý thức rõ hành vi của mình là trái quy định pháp luật, có thể gây hậu quả xấu cho các tổ chức, cá nhân có liên quan nhưng vẫn thực hiện, mong muốn hoặc để mặc cho những hậu quả xấu xảy ra. Động cơ, mục đích phạm tội sử dụng công nghệ cao không phải là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm.

2. Nhận thức về tội phạm sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam

Tại Việt Nam, vấn đề an ninh phi truyền thống nói chung và tội phạm sử dụng công nghệ cao nói riêng đã sớm được nhận diện và luật hóa.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng nhanh chóng, diễn biến phức tạp và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Năm 2011, tội phạm sử dụng công nghệ cao xảy ra trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế - xã hội, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn là Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và đang lan ra các tỉnh, thành phố khác như: Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Phú Yên... Phần lớn đối tượng phạm tội là học sinh, sinh viên có kiến thức và đam mê công nghệ thông tin, một số ít là cán bộ, công chức. Chúng thường tập hợp, liên kết với nhau thông qua các diễn đàn trên mạng internet (còn gọi là underground hay thế giới ngầm) để chia sẻ công cụ, cách thức, thủ đoạn phạm tội. Vì vậy, thủ đoạn ngày càng tinh vi, kín đáo và có sự thay đổi phương thức liên tục nhằm lẩn tránh sự phát hiện của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Sự liên kết giữa các đối tượng trong và ngoài nước ngày càng thể hiện rõ nét. Tội phạm công nghệ cao diễn ra trên cả lĩnh vực an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của Việt Nam trong một số lĩnh vực quan hệ kinh tế quốc tế và gây thiệt hại lớn cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước.  

Năm 2016, Việt Nam đã có tổng cộng khoảng 145 nghìn cuộc tấn công mạng khác nhau nhằm vào hệ thống thông tin với ba hình thức chính đó là lừa đảo, mã độc, và thay đổi giao diện, gây thiệt hại hơn 10.400 tỷ đồng. Hơn 10 nghìn trang/ cổng thông tin điện tử có tên miền “.vn” bị tấn công, chiếm quyền điều khiển, thay đổi giao diện, cài mã độc. Có hơn 70% số máy tính bị lây nhiễm[5]. Theo ghi nhận của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính (VNCERT) thì quý I năm 2017 đã có gần 7.700 sự cố tấn công mạng vào các website tại Việt Nam. Tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ, đánh cắp công nghệ, bản quyền trên internet ngày càng gia tăng, nguy cơ gián điệp mạng, tội phạm mạng trở nên phức tạp và nguy hiểm. Các thông tin bịa đặt, không được kiểm chứng nhằm vu khống, bôi nhọ danh dự cá nhân, tổ chức diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng.

Hiện nay, có đến 70% tội phạm công nghệ cao là người trẻ, chủ yếu từ 18-30 tuổi. Có nhiều người sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin rất thành thạo và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, họ đã không sử dụng những kiến thức, sự hiểu biết của mình để phục vụ cho xã hội mà lại thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Nhiều người dân bị tội phạm công nghệ cao lừa bằng cách đánh cắp thông tin cá nhân, rồi sau đó tiến hành làm thẻ ATM mới và đánh thông tin vào hòng chiếm đoạt tài sản. Một số đối tượng lừa đảo bằng cách giả mạo là bạn bè, người thân của một ai đó với lời kêu cứu bị mất vé máy bay, hết tiền điện thoại hay thậm chí đưa ra chiêu thức quảng cáo trúng thưởng nên nhờ người bị hại ra mua sim điện thoại, nạp tiền vào tài khoản của chúng. Để tránh sự nghi ngờ của người dân, các đối tượng phạm tội thường đưa ra mức tiền để nạp vào tài khoản không quá lớn. Người sử dụng Internet trong tâm thế hoảng hốt liền vội vã chuyển khoản, sau đó mới giật mình kiểm tra thì tiền đã biến mất.

Đặc biệt hơn, có nhiều người bị đánh cắp tài khoản và thông tin cá nhân bằng những website mua bán rao vặt có tên và đường link giống như website chính thống của một tờ báo, công ty nào đó. Nếu người dân điền thông tin cá nhân vào website giả mạo đó thì nhanh chóng bị rút tiền khỏi tài khoản cá nhân.

