Hội thảo thu hút sự quan tâm và tham dự của nhiều học giả hàng đầu Đông Á về văn hiến học, văn tự học, từ thư học. Có thể kể đến các học giả: Hoàng Đức Khoan 黃德寬 (Hội trưởng Hội Văn tự học Trung Quốc), Lí Vận Phú 李運富 (“Học giả Trường Giang” 長江學者, ĐH Sư phạm Bắc Kinh – ĐH Trịnh Châu, Đồng chủ trì Hội thảo), Cố Thanh 顧青 (Tổng biên tập Trung Hoa Thư cục), Vương Quý Nguyên 王貴元 (ĐH Nhân dân), Vương Hiểu Bình 王曉平 (ĐH Sư phạm Thiên Tân), Vương Dũng 王勇 (ĐH Chiết Giang), Hà Hoa Trân何華珍 (Viện trưởng Viện Nhân văn và Truyền thông – ZUFE, Chủ trì Hội thảo), Hoàng Hành 黃行 (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc), Kosukegawa Teiji 小助川貞次 (ĐH Toyama, Nhật Bản), Kono Kimiko 河野貴美子 (ĐH Waseda, Nhật Bản), Lee Kyoo Kap 李圭甲 (ĐH Yonsei, Hàn Quốc).
Có 12 học giả Việt Nam tham dự Hội thảo, trong đó có 8 nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm do TS. Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng (đồng chủ trì Hội thảo) làm trưởng đoàn, hai nhà nghiên cứu của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), và hai nghiên cứu sinh tại Trung Quốc và Đài Loan.
Ngoài phiên khai mạc và bế mạc, Hội thảo có 4 phiên toàn thể cho các diễn giả chính (keynote speaker) và 4 phiên tiểu ban. Các học giả đến từ Trung, Việt, Nhật, Hàn đóng góp 56 bài nghiên cứu cho Hội thảo, trong đó có 28 bài nghiên cứu về thư tịch Hán Nôm và từ thư cổ Việt Nam. Các tham luận đều được biên soạn, trình bày và thảo luận bằng tiếng Trung Quốc (không có phiên dịch). Phát biểu tổng kết, GS.TS Hoàng Đức Khoan, Hội trưởng Hội Hán tự học Trung Quốc rút ra ba điểm: (1) Hội thảo này đã mở ra nhiều góc nhìn và vấn đề mới, đặc biệt là vấn đề từ thư cổ Việt Nam; (2) khiến cho học giới Trung Quốc hiểu biết thêm về tình hình nghiên cứu ở nước ngoài về chữ Hán và thư tịch Hán văn; (3) thấy rõ tầm quan trọng của việc chung tay hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học.
Đây là một sự kiện khoa học lớn hiếm có về Việt Nam tiền hiện đại được tổ chức ở nước ngoài và thu hút sự chú ý của đông đảo học giới Đông Á. Hội thảo là tiếng nói học thuật của các nhà nghiên cứu Việt Nam đối với học giới Đông Á. Từ đây sẽ mang lại những cơ hội hợp tác nghiên cứu trong tương lai gần, theo cả cấp độ đơn vị và cá nhân các nhà nghiên cứu. Sau Hội thảo, các bài viết sẽ được chọn lọc và sửa chữa để xuất bản trong một cuốn sách tại Trung Quốc, dự kiến in vào cuối năm 2017 tại Nhà xuất bản Ngữ văn thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc – một trong những cơ sở xuất bản nổi tiếng trong lĩnh vực ngôn ngữ văn tự học. Đây là cơ hội để tăng cường công bố quốc tế cho nhà nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam.
Hội thảo này là kết quả hợp tác đầu tiên giữa Viện NCHN (VASS) và Viện Nhân văn và Truyền thông (ZUFE) chỉ trong vòng 6 tháng sau khi Thoả thuận hợp tác (Memorandum of Understanding - MoU) được 2 bên kí kết vào tháng 11/2016 tại Hà Nội. Điều đó cho thấy tính thực tế và hiệu quả của các hoạt động hợp tác khoa học giữa hai bên.
