Phát huy vai trò chủ động của các bộ phận làm công tác đối ngoại của Viện Hàn lâm KHXHVN và các đơn vị trực thuộc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của Viện Hàn lâm hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng

18:01 19/05/2025
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +

Trong bối cảnh toàn cầu hoá tiếp tục diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng, việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế ngày càng trở thành yêu cầu cấp thiết đối với mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, và đặc biệt là khoa học – giáo dục. Đại hội lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam đang đến gần, đánh dấu một chặng đường phát triển quan trọng, đồng thời mở ra những định hướng chiến lược mới cho đất nước trong thời kỳ mới. Đứng trước yêu cầu đó, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (gọi tắt Viện Hàn lâm), với vai trò là trung tâm nghiên cứu hàng đầu về khoa học xã hội và nhân văn, nhận thức rõ sứ mệnh của mình trong việc đóng góp vào việc cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đảng thông qua tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế. Ban Hợp tác quốc tế đã và đang triển khai nhiều biện pháp thiết thực nhằm góp phần vào công cuộc hội nhập sâu rộng, hiệu quả và thực chất của Viện Hàn lâm.

Nhìn lại công tác hợp tác quốc tế trong nhiệm kỳ qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, công tác hợp tác quốc tế tại Viện Hàn lâm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện qua việc mở rộng các mối quan hệ hợp tác song phương và đa phương với các cơ quan khoa học hàng đầu trên thế giới, duy trì tổ chức định kỳ và đảm bảo chất lượng các hội thảo quốc tế thường niên với các đối tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các đoàn vào, đoàn ra nhằm thúc đẩy giao lưu khoa học quốc tế… Các hoạt động này không chỉ giúp tiếp thu và quảng bá các thành tựu nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, các bài học kinh nghiệm phát triển quốc tế, mà còn góp phần nâng cao vị thế của Viện Hàn lâm trong cộng đồng khoa học quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước ta.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, thách thức cần phải được nhận diện và giải quyết kịp thời. Thực tế trong thời gian qua, các khó khăn vướng mắc về quy định thể chế, tài chính hay các điểm nghẽn về nhân lực, cơ sở vật chất…. đã được chỉ ra và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhưng chưa thể giải quyết được ngay để tạo môi trường thông thoáng cho việc phát huy các lợi ích từ hội nhập quốc tế. Việc tuân thủ các quy định của Đảng, Nhà nước và của Viện Hàn lâm trong triển khai các hoạt động đối ngoại còn bị một bộ phận viên chức coi nhẹ; ý thức phấn đấu rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn và ngoại ngữ, và nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế nói chung của nhiều viên chức nghiên cứu chưa cao; việc phối hợp giữa các đơn vị và cá nhân viên chức chưa chặt chẽ ảnh hưởng tới hiệu quả giao lưu và hội nhập quốc tế của Viện Hàn lâm nói chung và các đơn vị trực thuộc nói riêng.

Hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, để đáp ứng các yêu cầu của Nghị quyết 57 và mục tiêu của Viện Hàn lâm trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học ngang tầm khu vực và thế giới, dưới góc độ hợp tác quốc tế về khoa học xã hội và nhân văn, Ban Hợp tác quốc tế xác định một số nhiệm vụ cụ thể cho Ban và các phòng đối ngoại của các đơn vị trực thuộc như sau:

Trước hết, trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại được xác định trong các Văn kiện Đại hội XIII, đặc biệt là phương châm “độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại”, cần chủ động cụ thể hóa thành các chương trình hành động phù hợp với đặc thù của đơn vị.

Thứ hai, cần ưu tiên yếu tố thực chất trong thiết lập các quan hệ đối tác, cụ thể cần phối hợp với đối tác quốc tế xây dựng kế hoạch hành động song song với đàm phán thỏa thuận hợp tác, đồng thời xác định rõ kế hoạch đánh giá hiệu quả định kỳ.

Thứ ba, quan tâm tập huấn và nâng cao tính chuyên nghiệp, ý thức pháp luật và năng lực làm việc trong môi trường quốc tế cho đội ngũ viên chức làm công tác đối ngoại. Cần tạo điều kiện trang bị kiến thức chuyên ngành, các kỹ năng ngoại ngữ cần thiết, kỹ năng đàm phán và xây dựng quan hệ với đối tác quốc tế, kỹ năng quản lý dự án và tổ chức hội thảo/hội nghị quốc tế...

Thứ tư, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, cần lưu ý ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đối ngoại. Cụ thể, cần chú trọng xây dựng các cơ sở dữ liệu liên quan hoạt động đối ngoại của đơn vị, ứng dụng AI để tổng hợp, phân tích và hỗ trợ thực hiện các công việc sự vụ.

Cuối cùng, cần đẩy mạnh công tác truyền thông đối ngoại về các thành tựu nghiên cứu khoa học của đơn vị, thông qua việc xuất bản các công trình bằng tiếng nước ngoài, tham gia diễn đàn quốc tế, chủ trì các mạng lưới học thuật khu vực, qua đó khẳng định vị thế của Viện Hàn lâm trong hệ thống tri thức toàn cầu.

Đại hội lần thứ XIV của Đảng không chỉ là một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, mà còn là thời điểm để các cơ quan, đơn vị, trong đó có Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhìn nhận lại một cách nghiêm túc quá trình phát triển của mình, từ đó đưa ra những định hướng chiến lược cho giai đoạn tiếp theo. Trong bức tranh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, công tác hợp tác quốc tế không chỉ là một nhiệm vụ chuyên môn, mà còn là một trong những kênh quan trọng để triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Với quyết tâm chính trị cao, định hướng rõ ràng và sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị trong và ngoài nước, công tác hợp tác quốc tế của Viện Hàn lâm sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển khoa học xã hội, xây dựng nền tảng tri thức vững chắc cho tiến trình phát triển bền vững của đất nước./.

Nguồn: Chi bộ Ban Hợp tác quốc tế

Tác Giả: ThS. Trịnh Thị Tố Na

In trang Chia sẻ

Tin khác