Internet mang lại nhiều tiện lợi cho cuộc sống và cung cấp thông tin đa dạng cho người dân nhưng người dùng Internet cũng dễ trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo. Vì vậy, khi sử dụng Internet, người dân cần phải trang bị những kiến thức nhất định về cách phòng ngừa những lời mời hay chiêu thức có thể khiến họ mất kiểm soát dữ liệu tài khoản, thông tin cá nhân mỗi khi kích chuột bàn phím máy tính hay gửi thư điện tử, chat với bạn bè...Các công ty, doanh nghiệp cũng cần biết và cẩn thận với những thủ đoạn lừa đảo thông qua giao dịch thương mại điện tử, tài khoản.

Ở nước ta tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. 

Trên lĩnh vực an ninh quốc gia, các thế lực thù địch và phản động quốc tế đã không ngừng tập trung lợi dụng kênh truyền thông qua mạng internet để xuyên tạc, vu khống chống phá các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, kêu gọi tập hợp lực lượng nhằm mục đích gây rối, nhất là trước và trong các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2015, tình hình căng thẳng trên Biển Đông… 

Trên lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội, năm 2011 được coi là năm “báo động đỏ” của an ninh mạng Việt Nam với rất nhiều vụ tấn công, phá hoại, lây nhiễm virus, phầm mềm gián điệp, mã tin học độc hại..., nhằm vào hệ thống mạng của cơ quan, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế của Nhà nước với mức độ, tính chất ngày càng nghiêm trọng, làm rối loạn hoạt động của hệ thống và lộ lọt thông tin. Điển hình là vụ hệ thống mạng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam bị tin tặc liên tiếp tấn công bằng nhiều phương thức khác nhau, làm ngưng trệ hoạt động và xóa sạch toàn bộ dữ liệu website; vụ Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA tại TP. Hồ Chí Minh bị đối tượng tấn công làm tê liệt hệ thống mạng máy tính, mã hóa dữ liệu, đe dọa tống tiền trên 2 triệu đô la Mỹ. 

Tình trạng sử dụng các thiết bị công nghệ cao đánh cắp thông tin, làm giả thẻ tín dụng để mua vé máy bay, hàng hóa ở nước ngoài chuyển về Việt Nam tiêu thụ tiếp tục gia tăng, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng tiền Việt Nam và hàng triệu đô la Mỹ cho nạn nhân. Các tổ chức tội phạm tại Việt Nam liên kết chặt chẽ với các tổ chức tội phạm ở nước ngoài tạo thành những đường dây tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động tinh vi, kín đáo. Trong năm 2011, các cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra, xử lý 128 đầu mối vụ án, vụ việc có dấu hiệu phạm tội, tăng 66% so với năm 2010, trong đó đã phối hợp đấu tranh với nhiều vụ án lớn, có yếu tố nước ngoài, có vụ việc liên quan đến hàng nghìn đối tượng. Điển hình như vụ các cơ quan chức năng Việt Nam đã phối hợp với Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ (ICE) đấu tranh với các đối tượng trong diễn đàn tội phạm mạng với hơn 2.000 thành viên, hoạt động trộm cắp, mua bán thẻ tín dụng và mua hàng chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt khẩn cấp 08 đối tượng, thu giữ hơn 2 tỷ đồng tiền Việt Nam và 115.000 đô la Mỹ. Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ đã thu giữ của các đối tượng tại Mỹ hơn 01 triệu đô la Mỹ. 

Tình hình lừa đảo trong lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán điện tử gia tăng, dẫn đến tình trạng nhiều nước không chấp nhận giao dịch qua mạng internet có địa chỉ IP xuất phát từ Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hình ảnh của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng và lĩnh vực kinh tế quốc tế nói chung. 

Tình trạng các đối tượng người nước ngoài (Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và một số quốc gia Châu Phi) nhập cảnh vào Việt Nam sử dụng thiết bị công nghệ cao để lừa đảo, đe dọa tống tiền, làm giả thẻ tín dụng để chiếm đoạt, trộm cắp tài khoản ngân hàng xảy ra tại nhiều địa phương. Năm 2011, cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra 10 vụ, chuyển cơ quan điều tra khởi tố 11 bị can, thu giữ hàng trăm thẻ tín dụng giả do các đối tượng nước ngoài vào Việt Nam hoạt động phạm tội. 

