Xuất khẩu lao động Việt Nam sang các nước và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á: đặc điểm thị trường và thực trạng hoạt động (1992-2016)

17:00 06/04/2021
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +

Nguyễn Thùy Linh1

 

Tóm tắt: Sự phát triển kinh tế và tình trạng già hóa dân số tại các nước Đông Bắc Á dẫn tới nhu cầu lớn về nhập khẩu lao động nước ngoài để đảm bảo nhu cầu sản xuất. Cùng với sự hợp tác về chính trị, sự tương đồng về văn hóa và tiền công lao động cao, Đông Bắc Á đã trở thành thị trường hấp dẫn đối với lao động Việt Nam. Từ năm 1992 đến năm 2016, tuy là thị trường mới, nhưng Đông Bắc Á nhanh chóng trở thành thị trường lớn nhất của lao động Việt Nam với đa dạng ngành nghề. Bài viết tập trung phân tích những đặc điểm cơ bản của thị trường Đông Bắc Á, đồng thời phân tích hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam tại ba thị trường chính là Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Từ khóa: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, xuất khẩu lao động

Summary: The economic development and population aging in Northeast Asia has led to a large demand for foreign labor imports to ensure the production needs of countries and territories in the region. Along with political cooperation, cultural similarity and high income, Northeast Asia has become an attractive market for Vietnamese workers. From 1992 to 2016, starting from a new market, Northeast Asia became the largest market of Vietnamese labor with diversified career. This paper focuses on analyzing the basic characteristics of the Northeast Asian market, and Vietnam's labor export activities in three main markets: Taiwan, Japan and South Korea.

Key words: Japan, South Korea, Taiwan, Labor export

 

1. Đặc điểm thị trường Đông Bắc Á[1]

Tính đến năm 2016, có hơn 500 nghìn lao động Việt Nam làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó khu vực Đông Bắc Á thu hút số lượng lớn lao động Việt Nam. Đây là thị trường có một số đặc điểm phù hợp và hấp dẫn lao động Việt Nam.        

Thứ nhất, phần lớn các nước Đông Bắc Á có nhu cầu nhập khẩu lao động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề như: công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, dịch vụ, thuyền viên tàu cá,… do đòi hỏi của sự phát triển kinh tế và tình trạng già hóa dân số ngày một trầm trọng dẫn tới thiếu hụt lao động.

Trong giai đoạn 1992-2016, các nước khu vực Đông Bắc Á có GDP cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh. Cụ thể, năm 1992, GDP của Trung Quốc là 426,9 triệu USD, đến năm 2000 là 1,2 nghìn tỉ USD,  năm 2016 đạt mốc 11,233 nghìn tỉ USD[2]. Trung bình mỗi năm GDP Trung Quốc tăng từ 1 tới 1,5 nghìn tỉ USD, đạt tốc độ tăng  từ 7%-10%/năm.

Năm 1998, GDP của Hàn Quốc chỉ là 0,383 nghìn tỉ USD, thấp hơn rất nhiều so với Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng đến năm 2016, GDP của Hàn Quốc đã đạt mức 1,5 nghìn tỉ USD[3], tăng hơn 3,8 lần so với năm 1998, trung bình mỗi năm GDP của Hàn Quốc tăng từ 200 tới 300 tỉ USD, duy nhất giảm 100 tỉ USD vào năm 2009 và tiếp tục tăng trở lại từ năm 2010. Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Hàn Quốc là 5,2%/năm[4].

Mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP của Nhật Bản chậm, nhiều năm tốc độ tăng trưởng  âm (năm 1998 là -1,1%, năm 1999 là -0,3%, năm 2008 và 2009 cũng là -1,1 và -5,4 %)[5], Nhật Bản vẫn là quốc gia có nền kinh tế lớn, GDP duy trì đều đặn từ hơn 4 nghìn tỉ USD đến hơn 6 nghìn tỉ USD/năm.

Bên cạnh sự phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người (GNI/người) của các nước trong khu vực Đông Bắc Á không ngừng tăng. Tại Hàn Quốc, GNI/người tăng từ 8.310 USD (1992) lên 29.330 USD (2016) (tăng hơn 21.000 USD, gấp 3,5 lần). Tại Nhật Bản thu nhập bình quân đầu người tăng từ 30.590 USD (1992) lên 37.860 USD (2016); tại Hồng Kông tăng từ 16.560 USD (1992) lên 42.970 USD[6] (2016) (tăng hơn 26.000 USD, gấp 2,6 lần) – đây là 1 trong 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có thu nhập bình quân cao nhất thế giới.

