Từ khóa: Khoa học xã hội và nhân văn, Thể chế chính trị, Đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
1. Mở đầu
Khác với khoa học tự nhiên và công nghệ khá rõ ràng trong vấn đề bản quyền tác giả, KHXH&NV gặp khó khăn trong minh chứng cá nhân, tổ chức nào có quyền tác giả đối với các ý tưởng, kiến nghị được đề cập trong các văn bản nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước. Bản thân các văn bản nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước khi soạn thảo, ban hành cũng không có trích dẫn nguồn luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn, nguồn của ý tưởng, kiến nghị. Mặc dù vậy, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 01/2021) đã khẳng định: “KHXH&NV, khoa học lý luận chính trị đã góp phần tích cực cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách; bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, con người Việt Nam và bảo vệ Tổ quốc”[1].
Hướng tới chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025-2030, bài viết của Đảng bộ Viện Thông tin KHXH nhấn mạnh những thành tựu, đóng góp chủ yếu của các công trình nghiên cứu KHXH&NV do các thế hệ nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam kiên trì thực hiện trong suốt hơn 70 năm qua nhằm mục tiêu nâng cao sức mạnh lãnh đạo của Đảng cầm quyền - Đảng Cộng sản Việt Nam ở nước ta.
2. Những thành tựu đóng góp chủ yếu
Sau Đại hội VI, bắt đầu từ Kế hoạch 5 năm 1991-1995, lần đầu tiên Nhà nước hình thành hệ thống các chương trình, đề tài cấp nhà nước về KHXH&NV. Từ xuất phát điểm đó, qua từng thời kỳ, để phục vụ mục tiêu, chiến lược phát triển, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã chủ trì, triển khai nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước. Một trong những định hướng nghiên cứu lớn là về Đảng cầm quyền, Nhà nước pháp quyền XHCN, hệ thống chính trị và nền dân chủ XHCN.
Trong lĩnh vực này, các kết quả nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn cho việc đổi mới thể chế, đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới và nâng cao năng lực cầm quyền và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; góp phần làm rõ hơn thực chất của công cuộc đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị ở nước ta là xây dựng nền dân chủ XHCN, làm rõ hơn yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng cầm quyền và công tác xây dựng Đảng trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân và vì dân; về dân chủ trong Đảng, trong xã hội và ở cơ sở.
Bên cạnh giải quyết các vấn đề lý luận có tính chất định hướng, các công trình nghiên cứu cũng tập trung giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách đảm bảo sự tồn vong của hệ thống chính trị như vấn đề thực hành dân chủ trong điều kiện một Đảng cầm quyền; vấn đề dân chủ trực tiếp và hoàn thiện cơ chế pháp lý thực thi dân chủ trực tiếp trong Nhà nước pháp quyền XHCN; vấn đề hoàn thiện thể chế pháp lý kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế; thực hiện công bằng xã hội đối với các thành phần kinh tế; vấn đề nhóm lợi ích và tác động của nó đến các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam; dân chủ hóa trong kinh tế và trong đời sống xã hội.
Xác định được các vấn đề về dân tộc, tôn giáo có ảnh hưởng quan trọng đối với sự ổn định chính trị, sự tồn vong của chế độ, là yếu tố dễ bị thế lực thù địch lợi dụng gây rối loạn hệ thống chính trị và trật tự xã hội, qua đó hòng làm suy yếu vai trò và sự lãnh đạo của Đảng, các kết quả nghiên cứu công phu về dân tộc, tôn giáo, đặc biệt qua điều tra cơ bản kinh tế - xã hội ở 3 vùng trọng điểm Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đã cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ công tác hoạch định chiến lược, chính sách giải quyết các vấn đề cấp bách về dân tộc, tôn giáo, xây dựng Chiến lược công tác dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật về tôn giáo, góp phần đấu tranh với các quan điểm sai trái và sự lợi dụng tôn giáo của các lực lượng thù địch[2].
