Đề tài tập trung nghiên cứu nhằm nhận diện thực trạng quan hệ dân tộc xuyên quốc gia của một số tộc người vùng miền núi phía Bắc; Xem xét tác động tích cực và tiêu cực của quan hệ dân tộc xuyên quốc gia đến phát triển của các tộc người Nùng, Thái, Hmông, Hà Nhì và đến sự ổn định xã hội, an ninh quốc phòng ở vùng miền núi phía Bắc. Qua đó, Đề tài dự báo xu hướng phát triển quan hệ dân tộc của một số tộc người vùng miền núi phía Bắc, đề xuất những khuyến nghị, giải pháp cho chính sách phát triển và quản lý có hiệu quả các mối quan hệ dân tộc xuyên quốc gia ở nơi đây.
Nội dung nghiên cứu được trình bày trong 4 chương. Chương 1: Khái quát về các tộc người vùng miền núi phía Bắc. Các tác giả khái quát về điều kiện tài nguyên môi trường, đặc điểm dân cư, dân tộc, nhất là tầm quan trọng đặc biệt về an ninh quốc phòng của vùng miền núi phía Bắc trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo chủ quyền quốc gia.
Chương 2: Thực trạng quan hệ dân tộc xuyên quốc gia của các tộc người Nùng, Thái, Hmông và Hà Nhì – tập trung phân tích các mối quan hệ dân tộc xuyên quốc gia trong một số lĩnh vực (hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa...) và những diễn biến mới ngày càng phức tạp đối với quan hệ dân tộc xuyên quốc gia liên quan đến chính trị - xã hội và an ninh quốc phòng ở vùng miền núi phía Bắc.
Chương 3: Các yếu tố tác động đến quan hệ dân tộc xuyên quốc gia của các tộc người Nùng, Thái, Hmông, Hà Nhì – phân tích và đánh giá các yếu tố tác động như chính sách dân tộc của Đảng, chính sách của nước láng giềng, lịch sử và văn hóa tộc người, tôn giáo, toàn cầu hóa... đến quan hệ dân tộc ở các tộc người nói trên.
Chương 4: Tác động của quan hệ dân tộc xuyên quốc gia đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng các tộc người Nùng, Thái, Hmông, Hà Nhì – Đề tài đi sâu phân tích những tác động tích cực/ tiêu cực của quan hệ dân tộc xuyên quốc gia đến phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng; nêu lên 6 vấn đề đang đặt ra, các xu hướng quan hệ dân tộc trong nội vùng miền núi phía Bắc và xuyên quốc gia của các tộc người Nùng, Thái, Hmông, Hà Nhì.
Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc, phát hiện những vấn đề mới mang tính cấp thiết góp phần xây dựng luận cứ khoa học cho việc đổi mới chính sách phát triển trên cơ sở quản lý có hiệu quả các mối quan hệ dân tộc xuyên quốc gia ở vùng miền núi phía Bắc đa dân tộc.
Nguyễn Thu Trang