![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/dsc03805.jpg)
Tham dự buổi Thuyết trình, về phía khách quốc tế có: TS. Ralf Brauksiepe, Quốc vụ khanh Bộ Lao động và Xã hội Cộng hòa Liên bang Đức; Ngài Carsten Meyer-Wiefhausen, Đại biện lâm thời Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam; Ông Joerg Wolff, Trưởng Đại diện Viện KAS tại Nhật Bản, Giám đốc Chương trình Châu Á về phát triển kinh tế xã hội (SOPAS); Bà Rabea Brauer, Trưởng đại diện Viện KAS tại Việt Nam. Về phía Việt Nam có sự tham dự của: GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS. TS. Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội; TS. Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan bộ, ngành, cơ quan hoạch định chính sách và nhiều chuyên gia, các nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các viện nghiên cứu và các trường đại học ở Hà Nội.
GS.TS. Võ Khánh Vinh, TS. Ralf Brauksiepe, Ngài Carsten Meyer-Wiefhausen và Ông Joerg Wolff đồng chủ trì buổi Thuyết trình. Ngài Carsten Meyer-Wiefhausen, Đại biện lâm thời Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam và Ông Joerg Wolff, Trưởng Đại diện Viện KAS tại Nhật Bản, Giám đốc Chương trình Châu Á về phát triển kinh tế xã hội (SOPAS) đã phát biểu chào mừng.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/929_dsc03823.jpg)
Phát biểu khai mạc, GS.TS.Võ Khánh Vinh nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác giữa hai nước ViệtNam - Đức nói chung và sự hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với Viện KAS nói riêng. Trong thời gian qua, giữa Viện Hàn lâm và Viện KAS, mà đại diện tổ chức thực hiện là Viện KAS tại Hà Nội, đã triển khai nhiều nội dung hợp tác trên tất cả các phương diện nghiên cứu, tư vấn chính sách, đào tạo và các hoạt động khác. Chủ đề thuyết trình này là một chủ đề mà hiện nay ở Việt Nam được các nhà khoa học, tư vấn chính sách, nhà quản lý và người làm công tác thực tiễn rất quan tâm nghiên cứu về cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực này để xây dựng và phát triển kinh tế Việt Nam ngày càng đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới. Tham luận của Ngài Quốc vụ khanh sẽ đem lại nhiều điều để chia sẻ trên phương diện nghiên cứu, học thuật, tư vấn chính sách và trên các phương diện khác. Hiện nay Việt Nam đang sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đây là cơ hội để Việt Nam tham khảo kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức cho việc xây dựng và sửa đổi bổ sung một số Điều trong Hiến pháp Việt Nam có nhiều nội dung liên quan đến vấn đề này.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/dsc03864.jpg)
Trong bài thuyết trình của mình, TS. Ralf Brauksiepe nhấn mạnh: từ khi thành lập đến nay mô hình kinh tế thị trường xã hội, Đức đã có nhiều bước phát triển và từ đó đến nay nền kinh tế xã hội kết hợp giữa ba yếu tố cấu thành mô hình kinh tế thị trường xã hội của Đức, đó là: i) triệt để áp dụng quy luật của kinh tế thị trường; ii) vai trò của nhà nước Đức trong việc tạo ra thể chế và đảm bảo công bằng xã hội; iii) thương lượng tập thể giữa giới chủ và người làm công ăn lương. Phát huy sức mạnh của các lực lượng kinh tế trên thị trường đó là sự cạnh tranh nhằm phát triển năng suất của các ngành sản xuất và kinh doanh trong nền kinh tế. Đảm bảo một số thiết chế xã hội đoàn kết và vững mạnh để giúp đỡ cho những người yếu thế, tạo điều kiện cho các cá nhân có thể được sống trong sự ổn định. Nếu không thể tạo dựng được một môi trường cạnh tranh bình đẳng, không tạo được một xã hội pháp quyền thì chúng ta không tạo dựng được một môi trường cho nền kinh tế phát triển. Trong lịch sử của Cộng hòa Liên bang Đức đã có 2 lần mô hình kinh tế thị trường xã hội được chú ý đặc biệt trên trường quốc tế, lần thứ nhất là khi bản thân nền kinh tế trải qua những giai đoạn khó khăn sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sau đó nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc, đây là sự kỳ diệu của mô hình kinh tế Đức. Lần thứ hai mà thế giới cũng rất ấn tượng là thời điểm sụp đổ của khối Đông Âu, tại thời điểm đó Cộng hòa Dân chủ Đức không còn nữa và sau đó tàn dư kinh tế để lại là nền kinh tế nghèo khó với sự phát triển èo uột của các doanh nghiệp, lúc này sự vận dụng các qui luật và công cụ của nền kinh tế thị trường đã giúp biến đổi nền kinh tế của Cộng hòa Dân chủ Đức cũ trở thành một phần quan trọng có thể hòa nhập vào nền kinh tế của Châu Âu.
