1. Những yếu tố góp phần hình thành và tác động đến tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng của đồng chí Trần Quý Kiên
Hoàn cảnh lịch sử, Hà Nội là mảnh đất ngàn năm văn hiến, nơi sản sinh ra biết bao nhiêu người con ưu tú, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Một trong những gương mặt ưu tú đó là đồng chí Trần Quý Kiên - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, một trong những cán bộ lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam. Trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Quý Kiên có một số yếu tố đã tác động đến sự hình thành nhân cách, ý chí cách mạng của đồng chí Trần Quý Kiên, trước hết là bối cảnh lịch sử, truyền thống quê hương, hoàn cảnh gia đình.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta ở Đà Nẵng. Khi đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất (năm 1873), quân Pháp đã vấp phải tinh thần kháng cự quyết liệt của nhân dân Hà Nội và bị tổn thất nặng nề. Phải chịu nhiều tổn thất và phải mất một thời gian dài thực dân Pháp mới từng bước chiếm và bình định được Hà Nội cùng các tỉnh xung quanh. Được phong trào yêu nước tại các địa phương cổ vũ, các phong trào chống Pháp cuối thế kỷ XIX ở Hà Nội và Bắc Kỳ diễn ra mạnh mẽ, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Tuy bị thực dân Pháp khủng bố dữ dội, nhưng các phong trào yêu nước ở Hà Nội đã gây một tiếng vang lớn, tạo tiền đề quan trọng cho bước phát triển mới của phong trào đấu tranh cách mạng những năm tiếp theo... Trong mấy chục năm đầu thế kỷ XX, nhiệm vụ đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập cho dân tộc được đặt ra cấp thiết cho mỗi người dân yêu nước, trong đó có Trần Quý Kiên.
Về truyền thống quê hương, tên thật của Trần Quý Kiên là Đinh Xuân Nhạ. Dòng họ Đinh Xuân của Trần Quý Kiên quê gốc ở làng Dực, tổng Phượng Vũ, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (1) (nay là làng Phượng Vũ, Xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội).
Theo tài liệu thần tích, sắc phong, làng Phượng Vũ, tổng Phượng Vũ, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông năm 1938, có tên nôm là Phượng Dực. Đây là vùng đất có lịch sử lâu đời với truyền thống yêu nước, đấu tranh được hình thành từ rất sớm.
Sách Đồng Khánh địa dư chí viết vào khoảng cuối thế kỷ XIX cho biết xã Phượng Dực thuộc tổng Phượng Dực, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội (2). Cuốn Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kỳ của tác giả Ngô Vi Liễn viết về tổng Phượng Vũ (phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông), như sau: “Phượng Vũ: Đồng Quan, Hoà Mỹ, Phù Bật (Kẻ Vát), Phù Túc, Phượng Vũ (làng Dực), Tân Độ, Tiến Động, Trình Viên, Xuân La (Chà Xuân)” (3). Còn sách Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Phượng Dực 1945-1954 viết: “Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xã gồm 4 làng: Phượng Vũ, Đồng Quan, Tiến Động và Xuân La, thuộc tổng Phượng Vũ, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông” (4).
Xã Phượng Dực quê hương đồng chí Trần Quý Kiên, không chỉ có bề dày lịch sử lâu đời và truyền thống yêu nước, mà còn có tiếng là vùng đất văn hiến, truyền thống hiếu học, khoa bảng từ lâu. Theo sách Phượng Dực đăng khoa lục trong 12 dòng họ ở Phượng Dực, người thi đỗ thuộc các họ Bùi, họ Chu, họ Doãn, họ Dương, họ Đinh, họ Đỗ, họ Lưu, họ Nghiêm, họ Nguyễn, họ Phạm, họ Trương với tổng số 250 người (5). Đầu thế kỷ XX, Hà Nội cũng như cả nước đang dồn nén những bức xúc lớn, đòi hỏi phải được giải quyết. Cũng chính vào thời điểm ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam yêu nước đầu tiên đã đến được với chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm thấy trong học thuyết vĩ đại đó câu trả lời duy nhất đúng cho những trăn trở của dân tộc ta. Dưới tác động của Cách mạng tháng Mười Nga, sau khi được tiếp thu học thuyết Mác-Lênin, trở thành người cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tích cực hoạt động truyền bá tư tưởng cách mạng vào Việt Nam, xúc tiến chuẩn bị các điều kiện thành lập Đảng Cộng sản.
Hà Nội nơi đồng chí Đinh Xuân Nhạ - Trần Quý Kiên sinh ra, là trung tâm đầu não cai trị của chủ nghĩa thực dân Pháp, cũng đồng thời trở thành trung tâm nóng bỏng của phong trào yêu nước và cách mạng. Trong bối cảnh lịch sử đó, một thế hệ thanh niên yêu nước, tiếp thu truyền thống đấu tranh bất khuất của ông cha đã quy tụ về đây để tìm đường đánh Pháp. Chính họ là những người có công đưa hệ tư tưởng vô sản vào trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Hà Nội đã trở thành ngọn cờ, đi đầu trong cuộc đấu tranh cho thắng lợi của tư tưởng vô sản trong phong trào dân tộc ở nước ta lúc đó.
Truyền thống gia đình, dòng họ đã hun đúc quyết tâm chống Pháp để giành độc lập cho nước nhà. Vào những năm đầu thế kỷ XX, do cuộc sống gia đình khó khăn cụ Đinh Xuân Chí cùng vợ là Ngô Thị Nghị (6) - thân sinh, đồng chí Trần Quý Kiên và gia đình phải phiêu bạt từ quê ra nội thành Hà Nội sinh sống (7). Lúc đầu, gia đình thuê trọ nhà số 58 đường Yên Phụ (8) nay thuộc phường Yên Phụ, quận Ba Đình (theo tài liệu của Pháp, nơi ở của Đinh Xuân Nhạ là 58 phố Thạch An, Hà Nội. Nghề nghiệp: lơ xe…) (9). Tại đây, năm 1911, Đinh Xuân Nhạ (sau này lấy tên là Trần Quý Kiên), đã được sinh ra và lớn lên, có nhiều hoạt động đóng góp cho phong trào cách mạng của Thành phố Hà Nội.
Về gia đình, sau khi định cư tại Hà Nội, “Gia đình nửa làm thợ nửa buôn bán nhỏ. Mẹ và các chị buôn bán. Cha làm cai trông nom công nhân chữa cầu, anh và em thì làm thợ” (10) . Đến tuổi học hành, Đinh Xuân Nhạ được cha mẹ cho đi học ở trường tiểu học Yên Phụ (11) (nay là Trường trung học cơ sở Mạc Đĩnh Chi (12)). Cậu học trò nghèo nhưng hiếu học Đinh Xuân Nhạ dần làm quen và kết thân với nhiều bạn đồng học có tinh thần yêu nước tiến bộ trong đó có Nguyễn Đạt Phát (13) - người sau này đã sớm tham gia vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hà Nội.
