Một số vấn đề về phát triển kinh tế Việt Nam sau tác động của đại dịch Covid-19

17:00 13/08/2023
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Được sự đồng ý của Đảng ủy, Chi ủy và Ban Lãnh đạo 05 đơn vị (Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam và Học viện Khoa học xã hội) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm), sáng ngày 14/8/2023, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Ban chấp hành Liên Chi đoàn của 05 đơn vị đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học Liên Chi đoàn năm 2023 với chủ đề “Một số vấn đề về phát triển kinh tế Việt Nam sau tác động của đại dịch Covid-19”.
TS. Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư Đoàn Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía Lãnh đạo 05 đơn vị có PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội; TS. Nguyễn Huy Bỉnh, Phó Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam; TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; ThS. Ngô Thị Mai Diên, Chủ tịch Công đoàn Viện Thông tin KHXH. Về phía đại diện Ban chấp hành Đoàn Viện Hàn lâm có TS. Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư Đoàn Viện Hàn lâm; TS. Trần Đình Hưng và TS. Đoàn Thị Thu Hương, Phó Bí thư Đoàn Viện Hàn lâm và đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, chuyên trách Văn phòng Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm cùng toàn thể đoàn viên, thanh niên của 05 Chi đoàn.

Thay mặt Ban chấp hành Đoàn Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư Đoàn Viện Hàn lâm nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự; trân trọng cảm ơn sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các đoàn viên đến từ các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm. Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh cho biết, đại dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế Việt Nam đã chịu những tác động nặng nề chưa từng có với sự sụt sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, một lượng lớn nhân lực  mất việc làm. Từ khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát đến nay, đặc biệt là khi các quốc gia mở cửa, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ với nhiều hướng đi mới, nhưng vẫn còn đứng trước một số khó khăn, thách thức. Nhằm phát triển kinh tế trong thời gian tới, một số đề xuất được đưa ra liên quan đến: phát triển các hướng đi mới cho ngành kinh tế. Đảng và nhà nước ta đã thực nhiều chính sách hỗ trợ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó Chính phủ đang dần tăng cường đầu tư công, các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn phục hồi nền kinh tế. Việt Nam đang thực hiện các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, tạo việc làm cho công nhân, phục hồi xuất khẩu, giảm tỷ lệ các doanh nghiệp phá sản.

Toàn cảnh Hội thảo

Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh đến mục tiêu của Hội thảo hướng đến nhằm tìm hiểu, đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến đời sống kinh tế- xã hội ở Việt Nam; đánh giá về chiến dịch bao phủ vắc- xin cho toàn dân và hiệu quả tích cực cho phục hồi kinh tế Việt Nam; phân tích, đánh giá cơ hội và khả năng phục hồi nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19; phân tích, đánh giá các chính sách và thực tiễn phục hồi và phát triển kinh tế sau tác động của đại dịch Covid-19; đề xuất các khuyến nghị nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế ở Việt Nam sau đại dịch Covid-19. 

Hội thảo nhận được 05 báo cáo được chia làm 02 phiên thảo luận. Các báo cáo đã thể hiện bức tranh tổng quan về tình hình kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19; trên cơ sở phân tích kinh nghiệm phục hồi kinh tế của một số nước (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản…) để từ đó đề xuất hàm ý chính sách kinh tế- xã hội phù hợp với bối cảnh thực tiễn của Việt Nam.

 Phiên 1: Thực trạng và cơ hội phục hồi, phát triển nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19, các diễn giả (CN. Bùi Nhật Huy; ThS. Nguyễn Thị Tuyết Mai, ThS. Trần Lan Hương) đã trình bày các vấn đề như Chuyển đổi số - Động lực phục hồi và tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới; phân tích tác động của đại dịch Covid-19 đến sinh kế của người dân ngoại thành Hà Nội: Nghiên cứu trường hợp tại xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh cùng đại diện 05 Liên Chi đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Phiên 2: Cơ chế, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19: Thực tiễn áp dụng và một số khuyến nghị. Các diễn giả (ThS. Nguyễn Bích Hạnh, ThS. Nguyễn Thị Huệ; TS. Nguyễn Thị Hạ, ThS. Nguyễn Trần Minh Trí và CN. Lương Tấn Phúc) đã trình bày sự phục hồi ngành du lịch của Việt Nam sau đại dịch Covid-19; Chính sách hồi phục phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 của Trung Quốc và một số tác động đến Việt Nam; Kinh nghiệm phục hồi kinh tế của Nhật Bản và Hàn Quốc sau khủng hoảng Covid-19. Theo đó, các diễn giả đã đưa ra một số hàm ý cho Việt Nam như: đẩy mạnh các gói kích cầu tiêu dùng; hỗ trợ tài chính từ phía Chính phủ (hoãn thuế, phí và miễn đóng bảo hiểm xã hội nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp); tăng cường đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số và các dịch vụ công nghệ thông tin để đẩy mạnh phát triển kinh tế số; giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà liên quan đến việc cấp giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp FDI.

Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích, tạo cơ hội cho các đoàn viên, thanh niên trong và ngoài Liên Chi đoàn có cơ hội được trình bày, trao đổi về những vấn đề nghiên cứu; cung cấp thông tin, chia sẻ tri thức, trao đổi học thuật, nâng cao năng lực nghiên cứu liên ngành, đa ngành và xuyên ngành khoa học xã hội.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Ban Tổ chức hội thảo trân trọng cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện của Lãnh đạo 05 Chi đoàn và vinh dự nhận được sự ủng hộ thông qua các bài viết khoa học có chất lượng của các Chi đoàn trực thuộc Viện Hàn lâm nhằm xây dựng thêm nhiều góc nhìn đa dạng, hoàn thiện cũng như làm sáng rõ chủ đề nghiên cứu của Hội thảo. Qua đó góp phần gợi mở nhiều hướng nghiên cứu mới liên quan kinh tế- xã hội của Việt Nam hậu Covid-19 trong thời gian tới.

Nguyễn Thu Trang

 

In trang Chia sẻ

Tin khác