Vai trò của thông tin khoa học xã hội trong công bố quốc tế và khuyến nghị chính sách

09:21 22/05/2025
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Tóm tắt: Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam lần thứ XX, bài viết làm rõ vai trò chiến lược của thông tin khoa học xã hội (KHXH) và công bố quốc tế trong việc phục vụ xây dựng đường lối, chính sách phát triển đất nước trong kỷ nguyên số và hội nhập toàn cầu. Thông qua việc phân tích vai trò của thông tin KHXH trong nhận diện vấn đề xã hội, thúc đẩy chính sách dựa trên bằng chứng và tăng cường sự tham gia xã hội, bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) như một trụ cột của tư duy phát triển và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Trong đó, công bố quốc tế trong KHXH&NV là phương tiện để lan tỏa giá trị tri thức Việt Nam, giới thiệu đất nước, con người và thành quả phát triển của Việt Nam với quốc tế. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số định hướng chính sách cụ thể nhằm số hóa hệ thống thông tin KHXH, xây dựng nền tảng dữ liệu mở và hỗ trợ cộng đồng nghiên cứu Việt Nam hội nhập học thuật quốc tế, phục vụ thiết thực cho công cuộc phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển Khoa học và công nghệ đến năm 2030.

Từ khóa: Thông tin Khoa học xã hội, Công bố quốc tế, Khuyến nghị chính sách

Mở đầu

Trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, chuyển đổi số và những biến động xã hội phức tạp, KHXH&NV giữ vai trò then chốt trong việc cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng và Nhà nước hoạch định chủ trương, chính sách phát triển đất nước. Thông tin KHXH đóng vai trò cốt lõi trong phát triển, cung cấp kiến thức nền tảng để hiểu và định hình các quá trình xã hội, tạo điều kiện cho việc hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng và hướng tới phát triển bền vững, công bằng, lấy con người làm trung tâm, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Những chủ trương lớn của Đảng như Nghị quyết số 27-NQ/TW (năm 2008) về xây dựng đội ngũ trí thức; Chỉ thị số 20-CT/TW (năm 2018) về nâng cao chất lượng nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận; Nghị quyết số 29-NQ/TW (năm 2013) về đổi mới giáo dục và đào tạo; Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 57-NQ/TW (năm 2024) về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; và mới đây là Nghị quyết số 66-NQ/TW (năm 2025) về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới đã nhấn mạnh vai trò của KHXH&NV trong phát triển đất nước nhanh, bền vững, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển con người.

Vai trò của thông tin khoa học xã hội và nhân văn và công bố quốc tế

Thông tin KHXH cho phép nhận diện và lý giải các vấn đề xã hội đang nổi lên. Chính nhờ thông tin này, các nhà làm chính sách có thể thiết kế các can thiệp hướng đến thay đổi cấu trúc thay vì chỉ điều chỉnh hiện tượng. Thông tin KHXH còn là nền tảng để xây dựng và đánh giá chính sách phát triển dựa trên bằng chứng (evidence-based policy). Nutley, Walter và Davies (2007) cho rằng, việc đưa nghiên cứu KHXH vào quá trình hoạch định chính sách giúp giảm rủi ro sai lầm chính sách, đồng thời tăng cường khả năng dự báo tác động tới các nhóm khác nhau trong xã hội. Ví dụ, việc phân tích dữ liệu dân số học, mức sống, hay cơ cấu nghề nghiệp giúp thiết kế các chính sách phúc lợi xã hội phù hợp với từng vùng, từng nhóm tuổi, từng tầng lớp dân cư - điều mà các chỉ số kinh tế vĩ mô có thể không phản ánh đầy đủ. Việc dựa vào dữ liệu KHXH giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra các giải pháp phù hợp, giảm thiểu rủi ro và nâng cao tính hiệu quả, minh bạch. Điều này phù hợp với tinh thần Chỉ thị số 20-CT/TW (năm 2018) về việc phát huy vai trò của nghiên cứu tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng.

