Đề tài cấp Bộ “Thủy nông Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1945” nghiệm thu đạt loại xuất sắc

17:00 30/11/2022
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 30/11/2022, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Thủy nông Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1945” do TS. Bùi Thị Hà làm chủ nhiệm, Viện Sử học là cơ quan chủ trì, đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc.
TS. Bùi Thị Hà, Chủ nhiệm đề tài Quang cảnh buổi lễ bảo vệ đề tài

Trước khi có sự xuất hiện của thực dân Pháp, người Việt Nam đã có hàng ngàn năm làm thủy lợi. Trong những ngày đầu đánh chiếm Nam Kỳ, khi thâm nhập vào các tỉnh miền Tây mênh mang sông nước, việc đào và mở rộng kênh đã giúp thực dân Pháp thực hiện đánh nhanh thắng nhanh, lần lượt chiếm được các vùng đất của Nam Kỳ lục tỉnh. Những công trình thủy nông lúc này mang lại nguồn lợi khổng lồ, đã trở thành một trong những sức hút quan trọng, mục tiêu chính trong phát triển hạ tầng công chính của chính quyền thực dân Pháp ở Nam Kỳ.

Với những mục tiêu rõ ràng, chính quyền thực dân Pháp đã huy động nhân dân Việt Nam tham gia xây dựng hệ thống thủy nông rộng khắp trong các xứ. Bên cạnh đó là bắt đầu xây dựng một số công trình tưới tiêu, nạo vét, khơi sông ở Bắc Kỳ. Quá trình xây dựng và cải tạo hệ thống thủy nông ở Việt Nam thời cận đại đã có những tác động rõ rệt tới đời sống kinh tế, chính trị, xã hội ở Việt Nam giai đoạn này. Những thống kê của chính quyền Pháp qua các thời kỳ cho thấy, việc xây thêm các công trình tưới tiêu mới, bên cạnh việc mở rộng, cải tạo các công trình cũ đã tác động tích cực đến nền sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam lúc bấy giờ, tăng diện tích canh tác, tăng vụ, tăng sản lượng, năng suất lúa, tăng lượng gạo xuất khẩu.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và cải tạo hệ thống thủy nông ở Việt Nam giai đoạn này cũng tồn tại nhiều hạn chế. Vốn đầu tư ít,, nhỏ giọt, thiếu đồng bộ giữa các địa phương. Do đó, hiệu quả của một số công trình còn rất thấp. Phần lớn công việc nạo vét, xây kênh mương đập, dẫn nước và tưới nước đều tiến hành bằng lao động chân tay của người Việt Nam lúc bấy giờ.

Đề tài ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục, nội dung được kết cấu thành 5 chương: Chương 1: Thủy nông Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1897; Chương 2: Thủy nông Việt Nam từ năm 1897 đến năm 1918; Chương 3: Thủy nông Việt Nam từ năm 1919 đến năm 1930; Chương 4: Thủy nông Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945; Chương 5: Nhận xét và kiến nghị.

Trên phương diện chính trị, những công trình thủy nông này góp phần thực thi các chính sách chính trị của chính quyền thuộc địa (như khai thác kinh tế, xuất khẩu nông sản, xâm chiếm và cai trị thuộc địa), nhưng ở góc độ khác, nó không hoàn toàn có chủ đích hướng đến lợi ích của người dân thuộc địa. Người dân nếu có được hưởng lợi từ các công trình này, cũng đều dựa trên công sức của nhiều thế hệ người dân Việt Nam xây đắp lên, và nằm ngoài chủ đích của chính quyền thực dân Pháp. Vì vậy, cùng là một vấn đề nhưng lại có những tác động khác nhau đối với các chủ thể và ở những bối cảnh lịch sử khác nhau.

Trên phương diện kinh tế nông nghiệp, hệ thống thủy nông được xây mới hay các công trình cũ được cải tạo cũng đều đã tham gia tích cực vào công cuộc dẫn thuỷ nhập điền, khiến đất đai ngày càng màu mỡ, ruộng đủ nước tưới theo yêu cầu của các vụ mùa. Công cuộc khai hoang được đẩy mạnh, dẫn đến diện tích đất canh tác không ngừng được mở rộng, tăng vụ canh tác, cải thiện chất lượng đất đai, từ đó làm tăng các giá trị của các ruộng lúa được quy hoạch thủy nông. Sự phát triển của thủy nông mở rộng diện tích canh thác, tăng năng suất, sản lượng dẫn tới tăng khối lượng lúa gạo xuất khẩu, đưa Việt Nam và Đông Dương từng bước trở thành một trong những trung tâm xuất khẩu lúa gạo lớn nhất thế giới.

Trên phương diện giao thông, thương mại, những kênh được đào mới hay cải tạo đã từng bước trở thành những tuyến đường thủy huyết mạch, tham gia vào nhiều hoạt động vận tải trên khắp ba kỳ Việt Nam lúc bấy giờ.

Trên cơ sở các kết quả nghiên, từ những mặt tích cực và hạn chế của hệ thống thủy nông ở Việt Nam trong giai đoạn 1858-1945, đề tài rút  ra một bài học kinh nghiệm cũng là một số kiến nghị góp phần vào việc hoạch định chính sách và phát triển hệ thống thủy nông ở Việt Nam hiện nay như sau: (1) Rất cần có chính sách tổng thể và những biện pháp cụ thể trong việc xây dựng hệ thống thủy nông ở Việt Nam, bởi vì, khi xây dựng, cải tạo hệ thống thủy nông, Pháp chủ trương phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa mà không chú trọng đến phát triển đời sống của người dân thuộc địa. Do vậy, mạng lưới thủy nông phân bố không đồng đều giữa các vùng, miền, một số công trình tiến hành khi chưa tìm hiểu kỹ, gây ra những tác động không tốt tới môi trường và điều kiện tự nhiên xung quanh... ; (2) Đầu tư vào lĩnh vực thủy nông, nhà nhước cần xây dựng một chính sách tài chính phù hợp, phân bổ ngân sách hợp lý giữa các khu vực, vùng, miền, tránh tính trạng đầu tư dàn trải, không có trọng điểm, không kiểm soát được nguồn vốn cũng như hiệu quả đầu tư; (3) Phát triển các loại hình thủy nông ở Việt Nam, các công trình kênh, sông cần được quy hoạch và phát triển đồng bộ với các công trình đê điều, để tạo nên một hệ thống hoàn chỉnh, hỗ trợ và bảo vệ cho nhau cùng phát triển. Các công trình thủy nông cần kết hợp đồng bộ với các công trình trị thủy để đảm bảo phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Ở miền Bắc và miền Trung, các kênh mương đập phải được xây dựng kết hợp cùng với hệ thống đê điều, cống ngăn mặn, hồ điều tiết nước khi có mùa lũ và chỉ đạo phòng chống lụt bão kịp thời, góp phần bảo vệ dân cư, mùa màng, hạn chế được nhiều thiệt hại bởi thiên tai. Ở đồng bằng sông Cửu Long, các hệ thống kênh tưới, tiêu cần được xây dựng song song với việc đắp hệ thống bờ bao ngăn lũ sớm, hạn chế xâm nhập mặn và nhiều công trình thoát lũ, hệ thống đê biển, bảo vệ diện tích gieo trồng lúa hè thu ở vùng lũ và lúa đông xuân ở vùng trũng không bị lũ sớm đe dọa và nước biển xâm nhập...

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về mặt lý luận và thực tiễn. Dự kiến đề tài sẽ được in thành sách và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới./.

P.V.

In trang Chia sẻ

Tin khác