Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên: Tiềm năng và những vấn đề”

17:00 11/11/2017
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 03/11/2017, tại Khách sạn Pleiku, số 03 Nguyễn Tất Thành, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Viện Khoa học xã hội Vùng Tây Nguyên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai phối hợp đồng tổ chức hội thảo với chủ đề: “Phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên: Tiềm năng và những vấn đề”, nhằm trao đổi, thảo luận, có những đóng góp thiết thực đối với sự nghiệp phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên, đề xuất và gợi mở các biện pháp và những vấn đề cần tiếp tục giải quyết trong tương lai.

Tham dự và chủ trì hội thảo có: PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai; TS. Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên.

Hội thảo vinh dự được đón tiếp các vị khách quý đại diện cho các cơ quan trung ương và địa phương: đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy thành phố Buôn Ma Thuột; đồng chí Châu Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai; TS. Cao Huy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông; đồng chí H’Ydim Kđok, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk; đồng chí Hồ Văn Điền, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai;,… đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố thuộc 05 tỉnh vùng Tây Nguyên; các nhà khoa học thuộc các Viện nghiên cứu, Học viện, trường Đại học, trường Cao đẳng trong cả nước, cùng các chuyên gia nghiên cứu độc lập; các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình đến dự, viết bài và đưa tin về Hội thảo.

PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Trong những năm qua, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã đóng vai trò kết nối hợp tác giữa tổ chức JICA (Nhật Bản) với chính quyền Lâm Đồng nhằm thực hiện dự án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư nông nghiệp. Bên cạnh đó, tiến hành thực hiện nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học nghiên cứu nhằm tư vấn và đề xuất chính sách phát triển kinh tế của các địa phương vùng Tây Nguyên.

 Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đủ của các đại biểu tham dự. Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động, công cuộc hội nhập quốc tế đang được đẩy mạnh, cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Trước bối cảnh mới, Đại hội Đảng lần thứ XII, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương tiến hành đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.

PGS.TS. Bùi Nhật Quang gợi mở, nhấn mạnh và đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận kinh tế vùng Tây Nguyên nên lựa chọn các mô hình phát triển như thế nào? Đâu là cản lực, đâu là lợi thể phát triển kinh tế của toàn vùng, cũng như của từng địa phương cụ thể? Điểm đột phá trọng tâm nhằm tạo sức bật cho nền kinh tế vùng Tây Nguyên ở đâu? Ngược lại, tác động của quá trình phát triển kinh tế này với quá trình với đời sống văn hóa - xã hội như thế nào? Đây là những vấn đề do thực tiễn phát triển đặt ra, cũng là mối quan tâm chung của các nhà quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân. 

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, TS. Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên đã chỉ ra 03 điểm nghẽn cơ bản trong phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên hiện nay: điểm nghẽn về cơ chế chính sách, điểm nghẽn về khoa học và công nghệ; điểm nghẽn về nghiên cứu, ứng dụng và khai thác tài nguyên văn hóa.

Ban Tổ chức Hội thảo nhận được nhiều tham luận gửi đến, hơn 100 tham luận được in trong Kỷ yếu Hội thảo. Tại Hội thảo, có 6 diễn giả đã trình bày tham luận, được chia làm 02 phiên thảo luận, tập trung vào 02 nội dung chính:

Phiên thứ nhất: Các tham luận: ThS. Hoàng Thanh Hương,  Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác Tuyên giáo - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, về Khai thác tim năng kinh tế các di sn văn hóa  Gia Lai hin nay; ThS. Nguyễn Như Triển và ThS. Nguyễn Đỗ Trường Sơn,Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam - Viện Chiến lược phát triển -  Bộ Kế hoạch & Đầu tư, về Vị thế kinh tế của Tây Nguyên trong quá trình phát triển chung của đất nước –  giải pháp nâng cao tính liên kết; TS. Lê Đăng Lăng, Nguyên Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), về Một số chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao: nghiên cứu vận dụng tại tỉnh Đắk Nông

Phiên thứ hai: Các tham luận: TS. Trần Văn Thận, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, về Phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa vùng Tây Nguyên – thực trạng và giải pháp; TS. Trần Hồng Lưu, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, về Hoàn thiện các chính sách quản lý và sử dụng đất đai nhằm tạo lập sự phát triển bền vững ở khu vực Tây Nguyên; PGS. TS. Nguyễn Duy Dũng, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, về  Tây Nguyên với kết nối mềm trong Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Toàn cảnh Hội thảo

Các báo cáo tham luận, đều xuất phát từ nhiều góc tiếp cận khác nhau; các ý kiến phát biểu, thảo luận đều thống nhất: Sau ba thập kỷ đổi mới và  hội nhập, kinh tế Tây Nguyên đã có thay đổi mọi mặt. Song mức tăng trưởng mấy năm gần đây đã chậm lại, trong khi Tây Nguyên vẫn là vùng kinh tế khó khăn. Nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp do quá trình phát triển theo mô hình phát triển cũ những năm trước đây cũng như do thách thức của bối cảnh mới. Đó là tình trạng khai thác cạn kiệt tài nguyên khi chủ yếu tập trung khai thác thế mạnh tài nguyên thiên nhiên; mâu thuẫn quyền sở hữu tư liệu sản xuất đất đai; giá thành sản phẩm trong chuỗi giá trị thị trường thấ; khó khăn, hạn chế trong môi trường hoạt động và phát triển của doanh nghiệp vùng Tây Nguyên; thiếu đồng bộ trong thực hiện chính sách, thực hiện liên kết nội vùng và liên vùng… Quan điểm và giải pháp thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên là phần được các đại biểu đặc biệt quan tâm và dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận.

Hội thảo là diễn đàn trao đổi các vấn đề học thuật, quản lý nhà nước hữu ích đối với các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và nhà quản lý, cho cách nhìn nhận đa chiều về các vấn đề kinh tế - xã hội tại vùng Tây Nguyên. Trong phần phát biểu Bế mạc tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Bùi Nhật Quang nêu rõ: Phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên: tiềm năng và những vấn đề” là một Hội thảo có ý nghĩa thực tiễn, có chủ đề bao quát mọi lĩnh vực kinh tế vùng Tây Nguyên. Hội thảo đã chỉ ra những kết quả và hạn chế của mô hình tăng trưởng cũ; xác định các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên; trao đổi về các lợi thế đặc thù trong phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên giai đoạn hiện nay, các ngành kinh tế thế mạnh của vùng Tây Nguyên, chỉ ra yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế vùng Tây Nguyên; đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế vùng Tây Nguyên: xây dựng quy hoạch hội nhập quốc tế; xây dựng môi trường sinh thái doanh nghiệp; triển khai thực hiện các giải pháp đã có gắn với thể chế, nâng cao hiệu quả thể chế để các giải pháp đưa ra đi vào thực tế, giúp tháo gỡ các điểm nghẽn tăng trưởng,... Các quan điểm trình bày trong các tham luận, các ý kiến trao đổi tại hội thảo là kênh tham khảo hữu ích đối với các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân cùng các Sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố của 05 tỉnh Tây Nguyên tham dự hội thảo trong công tác quản lý và phát triển kinh tế các địa phương; đồng thời mở ra các hướng nghiên cứu tiếp theo phục vụ quá trình phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên.

 

 

Nguyễn Xuân Khoát

In trang Chia sẻ

Tin khác