Ngoài ra, thông tin KHXH còn thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong phát triển. Khi người dân được nghiên cứu, được tham vấn và phản ánh trong dữ liệu, họ cảm thấy được lắng nghe và có vai trò trong quá trình ra quyết định, từ đó nâng cao sự đồng thuận và trách nhiệm xã hội (Chambers, 1994), đúng như tinh thần của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của sự phát triển”.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thông tin KHXH còn cho phép học hỏi kinh nghiệm quốc tế và đối sánh chính sách phù hợp với điều kiện địa phương. Theo UNESCO (2017), các quốc gia đang phát triển cần dựa vào tri thức xã hội học, nhân học và chính trị học để “bản địa hóa” các mô hình phát triển toàn cầu.

Công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV không chỉ là thước đo năng lực nghiên cứu mà còn là công cụ thiết yếu để khẳng định vị thế học thuật, lan tỏa ảnh hưởng tri thức và thúc đẩy phát triển xã hội bền vững.

Trước hết, công bố quốc tế giúp đưa những vấn đề mang tính địa phương vào không gian đối thoại học thuật toàn cầu. Theo Marginson (2006), các quốc gia không thể phát triển tri thức riêng lẻ mà cần tham gia vào hệ sinh thái tri thức xuyên biên giới - nơi các vấn đề như bất bình đẳng, đô thị hóa, di cư, biến đổi xã hội hay biến đổi khí hậu đều cần được tiếp cận từ nhiều góc nhìn văn hóa - lịch sử - xã hội khác nhau. Việc các nhà nghiên cứu KHXH&NV ở các nước đang phát triển như Việt Nam công bố quốc tế không chỉ góp phần định hình nhận thức toàn cầu mà còn giúp phản biện các mô hình phát triển vốn chịu ảnh hưởng nhiều từ phương Tây (Connell, 2007).

Thứ hai, công bố quốc tế tạo động lực nâng cao chất lượng nghiên cứu, thông qua việc tuân thủ các chuẩn mực học thuật cao về phương pháp, minh bạch dữ liệu, lập luận lý thuyết và đạo đức nghiên cứu. Trong một hệ thống học thuật ngày càng dựa trên cơ sở “được kiểm chứng bởi đồng nghiệp” (peer-reviewed), việc xuất bản trên các tạp chí có uy tín giúp nhà nghiên cứu KHXH&NV rèn luyện năng lực tư duy phản biện, phát triển khung lý thuyết gắn với thực tiễn, nâng cao khả năng trình bày lập luận khoa học rõ ràng, thuyết phục. Ngoài ra, thông qua quá trình phản biện và hiệu đính, công bố quốc tế, các nhà nghiên cứu tránh rơi vào tình trạng tự lặp lại, khép kín về học thuật - một vấn đề phổ biến tại các hệ thống nghiên cứu còn mang tính nội hướng.

Thứ ba, công bố quốc tế là điều kiện cần để thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và chính sách đối ngoại học thuật. Theo Altbach và de Wit (2015), nghiên cứu KHXH&NV có khả năng xây dựng cầu nối giữa các nền văn hóa, giúp hiểu biết sâu sắc hơn về sự khác biệt xã hội và các giá trị phổ quát. Đây là điều kiện để KHXH&NV Việt Nam bước ra khỏi vị trí “người thu thập dữ liệu” và khẳng định vị thế tri thức bản địa, góp phần phản ánh đúng thực tiễn và đặc thù xã hội bản địa trên nền tảng đối thoại học thuật bình đẳng.

Tư duy xuất bản quốc tế: một vài kinh nghiệm

Khi xuất bản quốc tế trong KHXH&NV, nhà nghiên cứu cần định vị mình trong không gian tri thức toàn cầu, lựa chọn ngôn ngữ lý thuyết, chủ đề nghiên cứu, cộng đồng học thuật và phương thức xuất bản có cùng ngôn ngữ quốc tế. Có nghĩa là bài viết dù với bất kỳ mục đích nào cũng cần xác định khả năng đóng góp cho những cuộc đối thoại học thuật toàn cầu và địa phương thông qua phân tích thực tiễn cụ thể, nghiêm túc trên cơ sở khung lý thuyết, tránh mô tả thực tiễn một cách thuần túy hoặc sao chép lý thuyết phương Tây một cách máy móc (Connell, 2007; Santos, 2014).