Dấu ấn đầu tiên in đậm nét phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Hà Nội những năm 1925 - 1927, là những cuộc đấu tranh đòi ân xá cụ Phan Bội Châu và truy điệu cụ Phan Chu Trinh - hai nhà yêu nước lớn đương thời. Đinh Xuân Nhạ đã hăng hái tham gia phong trào này. Nhớ lại sự kiện này, đồng chí Trần Quý Kiên sau này đã viết: “Còn nhỏ đi học, mẹ tôi hay bắt đọc truyện Trung Quốc cổ như Tam Quốc, Thủy Hử… nên tôi có óc anh hùng nghĩa hiệp…”, “Hai cụ Lương Văn Can và Phan Chu Trinh chết và do phong trào xuất dương, đế quốc Pháp bắt cụ Phan Bội Châu làm tôi có tinh thần yêu nước” (14).
Bị buộc phải thôi học do tham gia phong trào đấu tranh của học sinh Hà Nội, Đinh Xuân Nhạ xin vào làm thợ điện rồi thợ máy, cuộc sống làm cho anh ngày một trưởng thành (15). Trong Lý lịch tự khai ông viết: “Khi 16 tuổi làm thợ điện, được ngót 2 năm. Sau làm thợ máy được 5, 6 tháng rồi bị bắt và làm cách mạng chuyên nghiệp cho đến ngày nay”. Trong thời gian làm thợ, chế độ bóc lột thợ thậm tệ của bọn thực dân làm ông càng có thêm tinh thần yêu nước và ý chí căm thù kẻ thù xâm lược.
Cuối năm 1929 đầu năm 1930, khi phong trào cách mạng lên cao, sự phát triển mạnh của các tổ chức cộng sản tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và hoạt động mạnh thiên về bạo động của Việt Nam Quốc dân Đảng đã có ảnh hưởng đến người thanh niên Đinh Xuân Nhạ. Ông đã được đồng chí Nguyễn Đạt Phác “giác ngộ” để đến với Đảng. Sau này ông thừa nhận: “Do tinh thần yêu nước và sự bóc lột của chủ trong khi làm thợ nên tôi rất dễ giác ngộ cộng sản… Tôi được Đảng giao cho những việc như dán biểu ngữ, phát truyền đơn, treo cờ đỏ, tuyên truyền xung phong… Tháng 5-1930, tôi được tổ chức kết nạp vào Đảng, tháng 8, được tuyên bố chính thức”. Như vậy, đồng chí Trần Quý Kiên là một trong những thanh niên ưu tú đầu tiên tại Hà Nội của Đảng được kết nạp vào Đảng (khi mới 19 tuổi).
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào đầu năm 1930, ngày 17-3-1930, tại nhà số 42 phố Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời của Thành Đảng bộ Hà Nội được thành lập, gồm 3 đồng chí: Đỗ Ngọc Du (Bí thư), Nguyễn Ngọc Vũ và Lều Thọ Nam. Cuối tháng 4-1930, đồng chí Đỗ Ngọc Du, Bí thư Thành ủy lâm thời, được Trung ương điều đi công tác nước ngoài. Tháng 6-1930, đồng chí Trần Văn Lan, Ủy viên Trung ương Đảng triệu tập cuộc họp ở 177 phố Hàng Bông để tổ chức lại Thành ủy. Thành ủy Hà Nội được chính thức thành lập do đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ làm Bí thư cùng 2 ủy viên là Lê Đình Tuyển và Đỗ Danh Cưu. Văn phòng Thành ủy do đồng chí Tạ Quang Sần phụ trách (16).
Sự kiện thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hà Nội là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào cách mạng của Thủ đô. Đó là kết quả kết hợp giữa phong trào công nhân, phong trào yêu nước của Hà Nội trong những năm sôi sục cách mạng trước và sau cuộc vận động thành lập Đảng.
Trong hoàn cảnh đó, để thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ về việc đẩy mạnh đấu tranh, củng cố phát triển tổ chức, tuyên truyền ảnh hưởng của Đảng, chống khủng bố của kẻ thù, Thành ủy đã quyết định thành lập Đội tuyên truyền xung phong, tập trung xây dựng cơ sở Đảng và vận động quần chúng công nhân, nông dân và các giới trong thành phố... Đội tuyên truyền xung phong gồm các đồng chí: Lê Đình Tuyển, Đinh Xuân Nhạ (Trần Quý Kiên), Giang Đức Cường...; Phụ trách vận động quần chúng: Công nhân: gồm các đồng chí Lê Đình Tuyển. Đỗ Đình Cưu, Đỗ Danh Vưu; Nông dân: Nguyễn Ngọc Vũ; Học sinh: Lều Thọ Nam; Sinh viên và binh lính: Đặng Xuân Khu; Thanh niên cộng sản: Hoàng Ngọc Bảo, Lã Phạm Thái (17). Có thể nói, đội tuyên truyền xung phong chính là tổ chức tiền thân của Ban Tuyên huấn Thành ủy Hà Nội sau này.
Thực hiện sự chỉ đạo của tổ chức, nhằm góp phần chia lửa với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đang bị thực dân Pháp khủng bố dã man, ngày 11-10-1930, đồng chí Trần Quý Kiên trực tiếp phụ trách một tổ tuyên truyền xung phong mang cờ, biểu ngữ đến treo trước cổng trường Bách Nghệ phố Ca-rô (nay là phố Lý Thường Kiệt). Nhằm vào lúc tan học, trước đông đảo học sinh đổ ra cổng trường, đồng chí đứng lên dõng dạc diễn thuyết kêu gọi mọi người “ủng hộ Xô Viết - Nghệ Tĩnh”. Truyền đơn được rải khắp cổng trường, học sinh phấn khởi nhiệt tình hưởng ứng. Đồng chí Trần Quý Kiên sau này viết: “Tháng 10 (1930), thì bị bắt lúc đang treo cờ đỏ trong cuộc mít tinh công khai trước cửa trường Bách nghệ Hà Nội. Bị bắt quả tang nên bị tra tấn nhiều nhưng tôi giữ vững tinh thần, không khai và không nhận một ai, một mình một vụ… Trước và sau lúc tôi bị bắt, các đồng Giang Đức Cường, Lã Phạm Thái, Lê Đình Tuyển… đều bị bắt” (18) .
