Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã gửi vòng hoa viếng. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, đến viếng; GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã đến chia buồn cùng gia đình Giáo sư Vũ Khiêu.
Tham dự Lễ viếng có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cùng đông đảo các thế hệ học trò, đại diện các trí thức, các nhà văn hóa, các cơ quan, Bộ, Ban, ngành, địa phương, một số tổ chức quốc tế đã đến viếng, tiễn biệt Giáo sư Vũ Khiêu về nơi an nghỉ cuối cùng.
Vĩnh biệt Giáo sư Vũ Khiêu và chia buồn sâu sắc với gia đình ông, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam viết trong sổ tang: "Giáo sư không còn nhưng những đóng góp và tình cảm, kỷ niệm về Giáo sư còn mãi”. “Khoa giáo hưng quốc. Hiền nhân lưu danh”.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, xúc động viết: "Vô cùng thương tiếc Giáo sư, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Vũ Khiêu, nguyên Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), nhà văn hóa lớn, người sáng lập và gây dựng ngành Xã hội học Việt Nam đã có những cống hiến to lớn và đặc biệt xuất sắc cho đất nước. Cả cuộc đời lao động quên mình của Giáo sư Vũ Khiêu đã để lại nhiều tác phẩm văn hóa lớn, đậm tinh thần yêu nước cách mạng, giáo dục truyền thống tự hào dân tộc cho thế hệ mai sau. Kính mong Giáo sư yên giấc ngàn thu nơi cõi vĩnh hằng".
PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, khẳng định: Giáo sư mất đi là một tổn thất to lớn đối với giới nghiên cứu khoa học xã hội nước nhà và để lại niềm tiếc thương vô hạn cho các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Với hơn 60 năm công tác trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có 40 năm tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, dù ở cương vị nào, Giáo sư Vũ Khiêu cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lao động khoa học và luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Ông đã để lại hàng trăm tác phẩm và công trình nghiên cứu có giá trị về khoa học và thực tiễn, là tác giả của hơn 40 cuốn sách, tham gia chủ biên, cùng biên soạn trên 100 cuốn sách khác thuộc nhiều lĩnh vực: Triết học, Đạo đức học, Mỹ học, Xã hội học, Tôn giáo, Văn hóa, Nghệ thuật… Hầu hết trong số đó là những công trình tiêu biểu của Khoa học xã hội Việt Nam đương đại. Giáo sư đã trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn, đào tạo nhiều thế hệ học trò, góp phần phát triển nguồn nhân lực Khoa học xã hội ở Việt Nam.
![PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đọc điếu văn vĩnh biệt Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/pgs%20bui%20nhat%20quang%20dam%20tang%20gs%20vu%20khieu.jpg)
|
Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã viết nhiều tác phẩm nghiên cứu nổi tiếng trong các lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn, đặc biệt là bộ "Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long". Sau khi nghỉ hưu vào năm 2000, Giáo sư Vũ Khiêu tiếp tục chủ trì nhiều công trình khoa học lớn của đất nước. Ông đã biên soạn bộ công trình “Bàn về Văn hiến Việt Nam” (2002) dày hơn 1000 trang, giải mã cội nguồn và tiến trình phát triển nền văn hiến Việt Nam.
Giáo sư còn là một nhà Hà Nội học hàng đầu, tác giả của các công trình “Lịch sử khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hà Nội” và “Văn hiến Thăng Long” gồm 3 tập dày 2.400 trang (2017). Ông là Chủ tịch Hội đồng biên soạn và cũng là một trong những soạn giả của công trình nghiên cứu đồ sộ “Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long” (2007), tham gia biên tập bộ “Bách khoa thư Hà Nội” (2010), Giáo sư cũng là Chủ tịch Hội đồng Dự án “Tủ sách ngàn năm Thăng Long” và nhiều công trình nghiên cứu có giá trị khác về Hà Nội.
Là người nghiên cứu cổ văn sâu sắc, Giáo sư Vũ Khiêu đã biên soạn nhiều văn bia, văn tế, hoành phi, câu đối…tại nhiều khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, công trình văn hóa, đền, chùa. Ông cũng nổi tiếng với bản “Chúc văn” được đọc trong lễ Giỗ tổ Hùng Vương. Ngoài trăm tuổi ông vẫn lặn lội tới các nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Ngã Ba Đồng Lộc, nhà tù Phú Quốc, Côn Đảo… viết văn bia các tri ân những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho tổ quốc.
Giáo sư Vũ Khiêu còn là một nhà hoạt động quốc tế có tên tuổi. Ông được trao tặng Huân chương Chữ thập Hiệp sỹ - phần thưởng cao quý của Nhà nước Hungary, vào năm 2015 vì những đóng góp trong việc xây dựng và vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Hungary.
Không chỉ là nhà văn hóa và nhà khoa học lớn, trong gia đình, Giáo sư Vũ Khiêu còn là người chồng, người cha, người ông, người cụ mẫu mực, đức độ, giàu lòng nhân ái, luôn gần gũi, bao dung, quan tâm đến mọi thế hệ con cháu. Ông đã nuôi dạy con cháu trở thành những công dân, những trí thức tốt đóng góp tích cực cho xã hội và đất nước.
Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu tên đầy đủ là Đặng Vũ Khiêu, sinh ngày 19 tháng 9 năm 1916, quê ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông nguyên là Giám đốc Sở Thông tin Liên khu 10, nguyên Phó Giám đốc Sở Thông tin Việt Bắc, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam).
Với những cống hiến lớn lao và xuất sắc cho công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước cũng như sự nghiệp phát triển nền văn hóa, khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam, Giáo sư đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Lao động hạng nhất; Huân chương Độc lập hạng nhì; Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật; Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới; Huân chương Độc lập hạng nhất. Trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, Giáo sư Vũ Khiêu được vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú năm 2010”.
Sau khi tổ chức tang lễ tại Hà Nội, chiều cùng ngày, gia đình đã tổ chức lễ an táng tại nghĩa trang làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Vĩnh biệt Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu - một nhà trí thức tiêu biểu trong thời đại Hồ Chí Minh, một hiền tài sống động, tỏa sáng, uyên bác, tâm hồn giàu đẹp, cốt cách cao quý và trái tim nhân ái.
“Hai bàn tay trắng không vương bụi,
Một tấm lòng son ở với đời”
Nguyễn Thu Trang
Ảnh: PV