Cộng tác với học giả quốc tế và trong nước có kinh nghiệm xuất bản là một chiến lược thực tiễn và hiệu quả với người bắt đầu. Ngoài việc hỗ trợ về kỹ năng viết và kỹ thuật nộp bài, đồng tác giả quốc tế sẽ giúp bài viết dễ được biên tập viên tin tưởng hơn - nhất là ở các tạp chí quốc tế có truyền thống học thuật phương Tây. Vì thế, cần tham gia các hội thảo quốc tế chuyên ngành, học bổng ngắn hạn hoặc các chương trình học giả khách mời để xây dựng mạng lưới học thuật.

Việc gửi bài vào các số đặc biệt (special issue) là chiến lược thông minh, bởi cơ hội xuất bản sẽ cao hơn nếu bài viết “khớp” với chủ đề của số đó, đồng thời quy trình phản biện thường tập trung và có sự hỗ trợ từ Guest Editors. Cần theo dõi các nhóm nghiên cứu và mạng lưới học thuật quốc tế (như RC của ISA, mạng lưới AAS, EuroSEAS, hoặc SEANNET), nơi thường xuyên thông báo các số đặc biệt và hội thảo chuyên đề. Ngoài ra, cần gửi tóm tắt (abstract) sớm để được góp ý trước khi viết bản hoàn chỉnh.

Có thể thấy, viết bài công bố quốc tế phải là chiến lược “viết lại để xuất bản”, không chỉ “dịch lại để công bố”. Nhiều nhà nghiên cứu viết bài bằng tiếng Việt rồi dịch sang tiếng Anh, điều này thường dẫn đến kết cấu rời rạc, khó theo chuẩn quốc tế. Viết bài để xuất bản quốc tế cần phải viết trực tiếp bằng ngôn ngữ mà mình định xuất bản.

Tư duy khai thác thông tin: một vài kinh nghiệm

Trong nghiên cứu KHXH&NV, khai thác thông tin không đơn thuần là một thao tác kỹ thuật nhằm thu thập dữ liệu, mà là một thực hành tri thức (epistemic practice) mang tính quyết định đối với chất lượng khoa học, khả năng phản biện và sức thuyết phục của công trình nghiên cứu. Trong thời đại số, khi thông tin dường như sẵn có ở mọi nơi thì thách thức lớn nhất không còn là “thiếu thông tin” mà là “chìm trong biển thông tin thiếu tổ chức, thiếu chất lượng và đầy thiên kiến”. Việc “có thông tin” không đồng nghĩa với việc “biết sử dụng thông tin”. Chính trong bối cảnh đó, năng lực khai thác thông tin hiệu quả trở thành một tiêu chí cốt lõi để phân biệt giữa nghiên cứu mang tính mô tả bề mặt và nghiên cứu có khả năng đóng góp học thuật thực chất. Năng lực khai thác thông tin quyết định chất lượng dữ liệu đầu vào - yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến độ chính xác và khả năng lập luận của nghiên cứu; đồng thời nó định vị học thuật - tức là xác định khoảng trống tri thức, nhận diện tranh luận lý thuyết và tìm kiếm các bằng chứng so sánh quốc tế có giá trị. Đây chính là khả năng nhận diện được các “dòng tranh luận lý thuyết” đang diễn ra trong lĩnh vực mình theo đuổi, từ đó định vị thông tin mình sử dụng như một phần của tranh luận ấy - không chỉ là dữ liệu minh họa, mà là cơ sở tri thức để phản biện hoặc mở rộng lý luận - một năng lực cốt lõi trong công bố quốc tế. Khai thác thông tin cũng chính là cầu nối giữa thực tiễn và lý thuyết - một trong những thách thức lớn nhất của nghiên cứu KHXH&NV tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nhiều nghiên cứu hiện nay mắc lỗi tách rời giữa mô tả hiện tượng xã hội và phân tích lý thuyết, thiếu sự vận dụng lý thuyết một cách tinh tế, thực chất trong toàn bộ quy trình nghiên cứu. Khai thác thông tin hiệu quả còn giúp rút ngắn thời gian xây dựng nền tảng lý thuyết, tăng khả năng viết bài theo chuẩn quốc tế và nâng cao chất lượng phản biện, nhất là với những đề tài có yêu cầu lập luận đa tầng như bất bình đẳng giới, biến đổi gia đình, chính sách phúc lợi... Cách khai thác thông tin cũng phản ánh đạo đức nghiên cứu, bởi lẽ sự trung thực trong sử dụng nguồn tin, sự cẩn trọng trong phân tích và sự khiêm tốn khi trích dẫn chính là nền tảng hình thành tư cách học giả.

