Buổi lễ vinh dự có sự hiện diện của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên; đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng; đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cùng sự có mặt của đông đảo nhân dân trong toàn tỉnh...
|
Lãnh đạo huyện Văn Giang, Hưng Yên đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia khu lưu niệm đồng chí Tô Hiệu nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tô Hiệu
|
Ôn lại cuộc đời và sự nghiệp, những phẩm chất cách mạng cũng như những cống hiến của đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa đã nhấn mạnh những tác động tích cực từ tấm gương, tinh thần của đồng chí Tô Hiệu đối với các thế hệ cách mạng Việt Nam, khẳng định cuộc đời ngắn ngủi mà hào hùng của nhà cách mạng, liệt sỹ Tô Hiệu luôn là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần bất khuất của thanh niên Việt Nam, là tượng đài rõ nét nhất về truyền thống yêu nước của thanh niên Việt Nam chân chính. Cuộc đời và những cống hiến của ông đối với sự nghiệp đấu tranh vì độc lập - tự do của tổ quốc luôn là những bài học to lớn mà cách mạng Việt Nam muốn truyền lại cho tương lai muôn đời sau trong những bài học về lịch sử đấu tranh của Đảng và của cả dân tộc Việt Nam.
Thân thế và sự nghiệp của Tô Hiệu
Tô Hiệu quê ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình nhà nho yêu nước. Ông nội Tô Hiệu là vị đốc học Nam Định đức độ đã bỏ chốn quan trường về làng dạy học. Ông ngoại Tô Hiệu là tướng quân Ngô Quang Huy là một vị danh tướng đã cùng Nguyễn Thiện Thuật đánh Pháp tại vùng Bãi Sậy – Hưng Yên.
Năm 1927 Tô Hiệu học tại trường Pháp Việt, thị xã Hải Dương và sớm tham gia vào các phong trào yêu nước của học sinh như bãi khoá truy điệu cụ Phan Chu Trinh, tham gia phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu vì vậy bị đuổi học. Cuối năm 1929, ông vào Sài Gòn cùng anh ruột là Tô Chấn tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng. Năm 1929 ông là Đảng viên Quốc dân Đảng, hoạt động tại Sài Gòn. Năm 1930, ông bị bắt và bị kết án 4 năm tù, đi đầy tại Côn Đảo. Những năm tháng ở đây, Tô Hiệu luôn kiên định đi theo lý tưởng cộng sản và chỉ một thời gian sau, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1934, sau khi mãn hạn tù ở Côn Đảo, Tô Hiệu trở về và bị quản thúc tại địa phương, nhưng ông vẫn tìm mọi cách hoạt động xây dựng phong trào cách mạng.
Đầu năm 1938, Tô Hiệu được cử làm Bí thư Liên khu B gồm các tỉnh duyên hải Bắc bộ và trực tiếp làm Bí thư Thành uỷ Hải Phòng. Từ năm 1938 – 1939, dưới sự lãnh đạo của ông, phong trào cách mạng ở các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ liên tục phát triển, nhất là tại thành phố Hải Phòng, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân các nhà máy, xí nghiệp được đẩy lên rất cao.
Cuối năm 1939, Tô Hiệu bị địch bắt và bị bọn thực dân xử tù đày đi nhà tù Sơn La. Tại đây, một lần nữa người Cộng sản trẻ tuổi Tô Hiệu đã thể hiện ý chí kiên cường dũng cảm trước đòn roi tra tấn của địch, ông luôn tích cực tham gia các cuộc đấu tranh chống bọn cai ngục và được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ nhà tù Sơn La. Dưới ngòi bút của mình, Ông đã biến nhà tù của địch thành trường học đào tạo tuyên truyền lý tưởng cách mạng và tìm ra được nhiều cán bộ ưu tú cho Đảng.
