Hội thảo quốc tế “Lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở Việt Nam và Trung Quốc trong thập niên thứ ba thế kỷ XXI"

17:00 25/11/2021
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 25/11/2021, tại Hội trường 3D, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã phối hợp cùng Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và Viện Nghiên cứu tiền tệ Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc tổ chức Hội thảo quốc tế “Lãnh đạo của Đảng cộng sản ở Việt Nam và Trung Quốc trong thập niên thứ ba thế kỷ XXI”. Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia, đại biểu đến từ các viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn… về phía Trung Quốc, là các chuyên gia, đại biểu đến từ Đại học Nhân dân Trung Quốc, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, Trường Đảng Trung ương Trung Quốc… Các chuyên gia, đại biểu dự Hội thảo theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hội thảo do PGS.TS. Bùi Nhật Quang và TS. Nguyễn Xuân Cường đồng chủ trì

Phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm đã đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của Hội thảo và mong muốn chuyên gia, học giả hai bên sẽ tăng cường trao đổi hơn nữa các nghiên cứu lý luận và thực tiễn về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và  quản trị quốc gia ở Việt Nam và Trung Quốc; trao đổi các kinh nghiệm và giải pháp tăng cường xây dựng Đảng và quản trị quốc gia trong thập niên thứ ba thế kỷ 21.

Hội thảo tiến hành 2 phiên thảo luận. Phiên thứ nhất có 5 báo cáo, trong đó có tham luận về ý nghĩa của Nghị quyết lịch sử lần thứ 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (tham luận do GS. Lý Quân Như trình bày); tham luận  về công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam (PGS.TS. Nguyễn Tài Đông); Bàn về mục tiêu 100 năm thứ nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc (tham luận do GS. Hà Hổ Sinh trình bày); Bàn về mục tiêu và giải pháp của Đại hội 13 Đảng Cộng sản Việt Nam (tham luận do PGS.TS. Vũ Văn Hà trình bày); Bàn về mục tiêu 100 năm lần 2 của Đảng cộng sản Trung Quốc  (GS. Vương Lập Hoa trình bày). Phiên thứ hai, Hội thảo tập trung bàn và trao đổi về kinh nghiệm của hai Đảng.  GS Khương Việt Xuân (Trung Quốc) bàn về kinh nghiệm lãnh đạo và quản trị đất nước của Đảng cộng sản Trung Quốc. Bàn về kinh nghiệm xây dựng đảng và nâng cao năng lực lãnh đạo của ĐCS Việt Nam (PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà); Bàn về lãnh đạo và quản trị đất nước của ĐCS Trung Quốc trong bối cảnh mới (GS. Vương Nghĩa Ngôi); Bàn về hợp tác Lý luận giữa hai Đảng (tham luận do TS. Nguyễn Phương Hoa trình bày).

Hình ảnh tại điểm cầu Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam

Qua các tham luận và bình luận tại Hội thảo đã cho thấy dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, tại hai nước đều đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhận được  sự ủng hộ của nhân dân; vai trò và vị thế quốc tế được ghi nhận. Các chuyên gia Trung Quốc  đi sâu phân tích, luận giải ý nghĩa của Nghị quyết lịch sử lần thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các giải pháp thực hiện mục tiêu 100 lần 2 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các học giải Việt Nam chia sẻ về chặng đường xây dựng hiện đại hóa XHCN ở Việt Nam, các mục tiêu và giải pháp do Đại hội 13 ĐCS Việt Nam đề ra. Các chuyên gia hai bên cũng bình luận về bài học kinh nghiệm của hai Đảng, chia sẻ tính cấp thiết cần và nội dung trong  hợp tác lý luận giữa hai Đảng, tổng kết thực tiễn ở hai nước; hóa giải các khó khăn đối với hai nước.

Hình ảnh tại điểm cầu Viện Nghiên cứu tiền tệ Trùng Dương

Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Cường-Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc đã cám ơn đóng góp của các chuyên gia, đại biểu; cám ơn sự phối hợp và hợp tác của các bên; đánh giá cao các nội dung trao đổi tại Hội thảo. Qua nội dung được trình bày và trao đổi tại Hội thảo có thể thấy: trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển đất nước, hai bên đều kiên trì sự lãnh đạo của Đảng,  kiên trì sự chỉ đạo của Chủ nghĩa Mác Lenin kết hợp với tình hình thực tiễn và đặc điểm của mỗi nước; không ngừng tổng kết thực tiễn, sáng tạo lý luận; phát huy vai trò tiên phong của Đảng viên và tổ chức cơ sở đảng; coi trọng xây dựng Đảng, phòng chống tha hóa, suy thoái; giải quyết các mâu thuẫn cơ bản và đòi hỏi của xã hội; phát huy tính tích cực của các giai tầng trong xã hội.

Toàn cảnh Hội thảo

Khẳng định các nội dung được bàn luận tại Hội thảo đã góp phần thực hiện các mục tiêu, giải pháp do Đảng và Nhà nước tại hai bên đề ra, các chuyên gia học giả cần trao đổi sâu rộng hơn nữa về sự lãnh đạo của Đảng và quản trị quốc gia ở hai nước, đặc biệt các giải  pháp thúc đẩy tiến trình xây dựng hiện đại hóa XHCN ở hai nước, nắm bắt thời cơ, hóa giải những khó khăn hai nước đang phải đối mặt trong bối cảnh mới… góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh./.

Tin Phạm Vĩnh Hà

Ảnh Lê Anh Tú

In trang Chia sẻ

Tin khác