Không phải mọi nguồn thông tin đều có giá trị học thuật cho công bố quốc tế. Vì thế, nên ưu tiên: các tạp chí học thuật có bình duyệt (peer-reviewed journals), đặc biệt thuộc các cơ sở dữ liệu (CSDL) như Scopus, Web of Science; sách chuyên khảo từ các nhà xuất bản học thuật (Routledge, Palgrave, Springer, Cambridge, Oxford,...); báo cáo nghiên cứu của các tổ chức uy tín (ILO, UN Women, UNESCO, World Bank, Tổng cục Thống kê,...).

Một số nguồn thông tin khoa học xã hội và nhân văn trực tuyến có thể tiếp cận từ Việt Nam

Trên phương diện kỹ thuật, nhà nghiên cứu cần khai thác các CSDL học thuật lớn như Scopus, Web of Science, JSTOR, ProQuest, cũng như các báo cáo chuyên đề từ UNDP, ILO, UN Women hay World Bank, từ các viện nghiên cứu, trường đại học.

Nguồn trong nước

Sử dụng thư viện điện tử quốc gia và các trường đại học (miễn phí hoặc có cấp quyền) như Thư viện số Quốc gia Việt Nam (http://nlv.gov.vn); Thư viện số Đại học Quốc gia Hà Nội (http://lic.vnu.edu.vn); Hệ thống tra cứu thư mục (OPAC) của Viện Thông tin KHXH (https://opac.vass.gov.vn/),..

Nguồn quốc tế

JSTOR (https://www.jstor.org) là CSDL đặc biệt quan trọng với KHXH&NV vì nó lưu trữ hàng nghìn tạp chí cổ điển và hiện đại về xã hội học, nhân học, triết học, sử học, nghiên cứu giới, phát triển và lý thuyết chính trị - nhiều bài trong số đó có ảnh hưởng mang tính nền tảng cho các khung lý thuyết trong nghiên cứu hiện đại.

SpringerLink (https://link.springer.com) cũng là một nguồn học thuật hàng đầu, với nhiều  chuyên  ngành  liên  quan  đến  phát triển, giáo dục, kinh tế, xã hội và quản trị công. Điểm mạnh của Springer là cung cấp cả sách học thuật (Springer Books) bên cạnh tạp chí, giúp các nhà nghiên cứu tiếp cận tổng thể lý thuyết trong từng chuyên ngành.

Taylor & Francis Online (https://www.tandfonline.com) và Wiley Online Library (https://onlinelibrary.wiley.com) cũng là hai kho dữ liệu lớn, có rất nhiều tạp chí thuộc lĩnh vực nghiên cứu phát triển, chính sách công, quản trị xã hội, nghiên cứu khu vực (area studies).

Ngoài ra, Oxford Academic (https://academic.oup.com) và Cambridge Core (https://www.cambridge.org/core) là hai nguồn có chiều sâu học thuật cao, đặc biệt mạnh về lý thuyết xã hội, chính trị học so sánh, nghiên cứu nhân văn và triết học. Đây là nơi xuất bản của các tạp chí hàng đầu như The British Journal of Sociology, Social Politics, Comparative Political Studies, Review of International Studies, là cơ sở rất quan trọng khi xây dựng lập luận khoa học có tính quốc tế hóa cao.

Một số nền tảng khác cũng khá hữu ích trong khai thác thông tin như Google Scholar (https://scholar.google.com); CORE (https://core.ac.uk) truy cập hơn 200 triệu bài nghiên cứu từ các kho lưu trữ mở (open access repositories) toàn thế giới; Directory of Open Access Journals - DOAJ (https://doaj.org).