Khi vừa mới thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước phát triển mạnh mẽ. Để đối phó lại thực dân Pháp tiến hành khủng bố rất ác liệt hòng phá vỡ phong trào cách mạng trong cả nước. Tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng liên tục bị đánh phá và tổn thất nhiều. Các đồng chí lãnh đạo của Trung ương, Xứ ủy lần lượt bị bắt. Nhiều đồng chí cán bộ của Thành ủy Hà Nội, bị thực dân Pháp bắt cùng với Đinh Xuân Nhạ (Trần Quý Kiên) như: Nguyễn Ngọc Vũ, Lê Đình Tuyển, Đặng Xuân Khu, Giang Đức Cường, Hoàng Ngọc Bảo (19)...
Sau một thời gian bị giam cầm, đánh đập tại nhà tù Hỏa Lò, đồng chí Đinh Xuân Nhạ (Trần Quý Kiên) bị Hội đồng đề hình Hà Nội kết án 10 năm tù về tội “Mưu đồ phản loạn” (20). Trong hồi ký Hạt máu, đồng chí Trần Bảo một trong số những tù nhân bị đưa ra xét xử khi ấy viết: “Chúng tôi ra tòa lần này có giáo Sần, Trụ, Khôi, Đĩnh, Nhạ (Trần Quý Kiên), Cân, Thuần… và tôi” (21). Theo tài liệu của Pháp về Lý lịch của phạm nhân Đinh Xuân Nhạ số 289 được đề nghị ân xá, ở Nhà tù Sơn La (ngày 31-10-1933), ông bị kết án 10 năm tù. Ngày bắt đầu chịu án: 25-10-1930… Nơi chịu án: Nhà tù Sơn La (22) …
Thời gian đầu đồng chí Trần Quý Kiên bị giam ở nhà tù Hỏa Lò để chờ ngày xét xử và kết án. Cuối năm 1931, do số tù chính trị ở nhà tù Hỏa Lò đã quá đông, thực dân đã định đưa đồng chí Trần Quý Kiên cùng hơn 70 tù chính trị tới nhà lao Hải Phòng. Nhưng tại đây đã xảy ra cuộc đấu tranh “lưu huyết”, “làm 4 người chết và 5 người bị thương, mang đi nhà thương rồi sau chết nốt” (23). Sau đó, vì chưa có tàu đi Côn Đảo, cả đoàn tù bị cùm chân suốt một tháng, rồi lại bị đưa về Hoả Lò (24) .
Năm 1932, tại Hỏa Lò đồng chí Trần Quý Kiên cùng với đồng chí Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh) cùng trong Đảng bộ Hà Nội làm báo Cộng sản, cùng với các đồng chí Trần Bảo, Bùi Vũ Trụ... để tuyên truyền và giữ vững khí tiết cách mạng. Theo chủ trương của Chi bộ nhà tù Hỏa Lò, báo Lao tù đỏ (sau đổi thành Lao tù tạp chí) (25),... được xuất bản, đồng chí Đinh Xuân Nhạ là người viết chữ đẹp, nên được phân công chép báo. Theo hồi ký “Hạt máu”, của đồng chí Trần Bảo, viết: “Tòa soạn báo làm việc dưới gầm sàn gỗ vào những lúc ánh sáng nhiều nhất trong ngày, đủ để trông thấy chữ mà viết. Anh Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) vừa soạn bài, vừa viết sách dưới đó, tôi làm nhiệm vụ đứng gác bọn sếp ngục cho anh viết. Chính ở trong gầm sàn này đã ra đời những tài liệu công vận, nông vận, ABC cộng sản (tức cộng sản sơ giải), hai chiến thuật, bệnh ấu trĩ của người cộng sản… Bản thảo viết ra được những tay chữ đẹp như Khôi, Trụ, Nhạ, Tuân chép lại vào những tập giấy cuộn thuốc lá, anh em truyền tay nhau xem và gửi ra các cơ sở bên ngoài… Tôi và Nhạ được giao nhiệm vụ tổ chức cơ quan giữ gìn sách báo. Tôi làm “kho” và Nhạ làm “thư viện” (26) .
Tháng 2-1933, đồng chí Đinh Xuân Nhạ cùng với 210 người tù Cộng sản và Quốc dân Đảng từ nhà tù Hỏa Lò bị đưa lên giam ở nhà tù Sơn La. Đoàn tù tới Sơn La vào ngày 3-3-1933. Trong phiếu nhận dạng của tù nhân Đinh Xuân Nhạ, ghi số tù là 289. Đến khi, Toàn quyền Đông Dương Pasquier lên Sơn La, trước sự đấu tranh quyết liệt của những người tù chính trị, lại được đông đảo nhân dân Đông Dương và dư luận tiến bộ Pháp ủng hộ, nhà cầm quyền thực dân Pháp buộc phải ký lệnh giảm hoặc xóa bỏ một số án tử hình, đưa một số tù chính trị ở ngục Sơn La về giam tại Hỏa Lò (Hà Nội). Ngày 17-11-1933, đoàn tù bắt đầu khởi hành từ Sơn La về Hà Nội.
Sau đó, trước khí thế cách mạng và đấu tranh của nhân dân ta, thực dân Pháp lo sợ, đã quyết định chuyển một số tù chính trị ở nhà tù Hỏa Lò được xếp vào loại nguy hiểm, đưa ra Côn Đảo; còn những người ốm yếu thì đưa lên Sơn La, trong số đó có đồng chí Trần Quý Kiên. Trong hồi ký “Trường học cuộc đời” của đồng chí Đặng Việt Châu viết: “Chúng tôi đến Sơn La ngày 4-6-1935. Đến nơi vào khoảng 4 giờ chiều đã gặp các anh em đi chuyến trước (ngày 9-5-1935) ở đó… Các đồng chí Hào Lịch, Nguyễn Văn Năng, Nguyễn Mạnh Hồng, Trần Quý Kiên… thấy chúng tôi, vừa mừng vừa căm tức về thủ đoạn xảo trá của đế quốc” (27) .
Những năm tháng ở tù cũng là những năm tháng đồng chí được sống hòa mình với anh em đồng chí thân yêu. Những tấm gương bất khuất hy sinh đến hơi thở cuối cùng vì nước, vì dân của bao đồng chí đã động viên, cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho trái tim nhiệt thành của đồng chí Trần Quý Kiên. Khi ở trong tù đồng chí Trần Quý Kiên đã tham gia tất cả các cuộc tranh đấu. Lúc nào đồng chí cũng ở trong Chi bộ, trong tổ chức quần chúng của nhà tù. Ông rất chịu khó học văn hóa và chính trị. Ông được đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) và nhiều đồng chí khác huấn luyện về giai cấp đấu tranh và chủ nghĩa Mác - Lênin…
Giữa năm 1936, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình, đòi trả tự do cho tù chính trị phát triển mạnh, buộc thực dân Pháp phải ân xá cho nhiều tù chính trị ở Đông Dương. Tháng 8-1936, đồng chí Trần Quý Kiên, Đặng Xuân Khu và hàng trăm tù chính trị khác được trả tự do. Sở Mật thám Hà Nội và các tỉnh, thành khác tuyên bố lệnh quản thúc, rồi cho tù chính trị được trở về quê hương.