Những đóng góp này khẳng định vai trò của KHXH&NV có ý nghĩa cách mạng trong thay đổi tư duy, nhận thức và tác động đến tiến trình chuyển đổi phương thức phát triển đất nước, đồng thời góp phần củng cố các nền móng cho sự phát triển ổn định và bền vững, lấy ổn định thể chế chính trị làm nền tảng phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Đồng thời, trong bối cảnh của hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các kết quả nghiên cứu về cục diện thế giới, quan hệ quốc tế, đối ngoại đã góp phần làm sáng tỏ quan điểm của Đảng, khẳng định Việt Nam muốn và sẵn sàng làm bạn và là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trên thế giới với mục tiêu hòa bình, độc lập và hợp tác phát triển; góp phần luận giải khoa học về các phương châm đối ngoại của Đảng và Nhà nước như giữ vững độc lập, tự chủ, tự cường đi đôi với đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, tăng cường hợp tác khu vực, mở rộng quan hệ với tất cả các nước, đặc biệt là các nước lớn, chủ động tham gia các hiệp định, tổ chức đa phương, khu vực và toàn cầu. Các kết quả nghiên cứu đã góp phần cung cấp cơ sở thực tiễn, gợi mở bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình xây dựng và thực hiện chiến lược đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước, hoạch định chính sách phát triển, định hướng hội nhập quốc tế chủ động, tích cực và hiệu quả[3]. Việc triển khai khéo léo, hiệu quả chủ trương, đường lối “ngoại giao cây tre” của Đảng đã góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, khẳng định vai trò và sức mạnh lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam.
3. Kết luận
Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong lần đến thăm và làm việc với Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia đã phát biểu “Nhiều kết luận của KHXH&NV đã được dùng làm cơ sở để soạn thảo các nghị quyết, hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới”[4]. Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong lần đến thăm và làm việc với Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia vào năm 1998 cũng nhấn mạnh: “Nhiều sản phẩm KHXH&NV có chất lượng ra đời, đặc biệt phải kể đến sự đóng góp của Trung tâm trong việc góp phần bổ sung, lý giải và làm rõ thêm những quan điểm của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”[5]. Riêng với các công trình nghiên cứu của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Các nghiên cứu của Viện Hàn lâm đã làm rõ lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc và đất nước, con người Việt Nam, các giá trị và bản sắc văn hóa của dân tộc được thừa kế và phát huy trong suốt hàng nghìn lịch sử, khẳng định chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”[6].
Mặc dù có những bất lợi thế trong minh chứng về tính ứng dụng và hiệu quả, các công trình nghiên cứu KHXH&NV công phu, cả theo hướng nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, đã góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức, ý thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn quan trọng phục vụ cho việc xây dựng và ban hành các Nghị quyết, chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng và địa phương, giải quyết các vấn đề cấp bách, nảy sinh trong quá trình phát triển, góp phần củng cố các nền móng cho sự phát triển ổn định và bền vững, lấy sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự ổn định thể chế chính trị làm nền tảng phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng./.
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
2. Nông Đức Mạnh (2002), “Phát biểu của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong lần đến thăm và làm việc với Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia vào năm 2002”, Báo Nhân dân, ngày 24/4/2002.
3. Lê Khả Phiêu (1998), “Phát biểu của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong lần đến thăm và làm việc với Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia vào năm 1998”, Báo Nhân dân, ngày 18/2/1998.
4. Đặng Thị Phượng (2023), “Vai trò của khoa học xã hội và nhân văn trong xây dựng chính sách”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Những thành tựu lớn về nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 1953-2023, Hà Nội, năm 2023.
5. Hồ Sĩ Quý (2023), “Một số suy nghĩ về khoa học xã hội và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Những thành tựu lớn về nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 1953-2023, Hà Nội, năm 2023.
6. Nguyễn Phú Trọng (2013), “Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam 2/12/1953 - 2/12/2023”, Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 12/2013.
7. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (2023), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam 70 năm xây dựng và phát triển, Tập 1 và Tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 63-64.
[2] Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (2023), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam 70 năm xây dựng và phát triển, Tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 86-128.
[3] Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (2023), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam 70 năm xây dựng và phát triển, Tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 86-128.
[4] Nông Đức Mạnh (2002), “Phát biểu của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong lần đến thăm và làm việc với Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia vào năm 2002”, Báo Nhân dân, ngày 24/4/2002 (Dẫn theo: Đặng Thị Phượng (2023), “Vai trò của khoa học xã hội và nhân văn trong xây dựng chính sách”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Những thành tựu lớn về nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 1953-2023, Hà Nội, năm 2023).
[5] Lê Khả Phiêu (1998), “Phát biểu của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong lần đến thăm và làm việc với Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia vào năm 1998”, Báo Nhân dân, ngày 18/2/1998 (Dẫn theo: Đặng Thị Phượng (2023), “Vai trò của khoa học xã hội và nhân văn trong xây dựng chính sách”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Những thành tựu lớn về nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 1953-2023, Hà Nội, năm 2023).
[6] Nguyễn Phú Trọng (2013), “Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam 2/12/1953 - 2/12/2023”, Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 12/2013 (Dẫn theo: Hồ Sĩ Quý (2023), “Một số suy nghĩ về khoa học xã hội và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Những thành tựu lớn về nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 1953-2023, Hà Nội, năm 2023).