Công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) trong khai thác thông tin khoa học xã hội

Các công cụ AI hiện nay có thể hỗ trợ nhà nghiên cứu xuyên suốt quá trình học thuật, từ xây dựng câu hỏi nghiên cứu, tìm kiếm tài liệu, tổng hợp lý thuyết, đến viết bài và trích dẫn chuẩn quốc tế. Một trong những công cụ nổi bật là Elicit (https://elicit.org), vốn sử dụng mô hình ngôn ngữ AI để hỗ trợ tìm kiếm các bài nghiên cứu liên quan từ Semantic Scholar, tự động tóm tắt mục tiêu, phương pháp và dữ liệu nghiên cứu - rất hữu ích trong việc xây dựng tổng quan tài liệu theo hướng câu hỏi nghiên cứu. Tương tự, Scite (https://scite.ai) không chỉ liệt kê các trích dẫn mà còn phân tích ngữ cảnh trích dẫn, giúp nhà nghiên cứu xác định bài viết được trích dẫn để củng cố hay phản biện, từ đó đưa ra lựa chọn trích dẫn học thuật thông minh hơn. Đối với việc đọc và phân tích bài viết chuyên sâu, ChatPDF (https://chatpdf.com) cho phép tải lên tài liệu học thuật dạng PDF và hỏi trực tiếp về lập luận, khung lý thuyết hay phương pháp, rất tiết kiệm thời gian khi xử lý các bài viết dài và phức tạp. Consensus (https:// consensus.app) là một nền tảng khai thác AI để tìm kiếm, tổng hợp và trình bày các kết luận khoa học dựa trên CSDL học thuật có bình duyệt (peer-reviewed) bao gồm nhiều lĩnh vực trong đó có KHXH, chính sách công, kinh tế, giáo dục, tâm lý học. Như vậy, AI có thể giúp tăng tốc quá trình tìm kiếm và tổ chức tài liệu học thuật, tăng khả năng phản biện và định vị học thuật cho quá trình nghiên cứu và xuất bản.

Nghiên cứu KHXH&NV đòi hỏi phán đoán, trực giác học thuật, nhạy cảm bối cảnh - những điều AI chưa thể làm được. Như nhà xã hội học Anthony Giddens từng viết, nghiên cứu xã hội là hành động mang tính phản tư (reflexive), tức nhà nghiên cứu luôn đặt bản thân trong mối quan hệ với đối tượng, môi trường và hệ thống tri thức (Giddens & Sutton, 2021). Đây là điều mà AI không thể làm được, vì nó không có vị thế xã hội, không có bản sắc và không có đạo đức.

Các công cụ như ChatGPT, Elicit, Consensus… có thể tìm kiếm, tóm tắt, mô phỏng lập luận nhưng chúng không có khả năng đặt ra những câu hỏi nghiên cứu mới, phát hiện hiện tượng xã hội chưa được nhận diện, hay xây dựng khung lý thuyết đột phá từ trải nghiệm xã hội sâu sắc. Nói cách khác, AI có thể tái tổ chức tri thức sẵn có, nhưng không thể tạo ra tri thức gốc. AI không thể thay thế hành động “đi thực địa”, “phỏng vấn người dân”, hay xác định những vấn đề chính sách, xã hội đang đặt ra trong thực địa, thực tiễn xã hội. AI cũng không thể tạo ra những bản sắc cá nhân trong xác định vấn đề nghiên cứu, thiết kế nghiên cứu, và giải thích đa tầng kết quả nghiên cứu vốn gắn liền với bối cảnh văn hóa, chính trị.

AI không thể và không nên thay thế nhà nghiên cứu, nhưng nó có thể và nên được sử dụng như một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ, một trợ lý nghiên cứu mở rộng năng lực của con người trong tư duy và xây dựng tri thức mới trong học thuật.

Bài học kinh nghiệm trong thúc đẩy xuất bản quốc tế của Việt Nam

Để thúc đẩy công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV của Việt Nam, cần đặc biệt lưu ý đến một số yếu tố mang tính nền tảng cả về thể chế, năng lực cá nhân và định hướng tri thức. Việc công bố quốc tế không đơn thuần là một yêu cầu mang tính hành chính - chỉ tiêu, mà là kết quả của một hệ sinh thái học thuật toàn diện, nơi các yếu tố nội tại và ngoại vi cùng tạo điều kiện cho sự hội nhập học thuật đích thực.

