Tham dự hội nghị có GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, đại diện lãnh đạo và các nhà khoa học từ các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm, và đoàn đại biểu của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do TSKH. Phan Xuân Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn.
GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đồng chủ tọa hội nghị. Hội nghị nhằm trao đổi, lắng nghe ý kiến từ các nhà khoa học về những nội dung mới, được sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ, tập trung thảo luận về các vấn đề lớn trong Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) như: tổ chức khoa học và công nghệ, cá nhân hoạt động khoa học và Công nghệ, cơ chế đầu tư và tài chính cho hoạt động khoa học, công nghệ…
Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi gồm có 11 chương, 83 điều. Tại Hội nghị, các đại biểu sôi nổi đóng góp ý kiến vào bố cục, từ ngữ của dự thảo luật; cơ chế đãi ngộ, thu hút nhân lực, nhân tài cho lĩnh vực khoa học và công nghệ; việc xác định tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn; chính sách đầu tư cho tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu khoa học… Nhiều đại biểu cho rằng, một số điều khoản trong Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ còn chung chung, chưa rõ nghĩa, cần bổ sung nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế; một số câu, từ trong Dự thảo Luật còn mang văn phong của khẩu hiệu, tuyên bố; cần làm rõ các khái niệm như: tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học công nghệ; chuyên gia, nhà khoa học; nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, chức danh khoa học. Tại Điều 6 nên bổ sung một số chính sách lớn của Nhà nước để bảo đảm sự phát triển khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu: sự tập trung đầu tư từ Nhà nước; phát triển cân đối, đồng bộ các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; có cơ chế khuyến khích áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Về các loại hình và hệ thống tổ chức khoa học công nghệ (quy định tại Điều 8 của Dự thảo), có nhiều ý kiến cho rằng cần phải làm rõ hơn nữa về các loại hình và tính phân cấp của các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ.
Cùng với góp ý cụ thể vào các Điều trong dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn còn hạn chế; đầu tư cho khoa học và công nghệ còn dàn trải, chưa sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước; chưa thực sự tháo bỏ được sự bó buộc về cơ chế tài chính; chưa thu hút, khuyến khích được nhân tài tham gia nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Phát biểu kết luận hội nghị, TSKH. Phan Xuân Dũng ghi nhận và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổng hợp các ý kiến góp ý bằng văn bản và gửi tới Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nghiên cứu, xem xét, bổ sung vào Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới./.
TS. Nguyễn Bùi Nam