Sau khi được trả tự do, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều chiến sĩ cộng sản trở về Hà Nội tiếp tục hoạt động, như: Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Khuất Duy Tiến, Trần Huy Liệu... Từ nhà tù Sơn La về, có các đồng chí: Đặng Xuân Khu, Đinh Xuân Nhạ (Trần Quý Kiên), Bùi Vũ Trụ (28)... Như vậy, điểm qua vài nét về truyền thống gia đình, dòng họ thời kỳ đầu hoạt động cách mạng sôi nổi (1930-1936) của đồng chí Trần Quý Kiên, chúng ta có thể khẳng định: Được sinh ra và lớn lên từ một vùng quê ngoại thành Hà Nội, có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống cách mạng, ngay từ những năm tuổi còn rất trẻ, đồng chí Trần Quý Kiên đã có một ý chí và nghị lực đáng khâm phục. Vượt lên hoàn cảnh, số phận, cần cù lao động, tự rèn luyện, học hỏi để kiếm sống và sớm giác ngộ cách mạng, ông đã sớm xác định rõ lý tưởng cộng sản, hăng hái, nhiệt huyết tham gia cách mạng và sau đó trở thành nòng cốt lãnh đạo các phong trào đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân Pháp.
2. Nhà lãnh đạo tài năng của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội trong những năm 1936-1939
Cuối năm 1936, các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Đinh Xuân Nhạ (Trần Quý Kiên) và Nguyễn Văn Minh hẹn nhau họp tại một địa điểm gần sân bay Gia Lâm nhằm trao đổi về việc củng cố và phát triển các cơ sở đảng, cơ sở cách mạng; tại cuộc họp, các đồng chí bàn nhau “thành lập cơ quan lãnh đạo lâm thời của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội, lấy tên là Ủy ban sáng kiến” (29).
Ba đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Trần Quý Kiên và Nguyễn Văn Minh lại bàn cách thành lập một Ủy ban hành động làm nhiệm vụ củng cố tổ chức Đảng ở Bắc Kỳ và liên lạc với các đồng chí cũ ở nhà tù về. Sau đó, Ủy ban sáng kiến được bổ sung thêm nhiều cán bộ, trong đó có nhiều đồng chí giàu kinh nghiệm hoạt động cách mạng (30), đồng thời trực tiếp tham gia khôi phục và phát triển các cơ sở đảng ở khu vực Hà Nội và các vùng phụ cận (31) (Hà Đông, Sơn Tây, Hải Phòng...).
Tháng 3-1937, Xứ ủy Bắc Kỳ chính thức được lập lại, gồm các đồng chí: Hoàng Tú Hưu (Hoàng Văn Nọn, Thiết) làm Bí thư (32), Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Minh, Lương Khánh Thiện, Đặng Xuân Khu, Tô Hiệu, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Đinh Xuân Nhạ (Trần Quý Kiên) (33).
Cũng tháng 3-1937, Thành ủy Hà Nội chính thức được lập lại do đồng chí Lương Khánh Thiện, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp làm Bí thư. Tham gia Thành ủy có các đồng chí: Đinh Xuân Nhạ (Trần Quý Kiên), Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Minh Đạt (tức Lộc, Ái), Tạ Quang Sần, Nguyễn Trọng Cảnh (tức Trần Quốc Hoàn). Phạm vi hoạt động của Đảng bộ bao gồm cả Sơn Tây và Hà Đông.
Giữa lúc phong trào công khai đang phát triển mạnh mẽ, Đảng vẫn rất chú trọng các cơ sở liên lạc bí mật ở Hà Nội làm mạch máu giao thông của Đảng và để che giấu cán bộ khi cần thiết. Chính đồng chí Trần Quý Kiên và đồng chí Tạ Quang Sần đã thuê một cửa hiệu ở gần bến Nứa, đầu cầu Long Biên, ngụy trang dưới hình thức cửa hàng sửa chữa xe đạp, song thực chất là địa điểm liên lạc đầu mối hết sức quan trọng giữa Hà Nội với các tỉnh phía Bắc sông Hồng...
Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc Kỳ, ngay sau khi thành lập lại, Thành ủy Hà Nội đã khẩn trương bắt tay vào xây dựng và phát triển cơ sở đảng; vận động quần chúng tích cực triển khai, chắp mối bắt liên lạc với những đảng viên đang hoạt động ở Hà Nội; điều động thêm cán bộ, đảng viên tăng cường vào các xí nghiệp, nhà máy, các ngành nghề và về các vùng nông thôn ngoại thành. Thành ủy thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ và kết nạp đảng viên mới.
Bước sang năm 1938, phong trào cách mạng ở Bắc Kỳ và cả nước, đặc biệt là phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ của công nhân ở Hà Nội có bước phát triển mạnh, đòi hỏi Thành ủy Hà Nội phải củng cố, kiện toàn, để có một tổ chức thực sự vững mạnh và bổ sung những đồng chí ưu tú, xuất sắc, hoạt động trực tiếp từ phong trào công nhân trên địa bàn. “Cơ quan lãnh đạo Thành ủy được kiện toàn, đồng chí Trần Quý Kiên là Bí thư Thành ủy; bổ sung thêm hai đảng viên là các đồng chí đang hoạt động từ phong trào công nhân là đồng chí Nguyễn Văn Trân và đồng chí Văn Tiến Dũng vào Thành ủy” (34).
Trong hồi ký Đi theo con đường của Bác của Đại tướng Văn Tiến Dũng đã nói đến việc được đồng chí Đinh Xuân Nhạ (Trần Quý Kiên), Bí thư Thành ủy Hà Nội kết nạp vào Đảng, và được đồng chí Nhạ dẫn đến gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ: “Anh Nhạ (Trần Quý Kiên) lúc đó mở một cửa hàng sửa xe đạp ở gần Bến Nứa, đường bờ sông… Hoàn toàn không một ai lúc đó, nếu không phải là đảng viên có trách nhiệm, có thể biết được đây lại là một đồng chí trong Thường vụ Thành ủy Hà Nội (Thành ủy Hà Nội vừa mới được khôi phục lại năm trước). Anh Nhạ phụ trách về tổ chức, chuyên đi xây dựng lại và tổ chức mới những chi bộ Đảng trong công nhân và lao động (35), tổ chức các lớp bồi dưỡng về chính trị, chỉ đạo phối hợp đấu tranh của thanh niên công nhân trong phong trào Ái hữu.