Thứ nhất, cần nhận thức rõ sự khác biệt trong chuẩn mực học thuật và logic tri thức giữa nghiên cứu trong nước và công bố quốc tế. Theo Connell (2007), các nền học thuật phi phương Tây thường có xu hướng vận hành theo mô hình “kiến thức ứng dụng phục vụ chính sách”, còn các tạp chí quốc tế thường đòi hỏi khung lý thuyết sâu, luận cứ phản biện và đóng góp mang tính phổ quát. Trong bối cảnh đó, các nhà nghiên cứu Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển lý thuyết xuất phát từ thực tiễn địa phương nhưng được diễn giải bằng ngôn ngữ học thuật quốc tế - điều mà Tickner và Wæver (2009) gọi là “bản địa hóa lý thuyết toàn cầu” (localizing global theory).

Thứ hai, kỹ năng học thuật quốc tế, đặc biệt là khả năng sử dụng tiếng Anh học thuật, kỹ thuật viết bài chuẩn quốc tế và làm việc với hệ thống xuất bản (peer-review, phản biện, chỉnh sửa...) cần được đào tạo một cách hệ thống, bài bản. Hiện nay, không nhiều nhà nghiên cứu KHXH&NV ở Việt Nam được đào tạo bài bản về kỹ năng xuất bản quốc tế trong chương trình sau đại học, dẫn đến tâm lý e ngại hoặc lệ thuộc vào các cộng tác viên kỹ thuật hoặc biên tập viên dịch thuật - điều dễ khiến bài viết mất đi sự liền mạch học thuật hoặc lệch khỏi bản chất tri thức bản địa.

Thứ ba, cần có cơ chế hỗ trợ và công nhận phù hợp từ phía các cơ quan quản lý khoa học và các cơ sở nghiên cứu. Trong lĩnh vực KHXH&NV, quá trình nghiên cứu thường kéo dài, mang tính diễn giải, liên ngành, khó lượng hóa bằng chỉ số trích dẫn so với các ngành khoa học tự nhiên. Vì vậy, các chính sách đánh giá và khen thưởng không nên chỉ dựa vào các chỉ số định lượng như Chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor, đo lường tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của tạp chí khoa học) hay danh mục ISI/Scopus, mà cần mở rộng sang các tiêu chí đánh giá chất lượng nội dung, đóng góp cho lý thuyết và tác động chính sách (UNESCO, 2017; Pedersen và cộng sự, 2020). Đồng thời, cần đầu tư kinh phí hợp lý cho nghiên cứu cơ bản, xây dựng dữ liệu định tính và cơ sở hạ tầng học thuật để nhà nghiên cứu KHXH&NV không bị lạc lõng giữa một hệ thống ưu tiên định lượng hóa.

Thứ tư, phát triển cộng đồng học thuật KHXH&NV có khả năng đối thoại với quốc tế nhưng vẫn giữ được bản sắc tri thức bản địa là điều then chốt. Như Marginson và Xu (2021) nhận định, một hệ thống nghiên cứu hiệu quả không chỉ là nơi “sản xuất tri thức” mà còn là không gian trao đổi - phản biện - kết nối. Những nỗ lực này giúp hình thành văn hóa xuất bản lành mạnh, đẩy lùi tình trạng “săn ISI” bằng cách mua bài, đăng tạp chí giả mạo, hoặc chạy theo số lượng thay vì chất lượng.

Cuối cùng, Việt Nam cần phát huy lợi thế của mình trong việc xây dựng những chủ đề nghiên cứu đặc trưng cho “Nam toàn cầu” (Global South), phản ánh những chuyển biến xã hội đặc thù như hiện đại hóa nén, chuyển đổi gia đình, bất bình đẳng giới trong phát triển, xung đột giá trị,… giúp các nhà nghiên cứu Việt Nam bước ra khỏi vai trò “người thu thập dữ liệu” và khẳng định mình như “người tạo lập lý thuyết”.