Bên cạnh đó, việc nâng cao mặt bằng giáo dục khiến người lao động ở Đông Bắc Á có xu hướng tìm kiếm các công việc có trình độ chuyên môn kĩ thuật cao. Vì vậy, lao động máy móc giản đơn trong các dây chuyền sản xuất hoặc công việc làm vệ sinh văn phòng, trong các lĩnh vực như may mặc, cơ khí, giúp việc gia đình, điều dưỡng, chăm sóc người già… thiếu hụt nghiêm trọng. Chính vì vậy, nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài của các nước Đông Bắc Á rất lớn.

Mặc dù nhu cầu lao động lớn nhưng dân số tại các nước Đông Bắc Á không đồng đều. Trung Quốc là quốc gia đông nhất với 1,44 tỉ dân (2020), Nhật Bản với dân số trên 100 triệu dân, còn lại các quốc gia và vùng lãnh thổ khác chỉ dao động ở mức 10-40 triệu dân. Trong khi đó, tốc độ gia tăng dân số của Nhật Bản năm 2010, 2016 lần lượt là -0,2% và -0,1% – đây là mức tăng dân số chậm nhất trong số các nước Đông Bắc Á. Đài Loan cũng là nơi có tốc độ tăng dân số theo chiều hướng giảm dần: 0,59% (2000), 0,36% (2010), 0,26%/năm (2016). Trong khi tốc độ tăng dân số giảm thì tuổi thọ trung bình của các nước trong khu vực này lại không ngừng được cải thiện. Nếu tuổi thọ trung bình trên thế giới là 72 (2016), thì cùng thời gian đó ở Nhật Bản là 84, Hàn Quốc 82,4, Đài Loan 80,2 và Hồng Kông là 84,2[7]. Có thể thấy dân số các nước và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á đang có xu hướng ngày càng già hóa.

Dân số già hóa dẫn đến nhiều hệ lụy cho nền kinh tế khi một phần dân số không làm việc nữa ngày một đông, những người còn lại phải lao động nhiều hơn và thậm chí còn phải làm việc hiệu quả hơn để giữ ổn định và phát triển nền kinh tế, nâng cao mức sống. Nhiều người già hơn cũng có nghĩa là có nhiều tiền tiết kiệm hơn so với các cơ hội đầu tư, tạo áp lực làm lãi suất giảm đi. Dân số già ảnh hưởng đến năng suất lao động, bởi người lao động lớn tuổi chậm thích nghi với sự thay đổi hoàn cảnh, công nghệ và mô hình kinh doanh. Để giải quyết những khó khăn đó, nhu cầu nhập khẩu lao động đối với các nước Đông Bắc Á là cần thiết.

Thứ hai, các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á có sự tương đồng về văn hóa với Việt Nam.

Các nước Đông Bắc Á đều chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa từ những thế kỉ trước nên có nhiều nét văn hóa tương đồng, phong tục tập quán gần gũi với người Việt như: tín ngưỡng thờ cúng các sự vật, hiện tượng thiên nhiên như núi, sông, biển, mặt trời, mưa, bão…, đồng thời, thờ các anh hùng có công với đất nước, thờ cúng tổ tiên để mong được phù hộ, được bảo vệ. Hàng năm, tại nhiều nước trong khu vực Đông Bắc Á có tập quán lễ tết giống nhau như tết Âm lịch, tết Trung thu, tết Thanh minh, tết Đoan ngọ, lễ Vu lan… Bên cạnh đó, sự du nhập Phật giáo từ Trung Quốc đến Hàn Quốc, Nhật Bản… với những chùa chiền, đồ thờ cúng và nghi lễ Phật giáo đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của người dân khu vực này.

Tập tục sinh hoạt của cư dân mang tính cộng đồng sâu sắc, đây là đặc trưng chung nổi bật của khu vực Đông Bắc Á, phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Về điều kiện tự nhiên, các nước Đông Bắc Á mặc dù có thời tiết nghiêng về hàn đới, nhưng có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt: mùa hè mưa nhiều, nắng nóng và nhiều giông bão; mùa đông lạnh và khô. Sự tương ứng về thời tiết là điều kiện phù hợp với thể trạng người lao động Việt Nam.