Một buổi, anh Nhạ - Bí thư Thành ủy Hà Nội giới thiệu, tôi (Văn Tiến Dũng) biết đó là anh Nguyễn Văn Cừ. Tôi đã được nghe nói về anh, đồng chí Tổng bí thư mới của Đảng. Tôi vui mừng và cảm động hết sức về buổi gặp mặt đầu tiên này. Đồng chí Tổng bí thư gặp tôi lần này để hỏi thêm một số điều trong phong trào công nhân ở Hà Nội, đồng thời cũng trực tiếp chỉ thị cho tôi về hoạt động trong tình hình đã có thay đổi khác trước…” (36).
Để nắm bắt chỉ đạo cách mạng, khoảng giữa năm 1937 tại nhà số 86 phố Yên Phụ - Bến Nứa có trạm liên lạc của Xứ uỷ Bắc Kỳ và Thành uỷ Hà Nội do đồng chí Trần Quý Kiên (Đinh Xuân Nhạ) đảm nhiệm. Để che mắt địch, đồng chí Kiên đóng giả là người sửa xe đạp (37). Việc này đã được hồi ký Đi theo con đường của Bác của đồng chí Văn Tiến Dũng viết và đã nói khá tỉ mỉ về những hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức xây dựng Đảng, kết nạp Đảng viên… với vai trò to lớn của đồng chí Trần Quý Kiên (Bí thư Thành ủy Hà Nội, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ trong những năm 1938-1939).
Theo sách Địa chí Hà Tây viết ở Sơn Tây, từ giữa năm 1935 đến tháng 4-1936, làng Đa Phúc (Quốc Oai) có những chính trị phạm bị trục xuất từ bên Lào về hoạt động, như các đồng chí: Phan Trọng Tuệ, Nguyễn Văn Thọ, Đào Văn Tiễu. Tháng 8-1936, các đồng chí đã thành lập tổ Cộng sản do đồng chí Nguyễn Văn Thọ làm Thư ký tổ. Sau khi liên lạc được với Xứ uỷ, cuối năm 1937, đồng chí Lê Hoàng cán bộ Xứ uỷ đã về Đa Phúc chuyển tổ Cộng sản thành Chi bộ dự bị, do đồng chí Phan Trọng Tuệ làm Bí thư (38).
Từ khi thành lập (8-1936) đến khi liên lạc được với Đảng (cuối năm 1937), tổ Cộng sản Đa Phúc đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn để xây dựng cơ sở, thúc đẩy phong trào cách mạng địa phương từng bước phát triển. Tuy từng mặt có những kết quả và hạn chế khác nhau, song nhìn chung thành tích, ưu điểm là cơ bản và to lớn, trong điều kiện chưa được sự chỉ đạo trực tiếp của tổ chức Đảng.
Vào mùa xuân năm 1938, sau một thời gian xem xét phong trào Mặt trận Dân chủ ở Đa Phúc - Thụy Khuê dưới sự chỉ đạo của tổ Cộng sản, đồng chí Trần Quý Kiên, Thường vụ Xứ uỷ, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, đại diện Thành ủy đã về Đa Phúc công nhận và chuyển tổ Cộng sản Đa Phúc thành Chi bộ Đa Phúc và giao trách nhiệm phụ trách, phong trào cách mạng ở tỉnh Sơn Tây. Lễ công nhận được tiến hành ở nhà đồng chí Phan Trọng Tuệ vào một buổi tối có 3 đảng viên dự là các đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Phan Trọng Tuệ, Đào Văn Tiễu (39).
Sách Địa chí Hà Tây viết “Sau một thời gian theo dõi, đầu năm 1938, đồng chí Trần Quý Kiên, Thường vụ Xứ uỷ, Bí thư Thành uỷ Hà Nội về làng Đa Phúc công nhận là chi bộ chính thức của Đảng, trực thuộc Thành uỷ Hà Nội, giao nhiệm vụ cho chi bộ lãnh đạo phong trào cách mạng tỉnh Sơn Tây. Chi bộ Đa Phúc là tổ chức đảng đầu tiên của tỉnh Sơn Tây” (40) .
Chi bộ Đa Phúc (Sài Sơn) là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Quốc Oai và tỉnh Sơn Tây. Chi bộ lại được đồng chí Trần Quý Kiên giao nhiệm vụ trọng đại là lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh Sơn Tây và hoạt động theo sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội. Đây là một sự kiện vượt ra ngoài phạm vi hai làng Đa Phúc - Thụy Khuê. Từ đây ở Quốc Oai đã có một tổ chức cơ sở chính thức của Đảng, đây là một mốc lịch sử đáng ghi nhớ và hết sức tự hào, kết thúc một quá trình tự rèn luyện thử thách của những người hoạt động cách mạng ở hai làng Đa Phúc - Thụy Khuê. Sự kiện này mở ra những thuận lợi mới và bước phát triển mới cho phong trào cách mạng ở Quốc Oai nói riêng và tỉnh Sơn Tây nói chung. Chi bộ Đa Phúc được công nhận không những đáp ứng yêu cầu bức thiết của phong trào cách mạng trước mắt, mà còn là nền tảng của Đảng bộ địa phương sau này. Từ đây Chi bộ Đa Phúc sẽ trưởng thành và có đủ sức mạnh gánh vác một nhiệm vụ rất nặng nề nhưng rất vẻ vang là lãnh đạo phong trào cách mạng phía tây bắc Hà Nội.
Chi bộ Đa Phúc, cơ sở Đảng đầu tiên trên đất Sơn Tây, được đồng chí Trần Quý Kiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội, thay mặt Thành ủy Hà Nội chính thức công nhận, trước hết là một sự kiện quan trọng đối với phong trào Đa Phúc - Thụy Khuê, đã chấm dứt thời gian mò mẫm do thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của tổ chức Đảng. Đối với toàn tỉnh Sơn Tây, Chi bộ Đa Phúc là hạt nhân lãnh đạo, là cơ sở ban đầu tiến tới xây dựng Đảng bộ tỉnh. Chi bộ Đa Phúc ra đời là kết quả của phong trào đấu tranh quần chúng dưới ánh sáng cách mạng của Đảng mà nổi bật là nhờ tinh thần chủ động, kiên trì vượt khó khăn của những chiến sĩ cách mạng từ Lào về.