Ngay sau khi Hội thảo kết thúc, đoàn Viện NCHN gồm TS. Nguyễn Tuấn Cường (trưởng đoàn) và PGS.TS. Đinh Khắc Thuân đã đến Đại học Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) để tiến hành kí kết Thoả thuận hợp tác giữa Viện NCHN với đơn vị thứ 3 đồng tổ chức hội thảo là Trung tâm Nghiên cứu Văn minh chữ Hán (thuộc ĐH Trịnh Châu), do GS.TS. Lí Vận Phú - nhà văn tự học nổi tiếng - làm Giám đốc. Đoàn được GS.TS. Hàn Quốc Hà 韓國河, Phó Hiệu trưởng ĐH Trịnh Châu tiếp đón trang trọng. Hai bên đã thảo luận một số kế hoạch hợp tác nghiên cứu, tổ chức hội thảo và xuất bản liên quan đến chuyên môn văn tự học. Từ đầu năm 2017, cuốn sách Hán tự học tân luận 漢字學新論 (2012) của GS. Lí Vận Phú đã bắt đầu được tổ chức dịch và theo kế hoạch sẽ được xuất bản tại Việt Nam vào đầu năm 2018; đối với ngành văn tự học tại Việt Nam, đây sẽ là một tài liệu mới từ các góc độ lí thuyết, tư liệu, cổ văn tự học, kim văn tự học, văn tự học ứng dụng và văn tự học văn hoá.
Cũng trong ngày 22/5/2017, tại ĐH Trịnh Châu, hai học giả của Viện NCHN đã thuyết trình bằng tiếng Trung Quốc trước khoảng 100 sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và các giáo sư. Đây là hoạt động mở đầu cho “Giảng đàn cao cấp về nghiên cứu chữ Hán liên văn hoá” (跨文化漢字研究高端講壇) do Trung tâm Nghiên cứu Văn minh chữ Hán tổ chức, với chủ trương mời các học giả tiêu biểu ở Trung Quốc và nước ngoài đến diễn giảng và trao đổi học thuật. Trong buổi diễn giảng, TS. Nguyễn Tuấn Cường thuyết trình đề tài “1945年前越南小學漢字教學的若干問題” (Một số vấn đề về giáo dục chữ Hán bậc tiểu học ở Việt Nam trước năm 1945); tiếp đó PGS.TS. Đinh Khắc Thuân thuyết trình đề tài “在越南的漢字碑刻:新發現及其意義與價值” (Văn bia chữ Hán ở Việt Nam: Một số phát hiện mới và ý nghĩa, giá trị của chúng). Hai bài diễn giảng đã nhận được quan tâm thảo luận sôi nổi với hàng chục câu hỏi từ các giáo sư và học viên.
Tiếp theo những thành công trong hợp tác nghiên cứu, trao đổi học giả tại các trường đại học, viện nghiên cứu tại Trung Quốc, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều sự kiện hợp tác khoa học tương tự được Viện NCHN phối hợp tổ chức tại Việt Nam và nước ngoài với các đơn vị học thuật quốc tế, để đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế trong học thuật, tăng cường cơ hội giao lưu học thuật và công bố quốc tế cho ngành Hán Nôm.
Website liên kết:
- Thông tin hội thảo trên website của Hàng Châu: http://rwxy.zufe.edu.cn/info/1004/6547.htm
- Thông tin về diễn giảng tại ĐH Trịnh Châu: http://www5.zzu.edu.cn/arts/info/1015/3706.htm
- Thông tin lễ kí kết thoả thuận hợp tác trên website của ĐH Trịnh Châu: http://www16.zzu.edu.cn/msgs/vmsgisapi.dll/onemsg?msgid=1705231101528221286
Một số hình ảnh của đoàn học giả Việt Nam
TS Nguyễn Tuấn Cường