Ba trụ cột của chuyển đổi số bao gồm Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số. Quá trình chuyển đổi số là xây dựng hệ sinh thái số trong đó cả Chính phủ, người dân và tổ chức/doanh nghiệp cũng đều phải thay đổi để thích ứng. Chuyển đổi số, kinh tế số, mặc dù đã được đề cấp khá lâu nhưng nó chưa thật sự gần gũi, chưa dễ hiểu với đại đa số người dân. Vai trò, đóng góp của chuyển đổi số, kinh tế số với xã hội, với nền kinh tế quốc gia chưa thật sự được làm rõ nét, đấy là tâm tư, trăn trở của những người làm về công nghệ thông tin và truyển thông (ICT).
Thế nhưng thật bất ngờ là chính trong đại dịch Covid-19, chuyển đổi số, kinh tế số đã nhanh chóng trở nên gần gũi hơn, dễ hiểu hơn, nhiều người biết đến hơn. Rất nhiều thứ người dân có thể nhìn thấy được, cảm nhận được và vai trò của kinh tế số trong nền kinh tế quốc gia đã từng bước được định hình và đang dần trở nên rõ nét hơn rất nhiều. Rõ ràng nhất là hội nghị, hội thảo, họp hành, học tập... đã được online. Công nghệ Video Conference đã có từ lâu, rất nhiều cơ quan chính phủ, doanh nghiệp đã trang bị hệ thống Video Conference, thế nhưng phần lớn các cuộc họp trước đây vẫn offline là chính vì thường vẫn theo thói quen phải gặp nhau trực tiếp, phải trao đổi trực tiếp thì mới có kết luận, sau đó triển khai công việc mới chạy. Đây không phải chỉ ở Việt Nam, các nước khác cũng vậy, kể cả các nước phương Tây và các tổ chức quốc tế.
Thế nhưng khi đại dịch Covid-19 xảy ra, việc cách ly phong tỏa cả khu phố, cả thành phố, thậm chí cả quốc gia xuất hiện. Các đường bay nội địa bị hạn chế. Các đường bay quốc tế bị gián đoạn thường xuyên. Từ việc gặp nhau dễ dàng, giờ không thể gặp được, trong khi nhu cầu hội nghị, họp hành, bàn bạc, trao đổi, ra quyết định lại tăng lên, rất nhiều quyết định cần phải đưa ra nhanh chóng, kịp thời. Thế là họp Chính phủ thường kỳ được tổ chức theo hình thức online. Việc nắm tình hình dịch bệnh ở từng tỉnh, từng địa phương, việc thảo luận rồi ra quyết định, quyết sách chống dịch đều thông qua những cuộc họp online ấy. Các cuộc họp online của Chính phủ, của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, của Bộ Y tế, của các địa phương,… thường xuyên được tổ chức. Không chỉ họp Chính phủ, kể cả họp ASEAN, ASEAN mở rộng (hội nghị bộ trưởng, hội nghị cấp nguyên thủ quốc gia), họp hiệp hội các nước châu Á - Thái Bình Dương APEC, họp Hội đồng Bảo an Liên hiệp Quốc cũng đều được tiến hành theo hình thức online. Thế là lần đầu tiên người dân các nước trên thế giới chứng kiến các lãnh đạo quốc gia chẳng cần bay các chuyên cơ với cả đoàn tùy tùng đông đảo vẫn họp hành được, vẫn phát biểu, vẫn thảo luận, vẫn ra quyết định được.
Như vậy rõ ràng là chuyển đổi số, công nghệ số đã trực tiếp tham gia và thực sự đã giúp Chính phủ và chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo, điều hành, công tác phòng chống dịch ở cấp độ quốc gia, cũng như ở các tỉnh thành phố và trong mỗi tổ chức, đơn vị.
Việc đào tạo ở cấp phổ thông, đại học cũng thế. Mặc dù các bậc phụ huynh đôi khi chưa thật hài lòng với việc học online của con cái mình thế nhưng thử hỏi nếu chúng ta không tổ chức học online thì 2 năm nay hàng chục triệu học sinh sẽ nghỉ học, ở lại lớp chờ đến khi hết dịch. Đào tạo sau đại học, đào tạo kỹ năng mềm, đào tạo về công nghệ, kinh doanh, bán hàng, lãnh đạo, quản lý, khởi nghiệp, tài chính, chứng khoán, thậm chí cả ôn thi đại học, đều đã chuyển sang đào tạo online, có những lớp hàng trăm, hàng ngàn học viên tham dự.
Có thể kể tiếp các hoạt động sản xuất, kinh doanh online như trình bày giải pháp, đề xuất kỹ thuật online, trình bày và bảo vệ thiết kế công trình, phương án thi công công trình online, lễ khởi động dự án, lễ nghiệm thu hợp đồng online… Đó toàn là những sự kiện trước đây phải làm ở một phòng họp lớn, không gian lớn, tụ họp đông người, tốn kém cả tiền bạc, thời gian và nhân lực.
Tất cả những công việc trên, trong đại dịch Covid-19 này đã có những bước tiến rất dài. Nếu không có đại dịch Covid-19, không thể có bước tiến nhanh như vậy. Chính đại dịch Covid-19 này đã cho thấy lợi thế và tầm quan trọng của công nghệ số, chuyển đổi số và kinh tế số. Với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số chắc chắn sẽ là một trong những ngành kinh tế quan trọng của quốc gia.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành xây dựng Chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử và kinh tế số.
Chúng ta đang đứng trước những thách thức, cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần 4.0. Vấn đề cốt lõi của nó chính là chuyển đổi số. Cuộc cách mạng này là cơ hội để Việt Nam có thể phát triển bứt phá vượt lên và thực hiện chuyển đổi số - vấn đề sống hay chết, không có sự lựa chọn nào khác. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong bài phát biểu online tại Hội nghị thượng đỉnh thương mại dịch vụ toàn cầu năm 2021 ngày 2/9/2021 đã nhấn mạnh: “Là nền kinh tế phát triển năng động trong ASEAN, có thị trường nội địa gần 100 triệu dân, trong đó dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao, có tinh thần đổi mới sáng tạo, có khả năng thích ứng nhanh với công nghệ số, tiềm năng phát triển kinh tế số của Việt Nam là hết sức to lớn. Hiện Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng Internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ số cao nhất thế giới”.
Ban Biên tập