Dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, năm 2022”, nghiệm thu đạt loại xuất sắc

17:00 16/12/2022
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 16/12/2022, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, năm 2022” do PGS.TS. Bùi Minh Trí làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Kinh Thành là cơ quan chủ trì, đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc.

PGS.TS. Bùi Minh Trí báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng nghiệm thu

Dự án Chỉnh lý, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long là Dự quan trọng được Thủ tướng Chính phủ giao cho Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam thực hiện theo kế hoạch lộ trình đến năm 2025, trong đó, giai đoạn 3 (2021-2025) là giai đoạn cuối của Dự án. Theo đó, năm 2022 là năm thứ hai của Dự án giai đoạn 3 theo nội dung của Dự án 5 năm đã được phê duyệt. Năm 2022, Viện Nghiên cứu Kinh thành tập trung tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm: Dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long, năm 2022” theo kế hoạch đã được phê duyệt; đồng thời tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án “Nghiên cứu Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ).

Cụ thể, Dự án đã tiến hành: (1). Tổ chức bảo vệ, bảo quản di vật tại các kho trong Thành cổ Hà Nội; (2). Tổ chức thực hiện công tác chỉnh lý, nghiên cứu di vật của khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại khu Thành cổ Hà Nội, bao gồm: (a) Phân loại, chỉnh lý di vật vật liệu kiến trúc; (b) Phân loại, chỉnh lý đồ gốm sứ; (c) Phân loại, chỉnh lý đồ sành; (d) Phân loại, chỉnh lý đồ kim loại, đồ gỗ, xương động vật, thủy tinh; (3). Tổ chức lập hồ sơ tư liệu, hệ thống hóa tư liệu di vật khu di tích Hoàng thành Thăng Long và làm hồ sơ tư liệu; (4). Nghiên cứu so sánh, thu thập tư liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long; (4) Tổ chức biên soạn, xuất bản thông báo khoa học Kinh thành cổ Việt Nam công bố kết quả nghiên cứu khoa học của Dự án năm 2020; và (5). Tổ chức thực hiện các chuyên đề; (6). Tổ chức biên soạn, xuất bản thông báo khoa học Kinh thành cổ Việt Nam công bố kết quả nghiên cứu khoa học của Dự án năm 2022; (7). Tổ chức bàn giao di vật đã phân loại.

Trong quá trình nghiên cứu, phân loại, chỉnh lý các loại hình di vật, Dự án mới chủ yếu tập trung vào các di vật khai quật được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, chưa có điều kiện nghiên cứu so sánh với các di tích bên ngoài hoặc nếu có cũng chưa được tập hợp, hệ thống hóa nhằm phân tích, so sánh với di vật của khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Do đó, các báo cáo kết quả nghiên cứu, chỉnh lý di vật khu di tích Hoàng thành Thăng Long chưa thể đạt chất lượng như mong đợi, đặc biệt nhiều vấn đề quan trọng như nguồn gốc, xuất xứ và niên đại vẫn có thể phải bỏ ngỏ vì chưa có điều kiện nghiên cứu so sánh. Do đó, bên cạnh công tác điều tra, nghiên cứu so sánh thì việc tổ chức thực hiện các chuyên đề nghiên cứu khoa học là cực kỳ cần thiết. Nó không những góp phần nâng cao chất lượng, tính hiệu quả cho công tác nghiên cứu của Dự án, mà còn góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu cho cán bộ của Viện.

Quang cảnh buổi lễ nghiệm thu Dự án

Có thể nói, tổ chức thực hiện của Dự án Chỉnh lý 2022 đã thu được nhiều kết quả khoa học quan trọng, đáp ứng mục tiêu nghiên cứu, chỉnh lý, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học về các loại hình di vật. Kết quả nghiên cứu này đã ngày càng làm sáng rõ hơn những giá trị lịch sử, văn hóa của khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Kết quả nghiên cứu của Dự án cũng đã bước đầu được công bố trên nhiều tạp chí uy tín, góp phần đưa giá trị/thành quả nghiên cứu khoa học của Dự án đến gần hơn với công chúng, góp phần quảng bá giá trị khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Để đảm bảo có thể hoàn thành các nội dung công việc của Dự án theo đúng kế hoạch, đáp ứng yêu cầu về tính hiệu quả, chất lượng của Dự án, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã phải huy động mọi nguồn lực, quyết liệt, đồng bộ tổ chức triển khai thực hiện nhiều nhóm nội dung công việc, tăng cường làm việc ngoài giờ để có thể hoàn thành tốt các nội dung, đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng và tiến độ.

Song hành với quá trình nghiên cứu, phân loại chỉnh lý, Dự án tiếp tục nghiên cứu so sánh, nhận diện rõ hơn đặc trưng và phân tách niên đại giữa đồ gốm thời Lý và đồ gốm thời Trần ở tất cả các dòng gốm và loại hình. Qua quá trình nghiên cứu so sánh, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã phát hiện thêm nhiều vấn đề khoa học mới, làm rõ hơn tính chất, niên đại và chức năng của các loại đồ dùng, vật dụng trong Hoàng cung Thăng Long xưa, đưa lại nhiều nhận thức mới có giá trị cao về Hoàng thành Thăng Long. Kết quả nghiên cứu, chỉnh lý từng loại hình di vật, đặc biệt là từ kết quả nghiên cứu so sánh, Dự án đã có nhiều phát hiện mới có giá trị khoa học trong nghiên cứu giải mã về hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ, về đời sống văn hóa, xã hội trong Hoàng cung Thăng Long xưa.

Dự án được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về mặt lý luận và ý nghĩa thực tiễn, đạt loại xuất sắc. Dự kiến kết quả của đề tài sẽ được in và ra mắt bạn đọc trong thời gian sớm nhất./.

PV.

In trang Chia sẻ

Tin khác