Điển hình như vụ ngày 6/9/2011, Công an tỉnh Phú Yên phối hợp với Tổng cục An ninh I - Bộ Công an bắt 59 đối tượng người nước ngoài thuê nhà ở TP. Tuy Hòa, Phú Yên để sử dụng các thiết bị công nghệ cao lừa đảo tiền qua mạng. Đối tượng mà bọn chúng hướng đến hầu hết là người Hoa đang sinh sống ở Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan. Trong số 62 đối tượng bị tạm giữ có 59 người Trung Quốc và 3 người Việt Nam. Kiểm tra tại 4 địa điểm, cơ quan công an đã tạm giữ 108 điện thoại bàn, 18 laptop, 14 điện thoại di động, 13 bộ đàm, 25 cáp nối mạng, 14 cổng mạng, 6 thiết bị thu phát sóng ngoài trời và 4 thiết bị thu phát sóng trong nhà.

Chiều ngày 7/7/2011, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã triệt phá vụ án lừa đảo quốc tế sử dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam. 99 đối tượng liên quan đến vụ án đã bị bắt giữ trong thời gian từ ngày 29/6/2011 đến ngày 6/7/2011 (bao gồm 76 người Đài Loan, 23 người Trung Quốc). Những đối tượng này đã nhập cảnh vào Việt Nam từ đầu tháng 06/2010, lưu trú tại một số khách sạn ở các quận 7, 8, 12, TP. Hồ Chí Minh. Công an thu giữ 2 bộ thiết bị đường truyền tốc độ cao, 14 bộ đàm cầm tay, 8 điện thoại wifi (không dây, dùng sim), 37 điện thoại bàn, 7 máy tính xách tay, 2 usb có dữ liệu. Theo lời khai ban đầu, số đối tượng này sử dụng các phương tiện trên để liên hệ với các cá nhân, tổ chức ở Trung Quốc, mạo danh là cơ quan chức năng Trung Quốc, yêu cầu nạn nhân cung cấp số tài khoản hoặc chuyển tiền về tài khoản của họ để phục vụ điều tra, sau đó chiếm đoạt. Thủ đoạn của bọn tội phạm này là khi đến Việt Nam chia nhỏ thành nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 8 - 10 tên hoạt động độc lập với nhau, được phân công nhằm vào các mục tiêu cụ thể, như tấn công vào hệ thống ngân hàng và công dân Trung Quốc ở các tỉnh Giang Tô, An Huy, Thượng Hải. Đặc biệt, nhiều đối tượng cầm đầu băng, nhóm này đều ở nước ngoài và chỉ đạo toàn bộ hoạt động phạm tội qua mạng. Hiện các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam đang phối hợp với cơ quan chức năng của Trung Quốc, Đài Loan để xử lý nhóm tội phạm trên. 

Ngày 6/4/2012, Công an TP. Hồ Chí Minh đồng loạt kiểm tra 4 địa điểm (gồm 297 -299 Trịnh Đình Trọng, phường Hòa Thanh, quận Tân Phú; 41 đường số 28, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân; 44 đường D1, phường Tân Thới Nhất, quận 12; 9A cư xá Bà Điểm, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn), bắt giữ 43 người Trung Quốc và Đài Loan đang lên mạng internet lừa đảo các nạn nhân ở nước ngoài nhằm chiếm đoạt tiền. Thủ đoạn của chúng là liên lạc với nạn nhân ở Thẩm Quyến, Quảng Châu (Trung Quốc), giả danh cảnh sát, Tòa án đang điều tra một đường dây trộm cắp tài khoản của nạn nhân. Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân cung cấp mật mã tài khoản ngân hàng để phục vụ công tác điều tra và ngăn chặn việc rút tiền trong tài khoản của nạn nhân. Khi nạn nhân cung cấp mật mã tài khoản ngân hàng, thì chúng thông báo cho đồng bọn ở Trung Quốc rút tiền của nạn nhân rồi chiếm đoạt. Tại hiện trường, cơ quan công an đã thu giữ 17 máy tính xách tay, 2 máy vi tính để bàn, 24 modem, 109 điện thoại bàn, 35 điện thoại di động, 10 bộ đàm, nhiều kịch bản lừa đảo, tiền Việt Nam, đô la Mỹ, nhân dân tệ cùng nhiều thiết bị viễn thông khác.

