TS. Đặng Thái Bình
Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Ấn Độ diễn biến phức tạp, ngoài tầm kiểm soát. Mặc dù, chính phủ Ấn Độ đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, tuy nhiên yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo của Ấn Độ có nét đặc thù riêng, khiến công tác phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Từ đầu tháng 04.2021 đến nay, trung bình mỗi ngày Ấn Độ có thêm hơn 200.000 ca nhiễm mới; đỉnh điểm có lúc lên 320.000 ca, khoảng 3.000 người chết mỗi ngày, đưa Ấn Độ trở thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới với trên 17 triệu ca nhiễm và trở thành quốc gia có cấp độ cao nhất về Covid 19 – Cấp độ 4 (Theo đánh giá của CDC-Mỹ).
Về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Ấn Độ
Hình 1: Số ca lây nhiễm Covid tại các bang của Ấn Độ cập nhật đến ngày 26/4/2021
Hiện Ấn Độ đang hứng chịu làn sóng lây lan dịch bệnh Covid-19 thứ hai khiến hệ thống y tế công của Ấn Độ quá tải, chứng kiến tình trạng thiếu hụt vaccine Covid-19. Theo đó, số ca nhiễm Covid-19 của Ấn Độ liên tục tăng theo cấp số nhân/ngày, đỉnh điểm có ngày thêm 320.000 ca nhiễm Covid-19 mới, đưa Ấn Độ trở thành ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới với 17,2 triệu ca nhiễm, 192.000 ca tử vong. Trong đó, 5 địa phương có số ca nhiễm tăng nhiều nhất là các bang Maharashtra, Uttar Pradesh, Karnataka, Kerala và Thủ đô New Delhi. Do số ca nhiễm Covid-19 tăng quá nhanh, nhu cầu vaccine Covid-19 tại nhiều bang ở Ấn Độ tăng cao, trong khi nguồn cung vaccine Covid-19 đang thiếu hụt. Hệ thống bệnh viện đã hoàn toàn quá tải, giường bệnh, oxy, thuốc… thiếu nghiêm trọng. Các bệnh viện đã cố gắng chia nhỏ phần oxy cho các bệnh nhân Covid-19 duy trì sự sống nhưng mỗi ngày vẫn có hàng nghìn người chết mà các bác sĩ không thể giúp. Nhà xác, lò hỏa táng hoạt động cả ngày lẫn đêm cũng không xử lý hết các thi thể tử vong do nhiễm Covid-19.
Nguyên nhân Ấn Độ hứng chịu làn sóng lây lan dịch bệnh Covid-19 lần thứ hai và nguyên nhân Ấn Độ khó khăn trong dập dịch Covid-19
- Nguyên nhân Ấn Độ hứng chịu làn sóng lây lan dịch bệnh Covid-19 lần thứ hai.
(i) Làn sóng lây lan dịch bệnh Covid-19 của Ấn Độ xuất phát từ tâm lý chủ quan của Chính quyền các bang và người dân sau khi tình hình dịch bệnh có sự chuyển biến tích cực vào đầu tháng 02/2021, khiến một số bang đã nới lỏng hầu hết các lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội; phần lớn người dân ngừng đeo khẩu trang và tham gia các lễ hội tập trung đông người mà không có các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
(ii) Vài ngày sau khi Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ Harsh Vardhan tuyên bố đã ngăn chặn được đợt bùng phát Covid-19 vào cuối tháng 01/2021, thành phố Mumbai - một trong những ổ dịch lớn tại Ấn Độ đã mở lại mạng lưới tàu điện khổng lồ và Chính quyền thành phố cho phép hàng trăm nghìn du khách đổ đến nhiều sân vận động để xem các trận đấu Cricket quốc tế. Cùng với đó, từ tháng 02/2021 đến nay, tại Ấn Độ diễn ra nhiều hoạt động cộng đồng như: Bầu cử địa phương, tụ họp tôn giáo và lễ hội nhưng người dân tham gia các hoạt động này đều không tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch bệnh. Các yếu tố trên đã khiến tình hình dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng tại Ấn Độ diễn biến phức tạp, ngoài tầm kiểm soát.