Kết luận và khuyến nghị chính sách về số hóa hệ thống thông tin khoa học xã hội

Một trong những rào cản lớn đối với phát triển nghiên cứu và công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV của Việt Nam hiện nay là tình trạng phần lớn tài liệu học thuật, bao gồm luận văn, luận án, báo cáo nghiên cứu và các tài liệu chuyên khảo vẫn tồn tại dưới dạng bản in (hard copy), hoặc bản điện tử, phân tán ở nhiều đơn vị, chưa được số hóa đồng bộ hoặc lưu trữ trong hệ thống thư viện có khả năng truy cập và khai thác hiệu quả. Việc thiếu một hệ thống thông tin học thuật số hóa đầy đủ, đồng bộ, dễ truy cập đang cản trở quá trình xây dựng tri thức bản địa, đối thoại học thuật quốc tế, năng lực công bố của giới nghiên cứu trong nước, cũng như khả năng khai thác thông tin để phục vụ quá trình xây dựng chính sách phục vụ phát triển bền vững. Để khắc phục tình trạng này, cần triển khai đồng thời các giải pháp ở cả cấp thể chế, chuyên môn thư viện và cộng đồng học thuật. Việc xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở KHXH phù hợp với định hướng của Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi, năm 2013) và Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến 2030 (Quyết định số 749/QĐ-TTg). Đồng thời, việc xây dựng CSDL học thuật mở cũng góp phần hiện thực hóa các mục tiêu trong Nghị quyết số 52-NQ/TW (năm 2019) về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 57-NQ/TW (năm 2024) về đột phá trong phát triển khoa học và chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của KHXH&NV trong phát triển tri thức số.

Thứ nhất, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược quốc gia về số hóa tri thức trong KHXH&NV, với sự chủ trì của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan. Chiến lược này nên hướng đến việc số hóa toàn bộ luận văn, luận án, đề tài nghiên cứu các cấp, báo cáo chính sách quan trọng, sách, tạp chí, hiện đang được lưu trữ rải rác tại các viện nghiên cứu, thư viện của các trường đại học và các bộ ngành. Đồng thời, cần hình thành một CSDL học thuật quốc gia mở, có khả năng kết nối với thư viện số của các trường đại học lớn, các viện chuyên ngành, liên thông với CSDL học thuật khu vực như ASEAN Citation Index. Kinh nghiệm quốc tế từ Thái Lan (với hệ thống ThaiLIS-Thai Digital Collection), Indonesia (Garuda-Garba Rujukan Digital) hay Hàn Quốc (KISS-Korean Studies Information Service System), Liên minh Châu Âu (OpenAIRE),… có thể là cơ sở tham khảo hữu ích trong quá trình xây dựng hạ tầng và cơ chế vận hành.

Thứ hai, cần chuẩn hóa quy trình và nghiệp vụ thư viện số trong lĩnh vực KHXH&NV. Việc số hóa tài liệu không chỉ là chuyển đổi định dạng từ bản in sang bản mềm, mà cần bảo đảm tiêu chuẩn về metadata (thông tin mô tả tài liệu), định dạng lưu trữ dài hạn (PDF/A, XML), khả năng tích hợp tìm kiếm ngữ nghĩa và khả năng chia sẻ theo giao thức dữ liệu mở (như OAI-PMH). Đồng thời, đội ngũ cán bộ thư viện cần được đào tạo chuyên sâu về thư viện học thuật số và ứng dụng các phần mềm mã nguồn mở chuyên dụng như DSpace, Greenstone, hoặc các hệ thống quản lý thư viện tích hợp hiện đại. Đây là yếu tố cốt lõi để bảo đảm tính bền vững và khả năng mở rộng của hệ thống dữ liệu số.