Có thể thấy so với các thị trường khác như Trung Đông (cư dân phần lớn theo đạo Hồi), châu Âu (theo Thiên chúa giáo) thì sự tương đồng về văn hóa là một trong những nhân tố thuận lợi để thị trường Đông Bắc Á hấp dẫn lao động Việt Nam.

Thứ ba, quan hệ ngoại giao giữa chính phủ các nước với Việt Nam được cải thiện đáng kể là điều kiện thuận lợi phát triển quan hệ hợp tác lao động.

Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Nhật Bản (21/9/1973), Hàn Quốc (22/12/1992), bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1991). Từ đó, Việt Nam và các nước Đông Bắc Á đã xây dựng và không ngừng phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác rất gắn bó và toàn diện.

Năm 2001, Việt Nam và Hàn Quốc tuyên bố thiết lập “Quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI”. Tới tháng 10/2009, quan hệ hai nước được nâng lên thành “Đối tác hợp tác chiến lược”.

Quan hệ hai nước Việt Nam – Nhật Bản đã đạt đến một đỉnh cao mới, trở thành “đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng Châu Á” (2014).

Thứ tư, các dự án đầu tư vào Việt Nam của các quốc gia Đông Bắc Á chiếm tỷ trọng cao và có xu hướng gia tăng đã thu hút một số lượng lao động lớn được sử dụng và đào tạo cho các dự án này.

Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là những quốc gia và vùng lãnh thổ đứng đầu trong đầu tư FDI tại Việt Nam.

Từ năm 1987, Việt Nam ban hành Luật Đầu tư nước ngoài và Đài Loan thực hiện “Chính sách hướng Nam”, Đài Loan đã trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam. Tính lũy kế đến 20/12/2015, Đài Loan có 2.478 dự án đầu tư tại Việt Nam, tổng số vốn đăng kí đạt 30,997 tỷ USD[8], đứng thứ 4 trong tổng số hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Cũng tính lũy kế đến giữa năm 2015, các nhà đầu tư Nhật Bản có 2.638 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 37,65 tỷ USD (chiếm 14,3% tổng số dự án và 14,6% tổng vốn đầu tư của Việt Nam)[9]. Các dự án của Nhật Bản chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản,…

Tính đến giữa năm 2016, Hàn Quốc đã có 5.273 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 49 tỷ USD[10], đứng thứ nhất về tổng vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư trong tổng số 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Quy mô trung bình mỗi dự án FDI của Hàn Quốc đạt 9,3 triệu USD. Các tập đoàn công nghiệp lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Doosan, Kumho, Posco, Lotte, GS, Hyosung và các công ty vệ tinh đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, thông tin truyền thông, kinh doanh bất động sản.

Thực tế có nhiều người lao động trong các công ty có vốn đầu tư nước ngoài của Nhật Bản, Hàn Quốc đã đi xuất khẩu lao động theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề, sau đó quay lại làm việc tại các nhà máy ở Việt Nam sau khi kết thúc hợp đồng.

Thứ năm, mức thu nhập tại thị trường Đông Bắc Á tương đối cao hơn các thị trường khác.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tiền lương bình quân tháng của lao động xuất khẩu năm 2015 tại khu vực Đông Bắc Á là 18 triệu/tháng (Hàn Quốc: 20 triệu/tháng, Đài Loan: 13 triệu/tháng và Nhật Bản: 28 triệu/tháng)[11], đây là mức thu nhập cao so với các thị trường khác. Trung bình lao động làm việc ở Đông Bắc Á có thu nhập cao hơn thị trường châu Âu 4 triệu/tháng, hơn thị trường Đông Nam Á 10 triệu/tháng (gấp hơn 2 lần), hơn thị trường Trung Đông – châu Phi 11 triệu đồng/tháng (gấp 2,5 lần). Mức thu nhập cao là động lực thúc đẩy người lao động Việt Nam, khi mà mục tiêu chính của xuất khẩu lao động là tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Như vậy, do sự phát triển kinh tế và tình trạng già hóa dân số dẫn tới việc thiếu hụt nguồn lao động, khu vực Đông Bắc Á luôn có nhu cầu lớn về nhập khẩu lao động nước ngoài. Cùng với sự tăng cường hợp tác về chính trị, sự tương đồng về văn hóa và mức thu nhập cao, Đông Bắc Á đã trở thành thị trường lớn nhất của lao động Việt Nam.