Bên cạnh đó, tình hình tội phạm sử dụng mạng internet để thực hiện các hành vi phạm tội như: Phát tán văn hóa phẩm đồi trụy, trộm cắp, đánh bạc, cá độ bóng đá, mại dâm, buôn bán trái phép các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ diễn biến phức tạp, là nguyên nhân trực tiếp phát sinh nhiều loại tội phạm nguy hiểm khác như giết người, cướp tài sản, hiếp dâm, tình trạng các băng nhóm lưu manh côn đồ chém giết, trả thù, sát hại lẫn nhau. 

Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 17/12/1998 của Bộ Chính trị khoái VIII về Chiến lược an ninh quốc gia đã cảnh báo và chỉ ra các thách thức đối với an ninh quốc gia, trong đó có vấn đề về tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng cũng chỉ ra rằng:

- “Các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao tiếp tục gia tăng. Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp…”[6].[7]

- “Những căng thẳng, xung đột tôn giáo, sắc tốc, ly khai, chiến tranh cục bộ, bạo loạn chính trị, can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn sẽ diễn ra gay gắt; các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao trong các lĩnh vực tài chính-tiền tệ, điện tử-viễn thông, sinh học, môi trường… còn tiếp tục gia tăng…”.

Những nội dung này cũng tiếp tục được đánh giá và ghi nhận tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Theo đó, việc bảo đảm an toàn an ninh mạng là mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh. Văn kiện đã nhấn mạnh việc “tăng cường quốc phòng an nhinh bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa… sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng”[8].

Theo Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, các tội danh có liên quan đến máy tính, mạng máy tính được quy định tại các điều:

Điều 224. Tội tạo ra và lan truyền, phát tán các chương trình vi - rút tin học 

1. Người nào tạo ra và cố ý lan truyền, phát tán các chương trình vi-rút qua mạng máy tính hoặc bằng các phương thức khác gây rối loạn hoạt động, phong toả hoặc làm biến dạng, làm huỷ hoại các dữ liệu của máy tính hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 225. Tội vi phạm các quy định về vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử

1. Người nào được sử dụng mạng máy tính mà vi phạm các quy định về vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính gây rối loạn hoạt động, phong toả hoặc làm biến dạng, làm huỷ hoại các dữ liệu của máy tính hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc bịêt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 226. Tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính 

1. Người nào sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính, cũng như đưa vào mạng máy tính những thông tin trái với quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Tội phạm công nghệ cao có liên quan mật thiết tới việc bảo mật an ninh thông tin. An ninh thông tin được hiểu là việc bảo vệ thông tin, các hệ thống thông tin và những dịch vụ có khả năng chống lại những tai họa, lỗi và sự tác động không mong đợi, các thay đổi tác động đến độ an toàn của hệ thống này. Các thông tin dữ liệu trong hệ thống sẽ bị người không được quyền truy nhập tìm các lấy và sử dụng. Các thông tin trong hệ thống có thể bị thay thế hoặc sửa đổi làm sai lệch nội dung. Nhận thức về vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập ở Việt Nam, đồng thời các quy định pháp luật về tội phạm sử dụng công nghệ cao vẫn còn những kẽ hở.

3. Phương hướng, đề xuất nhằm giảm thiểu và ngăn ngừa tội phạm công nghệ cao trong thời đại 4.0

Hiện nay, các hành vi phạm tội sử dụng công nghệ cao ngày càng tinh vi, đe dọa tới độ an toàn thông tin có thể đến từ nhiều nơi theo nhiều cách. Vì vậy, việc đưa ra các chính sách và phương pháp đề phòng là rất cần thiết.

