Dự Lễ công bố về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có: PGS.TS Bùi Nhật Quang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS Bùi Minh Trí – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành; TS Nguyễn Gia Đối, Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học; PGS.TS Vũ Tuấn Hưng – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ và một số các đại biểu khác từ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Về phía Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, có Ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng, Cục di sản văn hóa. Về phía Tỉnh An Giang có đồng chí Lê Hồng Quang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, đồng chí Lê Văn Nưng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Tỉnh, đồng chí Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương đã đến dự.
![Quang cảnh buổi lễ](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/oc1-%2014.2.2022.jpg)
Giới thiệu về 2 bảo vật quốc gia của An Giang được công nhận
![PGS.TS Bùi Nhật Quang cùng các đồng chí Lãnh đạo tỉnh An Giang chụp ảnh lưu niệm tại không gian trưng bày hiện vật văn hóa Óc Eo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/oc4-%2014.2.2022.jpg)
Tại buổi lễ, UBND tỉnh An Giang đã công bố Quyết định 115/QĐ-TTg, ngày 23-1-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê, thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn), với tổng diện tích quy hoạch 433,2ha. Trong đó, khu vực sườn và chân núi Ba Thê (Khu A) có diện tích 143,9ha; khu vực cánh đồng Óc Eo (Khu B) có diện tích 289,3ha.
Mục tiêu của việc quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê trở thành khu nghiên cứu khảo cổ học để nhận diện đầy đủ và làm sáng tỏ giá trị của nền văn minh Óc Eo rực rỡ đã từng tồn tại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch của huyện Thoại Sơn và tỉnh An Giang.
![PGS.TS Bùi Nhật Quang và Đồng chí Lê Hồng Quang cùng các đại biểu của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và tỉnh An Giang chụp ảnh lưu niệm](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/oc5-%2014.2.2022.jpg.png)
Qua đó, kết nối với các điểm đến quan trọng của tỉnh An Giang và vùng đồng bằng sông Cửu Long để hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù về lịch sử - văn hóa, sinh thái sông nước, đồng quê, nông nghiệp và du lịch chuyên đề khảo cổ học văn hóa Óc Eo.
Cũng trong sự kiện này, UBND tỉnh An Giang công bố Quyết định 2198/QĐ-TTg, ngày 25-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ về công nhận bảo vật quốc gia (đợt 10 năm 2021). Trong đó, An Giang có 2 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia, gồm: Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc bằng đá granite có niên đại thế kỷ III-IV, được phát hiện trong cuộc khai quật khảo cổ ở di tích Linh Sơn Bắc năm 2019, thuộc Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê và nhẫn Nandin Giồng Cát bằng vàng có niên đại thế kỷ V, được phát hiện trong cuộc khai quật tại di tích Gò Giồng Cát năm 2018.
![PGS.TS Bùi Nhật Quang và Đồng chí Lê Hồng Quang cùng các đại biểu của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và tỉnh An Giang chụp ảnh lưu niệm](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/oc6-%2014.2.2022.jpg.png)
Trong giai đoạn 2017-2020, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với tỉnh An Giang triển khai Đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)”. Nhiều di tích kiến trúc tôn giáo, di tích cư trú, kênh cổ được làm xuất lộ cùng hàng ngàn hiện vật khảo cổ được tìm thấy đã góp phần phục dựng diện mạo đô thị cổ và đời sống vật chất, tinh thần của cư dân cổ Óc Eo. Hai bảo vật quốc gia Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc và Nhẫn Nandin Giồng Cát là hai hiện vật đặc sắc trong tổng số các phát hiện của Đề án, góp phần khẳng định sự phát triển đỉnh cao của văn hóa Óc Eo ở đồng bằng Nam Bộ trong giai đoạn thế kỷ I-VII.