TS. Ralf Brauksiepe đề cao vai trò của mô hình kinh tế thị trường xã hội Đức trong việc khắc phục những khó khăn sau Chiến tranh thế giới thứ hai và khủng hoảng kinh tế năm 2008. Ông chỉ ra ba nhân tố đảm bảo cho sự thành công của kinh tế thị trường xã hội, mặt khác, ông cũng đưa ra những thách thức mà nền kinh tế thị trường Đức đã và đang vấp phải.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/dsc03884.jpg)
Phát biểu bình luận, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Mô hình kinh tế thị trường xã hội Đức có thể là một gợi ý cho sự phát triển kinh tế Việt Nam thời điểm này, vì hiện nay Việt Nam đang chọn cho mình mô hình phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng nội hàm của nó có nhiều yếu tố chưa rõ ràng, nên những gợi ý từ mô hình của Đức đối với Việt Nam tại thời điểm này rất quan trọng, trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành sửa đổi Hiến pháp, định hình một khung khổ phát triển, định dạng chân dung của cấu trúc xã hội, một hệ thống văn minh mà Việt Nam muốn hướng tới. Mô hình kinh tế xã hội của Đức không đơn thuần chỉ là mô hình phát triển kinh tế, mà nó chứa đựng một triết lý phát triển trong đó giá trị của con người được bảo đảm, nhà nước phải làm gì để cho hệ thống xã hội vận hành với mục tiêu phát triển con người được bảo đảm. Đây là điều cốt lõi của mô hình phát triển kinh tế xã hội của Đức và đây cũng là một gợi ý quan trọng cho cách sửa đổi Hiến pháp của Việt Nam hiện nay. Cấu trúc này không đưa ra một mô hình cụ thể nào về chính sách và thể chế nhưng nó bảo đảm cho tính linh hoạt, muốn vậy, triết lý phát triển phải hết sức rõ ràng, không dừng lại ở mô hình phát triển kinh tế mà nó chi phối toàn bộ sự phát triển, từ đó thiết kế ra những chính sách và thể chế cụ thể tùy theo điều kiện xã hội để đảm bảo sự linh hoạt.
Theo PGS.TS. Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, xét về tính vấn đề của mô hình phát triển kinh tế thì Đức theo mô hình phát triển kinh tế xã hội, còn Việt Nam theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tuy nhiên bối cảnh không giống nhau. Nếu xét về tính vấn đề, theo một số tiêu chí xây dựng kinh tế thị trường xã hội của Đức thì Việt Nam và Đức không có gì khác nhau lắm, ví dụ như các yếu tố về nhà nước pháp quyền, tự do sở hữu, tự do thỏa thuận, tự do hoạt động của Đức thì ở Việt Nam đều có; về thực hiện tốt công tác an sinh xã hội thì Việt Nam cũng là một nước thực hiện tốt chính sách xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội, dĩ nhiên không thể bằng Đức. Có một nét đặc biệt là khả năng thỏa thuận của giới chủ và giới thợ của Đức rất cao.
PGS.TSKH. Võ Đại Lược, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương phân tích: Mô hình kinh tế xã hội của Đức rất hay nhưng chỉ có thể phổ biến rộng rãi ở Châu Âu thôi, vì các nước Châu Âu là những nước phát triển, nền kinh tế đủ đảm bảo phúc lợi xã hội đến một mức độ nhất định thì mới làm được, còn một nền kinh tế lạc hậu như Việt Nam thì không thể có một hệ thống phúc lợi xã hội như nước Đức được. Đến thập kỷ 90 Việt Nam mới thực sự xây dựng nền kinh tế thị trường và cho đến nay vẫn chưa có kinh tế thị trường thực sự. Nhà nước Việt Nam hiện nay làm rất nhiều việc của thị trường, vì chưa có thị trường thực sự nên Nhà nước phải thay. Vấn đề của Việt Nam bây giờ là làm sao kiến lập được một thị trường hiện đại và có hiệu quả. Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu tìm cho mình một hướng đi để định rõ cho mình thể chế, quan điểm để phát triển.
Nhiều câu hỏi, thắc mắc của các đại biểu tại buổi Thuyết trình đã được TS. Ralf Brauksiepe giải đáp một cách thỏa đáng.
Phát biểu bế mạc, GS.TS. Võ Khánh Vinh nêu rõ, đây là một chủ đề rất có ý nghĩa, tham luận của Ngài Quốc vụ khanh cho chúng ta một cái nhìn khái quát về mô hình kinh tế thị trường của Cộng hòa Liên bang Đức trong xu thế phát triển chính trị hiện nay, chỉ rõ 3 yếu cấu thành mô hình kinh tế thị trường xã hội của Đức, đó là: thứ nhất là triệt để áp dụng quy luật của kinh tế thị trường; thứ hai là vai trò của nhà nước Đức trong việc tạo ra thể chế và đảm bảo công bằng xã hội; và thứ ba là thương lượng tập thể giữa giới chủ và người làm công ăn lương và đặc biệt tham gia vào quá trình hoạch định đường lối chính sách liên quan đến người lao động tạo sự cân bằng trong xã hội. Đây là kết hợp hài hòa và hợp lý nhất ba thành tố trên và quá trình đó đã hình thành và phát triển trong xã hội Đức. Bên cạnh đó Ngài Quốc vụ khanh cũng nêu ra những bất cập, thách thức trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường xã hội Đức cần phải giải quyết trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay và đặc biệt trong lúc EU đang giải quyết bài toán của sự phát triển của khu vực.Các bình luận đã nêu ra những nét tương đồng và khác biệt trong xã hội Đức và Việt Nam, năng lực và khả năng tiếp nhận những kinh nghiệm của Đức, có thể nói hai trình độ phát triển của hai xã hội khác nhau nhưng cũng có những điểm chung trong quá trình hình thành và phát triển, trong quá trình xây dựng kinh tế thị trường ở Việt Nam cũng đảm bảo tối đa áp dụng những quy luật của kinh tế thị trường, đảm bảo về quyền sở hữu đa thành phần kinh tế, đảm bảo tự do cạnh tranh đặc biệt là cạnh tranh lành mạnh, minh bạch để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việt Nam rất chú trọng đến vấn đề an sinh xã hội, trong Hiến pháp Việt Nam cũng nhấn mạnh vấn đề này./.
Nguyễn Thu Hà