- Nguyên nhân Ấn Độ khó khăn trong dập dịch Covid-19
(i) Đặc điểm dân số và yếu tố nền kinh tế. Khoảng hơn 60% dân số Ấn Độ sống tại các vùng nông thôn với thu nhập trung bình khoảng 2 USD/ngày. Vì mưu sinh những người này phải di chuyển đến các đô thị lớn để tìm kiếm việc làm và phải chấp nhận sống trong những khu ổ chuột để tồn tại. Theo đó, làn sóng bùng phát Covid-19 lần thứ hai tại Ấn Độ (tháng 04/2021), những khu ổ chuột tại các thành phố lớn như New Delhi, Mumbai đã trở thành những ổ dịch lớn, tốc độ lây nhiễm nhanh chóng trong cộng đồng do không gian chật chội cùng chất lượng vệ sinh kém.
(ii) Những yếu tố tác động từ bên ngoài. Bên cạnh việc tập trung chống đại dịch Covid-19 trong nước, Ấn Độ cũng phải dồn nguồn lực vào các mặt trận khác, điển hình là các cuộc xung đột tại biên giới Ấn - Trung. Mặc dù yếu tố này không trực tiếp tác động đến sự bùng phát, lây lan dịch bệnh bên trong nước nhưng lại tạo ra một làn sóng phản đối, bài trừ hàng hóa Trung Quốc. Người dân Ấn Độ tổ chức nhiều cuộc biểu tình, tuần hành, phản đối hành động của Trung Quốc sau cuộc xung đột biên giới (15/06/2020) khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Hệ quả là, sau những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh Covid-19 Chính phủ thành công thì một bộ phận người dân tổ chức biểu tình chống Trung Quốc, biểu tình phản đối Luật cải cách Nông nghiệp mới, đã vô tình làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, nhiều người sau khi tham gia tuần hành biểu tình đã có kết quả dương tính với Covid-19.
(iii) Sự cạnh tranh quyền lực giữa các đảng đối lập với Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi cũng gián tiếp tác động tới hiệu quả phòng chống dịch bệnh của Ấn Độ. Theo đó, các đảng đối lập thường xuyên kích động nông dân trên toàn Ấn Độ biểu tình phản đối Luật cải cách Nông nghiệp mới được Quốc hội Ấn Độ thông qua vào tháng 09.2020. Chính các cuộc biểu tình này đã khiến cho Ấn Độ khó khăn trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng.
Chính phủ Ấn Độ quyết liệt thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 lây lan diện rộng
(i) Chính phủ Ấn Độ cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 nhằm bảo đảm nguồn cung cho chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất thế giới. Ngày 16/01/2021, Chính phủ Ấn Độ khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 lớn nhất thế giới. Theo kế hoạch tiêm chủng của Bộ Y tế Ấn Độ, 300 triệu người sẽ được tiêm vaccine từ nay cho tới tháng 08/2021, nhân viên y tế tuyến đầu, cảnh sát, binh sĩ quân đội sẽ là các đối tượng ưu tiên tiêm chủng đầu tiên. Nhóm kế tiếp thuộc danh sách ưu tiên là nhưng người trên 50 tuổi hoặc đã có sẵn bệnh nền. Để thực hiện hiệu quả chiến dịch tiêm chủng này, Ấn Độ đã đưa vào sử dụng 29.000 kho lạnh cất giữ vaccine, huy động 200.000 bác sĩ tiêm chủng và 370.000 nhân viên y tế đã qua đào tạo cơ bản. Đặc biệt, để bảo đảm chiến dịch tiêm chủng diễn ra theo đúng kế hoạch, ngày 03/01/2021, Ấn Độ đã gấp rút cấp phép sử dụng có giới hạn cho 02 loại vaccine ngừa Covid-19 là: Covishield - phiên bản nội địa do Đại học Oxford và hãng dược Thụy Điển AstraZeneca phát triển và vaccine Covaxin do Công ty dược Ấn Độ Bharat Biotech phối hợp cùng Hội đồng Nghiên cứu Y học Ấn Độ và Viện Virus học Quốc gia nghiên cứu. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng của Ấn Độ cũng gặp phải một số trục trặc về kỹ thuật do số lượng người đông, quá trình vận chuyển vaccine đến những vùng xa xôi còn khó khăn.
