10 sự kiện đã được lựa chọn thuộc 6 lĩnh vực: cơ chế chính sách, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, nghiên cứu ứng dụng, tôn vinh nhà khoa học, hội nhập quốc tế. Theo đó, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 6 với chủ đề “Việt Nam chủ động hội nhập và phát triển bền vững”, đã thu hút sự tham dự của 600 nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, trao đổi về 10 lĩnh vực trọng tâm như lịch sử, kinh tế, chính trị, quan hệ quốc tế, văn hóa, xã hội, môi trường… Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 730 tham luận của các học giả, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, trong đó chọn được 400 bài tham luận để đưa vào kỷ yếu và 120 báo cáo toàn văn. Hội thảo là cơ hội quý báu để tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác khu vực và quốc tế; cùng nhau chia sẻ những bài học kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề chung của đất nước và nhân loại, góp phần thắt chặt quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các dân tộc.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/img_5141.jpg) |
Chia sẻ niềm vui khi đến trao chứng nhận tại Viện Hàn lâm ngày 12/1/2022, Nhà báo Hà Hồng - chủ nhiệm Câu lạc bộ, nguyên Vụ trưởng, Trưởng ban Ban khoa giáo, Báo nhân dân, Phó Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị cho biết, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 6 là sự kiện thuộc lĩnh vực khoa học xã hội vinh dự lọt vào danh sách bình chọn năm nay. Ngoài sự kiện nêu trên, danh sách lọt tóp 10 sự kiện khoa học nổi bật năm 2021 bao gồm: (1). Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam xác định “khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” là một trong các đột phá chiến lược (thuộc lĩnh vực cơ chế chính sách); (2). Công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam giành Giải Đặc biệt Giải thưởng Đổi mới sáng tạo châu Á (thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên); (3). Mô hình thành phố thông minh của Viettel được công nhận hiệu quả và sáng tạo nhất thế giới; (4). Công trình kè chống sạt lở bờ biển huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; (5). Áo hạ nhiệt, chống nóng cho nhân viên y tế phòng, chống dịch Covid - 19; (6). “Mũ cách ly di động” Việt Nam được WIPO vinh danh (thuộc lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng); (7). GS.VS. Châu Văn Minh được Pháp và Belarus vinh danh (thuộc lĩnh vực tôn vinh nhà khoa học); (8). Vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận được Nhật Bản cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý; (9). Ấn tượng Techfest 2021 (thuộc lĩnh vực hợp tác quốc tế).
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/img_5134.jpg) |
Nhà báo Hà Hồng (thứ 4 từ trái sang) trao chứng nhận sự kiện Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 6 lọt tóp 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2021 cho Viện Hàn lâm |
Nhân dịp này, Nhà báo Hà Hồng cũng khẳng định: Đây là năm thứ 16 sự kiện bình chọn được Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức. Mỗi năm, Viện Hàn lâm đều vinh dự góp mặt 1 sự kiện khoa học tiêu biểu của năm. Đây là niềm tự hào không chỉ của riêng Viện Hàn lâm mà còn của Câu lạc bộ và toàn thể các nhà báo đang thực thi nhiệm vụ cầm bút trên mặt trận khoa học. Nhà báo Hà Hồng cũng bày tỏ kỳ vọng vào một dự án hợp tác giữa Viện Hàn lâm và Câu Lạc bộ để những thông tin khoa học sẽ ngày càng được quảng bá rộng rãi không chỉ trong giới những người yêu khoa học, đam mê nghiên cứu mà còn tới với đông đảo công chúng trong cả nước.
Đáp từ ý kiến của Nhà báo Hà Hồng, PGS.TS. Trần Thị Lan Hương, Trưởng ban, Ban Quản lý khoa học đã hoan nghênh ý kiến nhận định của Nhà báo Hà Hồng và cho rằng đó là việc làm cần thiết, Ban Quản lý khoa học của Viện Hàn lâm chắc chắn sẽ có những tham mưu kịp thời tới lãnh đạo Viện Hàn lâm để sớm hiện thực hóa những định hướng mà cả Viện Hàn lâm và Câu Lạc bộ đều đang hướng tới trong thời gian sớm nhất. Nhân dịp này, Phó giáo sư, Trưởng ban Ban quản lý khoa học Viện Hàn lâm cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Câu lạc bộ và các nhà báo đã và đang quan tâm tới sự phát triển của nền khoa học xã hội nước nhà, cảm ơn sự ghi nhận mà các nhà báo đã gửi gắm qua lượt bình chọn cho sự kiện mà Viện Hàn lâm tổ chức và hy vọng trong tương lai, số lượng sự kiện được bình chọn sẽ không dừng ở con số 1 mà sẽ còn nhiều hơn nữa, thể hiện sự nỗ lực không ngừng vì sự phát triển chung của nền khoa học xã hội và nhân văn nước nhà.
Phạm Vĩnh Hà