Thực tế cho thấy, tình hình mất an toàn thông tin số tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều nguy cơ đe dọa đến việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng. Thực trạng người nước ngoài vào Việt Nam sử dụng thiết bị công nghệ cao để trộm cắp cước viễn thông, sử dụng thẻ tín dụng giả, lừa đảo, tống tiền đang có xu hướng gia tăng; việc cá độ và đánh bạc qua mạng diễn biến ngày càng phức tạp và với quy mô ngày càng lớn, hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao có tổ chức và xuyên quốc gia.

Gần đây nhất, việc bắt ông Nguyễn Thanh Hóa - nguyên Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) đã cho thấy việc đánh bạc thông qua hình thức game online là vô cùng nghiêm trọng, với quy mô cực lớn, sử dụng công nghệ cao, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Vụ việc này cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các cơ quan chức năng trong phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với thủ đoạn đa dạng, xảy ra trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước. Các thế lực thù địch và bọn phản động sẽ tiếp tục lợi dụng internet để tuyên truyền xuyên tạc và tập hợp lực lượng thực hiện âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Tình hình mất an toàn thông tin số tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều nguy cơ đe dọa đến việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng, nhất là nguy cơ bị tấn công, lây nhiễm virus trong hệ thống thông tin dẫn đến lộ lọt bí mật quốc gia. Tội phạm người nước ngoài vào Việt Nam sử dụng thiết bị công nghệ cao để trộm cắp cước viễn thông, sử dụng thẻ tín dụng giả, lừa đảo, tống tiền sẽ tiếp tục gia tăng; các ổ nhóm, đường dây tội phạm sử dụng công nghệ cao sau khi bị phát hiện, xử lý mạnh trong thời gian qua sẽ chuyển qua phương thức, thủ đoạn mới; tình trạng cá độ và đánh bạc qua mạng tiếp tục diễn biến phức tạp.  Hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ ngày càng mang đậm tính chất của tội phạm có tổ chức và tội phạm xuyên quốc gia. 

Trước tình hình trên, để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau đây: 

Vậy Việt Nam cần làm gì để ứng phó với tình hình này?

Thứ nhất, Việt Nam cần tiếp tục ban hành các chính sách, biện pháp cụ thể đảm bảo an ninh trật tự trong phát triển các lĩnh vực khoa học - công nghệ nhằm phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Cụ thể, Việt Nam cần triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 5 thuộc Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm về “Đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao” gắn với thực hiện quy hoạch phát triển An ninh thông tin số quốc gia đến năm 2020; Triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị số 897/CT-TTg ngày 10/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin số một cách chặt chẽ và hiệu quả.

Nghiên cứu, đề xuất quy định rõ quyền năng pháp lý của lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong tố tụng hình sự và thẩm quyền xử phạt hành chính. Cần xây dựng dự thảo Nghị định về công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm và các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực sử dụng công nghệ cao trình Chính phủ ban hành. Cần giao cho Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan như Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước xây dựng Thông tư liên ngành về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; chủ trì, phối hợp xây dựng Thông tư liên ngành giữa Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn điều tra, truy tố, xét xử đối với 05 tội danh liên quan đến lĩnh vực sử dụng công nghệ cao trong Bộ luật Hình sự năm 1999.

Thứ hai, các cơ quan chức năng cần phải liên tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính… Ba là, Chính phủ cần giao cho Bộ Công an chỉ đạo công tác xây dựng, phát triển lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Bộ Công an cần chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy và triển khai thành lập các đơn vị cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trực thuộc các phòng chức năng ở công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm xây dựng một hệ lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên phạm vi toàn quốc.

Pháp luật hình sự cần kịp thời tội phạm hóa những hành vi nguy hiểm mới phát sinh trong xã hội, có tính nguy hiểm cao, uy hiếp an ninh của con người và của xã hội.