Dưới sự tra tấn dã man và chế độ nhà tù hà khắc của thực dân cùng với bệnh lao phổi nặng, ngày mồng 7/3/1944 Tô Hiệu đã trút hơi thở cuối cùng khi ông mới 32 tuổi. Lời căn dặn cuối cùng của ông với đồng đội luôn được truyền lại mãi đó là “Các đồng chí hãy cố gắng lên, đừng phút nào quên nhiệm vụ của mình” được ví như hồi kèn xung trận, làm động lực to lớn, tiếp thêm sức lực cho đồng đội trong hành trình đấu tranh cách mạng, Mộ ông được an táng tại Vườn ổi (nghĩa trang Nhà tù Sơn La).
Tấm gương người Cộng sản kiên trung, trọn đời vì sự nghiệp cách mạng
Suốt trong những năm tháng tham gia đấu tranh cách mạng, đồng chí Tô Hiệu luôn thể hiện là một người chiến sỹ cộng sản mẫu mực, kiên trung, bất khuất. Nhiều lần bị bắt, bị giam tù, dù bị tra tấn dã man đồng chí vẫn không hề tiết lộ tài liệu, cơ sở cách mạng. Trong phiên tòa xét xử Tô Hiệu và các đồng chí của mình, khi bị luận tội, dù thân thể tàn tạ do bệnh tật và đòn roi quân thù, đồng chí vẫn hiên ngang, dõng dạc tố cáo tội ác của thực dân Pháp và tay sai, khẳng định con đường cách mạng giải phóng dân tộc là con đường đúng đắn. Ý chí kiên cường và tinh thần kiên định của Tô Hiệu đã khiến quân thù phải khiếp sợ.
Đối mặt với lao tù và bệnh tật, nhà cách mạng Tô Hiệu càng thể hiện rõ khí phách, tinh thần, thái độ lạc quan cách mạng, khẳng định tinh thần đấu tranh không nao núng, không mệt mỏi, là người truyền lửa nhiệt huyết và niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp cách mạng của Đảng cho đồng đội và quần chúng nhân dân. Trong địa ngục trần gian của chốn lao tù đế quốc, biết mình sẽ phải hy sinh, đồng chí càng hăng say viết tài liệu, viết báo tuyên truyền, động viên đồng đội của mình tin tưởng vào tương lai của cách mạng, tương lai của đất nước. Tinh thần của ông được ví giống như cây đào mọc bên tường xà lim năm xưa, mang tên Tô Hiệu, như có phép màu, trải qua bom đạn tàn phá, cây đào vẫn còn nguyên vẹn và xanh tốt đến nay.
|
|
Cây đào được mang tên Tô Hiệu vào năm 1945 khi cách mạng đã thành công, tượng trưng cho tinh thần đấu tranh kiên cường của người chiến sĩ cách mạng Tô Hiệu |
|
Với 32 tuổi đời, hơn 18 năm hoạt động, từ một thanh niên yêu nước trở thành một chiến sỹ cộng sản, hoạt động trên nhiều cương vị lãnh đạo; hai lần bị tù đày, tra tấn dã man tại nhà tù thực dân đế quốc, ý chí và niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ở đồng chí Tô Hiệu không hề lay chuyển.
Cả cuộc đời đồng chí là tấm gương sáng về “tinh thần Tô Hiệu” - đó là sự tận tụy, kiên cường, hy sinh chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đánh giá về đồng chí Tô Hiệu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Đỗ Mười đã viết: Cuộc đời đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến của đồng chí cho dân tộc và cho cách mạng thật là to lớn! Bản lĩnh kiên cường, bất khuất và công lao đóng góp của đồng chí Tô Hiệu đã góp phần xây đắp di sản tinh thần cách mạng quý báu, làm nên những trang vàng chói lọi trong lịch sử đấu tranh vì nền độc lập dân tộc và xã hội xã hội chủ nghĩa./.
Phạm Vĩnh Hà (Tổng hợp)