(ii) Ấn Độ đa dạng hóa nguồn cung vaccine Covid-19 đảm bảo cung cấp đủ vaccine cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thế giới. Nhằm tránh phụ thuộc vào 02 loại vaccine đang sử dụng cho chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 lớn nhất thế giới, Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ Harsh Vardhan thông báo (06/02/2021): Ấn Độ đang nghiên cứu thêm 07 loại vaccine bản địa vì Ấn Độ là quốc gia rộng lớn, dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp cùng với sự xuất hiện các chủng biến thể mới. Trong số 07 loại vaccine nói trên có 03 loại đang trong giai đoạn thử nghiệm và 02 loại đang trong giai đoạn tiền lâm sàng. Bên cạnh đó, theo Cơ chế phân bổ vaccine toàn cầu của COVAX, các nước sẽ nhận được số lượng vaccine theo quy mô dân số, do đó Ấn Độ có dân số lớn thứ 2 trên thế giới sẽ nhận được lượng vaccine Covid-19 ở mức 97,2 triệu liều. Để bảo đảm cung cấp đủ vaccine cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thế giới. (i) Chính phủ Ấn Độ tuyên bố ngừng cung cấp vaccine Covid-19 do hãng Astra Zeneca sản xuất cho cơ chế COVAX để ưu tiên tiêm chủng trong nước. (ii) Hội đồng Chuyên môn của Tổng cục Quản lý Dược phẩm Ấn Độ (DCGI) đồng ý cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Sputnik V của Nga.
(iii) Chính phủ Ấn Độ tăng cường vận chuyển oxy y tế qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt để tiếp tế cho các bệnh viện ở thủ đô New Delhi và những khu vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19; các bệnh viện ở thủ đô New Delhi đang chứng kiến tình trạng thiếu oxy y tế trầm trọng. Trong khi đó, các nhà máy sản xuất oxy công nghiệp phục vụ chủ yếu cho thủ đô New Delhi lại nằm trên 7 bang khác nhau. Cùng với đó, đo đặc tính dễ cháy nổ của loại vật liệu này, tất cả lô hàng oxy hóa lỏng đều phải vận chuyển trong các bồn chứa đặc chủng, nên phải mất nhiều thời gian lên kế hoạch vận chuyển. Một số địa phương thậm chí gây khó dễ với việc vận chuyển oxy, nhằm đáp ứng nhu cầu tại địa phương trước tiên. Trước tình hình đó, Chính phủ Ấn Độ đã chỉ đạo Bộ Đường sắt tăng các chuyến tàu tốc hành chở oxy y tế đến New Delhi để đáp ứng tình trạng thiếu hụt oxy tại các bệnh viện. Đồng thời, không quân cũng được điều động để giúp vận chuyển nhân lực và vật tư y tế như bình dưỡng khí đến khu vực cần thiết.
Bang Maharashtra xây dựng khẩn cấp 3 siêu bệnh viện dã chiến tại thành phố Mumbai. Mỗi bệnh viện dã chiến có 2.000 giường bệnh, trong đó có 200 giường điều trị đặc biệt - ICU và 70% các giường bệnh có máy thở oxi. Chính quyền địa phương cũng yêu cầu một số khách sạn 4 và 5 sao chuẩn bị chuyển đổi thành các trung tâm chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Bên cạnh đó, chuyển đổi các toa tàu hỏa trở thành các phòng cách ly cho người nghi nhiễm Covid-19. Hiện Ấn Độ có khoảng 20.000 toa tàu có thể sẵn sàng phục vụ cách ly trong trường hợp cần thiết.
(iv) Ấn Độ nhận sự trợ giúp từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác.
* Với WHO: Ngày 26/04/21, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom khẳng định: WHO đang làm mọi thứ có thể và WHO đang cung cấp các thiết bị, vật tư quan trọng, gồm hàng nghìn máy tạo oxy, các bệnh viện dã chiến đã thiết kế sẵn và các dụng cụ hỗ trợ trong phòng thí nghiệm. Trước đó, WHO đã chuyển hơn 2.600 chuyên gia từ các chương trình y tế khác, trong đó có cả các chuyên gia điều trị bệnh bại liệt và bệnh lao, đến làm việc với các cơ quan y tế Ấn Độ để giúp ứng phó với đại dịch Covid-19.