Thứ ba, cần nâng cao ý thức cảnh giác đối với các nguy cơ về an ninh phi truyền thống nói chung và tội phạm sử dụng công nghệ cao nói riêng trong xã hội. Cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; đặc biệt là đối với các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và dịch vụ Internet, viễn thông; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử và thương mại điện tử. Các cá nhân cũng cần phải có có trách nhiệm tham gia phòng ngừa tội phạm, phát hiện, kịp thời tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao với cơ quan Công an hoặc chính quyền cơ sở gần nhất; Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên trách trong quá trình xác minh làm rõ tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao, cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan cho cơ quan chuyên trách khi được yêu cầu theo quy định của pháp luật. Phối hợp với các ngành chức năng trong các hoạt động triển khai ứng dụng công nghệ, thiết lập hệ thống phòng vệ để chủ động và nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm. Nâng cao ý thức cảnh giác của người quản lý, sử dụng công nghệ cao. Đồng thời cảnh báo, phòng ngừa việc lạm dụng, thiếu hiểu biết pháp luật dẫn đến vi phạm pháp luật trong sử dụng công nghệ cao, nhất là giới học sinh, sinh viên.

Thứ tư, Việt Nam cần phải tiếp tục kiện toàn tổ chức, lực lượng chức năng nhằm phát hiện, đấu tranh phòng chống các tội phạm sử dụng công nghệ cao, thường xuyên bồi dưỡng, bổ sung và nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cùng kiến thức tin học, ngoại ngữ cho các cán bộ.

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tập trung trao đổi thông tin tội phạm, tranh thủ tài trợ các thiết bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại và đào tạo cán bộ trình độ cao; Tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan để giải quyết các yêu cầu phát hiện, xác minh, điều tra tội phạm một cách kịp thời, triệt để…

Trong thời đại 4.0 và sự phát triển vượt trội của công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, những phát triển công nghệ đã khiến cho những giao dịch được thực hiện không cần giấy tờ như trước đây. Việc tạo ra các tiêu chuẩn mới về tốc độ, hiệu quả và độ chính xác trong thông tin liên lạc, đã trở thành công cụ quan trọng để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và tăng năng suất tổng thể. Bên cạnh đó, máy tính được sử dụng rộng rãi để lưu trữ dữ liệu bảo mật về chính trị, xã hội, kinh tế hoặc thông tin cá nhân đã mang lại lợi ích to lớn cho xã hội. Không gian mạng trở thành một phần của lãnh thổ quốc gia, một phần không gian sống của con người. Cùng với đó, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ Internet và Máy tính trên toàn cầu đã dẫn đến sự phát triển của các hình thức tội phạm xuyên quốc gia đặc biệt là tội phạm liên quan đến Internet. Những tội phạm này hầu như không có ranh giới và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ quốc gia nào trên toàn cầu. Do đó, cần nâng cao nhận thức và ban hành luật pháp cần thiết ở tất cả các quốc gia để phòng ngừa các tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao gắn liền với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và viễn thông. Cùng với xu thế mới của thời đại, tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ tiếp tục gia tăng. Chính vì vậy, cần tổ chức thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp cơ bản trên đây nhằm nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.

Tóm tại, trước tình hình bùng nổ thông tin, tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng đang phát triển, cả về số lượng và tính chất nguy hiểm của nó. Để đáp ứng yêu cầu phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao, trước hết, phải nhận diện được nó với đầy đủ phương thức, thủ đoạn, hành vị cụ thể, làm cơ sở lý luận để vận dụng vào thực tiễn điều tra, khám phá tội phạm sử dụng công nghệ cao.

 


Ghi chú:

*, **: Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

Chú thích:

[1] Halder, D., & Jaishankar, K. (2011) Cyber crime and the Victimization of Women: Laws, Rights, and Regulations. Hershey, PA, USA: IGI Global. ISBN 978-1-60960-830-9.

[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%99i_ph%E1%BA%A1m_c%C3%B4ng_ngh%E1%BB%87_cao

[3] Moore, R. (2005) "Cyber crime: Investigating High-Technology Computer Crime," Cleveland, Mississippi: Anderson Publishing.

[4] Theo Quyết định số 3317/ QĐ-BTC ngày 24 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tài chính quy định về việc đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường máy tính và mạng máy tính

[5] http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/34094402-giai-phap-bao-dam-an-toan-thong-tin-trong-tinh-hinh-hien-nay.html

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quố gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.28, 182-183.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quố gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.28, 182-183.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.148.

 

Nguồn: Tạp chí Tòa án Nhân dân, Số18 (9/2018).

 

 

In trang Chia sẻ

Tin khác