Trong bối cảnh toàn cầu hoá và làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nổi lên như một trụ cột chính cho phát triển nhanh và bền vững của các quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng, tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh. Và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Đặc biệt, trong giai đoạn đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng thì việc Đảng và Nhà nước xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính để phát triển đất nước là quan điểm chỉ đạo quan trọng, cấp thiết. Quan điểm này được thể hiện rõ trong các văn kiện Đại hội Đảng qua các giai đoạn và hệ thống chính sách đang được triển khai tại nước ta.
Ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), Đảng đã khẳng định: “Khoa học và kỹ thuật là lực lượng sản xuất trực tiếp”. Từ đó đến nay, các kỳ Đại hội Đảng đều nhấn mạnh vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển đất nước. Đến Đại hội Đảng lần thứ XIII năm (2021), vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được khẳng định mạnh mẽ hơn nữa khi được xác định là một trong ba đột phá chiến lược mới. Cụ thể, Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ: "Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là các ngành, lĩnh vực then chốt, có tác động lan toả lớn, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.”; "Có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia."; "Chú trọng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy liên kết viện – trường – doanh nghiệp."
Trên cơ sở đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành hàng loạt chính sách, chiến lược trọng điểm như:
Chiến lược phát triển Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 (Quyết định 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022) xác định phát triển KH&CN là “đòn bẩy” nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; hướng tới đưa Việt Nam vào nhóm 40 quốc gia dẫn đầu về đổi mới sáng tạo toàn cầu. Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam; tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học và công nghệ đạt trình độ quốc tế.
Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 (QĐ 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020) nhấn mạnh vai trò của khoa học và công nghệ trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển các công nghệ mới như AI, blockchain, IoT, robot… Chiến lược đặt ra mục tiêu chủ động tận dụng có hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cơ bản làm chủ và ứng dụng rộng rãi công nghệ mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; từng bước sáng tạo được công nghệ mới nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi và sức khỏe của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và gắn kết chặt chẽ quá trình ứng dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với công tác bảo vệ an ninh mạng. Chiến lược đề ra 07 nhóm định hướng trọng tâm và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các Bộ, ban, ngành, tỉnh/thành phố và các cơ quan, tổ chức liên quan.
Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi), Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phát phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đánh dấu bước đột phá về tư duy của Đảng trong việc tìm hướng phát triển cho đất nước. Nghị quyết nêu rõ: "Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới". Việc lần đầu tiên Tổng Bí thư là Trưởng ban Chỉ đạo một Nghị quyết về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cho thấy tầm nhìn và cam kết chính trị đặc biệt đối với Nghị quyết này.
Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ (Nghị quyết số 03/NQ-CP) ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nội dung Chương trình hành động tập trung vào 07 nhóm giải pháp cụ thể để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, hiện thực hóa mục tiêu đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Chính phủ và các Bộ, ngành cũng đã triển khai nhiều chương trình cụ thể để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo:
Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 (QĐ 130/QĐ-TTg ngày 27/1/2021 bao gồm 3 chương trình thành phần: (1) Chương trình nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao, phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì; (2) Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương chủ trì; (3) Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì. Mục tiêu của Chương trình là nghiên cứu, làm chủ, phát triển công nghệ cao, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ; hình thành, phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này.
Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 (Quyết đinh số 118/QĐ-TTg ngày 25/1/2021) với mục tiêu tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp (gọi tắt là DN) chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao; Thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; Đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ.
Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), Quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) đều hoạt động vì mục đích hỗ trơ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của Việt Nam nói chung.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) được thành lập từ năm 2019 với chức năng hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên phát triển khoa học và công nghệ. NIC đã xây dựng được chính sách trong đổi mới sáng tạo để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã hoàn thiện hạ tầng các cơ sở hoạt động; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cho đổi mới sáng tạo; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam với đầy đủ các chủ thể tham gia; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực; tham gia phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam...
Trong mọi giai đoạn phát triển, đội ngũ trí thức, đặc biệt là các nhà khoa học, luôn đóng vai trò trung tâm trong sáng tạo, truyền bá và ứng dụng tri thức mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Lực lượng trí thức là vốn quý của dân tộc, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Để hiện thực hoá quan điểm của Đảng về "Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực then chốt cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc", cần nhận thức và phát huy vai trò trung tâm của đội ngũ trí thức, nhà khoa học Việt Nam.
Viện Nghiên cứu Con người, Gia đình và Giới, cùng với các đơn vị thuộc và thực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói chung đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước. Các nhà khoa học không chỉ thực hiện nghiên cứu chuyên sâu mà còn tích cực tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, tư vấn chiến lược và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đang ngày càng khẳng định vai trò động lực then chốt trong mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Từ chủ trương nhất quán của Đảng, chính sách cụ thể của Nhà nước đến sự nỗ lực của đội ngũ trí thức, Việt Nam đã và đang kiến tạo nền tảng để bứt phá trong kỷ nguyên kinh tế tri thức. Hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, đầu tư có trọng tâm cho nghiên cứu – phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học cống hiến, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội là yêu cầu cấp thiết để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, sớm đưa Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật.
3. https://baochinhphu.vn/nic-sau-5-nam-thanh-lap-khang-dinh-vai-tro-dau-moi-quoc-gia-ve-doi-moi-sang-tao-10224092810152015.htm
4. https://natif.vn/gioi-thieu/
5. https://nhandan.vn/thuc-day-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-va-nhan-luc-chat-luong-cao-phuc-vu-tang-truong-kinh-te-post859517.html