|
Trong phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã điểm lại sự hình thành và phát triển của Dự án nghiên cứu NOPOOR (Dự án), trong đó khẳng định, sự ra đời của Dự án là một nỗ lực giữa Việt Nam và 18 đối tác khác đến từ 17 quốc gia, với sự điều phối của Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp, và được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu. Chủ đề nghiên cứu của chương trình hợp tác tập trung xoay quanh các bằng chứng khoa học phục vụ công cuộc hoạch định chính sách giảm nghèo, như nghiên cứu về nghèo đói, giáo dục, dịch vụ công, thị trường lao động. Thật đặc biệt vì sau 3 năm các Phiên họp Thường niên của Dự án được tổ chức tại Châu Âu (Pháp), Châu Mỹ Latinh (Brazil) và Châu Phi (Senegal), thì năm nay, bước vào năm thứ 4 của Dự án, Phiên họp Thường niên được chọn tổ chức tại Châu Á - thủ đô Hà Nội của Việt Nam. Những thành công của mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam và các nước Châu Âu, giữa Viện Hàn lâm và các viện nghiên cứu tại Châu Âu thực sự đã tăng cường năng lực nghiên cứu và tư vấn chính sách của Viện Hàn lâm nói riêng và cả một mạng lưới các nhà nghiên cứu tại Việt Nam nói chung. Qua 3 năm tiến hành Dự án, mối quan hệ ngày ngày càng được gắn kết chặt chẽ.
|
|
|
Phiên họp Thường niên diễn ra từ ngày 10/6/2015 - là cơ hội để 40 học giả trong dự án trao đổi bàn luận những vấn đề kỹ thuật, và hôm nay là phiên thảo luận cầu nối giữa nghiên cứu và chính sách. Hội thảo được nghe 6 báo tham luận (1) “Tổng quan Chương trình NOPOOR” do TS. Xavier Oudin, Điều phối viên Chương trình NOPOOR trình bày; (2) Tăng trưởng bao trùm trong bối cảnh kinh tế mới ở Việt Nam” (TS. Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm); (3) “Bolsa Familia: Chương trình phúc lợi xã hội trên diện rộng tại Brazil” (GS. Lena Lavinas, Đại học Liên bang Rio de Janeiro, Brazil); (4) “Chất lượng việc làm: Khái niệm và phương pháp luận tại các nước phát triển và đang phát triển” (TS. Kirsten Sehnbruch, Đại học Chile); (5) “Động thái nghèo ở Việt Nam” (ThS. Vũ Hoàng Đạt, Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm); (6) “Học bán trú và chênh lệch cơ hội trong giáo dục ở Việt Nam” (ThS. Trần Ngô Minh Tâm, Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm).
Việt Nam được biết đến là quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc giảm nghèo trong hai thập kỷ qua và là quốc gia sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ cho công cuộc giảm nghèo, bao gồm cả những hỗ trợ tài chính và hỗ trợ kỹ thuật cho nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu chính sách giảm nghèo, trong đó có rất nhiều chương trình hợp tác giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam. Chương trình hợp tác nghiên cứu như dự án NOPOOR được hy vọng sẽ mang đến những đóng góp khuyến nghị chính sách rất hiệu quả cho Việt Nam, gắn kết nghiên cứu với tư vấn chính sách trên cơ sở tiếp cận liên ngành kinh tế học - xã hội học - nhân chủng học, đồng thời cũng tăng cường kiến thức về nghèo đói cho tất cả các đối tác tham gia chương trình.
|
Các kết quả nghiên cứu dựa trên bằng chứng khoa học hướng tới thay đổi trong thực tế NOPOOR sẽ cung cấp những phân tích mới và chia sẻ những kết quả nghiên cứu với các chuyên gia và các nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực hoạch định chính sách cũng như thực hiện các dự án ở cấp cơ sở, qua đó giúp họ cải thiện các hoạt động và các chính sách nhằm giúp giảm nghèo.
Theo số liệu thống kê, mức sống toàn cầu có xu hướng gia tăng. Các báo cáo chính thức cũng cho thấy sự gia tăng của tổng sản phẩm quốc gia ở các nước đang phát triển hoặc gần mức đang phát triển. Tuy nhiên, góc nhìn cận cảnh hơn cho thấy tình trạng nghèo tiềm ẩn và chênh lệch giàu nghèo có xu hướng ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, dự án NOPOOR coi giảm nghèo là một nhiệm vụ khẩn cấp hàng đầu.
Các tham luận được trình bày tại Hội thảo không chỉ đem lại những hiểu biết đầy đủ hơn, phong phú hơn, thuyết phục hơn về các vấn đề mà Dự án nghiên cứu, mà còn đem lại những gợi ý và bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc cho nhận thức về quá trình giảm nghèo của mỗi nước, đặc biệt là trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập thế giới sâu rộng hiện nay.
Hội thảo là cơ hội để trao đổi thảo luận giữa các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách đối với một số vấn đề chọn lọc từ những kết quả nghiên cứu ban đầu của Dự án, đặc biệt hơn là đặt trong bối cảnh chính sách và thực tế của Việt Nam./.
Nguyễn Thu Hà