2. Thực trạng hoạt động xuất khẩu lao động Việt Nam sang Đông Bắc Á

Từ thập niên 90 của thế kỉ XX, Đông Bắc Á trở thành thị trường nhập khẩu lao động lớn đối với các quốc gia châu Á và trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Số lượng người Việt làm việc tại thị trường Đông Bắc Á tương đối nhiều, trong đó lớn nhất là Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Bảng thống kê lao động Việt Nam tại Đông Bắc Á (1992-2016)

Năm

Tổng số lao động xuất khẩu cả nước

Đài Loan

Nhật Bản

Hàn Quốc

Tổng Đài Loan + Hàn Quốc + Nhật Bản

Số lao động

Tỉ lệ %

Số lao động

Tỉ lệ %

Số lao động

Tỉ lệ %

Số lượng

Tỉ lệ %/ Tổng

1992

1.031

0

0

0

0

216

20,9

216

20,9

1993

6.657

0

0

122

1,8

3.309

49,7

3.431

51,5

1995

12.849

52

0,4

433

3,4

9.561

74,4

10.046

78,2

1996

12.959

70

0,5

1.530

11,8

4.699

36,3

6.299

48,6

1997

18.470

191

1,0

2.227

12,1

4.880

26,4

7.298

39,5

1998

12.240

1.697

13,9

1.896

15,5

1.500

12,3

5.093

41,7

1999

21.810

558

2,6

1.856

8,5

4.518

21

6.932

32,1

Trung bình 1992-1999

12.140

367

2,6

1.580

7,6

4.097

34,5

5.616

44,6

2000

31.500

8.099

25,7

1.497

4,8

7.316

23,3

16.912

53,8

2001

36.168

7.782

21,5

3.249

9,0

3.910

10,8

14.941

41,3

2002

46.122

13.191

28,6

2.202

4,8

1.190

2,6

16.583

36

2003

75.000

29.069

38,8

2.256

3,0

4.336

5,8

35.661

47,6

2004

67.447

37.144

55,1

2.752

4,1

4.779

7,1

44.675

66,3

2005

70.594

22.784

22,3

2.955

4,2

12.102

17,1

37.841

43,6

2006

78.855

14.127

17,9

5.360

7,0

10.577

13,4

30.064

38,3

2007

85.020

23.640

27,8

5.517

6,5

12.187

14,3

41.344

48,6

2008

86.990

31.631

36,4

6.142

7,1

18.141

20,9

55.914

64,4

2009

73.028

21.677

29,7

5.456

7,5

7.578

10,4

34.711

47,6

Trung bình 2000-2009

58.322

20.914

35,6

3.738

6,4

8.211

14,1

32.863

56,2

2010

85.546

28.499

33,3

4.913

5,7

8.628

10,1

42.040

49,1

2011

88.298

38.796

43,9

6.985

7,9

15.214

17,2

60.995

69

2012

80.320

30.500

38,0

8.800

11,0

9.200

11,5

48.500

60,5

2013

88.155

46.368

52,6

9.688

11,0

5.446

6,2

61.502

69,8

2014

106.840

62.124

58,1

19.766

18,5

5.500

5,1

87.390

81,7

2015

115.980

67.121

57,9

27.010

23,3

6.019

5,2

100.150

86,4

2016

126.296

68.244

54,0

39.938

31,6

8.482

6,7

116.664

92,3

Trung bình 2010-2016

98.776

48.807

49,4

16.729

16,9

8.355

8,4

73.891

74,8

 
Nguồn: Tác giả thống kê số lượng lao động xuất khẩu và tính toán tỉ lệ % theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Niên giám thống kê lao động, người có công và xã hội các năm 1993, 1994, 1995, 1996, 1997, 1999, 2001, 2002, 2003, 2004, 2005, 5 năm 2006-2010, 2013, 2014, 20152016.