Tại tỉnh Hà Đông, những thanh niên cốt cán ở vùng bắc Hoài Đức sớm liên lạc được với tổ chức Đảng ở Hà Nội, được đồng chí Trần Quý Kiên, Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, nhiều cán bộ ở các tòa báo công khai từ Hà Nội về giúp đỡ (41). Ở phía Bắc tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), được sự chỉ đạo, giúp đỡ của Xứ uỷ Bắc Kỳ, phong trào cách mạng ở vùng nam Hoài Đức phát triển mạnh. “Ngày 15-5-1938, đồng chí Trần Quý Kiên (còn gọi là Đinh Nhạ) về La Cả tổ chức kết nạp ba quần chúng cốt cán vào Đảng, đó là: Dương Nhật Đại (La Cả), Nguyễn Quý Bình (Đại Mỗ), Ngô Văn Phát (Thượng Cát). Thay mặt Xứ uỷ Bắc Kỳ, đồng chí Trần Quý Kiên tuyên bố thành lập chi bộ ghép do đồng chí Dương Nhật Đại làm Bí thư. Xứ uỷ giao cho chi bộ ghép La Cả - Đại Mỗ Thượng Cát có nhiệm vụ lãnh đạo phong trào cách mạng ở tỉnh Hà Đông, đồng thời cũng là Ban vận động chuẩn bị cho việc thành lập Đảng bộ tỉnh” (42).
Trong hồi ký Từ những buổi đầu của đồng chí Dương Nhật Đại (sau làm Bí thư Thành ủy Hà Nội) in trong “Hồi ký cách mạng Hà Sơn Bình” viết: Ở Hà Đông, phong trào quần chúng phát triển đã khá, nhưng chưa có tổ chức Đảng. Đồng chí Hoàng Lương Hữu (43) nói với đồng chí Dương Nhật Đại: “Cậu hãy chọn lấy một người nữa, mình cùng sẽ giới thiệu một người nữa, thế là đủ ba người đề thành lập chi bộ Đảng… Đúng một tuần lễ sau, tôi ra Hà Nội báo cáo với anh Hữu về việc chọn người. Anh Hữu giới thiệu với tôi anh Phát ở Thượng Cát, thế là đủ bộ ba: anh Bình, anh Phát và tôi. Anh Hữu còn giới thiệu một đồng chí nữa mà tôi không quen, đồng chí ấy sẽ thay mặt Đảng về kết nạp chúng tôi, anh Hữu không giới thiệu tên, sau này tôi mới rõ đồng chí ấy chính là anh Đinh Nhạ, tức anh Trần Quý Kiên.
…Ngày 15-5-1938, tại nhà tôi ở La Cả. Anh Nhạ thay mặt Đảng tuyên bố kết nạp ba chúng tôi vào Đảng Cộng sản Đông Dương, anh công nhận chúng tôi là đảng viên chính thức hợp thành chi bộ ghép do tôi (Dương Nhật Đại) làm Bí thư, Chi bộ ghép có trách nhiệm lãnh đạo phong trào cách mạng Hà Đông, đồng thời cũng là ban vận động thành lập Đảng bộ tỉnh (Hà Đông). Cuối cùng, anh nói với chúng tôi vừa có tính chất động viên, vừa có tính chất Chỉ thị: Trước đây các đồng chí hoạt động là do nhiệt tình, do lòng yêu nước, ngày nay các đồng chí phải chịu trách nhiệm trước Đảng về phong trào của một tỉnh. Đảng tin cậy ở các đồng chí, quần chúng Hà Đông trông đợi ở sự lãnh đạo của các đồng chí. Hôm nay, các đồng chí chỉ mới có “ba” (người), đó là cái vốn đầu tiên quý báu của Đảng ở Hà Đông. Tôi tin rằng phong trào cách mạng ở Hà Đông đã lớn mạnh, với sự nỗ lực của các đồng chí, chẳng bao lâu nữa cái vốn nhỏ bé này sẽ phát triển gấp mười, gấp trăm rồi gấp nghìn lần hơn nữa (44)...
Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, Thành ủy Hà Nội mà trực tiếp là đồng chí Trần Quý Kiên, Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội các tổ chức Đảng đã được thiết lập tại 17/29 tỉnh, thành phố ở Bắc Kỳ (45) … “Việc tổ chức lại các tổ chức của Đảng có thể tiến hành khá nhanh, đó là nhờ hoạt động của các cựu tù chính trị được ân xá…” (46).
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Trần Quý Kiên và các đồng chí trong Thành ủy Hà Nội, các đoàn thể quần chúng như Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ dân chủ, Đoàn Thanh niên dân chủ, Nghiệp đoàn báo giới Bắc Kỳ, Hội Truyền bá chữ quốc ngữ... đã tập hợp, lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ; lựa chọn các quần chúng tích cực, bồi dưỡng kết nạp Đảng. Một số đảng viên sau này được đồng chí Trần Quý Kiên theo dõi, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng, hoặc công nhận chi bộ chính trực… trong thời kỳ này như: Văn Tiến Dũng, Dương Nhật Đại, Phan Trọng Tuệ, Nguyễn Quý Bình, Ngô Văn Phát…
Trong thời kỳ hoạt động cách mạng ở Bắc Kỳ, trong đó gắn bó nhiều với Hà Nội từ năm 1930-1939, đồng chí Trần Quý Kiên đã trực tiếp lãnh đạo Đảng bộ, và nhân dân thành phố Hà Nội và sau năm 1945, là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, giữ nhiều chức vụ khác nhau và có gắn bó nhiều với Thủ đô Hà Nội, đồng chí Trần Quý Kiên thực sự là tấm gương sáng của người cộng sản trung kiên, bất khuất, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.
Do có nhiều công lao và thành tích to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác. Cuộc đời cao đẹp và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Trần Quý Kiên là tấm gương sáng, mẫu mực cho các thế hệ người Việt Nam và đặc biệt là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô noi theo. Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác đã đặt tên đường mang tên “Trần Quý Kiên”.
3. Đồng chí Trần Quý Kiên trong phong trào cách mạng ở Hà Nội và khu vực Bắc Kỳ trong những năm 1939-1945
Trong thời kỳ 1936-1939, với cao trào vận động dân chủ, nhờ hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Trần Quý Kiên, Đảng bộ tỉnh Hà Đông, tỉnh Sơn Tây đã ra đời. Trải qua hơn một năm đấu tranh dưới ngọn cờ của Đảng, phong trào cách mạng ở mỗi địa phương đều có bước phát triển quan trọng. Từ năm 1938, tỉnh Sơn Tây có chi bộ Đa Phúc chịu trách nhiệm lãnh đạo toàn tỉnh. Hà Đông, từ những cơ sở Đảng ban đầu đã tiến tới thành lập Đảng bộ tỉnh. Những sự kiện đó đã đánh dấu bước phát triền về chất của phong trào ở mỗi địa phương, tạo điều kiện cho bước phát triền mới vững mạnh hơn nữa.
