
Hội thảo vinh dự được đón tiếp Ông Dương Ngọc Tấn – Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ cùng các vị đại biểu đại diện cho Văn phòng Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam; Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Cục An ninh (Bộ Công an); Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội); đại diện lãnh đạo và các nhà khoa học từ một số đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cùng sự có mặt của toàn thể cán bộ của Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo cho biết: Hội thảo là một hoạt động thuộc Đề án: Nghiên cứu Công giáo Việt Nam thực hiện đường hướng gắn bó đồng hành cùng dân tộc mà Ban Tôn giáo Chính phủ và Viện Nghiên cứu Tôn giáo phối hợp thực hiện, với mục tiêu làm rõ nhận thức về những nội hàm khái niệm công giáo đồng hành cùng dân tộc (bối cảnh Việt Nam); tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn, các tác động nghịch, thuận trong các phong trào Công giáo ở Việt Nam, từ đó đề xuất những giải pháp và các gợi ý chính sách cho việc hoạch định cho Việt Nam, xây dựng và phát triển các hướng quản lý các dòng Công giáo trong bối cảnh mới. Thông qua Hội thảo TS. Nguyễn Quốc Tuấn hy vọng và mong muốn các tham luận và trao đổi sẽ tập trung làm rõ và thống nhất cách hiểu về khái niệm Công giáo đồng hành cùng dân tộc.

Hội thảo đã nhận được 14 tham luận của các nhà nghiên cứu trong và ngoài Viện Nghiên cứu Tôn giáo. Có 7 tham luận được Ban tổ chức lựa chọn trình bày tại hội thảo:
Quá trình hình thành và nội hàm khái niệm Công giáo đồng hành cùng dân tộc do PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương, Viện Nghiên cứu Tôn giáo trình bày;
Khái niệm Công giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc do TS. Chu Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Tôn giáo trình bày.
Mấy suy nghĩ về Công giáo đồng hành cùng dân tộc và chủ nghĩa xã hội do GS.TS. Đỗ Quang Hưng, Đại học KHXH&NV trình bày;
Thuận lợi và khó khăn trong quá trình đồng hành cùng dân tộc của các dòng tu nữ tại Giáo phận Bùi Chu do Lê Thị Cúc, Ban Tôn giáo Chính phủ trình bày.
Đồng hành cùng dân tộc với người Kitô hữu hải ngoại: Vấn đề và triển vọng do PGS.TS. Nguyễn Quang Hưng, Đại học KHXH&NV trình bày;
Con đường đồng hành cùng dân tộc của đạo Công giáo ở Việt Nam: Theo giáo huấn giáo hội do TS. Phạm Huy Thông, Viện Nghiên cứu Tôn giáo trình bày.
Đạo Công giáo đồng hành cùng dân tộc ở Việt Nam hiện nay: Những thuận lợi, khó khăn và giải pháp tháo gỡ do Nguyễn Quang Khải, Ban Tôn giáo Chính phủ trình bày.
Các tham luận đã nhận được khá nhiều các câu hỏi trao đổi, các vấn đề như: Cần làm rõ yếu tố phạm vi dân tộc trong nội hàm khái niệm Công giáo đồng hành cùng dân tộc; cơ sở lý luận của khái niệm đồng hành cùng dân tộc trong các vấn đề Công giáo tại Việt Nam; các giai đoạn của quá trình phát triển Công giáo cần được thống nhất và tìm được sự đồng thuận về mặt lý luận khoa học; vấn đề đồng hành của Công giáo với dân tộc nên được nhìn nhận dưới nhận thức của người dân đối với lý tưởng của chủnghĩa xã hội hay dưới nhận thức của giáo hội…Trên cơ sở thống nhất các ý kiến trao đổi, Hội thảo đã thống nhất nhiều quan điểm mang tính lý luận của khái niệm Công giáo đồng hành cùng dân tộc. Đây sẽ là cơ sở khoa học quan trọng để Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Ban Tôn giáo Chính phủ có báo cáo khoa học về những vấn đề liên quan trong phạm vi của Đề án Nghiên cứu Công giáo Việt Nam thực hiện đường hướng gắn bó đồng hành cùng dân tộc.
Phạm Vĩnh Hà
![]()