5 vấn đề còn tồn tại trong hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam

17:00 08/11/2022
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS& MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 – 2025 được Chính phủ vừa phê duyệt là sự cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về công tác dân tộc; vừa là giải pháp để phát triển KT-XH, vừa là tích hợp các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, đáp ứng mong đợi của ĐBDTTS&MN. Góp phần vào thành công chung trong lĩnh vực này, bên cạnh hoạt động của Chính phủ thì sự tham gia của tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy sự phát triển của ĐBDTTS&MN.

Tại báo cáo hoạt động của Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”, TS. Trần Minh Hằng, Viện Dân tộc học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Ngoài các tác động tích cực đến sự phát triển nguồn nhân lực, sự thay đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao quyền của nhóm yếu thế, đến việc giữ gìn văn hóa tộc người và tác động tốt đến việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi thì hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam vẫn tồn tại một số tác động tiêu cực ở một số chiều cạnh như:

Một là: sự hỗ trợ chưa đồng đều ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bởi lẽ đây là khu vực có đa dạng địa hình, tộc người, trình độ phát triển và nhất là còn gắn với quốc phòng, an ninh. Bởi vậy, việc đầu tư của các chương trình, dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài ở mỗi tỉnh hoặc khu vực còn có sự khác biệt. Đơn cử là vùng biên giới, vùng cao, vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng thường có rất ít hoặc không có các chương trình, dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, hay như vùng đồng bào các dân tộc La Hủ - một tộc người có tỷ lệ nghèo đói cao nhất trong số các dân tộc thiểu số tại Việt Nam, sống tại vùng cao của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, khu vực giáp biên giới Việt - Trung, do sự phức tạp về địa hình cũng như sự nhạy cảm về quốc phòng, an ninh nên hầu như dân tộc La Hủ không nhận được sự đầu tư của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Hai là, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang góp phần tạo nên một số “ảo vọng” về mô hình. Giải thích điều này, TS. Trần Minh Hằng cho rằng trong quá trình triển khai chương trình, dự án, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã lấy kinh nghiệm quốc tế để xây dựng mô hình triển khai tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam, mô hình phổ biến được áp dụng là mô hình tín dụng nhỏ bằng vay tín chấp, mô hình phát triển cây con bản địa, mô hình quản lý cộng đồng. Sau đó họ nhân rộng mô hình này ở các khu vực, tộc người khác. Tuy nhiên, trong thực tế đã cho thấy không phải  mô hình nào cũng thành công, tại Tây Nguyên, nhiều thất bại đã xảy ra, hoặc xảy ra tình trạng khi chương trình, dự án kết thúc, việc quản lý của cộng đồng cũng không còn hiệu quả hoặc thất bại trong quá trình quản lý vận hành, hoặc như vấn đề trồng rừng, phát triển cây con bản địa cũng vậy, thay vì trồng cây gây rừng thì sau khi hết thời hạn của các chương trình, dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thì tình trạng phá rừng lại đang gia tăng. Điều đó cho thấy không phải chương trình, dự án nào cũng đạt kết quả tốt, nhất là khi kết thúc hỗ trợ, chương trình, dự án buộc phải bàn giao cho cộng đồng quản lý đã gặp phải nhiều vấn đề cần giải quyết. Do vậy, để tránh những rủi ro không đáng có rất cần phải tính toán đến vấn đề quản lý của cộng đồng và phải thận trọng khi triển khai các mô hình tại vùng ĐBDTTS&MN.

Dự án hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế tư nhân thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030

Ba là, góp phần tạo nên tâm lý suy bì với các chương trình, dự án của Chính phủ trong nước, chẳng hạn, với các chương trình, dự án của tổ chức phi chính phủ nước ngoài, đi họp thường nhận được kinh phí vì nhà tổ chức cho rằng, người dân đi họp phải nghỉ lao động, ảnh hưởng đến thu nhập của họ, nên đi họp phải có kinh phí để bù đắp, còn các chương trình, dự án của Chính phủ trong nước, đi họp là trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân, nên không có kinh phí hoặc kinh phí ít. Vì vậy, người dân có phản ứng tiêu cực với các dự án của chính phủ khiến cho cán bộ dự án luôn gặp phải khó khăn trong công tác điều hành.

Bốn là, mặc dù hầu hết hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đều mang lại nhiều tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Song, một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã triển khai các chương trình, dự án mang tính nhạy cảm, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, lôi kéo phát triển đạo trái pháp luật. Các tổ chức này, trong quá trình hoạt động đã lồng ghép lợi ích của tổ chức họ, lợi dụng các hoạt động nhân đạo để lôi kéo đồng bào, móc nối với những đối tượng phản động khiến cho hoạt động của các tổ chức đó không còn thuần mang tính thiện chí, nhân đạo, nhân văn. Thậm chí, một số tổ chức khi thực hiện tài trợ đã đưa ra những yêu sách không phù hợp với mục tiêu mà họ theo đuổi, hoặc chưa sát với đối tượng của hoạt động cứu trợ hay nhân đạo. Do đó, kết quả đạt được cũng không đúng như mong muốn ban đầu.

Năm là, một số dự án của tổ chức phi chính phủ nước ngoài chưa thực sự hiệu quả, nội dung nặng về tập huấn, hội thảo, tiến độ giải ngân chậm, quy trình viện trợ phức tạp, mức đầu tư thấp, nhỏ giọt gây bức xúc cho đối tác tiếp nhận viện trợ và đối tượng hưởng lợi từ dự án. Nhiều dự án có thời gian triển khai kéo dài, địa bàn rộng nên chưa mang lại hiệu quả cao với nhiều công đoạn phức tạp đã thực sự trở thành những cản trở làm lệch mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, quy chế hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài còn chưa chặt chẽ, các tổ chức này vẫn bị lệ thuộc vào bên trợ cấp kinh phí nên có không ít trường hợp bị chi phối bởi nhà tài trợ.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kĩ thuật vào cuộc để nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tại Hội nghị Ủy ban Công tác về các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài vừa được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, nhiều đại biểu cũng khẳng định: cần tiếp tục đổi mới công tác quản lý, kiểm tra, giám sát theo quy định các hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Một mặt, cắt giảm thủ tục hành chính, mặt khác, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm khoa học, chặt chẽ hơn; đừng để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, nhất là ở những địa bàn nhạy cảm.

Bên canh đó, tiếp tục có thêm các biện pháp tăng cường công tác vận động hợp tác với các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước; chủ động đề xuất đổi mới phương pháp và hình thức hợp tác với các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về hợp tác với các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài trong giai đoạn tới.

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, hiện nay, Việt Nam có quan hệ với trên 1.000 tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, trong đó, khoảng 500 tổ chức hoạt động thường xuyên tại Việt Nam; hàng năm hỗ trợ khoảng 3.000 chương trình, dự án và khoản viện trợ với giá trị viện trợ giải ngân trong hơn 20 năm qua đạt trên 4,3 tỷ USD không hoàn lại.

Hoạt động của các tổ chức được triển khai trên nhiều lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu hợp tác như y tế, giáo dục, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường,... đã giúp giải quyết được một số vấn đề bức thiết của người dân ở vùng khó khăn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và người dân vùng hưởng lợi dự án, hỗ trợ các mô hình, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến, thúc đẩy hiểu biết và quan hệ giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế. Việc nắm được những vấn đề còn tồn tại trong hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài sẽ giúp Việt Nam có thêm những giải pháp và định hướng hoạt động tốt hơn trong việc phối hợp với các tổ chức này nhằm hoàn thành tốt Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030./.

Phạm Vĩnh Hà

In trang Chia sẻ

Tin khác