 

Bảng số liệu trên cho thấy, số lao động Việt Nam xuất khẩu tại thị trường Đông Bắc Á tăng nhanh, từ 216 lao động (1992) lên 116.664 lao động (2016), tăng hơn 116 nghìn người, gấp 540 lần. Số lao động Việt Nam đến làm việc tại thị trường Đông Bắc Á trung bình mỗi năm trong giai đoạn 1992-1999 là 5.616 người, giai đoạn 2000-2009 là 32.863 người (tăng 27 nghìn người, gấp 6 lần giai đoạn 1992-1999), giai đoạn 2010-2016 là 73.819 người (tăng gần 41 nghìn người, gấp 2,2 lần giai đoạn 2000-2009; tăng hơn 68 nghìn người, gấp 13 lần giai đoạn 1992-1999). Tỉ lệ số lượng lao động Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc trong tổng số lao động xuất khẩu cả nước từ năm 1992 đến năm 2016 cũng tăng nhanh, từ mức 44,6% trong giai đoạn 1992-1999 lên mức 56,2%  trong giai đoạn 2000-2009 và 74,8% trong giai đoạn 2010-2016.

Tại khu vực Đông Bắc Á giai đoạn 1992-1999, Hàn Quốc là thị trường lớn nhất thu hút lao động Việt Nam với trung bình gần 4,1 nghìn lao động Việt Nam mỗi năm (chiếm 34,5% tổng số lao động xuất khẩu cả nước), hơn thị trường Nhật Bản khoảng 2,5 nghìn người (gấp 2,6 lần), hơn thị trường Đài Loan 3,7 nghìn người (gấp 11,1 lần). Từ năm 2000 đến năm 2016, Đài Loan thu hút mạnh mẽ lao động Việt Nam, trở thành thị trường lớn  nhất của xuất khẩu lao động Việt Nam. Giai đoạn 2000-2009, trung bình mỗi năm có hơn 20,9 nghìn lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan (chiếm 35,6% tổng số lao động xuất khẩu), nhiều hơn 12,7 nghìn lao động (gấp 2,5 lần) so với thị trường Hàn Quốc và hơn 17,2 nghìn lao động (gấp 5,6 lần) so với thị trường Nhật Bản. Giai đoạn 2010-2016, trung bình mỗi năm có gần 49 nghìn lao động Việt Nam sang Đài Loan làm việc (chiếm 49,4% tổng số lao động xuất khẩu cả nước), hơn 32,1 nghìn lao động (gấp hơn 2,7 lần) thị trường Nhật Bản và hơn 40,5 nghìn lao động (gấp 5,8 lần) thị trường Hàn Quốc.

2.1. Thị trường Đài Loan

Việt Nam là một nước có lập trường nhất quán kiên trì “chính sách một Trung Quốc”, do vậy, Việt Nam và Đài Loan không có quan hệ ngoại giao chính thức, chỉ hạn chế trong giao lưu, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và văn hóa.

Ngày 30/6/1992, Việt Nam và Đài Loan kí thỏa thuận thiết lập Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác kinh tế, giáo dục, y tế, nông nghiệp và xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, Đài Loan là thị trường có hệ thống luật pháp tương đối đầy đủ và thống nhất điều chỉnh vấn đề việc làm cho người lao động nước ngoài, trong đó có quy định cho phép chủ sử dụng lao động Đài Loan có thể trực tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc tại nước mình.