Như vậy, sau khi ra tù năm 1936, đồng chí Trần Quý Kiên đã hăng say tham gia ngay vào nhiều công việc, công tác của Đảng, có nhiều đóng góp trong Ủy ban sáng kiến, Xứ ủy Bắc Kỳ, Thành ủy Hà Nội… Cuối năm 1938, đồng chí Trần Quý Kiên được cử làm Bí thư Thành ủy Hà Nội đến đầu tháng 9/1939 (47). Nhận trách nhiệm lãnh đạo Thành uỷ giữa lúc phong trào cách mạng cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng đang ở vào giai đoạn cuối của cuộc đấu tranh hợp pháp, nửa công khai, đồng chí Trần Quý Kiên cùng Thành uỷ Hà Nội với sự chỉ đạo chặt chẽ của Xứ uỷ Bắc Kỳ đã khéo léo lợi dụng giai đoạn “đệm” ấy để tiếp tục duy trì thúc đẩy một số cuộc đấu tranh, tập dượt quần chúng chuẩn bị bước vào một thời kỳ đấu tranh mới.
Trong cuộc đấu tranh trên nghị trường, đồng chí Trần Quý Kiên và Thành uỷ Hà Nội đã chỉ đạo tốt công tác tuyên truyền tới các cử tri cho cuộc bầu cử Hội đồng Thành phố ngày 5-4-1939. Những người do Mặt trận dân chủ giới thiệu đã trúng cử với số phiếu cao nhất so với các thành phần khác. Điều này chứng tỏ ảnh hưởng của cách mạng tăng lên nhiều trong các tầng lớp trung gian và tầng lớp trên. Nhân dịp ông Phan Thanh, một chiến sĩ dân chủ xuất sắc có uy tín trong phong trào dân chủ ở Hà Nội bị bệnh mất ngày 4-5-1939, Thành uỷ đã huy động quần chúng tham dự đám tang với quy mô chưa từng có. Hơn hai vạn người xếp hàng đi sau xe tang. Thực tế, đó là cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng cách mạng. Kẻ thù rất bực tức nhưng không có cớ gì để đàn áp. Bằng cách đó đồng chí Trần Quý Kiên cùng với Thành uỷ đã chỉ đạo thành công cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng nhân ngày Quốc khánh nước Pháp 14-7 và cuộc vận động quần chúng phản đối bọn đế quốc thực dân và tay sai muốn quay trở lại Hiệp ước Patenôtre năm 1884. Tháng 8-1939, do áp lực của quần chúng, Bộ Thuộc địa Pháp cuối cùng đã phải hủy bỏ ý định trên…
Như vậy, có thể nói, ngoài một số hoạt động về tổ chức và xây dựng Đảng ở vùng xung quang Hà Nội, đồng chí Trần Quý Kiên còn có những hoạt động khác mà trong điều kiện bài viết này chưa thể nêu lên một cách đầy đủ. Nhưng qua những nội dung đã trình bày ở trên có thể thấy truyền thống quê hương gia đình đã hun đúc lên ý chí cách mạng của đồng chí Trần Quý Kiên, người chiến sĩ cộng sản kiên cường. Những hoạt động và cống hiến của đồng chí Trần Quý Kiên đối với cách mạng và dân tộc ta, với Thành ủy Hà Nội thời kỳ từ năm 1930 đến năm 1945 là rất to lớn. Là nhà lãnh đạo tiền bối đồng chí Trần Quý Kiên đã cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Văn Tiến Dũng… và nhiều đồng chí khác có những đóng góp căn bản quan trọng, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng đi tới thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những mốc son vẻ vang, chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đối với Hà Nội, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã ghi nhận và khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng, của Đảng bộ Hà Nội, trong đó, có một phần đóng góp tích cực và rất quan trọng của đồng chí Trần Quý Kiên, với vai trò là Bí thư Thành ủy Hà Nội từ năm 1938 và trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân Hà Nội trong thời kỳ 1938 - 1939.
4. Kết luận
Trong bối cảnh lịch sử đất nước ta những thập niên đầu thế kỷ XX, cùng với truyền thống tốt đẹp của quê hương, như truyền thống yêu nước, truyền thống hiếu học, khoa bảng cùng với truyền thống của gia đình, dòng họ, xóm làng, đã trở thành những nhân tố rất quan trọng, góp phần hình thành, nuôi dưỡng những phẩm chất cao đẹp, tư tưởng yêu nước chân chính trong con người đồng chí Trần Quý Kiên. Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhiều thanh niên yêu nước của dân tộc ta đã tham gia hoạt động cách mạng, trở thành những cán bộ lãnh đạo tận tụy, tài năng - những đảng viên trung kiên lớp đầu tiên của Đảng, những người đã trọn đời hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong số những con người ưu tú đó có đồng chí Trần Quý Kiên (1911-1965), Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội - người cộng sản kiên trung, bất khuất, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và trọn đời hy sinh cống hiến vì hạnh phúc của nhân dân.
Hoạt động và cống hiến của đồng chí Trần Quý Kiên với cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Nội là rất to lớn. Với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Trần Quý Kiên đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý: Huân chương kháng chiến hạng nhất (1961), Huân chương Lao động hạng nhất (1965), Huân chương Hồ Chí Minh (truy tặng, 2003), Huân chương Sao vàng (truy tặng, 2018)… Tên của đồng chí Trần Quý Kiên còn được đặt tên đường, phố ở thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Huế, thành phố Đà Nẵng.
CHÚ THÍCH
(1). Vũ Thị Minh Hương, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin, Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc Kỳ, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1999, tr.223.
(2). Đồng Khánh địa dư chí, tập I, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2003, tr.16-17.
(3). Ngô Vi Liễn, Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kỳ: tuyển tập các công trình địa chí Việt Nam, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1999, tr.42.
(4). Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Phượng Dực 1945-1954, tập I, Sơ thảo, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Phượng Dực xuất bản, 1995, tr.7.
(5). Viện Nghiên cứu Hán nôm, Phượng Dực đăng khoa lục, Nguyễn Tá Nhí dịch và giới thiệu, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.9-12.
(6). Theo nội dung bức Thư gửi Thống sứ Bắc Kỳ tại Hà Nội viết tháng 1-1933 của hai cụ thân sinh xin Thống sứ Bắc Kỳ đặc xá đồng chí Trần Quý Kiên sau khi ông bị bắt ngày 17-10-1930.
(7). Năm 1898, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cho xây dựng cầu Doumer (Long Biên) cụ thân sinh ra đồng chí Trần Quý Kiên đã đứng đầu một nhóm cai làm cầu, gia đình cũng ở ngay con phố gần cầu Long Biên... Cầu Long Biên còn được gọi là cầu Đu - me (Doumer) hay cầu Sông Cái, được xây dựng xong vào tháng 2 năm 1902 sau 4 năm xây dựng…
(8). Trong Lý lịch tại kho Lưu trữ Trung ương Đảng, do đồng chí Trần Quý Kiên khai năm 1952 viết nguyên quán ở phố Hàng Nứa trên đê Yên Phụ (gần cầu Long Biên - Hà Nội).