* Với các đối tác:
- Với Mỹ: Hiện, Mỹ đã gửi những chuyến hàng vật liệu thô đầu tiên tới Ấn Độ để sản xuất vaccine Covishield; hỗ trợ Ấn Độ các thiết bị chẩn đoán nhanh, máy trợ thở, công cụ bảo hộ, cũng như các thiết bị điều trị khác. Cơ quan Hợp tác Phát triển Tài chính Mỹ sẽ hỗ trợ mở rộng năng lực sản xuất của nhà máy vaccine Ấn Độ Biological E Ltd lên ít nhất 1 tỷ liều vào năm 2022, đồng thời Mỹ sẽ gửi một đội cố vấn y tế công cộng tử Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) và từ Cơ quan Hỗ trợ Quốc tế Mỹ (USAID) đến Ấn Độ. Cùng với đó, Mỹ đang cân nhắc gửi sang Ấn Độ vaccine Covid-19 của hãng AstraZeneca mà Mỹ đang dự trữ.
- Với Nga: Ngày 26/04/2021, Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) Kirill Dmitrev cho biết: Ấn Độ sẽ nhận được lô vaccine Covid-19 của Nga viện trợ vào ngày 01/05/2021.
- Với Liên minh châu Âu (EU): Ngày 25/01/21, Ủy ban châu Âu đã kích hoạt Cơ chế bảo vệ dân sự EU, cho biết sẵn sàng phối hợp với các nước trong khối để cung cấp khẩn cấp oxy và thuốc cho Ấn Độ.
+ Với Đức, quốc gia này cam kết sẽ làm hết mình để giúp Ấn Độ vượt qua tình hình khẩn cấp hiện nay. Theo đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas (26/04/20211) thông báo, Đức sẽ gửi oxy và viện trợ y tế cho Ấn Độ trong những ngày tới để giúp Ấn Độ đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19. Để rút ngắn thời gian sản xuất và vận chuyển oxy tới Ấn Độ, Bộ Ngoại giao Đức đã đề nghị Quân đội Đức cung cấp một cơ sở sản xuất oxy di động và hỗ trợ vận chuyển hàng hóa cứu trợ khẩn cấp cho Ấn Độ.
+ Với Anh: Ngày 25/04/21, Chính phủ Anh thông báo đã gửi hơn 600 thiết bị y tế bao gồm máy tạo oxy và máy thở cho Ấn Độ, chuyến đến New Delhi vào 27/04/2021.
+ Với Pháp: Ngày 26/04/21, Chính phủ Pháp tuyên bố: Pháp sẽ cung cấp cho Ấn Độ “Viện trợ y tế thiết yếu”, máy tạo oxy, máy thở và các container đông lạnh, sẽ bắt đầu vào đầu tháng 05/2021, để giúp Ấn Độ đối phó với làn sóng bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ hai.
Cùng với đó, nhiều quốc gia khác bao gồm Australia, Singapore và nước láng giềng Pakistan cũng đề nghị cung cấp máy thở, máy oxy, máy X-quang kỹ thuật số và phương tiện bảo vệ cá nhân cho Ấn Độ.
_____________________________
Tài liệu tham khảo:
Centers for Diesease Control and Prevention: https://www.cdc.gov/
https://www.aljazeera.com/news/2021/4/27/india-receives-first-shipment-of-uk-covid-medical-aid-live-news
https://www.livemint.com/news/india/mumbai-to-soon-get-three-jumbo-field-hospitals-covid-care-centres-in-hotels-11618204877207.html
https://www.hindustantimes.com/india-news/why-india-is-facing-an-oxygen-crisis-as-covid-19-cases-mount-101619268862048.html
https://www.thehindu.com/news/national/coronavirus-us-to-send-raw-material-for-covishield/article34408833.ece
https://www.livemint.com/news/india/29-000-cold-chain-points-41-000-deep-freezers-how-india-is-prepping-for-covid-19-vaccination-11608029738843.html
https://www.livemint.com/news/india/india-developing-7-more-covid-19-vaccines-health-minister-11612631825444.html
Nguồn: Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á