Từ năm 1995, Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan. Tuy nhiên trong hai năm 1995 và 1996, số lao động Việt Nam sang Đài Loan còn ít với số lượng năm 1995 là 52 người, năm 1996 là 70 người. Từ năm 1997, lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan tăng nhanh (xem bảng 1): từ 191 người (1997) lên 68.244 người (2016) (tăng hơn 68 nghìn người, gấp 357 lần). Trung bình trong giai đoạn 1992-1999, mỗi năm có 367 lao động Việt Nam sang Đài Loan (chiếm 2,6% số lượng xuất khẩu lao động cả nước). Từ năm 2000, số lao động Việt Nam sang Đài Loan tăng vọt, từ 558 người (1999) lên 8.099 người (2000), tăng 7.541 người, gấp 14,5 lần, chiếm tới 25,7% tổng số lao động xuất khẩu của cả nước. Trong giai đoạn 2000-2009, trung bình mỗi năm có khoảng 20,9 nghìn lao động sang Đài Loan (chiếm 35,6% tổng số lao động xuất khẩu cả nước), trong đó năm 2004 là 37,1 nghìn người (chiếm 55,1% số lượng xuất khẩu lao động cả nước). Giai đoạn 2010-2016, trung bình mỗi năm có 48,8 nghìn lao động đi Đài Loan (chiếm 49,4% tổng lao động xuất khẩu cả nước), tăng hơn 27,8 nghìn người, gấp 2,3 lần giai đoạn 2000-2009 và tăng hơn 48,4 nghìn, gấp 132 lần giai đoạn 1992-1999. Đặc biệt, những năm 2014, 2015 và 2016, số lượng người Việt Nam làm việc tại Đài Loan luôn trên 60 nghìn người (chiếm khoảng 50% tổng số lao động xuất khẩu của cả nước). Mặc dù năm 2005, 2006 số lượng lao động giảm, do lao động Việt Nam bỏ trốn nhiều, từ năm 2005 Đài Loan không nhận lao động giúp việc gia đình và thuyền viên tàu cá. Năm 2009, số lao động giảm 10.000 người so với năm 2008, nguyên nhân do cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 dẫn tới Đài Loan giảm số lượng lao động nhập khẩu, nhưng nhìn chung số lượng lao động xuất khẩu sang Đài Loan tăng tương đối ổn định. Từ những năm 2010 đến năm 2016, Đài Loan là thị trường lớn nhất của lao động Việt Nam.

Số lượng lao động Việt Nam sang Đài Loan tăng nhanh xuất phát từ nguyên nhân lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan được phía chủ sử dụng đánh giá cao về sự thông minh, cần cù, dễ thích nghi. Chính sách ưu đãi về tiền lương cho người lao động của Đài Loan tăng với mức thu nhập bình quân từ 13 triệu đồng/tháng (chưa tính làm thêm giờ). Chi phí đi xuất khẩu lao động Đài Loan thấp (khoảng 4.000 USD đến 6.000 USD) đã hấp dẫn người lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, nhu cầu ngày càng lớn của các dịch vụ chăm sóc người già, trẻ nhỏ, người bệnh và các gia đình Đài Loan cũng là một lý do khiến số người lao động Việt Nam sang thị trường này ngày càng nhiều.

2.2. Thị trường Nhật Bản

Việt Nam chính thức đưa thực tập sinh sang tu nghiệp tại Nhật Bản từ sau năm 1992 trong khuôn khổ bản ghi nhớ về “Chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài vào tu nghiệp tại Nhật Bản” đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ký với Tổ chức Hợp tác tu nghiệp quốc tế Nhật Bản (JITCO). Thông qua chương trình này, Nhật Bản hỗ trợ đào tạo nghề nhằm giúp thanh niên Việt Nam nâng cao tay nghề, tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến và công nghệ hiện đại để khi trở về nước góp phần tích cực vào công cuộc phát triển đất nước. Từ sau năm 1992, Nhật Bản là thị trường lớn tiếp nhận lao động Việt Nam.

Giai đoạn 1993-1999, trung bình mỗi năm có khoảng 1,58 nghìn lao động Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản (chiếm 7,6% tổng số lao động xuất khẩu cả nước). Giai đoạn từ năm 2000 đến 2009, mỗi năm có khoảng hơn 3,7 nghìn lao động được cấp phép làm việc tại Nhật Bản, tăng 2,1 nghìn lao động/năm, gấp 2,3 lần so với giai đoạn 1993-1999. Tới giai đoạn 2010-2016, trung bình mỗi năm có 16,7 nghìn lao động (chiếm 16,9% tổng số lao động xuất khẩu cả nước), tăng hơn 13 nghìn người, gấp 4,5 lần giai đoạn 2000-2009 và tăng hơn 15,12 nghìn lao động, gấp 10,5 lần so với giai đoạn 1993-1999. Riêng những năm 2014, 2015, 2016, số lao động Việt Nam tại Nhật Bản là 19,7 nghìn người (chiếm 18,5%), 27 nghìn người (chiếm 23,3%) và 39,9 nghìn người (chiếm 31,6% tổng số lao động xuất khẩu cả nước) - đây là những năm có số lao động đông nhất kể từ khi Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Nhật Bản.

