Tham dự Tọa đàm có GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học; PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người; TS. Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Viện trưởng Viện Dân tộc học; PGS.TS. Phạm Văn Dương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa; PGS.TS. Phạm Minh Phúc, Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm; TS. Phạm Quang Linh, Bí thư Đoàn Viện Hàn lâm; Đồng chí Nguyễn Thị Minh Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Khối các cơ quan Trung ương cùng sự góp mặt đông đủ Ban chấp hành các cơ sở đoàn trực thuộc Viện Hàn lâm, các đoàn viên thanh niên tham gia theo hình thức trực tuyến.
Phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm, thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, GS.TS. Đặng Nguyên Anh đánh giá cao chủ đề của tọa đàm và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi trong hội thảo cũng như luận văn, luận án. Theo đó, phản biện và tư duy phản biện là yêu cầu bắt buộc trong nghiên cứu khoa học, bản chất nghiên cứu khoa học là đổi mới, sáng tạo, do đó cần phải có tranh luận và có nhiều hình thức phản biện (tổng quan tài liệu, nhận xét, bình luận các bài tạp chí…) dựa trên tinh thần xây dựng, khách quan. GS Phó Chủ tịch cũng nhấn mạnh, tọa đàm tập trung vào câu hỏi về vai trò của người hỏi, người trả lời và chủ tọa và những câu hỏi thực sự bổ ích cho kĩ năng hỏi đáp và trả lời phản biện đối với cán bộ trẻ làm công tác nghiên cứu.
|
Phát biểu tại Tọa đàm, Bí thư Đoàn Viện Hàn lâm – TS. Phạm Quang Linh trân trọng cảm ơn và tiếp thu những ý kiến chỉ đạo sâu sát của Phó Chủ tịch. Bên cạnh đó, ngoài mục tiêu tọa đàm, TS. Phạm Quang Linh nhấn mạnh đến việc đổi mới công tác tổ chức tọa đàm liên chi đoàn năm nay nhằm giúp cho Ban chấp hành các đơn vị chủ động xây dựng chương trình, nâng cao kĩ năng làm việc nhóm, thống nhất chủ đề, qua đó các đơn vị sẽ xây dựng các mối quan hệ xã hội, phục vụ hiệu quả trong công tác nghiên cứu khoa học. Điều này thể hiện tính xung kích của thanh niên Viện Hàn lâm cũng như nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các tọa đàm, hội thảo, cải cách hành chính trong điều kiện hiện nay.
|
Đại diện cho 04 Liên Chi đoàn, ThS. Nguyễn Thị Tám, Bí thư Chi đoàn Viện Dân tộc học đã giới thiệu tổng quan nội dung Tọa đàm. Đặt câu hỏi và trả lời phản biện không phải là vấn đề mới mẻ vì đây là hoạt động quen thuộc và được nhà nghiên cứu thực hành thường xuyên. Tuy nhiên, áp dụng các kỹ năng này sao cho hiệu quả lại không phải chuyện đơn giản, đặc biệt trong môi trường quốc tế nơi các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học trẻ dễ lúng túng trước các khả năng hết sức đa dạng của nhận thức và quan điểm. Lưu ý này là quan trọng trong bối cảnh nền khoa học nước ta ngày càng hội nhập với quốc tế.
|
Tọa đàm được lắng nghe phần trình bày của 02 diễn giả: TS. Lâm Minh Châu, ngành Nhân học Xã hội tại Đại học Cambridge, nước Anh – Giảng viên Khoa Nhân học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và TS. Nguyễn Công Thảo, ngành Nhân học, Đại học Tổng hợp Hawaii, Hoa Kỳ, hiện đang công tác tại Viện Dân tộc. Bài thuyết trình đã tập trung cung cấp các kĩ năng đặt câu hỏi & trả lời phản biện trong nghiên cứu khoa học xã hội (Đặt câu hỏi trong hoàn cảnh nào; loại câu hỏi; mục đích; cách đặt câu hỏi; trả lời phản biện); một số trao đổi về cách đặt câu hỏi phỏng vấn trong nghiên cứu định tính (phỏng vấn cấu trúc, phỏng vấn bán cấu trúc, phỏng vấn mở và cách đặt câu hỏi hiệu quả). Theo đó “một nền khoa học, nhất là khoa học xã hội phát triển, lành mạnh thường luôn ăm ắp những phát hiện, kiến giải mới. Chúng có thể đúng, có thể sai, có thể tuyệt đối, có thể tương đối, có thể nhận được sự đồng thuận cao, khen ngợi hoặc ý kiến trái chiều phản biện hay phản bác lại. Sự khác biệt, tranh luận thậm chí là phủ nhận trên tinh thần thượng tôn khoa học ấy là minh chứng cho sức sống, sự vận động, phát triển cũng như nỗi nhọc nhằn cũng những người LÀM khoa học chân chính.”
|
Tọa đàm là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích đã tập huấn, bồi dưỡng cho thanh niên Viện Hàn lâm về hai kỹ năng quan trọng: đặt câu hỏi và trả lời phản biện qua phần trình bày của hai diễn giả và thảo luận. Qua đó, các cán bộ trẻ đã lĩnh hội thêm nhiều kiến thức quí báu phục vụ trong công tác nghiên cứu cũng như rút ra bài học kinh nghiệm, khắc phục khó khăn, vướng mắc trong trình bày khoa học tại các diễn đàn trong và ngoài nước.
Nguyễn Thu Trang