Thứ ba, cần thúc đẩy cộng đồng nghiên cứu tham gia tích cực vào quá trình chia sẻ tri thức bản địa thông qua cơ chế lưu trữ học thuật mở (self-archiving), khuyến khích trích dẫn các tài liệu nội sinh. Hiện nay, một lượng lớn tri thức vẫn nằm trong các báo cáo chưa công bố hoặc dữ liệu, thông tin nằm ngoài tầm tiếp cận hay khai thác của cộng đồng học thuật. Do đó, cần phát triển các nền tảng lưu trữ học thuật mở cho phép các nhà nghiên cứu KHXH&NV trong nước tải lên và truy cập tài liệu, đồng thời thiết lập hệ thống trích dẫn học thuật nội bộ có định danh (DOI trong nước). Điều này vừa tạo điều kiện để phổ biến tri thức nội sinh, vừa khuyến khích văn hóa trích dẫn công bằng trong hệ sinh thái học thuật.

Thứ tư, có thể nghiên cứu, ứng dụng công nghệ AI để tăng tốc và tự động hóa quá trình số hóa, phân loại và gắn chỉ mục tài liệu.

Cuối cùng, cần thúc đẩy mô hình thư viện cộng đồng học thuật - nơi các trường đại học, viện nghiên cứu, nhóm nghiên cứu có thể tự tổ chức kho lưu trữ học thuật nội bộ, đồng thời chia sẻ dữ liệu, công trình và dữ liệu thực địa theo cơ chế học thuật mở. Mô hình này giúp tăng tính kết nối tri thức giữa các nhóm chuyên ngành, giảm tình trạng phân mảnh và cô lập trong nghiên cứu KHXH&NV, đồng thời hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình viết, phản biện và công bố quốc tế.

Vai trò của KHXH&NV ngày càng được khẳng định trong công cuộc phát triển đất nước, xây dựng nền kinh tế tri thức và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, việc thúc đẩy nghiên cứu, công bố quốc tế, số hóa hệ thống thông tin KHXH là nhiệm vụ chiến lược nhằm phát triển lý luận, nâng cao hiệu quả chính sách và khẳng định vị thế tri thức Việt Nam trong hệ sinh thái toàn cầu.

Tài liệu tham khảo

  1. Altbach, P.G. & de Wit, H. (2015), The Globalization of Internationalization: Emerging Voices and Perspectives, Routledge, London.
  2. Chambers, R. (1994), “Participatory Rural Appraisal (PRA): Challenges, Potentials and Paradigm”, World Development, 22 (10), 1437-1454, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/0305750X94900302?via%3Dihub.
  3. Connell, R. (2007), Southern Theory: The Global Dynamics of Knowledge in Social Science, Polity Press, Cambridge.
  4. Creswell, J.W. & Creswell, J.D. (2018), Research Design: Qualitative, Quantitative, and Mixed Methods Approaches (5th ed.), SAGE.
  5. Giddens,  A.  &  Sutton,  P.W.  (2021), Sociology (10th ed.), Polity Press.
  6. Marginson, S. & Xu, X. (2021), Moving Beyond Centre-periphery Science: Towards an Ecology of Knowledge, https://ora.ox.ac.uk/objects/uuid:f139bfcc-1e7b-4fbd-879a-f44732058c21/files/ s3t945r37r.
  7. Marginson, S. (2006), “Dynamics of National and Global Competition in Higher Education”, Higher Education, 52 (1), 1-39,  https://doi.org/10.1007/s10734-004-7649-x.
  8. Nutley, S.M., Walter, I. & Davies, H.T.O. (2007), Using Evidence: How Research Can Inform Public Services, Policy Press, Bristol University Press.
  9. Pedersen, D.B., Grønvad, J.F. & Hvidtfeldt, R. (2020), “Methods for Mapping the Impact of Social Sciences and Humanities - A Literature Review”, Research Evaluation, 29 (1), 4-21, https://doi.org/10.1093/reseval/rvz033.
  10. Santos, B. de S. (2014), Epistemologies of the South: Justice Against Epistemicide, Routledge, https://doi.org/10.4324/9781315634876.
  11. Tickner, A.B. & Wæver, O.  (eds.) (2009), International Relations Scholarship Around the World, Routledge, London.
  12. UNESCO (2017), Recommendation on the Status of Scientific Rsearchers, https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000248910.

Nguồn: Đảng ủy Viện Thông tin Khoa học xã hội

Tác Giả: PGS.TS., NCVCC. Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

In trang Chia sẻ

Tin khác