Thực tập sinh Việt Nam đang tu nghiệp tại Nhật Bản trong các lĩnh vực như điện tử, gia công cơ khí, may công nghiệp, chế biến thủy sản, xây dựng, nông nghiệp, đóng tàu biển… tại hầu khắp các tỉnh của Nhật Bản nhưng tập trung chủ yếu ở các vùng Gifu, Konto, Kansai, Aichi, Hiroshima… 

Từ cuối năm 2005, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ký thỏa thuận với Cơ quan phát triển nguồn nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM JAPAN), theo đó thực tập sinh đi tu nghiệp tại Nhật Bản theo chương trình này không phải đóng các chi phí trước khi xuất cảnh, ngoại trừ các khoản chi phí khám sức khoẻ, lệ phí làm hộ chiếu và visa, chi phí ăn, ở trong thời gian đào tạo trước phái cử. Sau khi hoàn thành thời gian tu nghiệp và thực tập kỹ thuật về nước, tổ chức IM JAPAN sẽ hỗ trợ mỗi thực tập sinh khoản tiền 600.000 yên (khoảng trên 7.500 USD) để hỗ trợ việc hoà nhập, tìm việc làm mới hoặc tự tạo việc làm cho bản thân.

Bên cạnh việc hợp tác đưa thực tập sinh và thực tập kỹ năng sang tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, Việt Nam cũng đã cung cấp lao động kỹ thuật có tay nghề cao, kỹ sư công nghệ thông tin, những người có trình độ đại học và trên đại học trong các lĩnh vực cho Nhật Bản. Thời gian làm việc của kỹ sư, chuyên gia Việt Nam tại Nhật Bản là ba năm và có thể gia hạn thêm hai năm, mức lương bình quân khoảng 250.000 yên/tháng (khoảng 3.000 USD), được cung cấp nhà ở, điện nước và các tiện nghi sinh hoạt như bếp gas, tủ lạnh, lò sưởi…

Có thể thấy, tại Nhật Bản, hình thức tu nghiệp sinh là nhiều hơn cả so với các thị trường khác. Sau nhiều năm thực hiện chương trình, tu nghiệp sinh của Việt Nam được đánh giá cao về sự chăm chỉ, thông minh, thích ứng nhanh. Tuy nhiên cũng còn nhiều hạn chế như trình độ sử dụng ngoại ngữ còn hạn chế, tính tổ chức kỷ luật kém, chưa có tác phong công nghiệp, tình trạng lao động bỏ trốn khỏi các doanh nghiệp và công ty đã kí hợp đồng lao động để lao động tự do còn nhiều. Điều này đã làm giảm uy tín của lao động Việt Nam, cũng như gây rủi ro cho người lao động vì không được bảo vệ trước pháp luật.

2.3. Thị trường Hàn Quốc

Hợp tác cung ứng và sử dụng lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc được bắt đầu từ năm 1993 là chương trình hợp tác lớn nhất trong lĩnh vực lao động – xã hội giữa hai nước được triển khai thực hiện dưới 3 hình thức:

Thứ nhất, lao động đi theo Chương trình Cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (gọi tắt là EPS) do Trung tâm Lao động ngoài nước trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện (trước đây là chương trình đưa tu nghiệp sinh Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc do Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc và một số doanh nghiệp Việt Nam thực hiện).

Thứ hai, lao động đi làm việc trên các tàu đánh cá của Hàn Quốc (bao gồm cả tàu đánh cá gần bờ và tàu đánh cá xa bờ) do các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài triển khai đưa đi.

Thứ ba, lao động có trình độ tay nghề kỹ thuật cao. Việt Nam bắt đầu đưa lao động đến Hàn Quốc từ năm 1992. Cho đến 2016 đã có 154 nghìn lao động đến làm việc tại Hàn Quốc. Giai đoạn 1992-1999, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 4 nghìn lao động Việt Nam sang Hàn Quốc (chiếm khoảng 34,5% tổng số lao động xuất khẩu cả nước), trong đó năm 1995 là nhiều nhất với gần 10 nghìn người. Giai đoạn 2000-2009, bình quân mỗi năm có khoảng 8,2 nghìn người sang làm việc (chiếm 14,1% tổng số lao động xuất khẩu cả nước). Đặc biệt giai đoạn 2005-2008 số lao động đi Hàn Quốc làm việc tăng lên rõ rệt, khoảng hơn 10 nghìn đến gần 20 nghìn người (nghĩa là gấp hơn 2 lần so với mức trung bình hàng năm). Nguyên nhân là do kể từ thời điểm này Hàn Quốc cho phép tiếp nhận lao động Việt Nam theo chương trình cấp phép mới, với những chính sách mở cửa của cả hai nước nên thị trường lao động được mở rộng. Sau năm 2008, số lượng lao động có giảm đi, tuy nhiên đây vẫn là thị trường lớn của lao động Việt Nam với khoảng hơn 8,3 nghìn lao động sang làm việc mỗi năm trong giai đoạn 2010-2016, chiếm 8,4% tổng số lao động xuất khẩu cả nước.

Lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc với số lượng nhiều do Hàn Quốc có nhiều chính sách thu hút, đãi ngộ tốt đối với lao động nhập cư: được tôn trọng, được đối xử theo tư cách của người lao động hợp pháp, cụ thể là: được gia hạn khi hết hợp đồng, hỗ trợ tiền hồi hương và trợ cấp nghỉ việc, hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí trước hoặc sau khi về nước, được tư vấn việc làm và giới thiệu việc làm tại các công ty Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam,…

3. Kết luận

Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại các nước và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á từ đầu những năm 90 của thế kỉ XX. Từ đó cho tới năm 2016, số lượng lao động Việt Nam tăng nhanh không ngừng. Giai đoạn từ đầu đến năm 2000, Đông Bắc Á là thị trường mới, tiềm năng. Từ năm 2000, Đông Bắc Á trở thành khu vực chính và chủ yếu tiếp nhận lao động Việt Nam trên nhiều lĩnh vực ngành nghề. Có những kết quả trên là do sự phù hợp về cung - cầu lao động sang các nước trên thế giới giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á. Xuất khẩu lao động sang các nước trên thế giới nói chung và xuất khẩu lao động sang khu vực Đông Bắc Á nói riêng đã góp phần giải quyết việc làm trong nước, tăng thêm thu nhập và nâng cao đời sống cho người lao động.

 

 ___________________________________

[1] ThS., Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

[2] Ngân hàng Thế giới, https://data.worldbank.org/ indicator/NY.GDP.MKTP.CD?locations=CN.

[3] Ngân hàng Thế giới, https://data.worldbank.org/ indicator/NY.GDP.MKTP.CD?locations=KR.

[4] Tác giả tính toán dựa trên số liệu về tốc độ tăng trưởng GDP theo thống kê của Ngân hang Thế giới, https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.MKTP.KD.ZG?locations=KR.

[5] Ngân hàng thế giới, https://data.worldbank.org/ indicator/NY.GDP.MKTP.KD.ZG?locations=JP.

[6] Số liệu GNI/người tác giả thống kê theo Website Ngân hàng Thế giới, https://data.worldbank.org/.

[7] Số liệu trên https://danso.org/.

[8] Ban Quan hệ Quốc tế - VCCI (2016), Hồ sơ thị trường Đài Loan, tr. 7.

[9] Đại sứ quán nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Nhật Bản, http://www.vnembassy-jp.org/vi/%C4% 91%E1%BA% A7u-t%C6%B0.

[10] Cục đầu tư nước ngoài, Tình hình hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc, http://fia.mpi.gov.vn/tinbai/4830/Tinh-hinh-hop-tac-dau-tu-Viet-Nam-Han-Quoc.

[11] Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2016), Niên giám thống kê lao động, người có công và xã hội năm 2015, Nxb Lao động – xã hội, tr. 53.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Ánh (2007), “Vài nét đặc trưng của thị trường lao động Đài Loan”, Tạp chí Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, số 41 (184).

2. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Niên giám thống kê Lao động, người có công và xã hội các năm 1993, 1994, 1995, 1996, 1997, 1999, 2001, 2002, 2003, 2004, 2005, 5 năm 2006-2010, 2013, 2014, 20152016, Nxb Lao động – Xã hội, Hà Nội.

3. Đoàn Minh Duệ (2011), Lao động Việt Nam ở nước ngoài thực trạng và giải pháp đến năm 2020, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

4. Nguyễn Thị Hường (2014), “Giải pháp hạn chế tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc”, Tạp chí Quản lí kinh tế, số 60.

5. Lưu Văn Hưng (2011), Xuất khẩu lao động Việt Nam thời đổi mới và hội nhập, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

 

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 12 (238) 12-2020

 

 

 

In trang Chia sẻ

Tin khác