Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức Hội thảo khoa học: “Đời sống Tôn giáo Việt Nam hiện nay: Đời sống Phật giáo”

17:00 04/12/2020
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 04 tháng 12 năm 2020, tại Hội trường 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Tôn giáo đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đời sống Tôn giáo Việt Nam hiện nay: Đời sống Phật giáo”, Hội thảo do PGS.TS. Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo và TS. Vũ Thị Thu Hà – Phó Viện trường đồng chủ trì.
PGS.TS. Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo phát biểu đề dẫn tại Hội thảo  

Tham dự Hội thảo có các đại biểu, các nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan Nhà nước, các đơn vị nghiên cứu, các trường đại học như: Ban Tôn giáo Chính Phủ; Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam; Học viện khoa học xã hội, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Bộ môn Tôn Tôn giáo học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn; Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; … các học viên cao học, nghiên cứu sinh của Khoa Tôn giáo học, Học viện Khoa học xã hội và toàn thể cán bộ Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Chu Văn Tuấn nêu rõ mục đích của việc tổ chức hội thảo này là nhằm hướng tới việc tiếp cận những vấn đề mới, nhất là những biểu hiện phong phú, đa dạng của thực trạng đời sống Phật giáo trong thời gian vừa qua. Hội thảo không chỉ hướng tới mục đích cập nhật tình hình đời sống Phật giáo, mà còn mong muốn gắn kết, kết nối các nhà nghiên cứu, lãnh đạo quản lý liên quan đến tôn giáo, các nhà tu hành Phật giáo... nhằm tạo nên diễn đàn để chia sẻ tri thức, kinh nghiệm nghiên cứu. PGS.TS. Chu Văn Tuấn cũng cho biết, đây là hội thảo nằm trong chuỗi các hội thảo về đời sống các tôn giáo của Viện Nghiên cứu Tôn giáo dự kiến tổ chức trong những năm tới. Năm 2020 là hội thảo chuyên đề liên quan tới Phật giáo, những năm tiếp theo dự kiến sẽ là chuyên đề liên quan tới Công giáo, Tin Lành, Islam, tôn giáo mới....

Hội thảo đã nhận được 32 báo cáo từ các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và nhà tu hành Phật giáo. Đa số các bài viết trong Hội thảo xoay quanh những vấn đề của Phật giáo Việt Nam đương đại như: hoạt động hướng dẫn Phật tử, hoạt động giảng dạy giáo lý Phật giáo; hoạt động tu học tại các đạo tràng, tự viện Phật giáo; hoạt động Phật giáo thời dịch covid; hoạt động nhân đạo, từ thiện; hoạt động hoằng pháp; những thành tựu đạt được, những điểm mới và những tồn tại hạn chế hiện nay của Phật giáo Việt Nam và đưa ra một số giải pháp, khuyến nghị khắc phục… Các bài viết tựu chung đều hướng tới mục tiêu làm sao để Phật giáo phát huy được những thế mạnh vốn có, khắc phục được những điểm yếu đang còn tồn tại, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của Đất nước trong thời kỳ mới.

Hội thảo đã nghe 05 báo cáo của các nhà khoa học viết về đời sống Phật giáo Việt Nam đương đại: Tính hỗn dung của pháp tu Tịnh Độ trong Phật giáo Việt Nam (ĐĐ.TS.Thích Di Sơn, Ủy viên thường trực Ban hướng dẫn Phật tử Trung Ương); Góp bàn thêm về hoạt động của Phật giáo Việt Nam hiện nay (TS. Lê Tâm Đắc, Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); 40 năm xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam (TS. Bùi Hữu Dược); Tìm hiểu mối quan hệ đa chiều của Phật giáo Việt Nam trong xã hội đương đại (NNC. Nguyễn Quang Khải) và Nghiên cứu so sánh thực hành nghi lễ Mông Sơn thí thực thại chùa Linh Tiên (Tp HCM) và chùa Tảo Sách (Hà Nội)  (Lê Hoàng Hải (Thích Hoằng Hóa).

Quảng cảnh buổi Hội thảo

Các tham luận trong Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự. Các đại biểu cũng đã chia sẻ những quan điểm của mình đối với những vấn đề của Phật giáo Việt Nam đương đại. Một số ý kiến nhấn mạnh việc cần thiết của việc mở rộng quy mô của các hội thảo về đời sống các tôn giáo trong những năm tới với sự tham gia phối hợp tổ chức của nhiều cơ quan Nhà nước bên cạnh Viện Nghiên cứu Tôn giáo như: Ban Tôn giáo Chính phủ, Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam… Các đại biểu cũng cho rằng, những bài viết trong Hội thảo là “thực tiễn sinh động” để từ đó, các cơ quan Nhà nước có được những gợi ý về các giải pháp, các chính sách nhằm giúp cho hoạt động của GHPGVN được tốt hơn. Các ý kiến cũng xoay quanh các vấn đề liên quan tới Phật giáo đang đặt ra hiện nay như: Thực trạng tu học Phật giáo của Phật tử; sự nghiêm trì giới luật của đội ngũ Tăng ni; hoằng pháp trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; hoằng pháp cho thanh, thiếu niên; hoằng pháp trong thời đại 4.0; cách xử lý khủng hoảng truyền thông của Phật giáo; làm thế nào để phát huy được vai trò của Phật giáo trong xã hội; làm thế nào để có thể khai thác được những tiềm lực về vật chất và tinh thần của Phật giáo cho sự phát triển của đất nước mà vẫn giữ được chân giá trị của mình; vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với những vấn để hiện nay của Phật giáo… Đặc biệt, nhiều ý kiến băn khoăn về một số hạn chế, bất cập trong đời sống Phật giáo hiện nay như sự suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận tăng ni.

Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo đã kết thúc thành công, nó không chỉ đặt ra vấn đề về nghiên cứu đời sống Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói chung, mà còn giúp cho các cơ quan Nhà nước có được những cơ sở khoa học cho việc tìm hiểu về Phật giáo, cho việc hoạch định các chính sách liên quan tới Phật giáo trong thời gian tới. Hội thảo không chỉ là những gợi mở nghiên cứu, là diễn đàn để cập nhật thông tin được đầy đủ hơn về đời sống Phật giáo, mà còn là nơi tạo ra diễn đàn mở, tạo ra cơ hội kết nối giữa các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý Nhà nước về Tôn giáo và những nhà tu hành Phật giáo trên cả nước để tiếp tục thảo luận về những vấn đề liên quan tới Phật giáo Việt Nam đương đại nhằm hướng tới mục tiêu làm sao để Phật giáo phát triển lành mạnh và chính tín.

Nguồn: Viện Nghiên cứu Tôn giáo

 

 

In trang Chia sẻ

Tin khác