(9). Lý lịch của phạm nhân Đinh Xuân Nhạ số 289 được đề nghị ân xá, ở Nhà tù Sơn La (ngày 31/10/1933), tài liệu tại phông Thống sứ Bắc Kỳ, Hồ sơ số: 82828, tờ số 4, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
(10). Lý lịch do đồng chí Trần Quý Kiên khai lưu tại kho Lưu trữ Trung ương Đảng, năm 1952, tr.1.
(11). Trường được xây dựng vào khoảng những năm 1900 đến 1902 với tên gọi ban đầu là trường Thông ngôn (trường đào tạo người phiên dịch), sau này trường Thông ngôn giải tán, nhường chỗ cho học trò tiểu học nên có tên là trường Yên Phụ, do một người Pháp làm giám đốc. Từ năm 1929 đến năm 1931, trường có nhiều thanh niên sớm giác ngộ cách mạng.
(12). Số 66 phố Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình.
(13). Nguyễn Đạt Phác (có tài liệu viết là Nguyễn Đạt Phát), quê quán phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, sau làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình (1947 - 1949). Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Ninh Bình (1948 - 1949). Năm 1952, điều trị ho lao ở Đại Từ… Theo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Ninh Bình, tập 1 (1930-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2023, tr.293.
(14). Lý lịch do đồng chí Trần Quý Kiên khai lưu tại kho Lưu trữ Trung ương Đảng, năm 1952, tr.7.
(15). Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Những chiến sĩ cộng sản ưu tú và cơ sở cách mạng của Hà Nội (tập 1), Nxb. Hà Nội, 2006, tr.69-70.
(16). Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội, tập 1 (1926-1945), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.97.
(17). Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Nxb. Hà Nội, 2004, tr.54.
(18). Lý lịch do đồng chí Trần Quý Kiên, khai lưu tại kho Lưu trữ Trung ương Đảng, năm 1952, tr.7-8.
(19). Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Sđd, tr.57.
(20). Một số tài liệu viết là 5 năm là không đúng theo tài liệu kết án của Pháp, lần bị bắt ở Bắc Giang cùng đồng chí Trần Quốc Hoàn sau đó (năm 1940), ông bị kết án 5 năm tù chính trị (vì hai đồng chí bị bắt cùng một toán 5 người khác) và một năm tù về tội trộm cướp vì mang thẻ của người khác.
(21). Trần Bảo, Hạt máu (hồi ký), Nxb. Lao động, Hà Nội, 1970, tr.194.
(22). Lý lịch của phạm nhân Đinh Xuân Nhạ số 289 được đề nghị ân xá, ở Nhà tù Sơn La (ngày 31/10/1933), tài liệu tại phông Thống sứ Bắc Kỳ, Hồ sơ số: 82828, tờ số 4, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
(23). Lớp Chỉnh Đảng Trung ương, Tổng kết tư tưởng, Họ tên: Trần Quý Kiên, đơn vị công tác: Văn phòng Thủ tướng Phủ, tháng 8-1952, tr.1.
(24). Trần Bảo, Hạt máu (hồi ký), Sđd, tr.203.
(25). Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội - Viện Lịch sử Đảng, Đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng tại nhà tù Hỏa Lò (1899-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.85.
(26). Trần Bảo, Hạt máu (hồi ký), Sđd, tr.156-157.
(27). Đặng Việt Châu, Trường học cuộc đời (Hồi ký), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.247.
(28). Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Sđd, tr.62.
(29). Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Sđd, tr.62.
(30). Ủy ban sáng kiến tổ chức thành hai bộ phận, một bộ phận hoạt động công khai, một bộ phận hoạt động bí mật. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ hoạt động ở bộ phận bí mật. Ủy ban sáng kiến phân công đồng chí Tô Hiệu về hoạt động tại Hải Phòng, Quảng Ninh; đồng chí Hoàng Văn Thụ về hoạt động ở các vùng dân tộc thiểu số phía Bắc. Ngoài ra, ủy ban còn phân công đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng các đồng chí Nguyễn Văn Minh, Đinh Xuân Nhạ (Trần Quý Kiên) phụ trách việc móc nối liên lạc với các đồng chí ở Trung Kỳ.
(31). Nguyễn Văn Cừ tiểu sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.102-103.
(32). Viện Lịch sử Đảng, Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1 (1930 - 9/1945), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.273.
(33). Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội, tập 1 (1926-1945), Sdd, tr.142.
(34). Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Sđd, tr.70; Đại tướng Văn Tiến Dũng với cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Nội, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr.82.
(35). Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đi theo con đường của Bác (hồi ký), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.36.
(36). Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đi theo con đường của Bác (hồi ký), Sđd, tr.36, 55-56.
(37). Sách Lịch sử Đảng bộ quận Ba Đình, 1930-2005, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.78. Đến cuối năm 1938, do bị lộ, đồng chí Kiên rút về cơ sở khác, cuối năm 1939, đầu năm 1940 đồng chí là Bí thư Thành ủy Hà Nội (có nhiều ý kiến khác nhau về thời điểm khoảng một năm đồng chí Trần Quý Kiên làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhưng sách này viết đồng chí chí Trần Quý Kiên làm Bí thư Thành ủy Hà Nội từ “cuối năm 1939, đầu năm 1940” là chưa thật chính xác, bởi từ khi bị lộ, Chiến tranh thế giới xảy ra, Đảng đã rút đồng chí lên Phú Thọ hoạt động từ cuối năm 1939...
(38). Địa chí Hà Tây, Nxb. Hà Nội, 2011, tr.287.
(39). Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quốc Oai, Sơ thảo Lịch sử Đảng bộ huyện Quốc Oai, tập 1 (1930-1945), Ban sưu tầm tài liệu Lịch sử Đảng huyện Quốc Oai, xuất bản 1983, tr.32.
(40). Địa chí Hà Tây, Sđd, tr.287.
(41). Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình, Lịch sử Đảng bộ Hà Sơn Bình, tập 1, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Hà Sơn Bình xuất bản năm 1986, tr.103.
(42). Địa chí Hà Tây, Sđd, tr.287.
(43). Tức Hoàng Văn Nọn, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.
(44). Hồi ký cách mạng Hà Sơn Bình, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Hà Sơn Bình, 1981, tr.24.
(45). Trần Trọng Thơ, Xây dựng cơ quan lãnh đạo cấp Trung ương, Xứ ủy của đảng thời kỳ 1930 - 1945, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.150.
(46). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.300.
(47). Những chiến sĩ cộng sản ưu tú và cơ sở cách mạng của Hà Nội (tập 1), Sđd, tr.73.