Dự án được thực hiện với năm mục tiêu cơ bản:
(1) Duy trì công tác bảo vệ, bảo quản di vật đang lưu giữ tại các kho trong khu Thành cổ Hà Nội;
(2) Tổ chức thực hiện công tác phân loại chi tiết và hệ thống hóa tư liệu, xây dựng hồ sơ khoa học các loại hình di vật mẫu từ hệ thống bản vẽ (giai đoạn 2);
(3) Tổ chức nghiên cứu so sánh bên ngoài khu di tích Hoàng thành Thăng Long thông qua các chương trình điều tra, khai quật, nghiên cứu khảo cổ học nhằm thu thập cơ sở dữ liệu, hệ thống hóa tư liệu phục vụ hiệu quả, thiết thực cho công tác nghiên cứu, phân tích so sánh, đánh giá giá trị về đặc trưng, niên đại, nguồn gốc, tính chất, chức năng... của di tích, di vật của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long trong những năm tới;
(3) Tổ chức nghiên cứu, chỉnh lý theo phương pháp và quy trình phân loại các loại hình di vật khai quật được tại khu di tích: đồ gốm sứ, đồ sành và vật liệu kiến trúc của khu ABCD nhằm phân định loại hình học, xác định nguồn gốc, niên đại và lựa chọn di vật mẫu; hệ thống hóa tư liệu loại hình học, lập bảng thống kê số lượng hiện vật, làm hồ sơ tư liệu về di vật mẫu (ghi chép, đo vẽ, chụp ảnh, lập phiếu di vật các loại hình di vật mẫu)... để phục vụ cho công tác lập hồ sơ khoa học về di vật;
(4) Tổ chức nghiên cứu so sánh, tiến tới hoàn thiện công tác đánh giá và lập hồ sơ khoa học về các loại hình di tích kiến trúc của khu di tích tại khu ABCD theo kế hoạch. Trong đó, năm 2015 sẽ tập trung đầu tư cho công tác nghiên cứu hệ thống hóa các cơ sở dữ liệu về các loại hình di tích kiến trúc của các thời kỳ dựa trên kết quả nghiên cứu về phân kỳ giai đoạn lịch sử và đặc trưng kỹ thuật xây dựng đã thực hiên từ các năm 2011 - 2014;
(5) Biên soạn và xuất bản Thông báo khoa học công bố về kết quả khai quật, nghiên cứu so sánh thực hiện trong năm 2014.
Kết quả Dự án đã hoàn thành việc phân loại chi tiết di vật đồ gốm sứ thời Lê Trung hưng với số lượng lớn 456 két/682 két, với số lượng thống kê được 109.408 mảnh gốm. Đồng thời, qua nghiên cứu so sánh về đặc trưng chất liệu và kỹ thuật học sản xuất, Dự án đã phân định được chi tiết không chỉ về loại, kiểu loại mà đã xác định được các loại hình sản phẩm (loại và kiểu loại) của từng lò sản xuất như Phù Lãng (Bắc Ninh), Cậy, Hợp Lễ, Láo (Bình Giang, Hải Dương), Xích Đằng (Hưng Yên) và Bát Tràng (Hà Nội).
Kết quả nghiên cứu ban đầu đã cung cấp một cái nhìn tổng thể về các di tích thời Trần phát hiện tại Yên Bái. Đây là cơ sở quan trọng cho việc định hướng về việc đầu tư xây dựng bản đồ tổng thể về các di tích khảo cổ học thời Trần tại Yên Bái, cũng như công tác nghiên cứu khảo cổ học, lịch sử ở Yên Bái, góp phần thiết thực và hiệu quả cho công tác nghiên cứu, đánh giá về vai trò Phật giáo của thời Trần ở vùng Tây Bắc cũng như chính sách nhu viễn, bảo vệ biên cương, chủ quyền đất nước của các vua nhà Trần đối với vùng Tây Bắc trong lịch sử chống xâm lược phương Bắc. Kết quả điều tra năm 2015 cho thấy, di tích Pù Lườn Xe là di tích kiến trúc Phật giáo rất quan trọng, có ý nghĩa lớn trong việc nghiên cứu các vấn đề nêu trên, do đó di tích này cần sớm được đầu tư khai quật, nghiên cứu khảo cổ học.
Phân loại chỉnh lý, nghiên cứu đánh giá giá trị và lập hồ sơ tư liệu, hồ sơ khoa học về di tích, di vật của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là công việc thường niên của Dự án, được thực hiện theo kế hoạch và lộ trình hằng năm. Đây là công việc sau khai quật, được tổ chức thực hiện khá âm thầm nặng lẽ, đòi hỏi sự chuyên cần, chuyên nghiệp, tỉ mỉ, bài bản và quy chuẩn trên mọi phương diện.
Những thành tựu đạt được của công tác nghiên cứu so sánh cho thấy rõ, việc tổ chức thực hiện điều tra, khai quật, nghiên cứu khảo cổ học có ý nghĩa rất quan trọng, mang lại tính hiệu quả, thiết thực cho công tác nghiên cứu so sánh, đánh giá giá trị về di tích, di vật của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Kết quả đạt được của các cuộc khai quật năm 2014-2015 không những đã khẳng định rõ tính đúng đắn và tính hiệu quả của việc đầu tư triển khai thực hiện công tác nghiên cứu so sánh của Dự án mà còn đã và đang góp phần thúc đẩy chất lượng nghiên cứu của Dự án, nâng cao hiệu quả của quá trình tổ chức thực hiện nội dung khoa học của Dự án cũng như phục vụ hiệu quả mục tiêu đào tạo kĩ năng, phương pháp nghiên cứu về khảo cổ học đô thị ở Việt Nam và chiến lược phát triển của Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành trong tương lai.
Việc đầu tư nghiên cứu phương pháp và ứng dụng linh hoạt, sáng tạo các thành tựu khoa học kỹ thuật trong công tác điều tra, khai quật, nghiên cứu khảo cổ học hiện đang mở ra nhiều triển vọng mới, không những góp phần hiệu quả, chất lượng cho công tác thu thập tư liệu, nghiên cứu đánh giá tổng quan về các khu di tích mà còn góp phần thiết thực cho công tác tuyên truyên, quảng bá đến công chúng địa phương về thành quả nghiên cứu khoa học. Thực tiễn hoạt động khai quật và tuyên truyền giá trị của các cuộc khai quật tại các địa phương trong 2 năm qua cho thấy, di tích khảo cổ học không phải là "mảnh đất riêng" của các nhà khảo cổ học mà công việc đó phải nhằm mục tiêu hướng tới là đem giá trị khoa học ấy phục vụ đến công chúng bằng việc tuyên truyền quảng bá giá trị di sản, từ đó nâng cao ý thức cho cộng đồng, xã hội trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Dự án được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao, có nhiều đóng góp mới về khoa học và thực tiễn trong nghiên cứu khảo cổ học, nhất là khảo cổ học đô thị, góp phần đánh giá giá trị cũng như bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di vật ở Khu di tích Hoàng thành Thăng Long cũng như đã xây dựng được hệ thống tư liệu về các loại hình di vật mẫu, đặc biệt là đồ gốm cổ Việt Nam qua các thời kì. Việc nghiên cứu các di tích di vật ngoài phạm vi Thăng Long là cơ sở khoa học so sánh rất có giá trị./.
Nguyễn Thu Hà