Phát biểu khai mạc hội thảo, Ngài Nishigori Naofumi, Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã đánh giá cao những thành tựu mà ASEAN đã đạt được trong thời gian qua, nhất là trong tiến trình liên kết kinh tế khu vực. Bằng việc thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), ASEAN đã trở thành một cộng đồng kinh tế có những tiến bộ hội nhập thực chất, đa sắc thái và có khả năng phục hồi tốt trong một môi trường ngày càng phức tạp. Với vị trí địa chiến lược quan trọng, ASEAN nằm ở vị trí trung tâm trong mạng lưới liên kết kinh tế khu vực trải dài từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, án ngữ các tuyến giao thông hàng hải “huyết mạch” qua eo biển Malacca, là cầu nối giao thương quan trọng giữa các cường quốc và các nước, có vị trí hết sức quan trọng trong các tiến trình hợp tác kinh tế ở châu Á -một trung tâm phát triển kinh tế năng động, thu hút nhiều sự quan tâm của thế giới. Vì vậy, ASEAN có vai trò trung tâm trong khu vực và đang tiếp tục nỗ lực đi đầu trong thúc đẩy liên kết, các cấu trúc kinh tế đang định hình ở châu Á – Thái Bình Dương…
|
TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm và Ngài Nishigori Naofumi, Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo |
Phát biểu chào mừng Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm đã đánh giá cao vai trò của Hội thảo khi trở thành diễn đàn để các bên liên quan có cơ hội trao đổi sâu về những vấn đề liên quan đến “vai trò và triển vọng của ASEAN trong bối cảnh khu vực và quốc tế đầy biến động hiện nay”. Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm nhận định, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương quy tụ 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) bao gồm: Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Phi cũng như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Với sự phát triển năng động, đóng góp chính trị to lớn, khu vực này càng ngày càng thể hiện vai trò then chốt trong việc định hình trật tự thế giới mới. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực đang phải đối mặt với các thách thức ngày càng phức tạp do ASEAN “được chọn” làm trung tâm cạnh tranh giữa các nước lớn. Nhiều nước trong khu vực lần lượt tuyên bố tầm nhìn Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản, đây cũng là quốc gia tích cực nhất trong khu vực muốn thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng dựa trên luật lệ, tuyên bố rõ khu vực Ấn Độ Dương cần được bảo đảm tự do hàng hải và hàng không dựa trên luật pháp quốc tế được thực thi…
Nhận định về vai trò trung tâm của ASEAN trong liên kết kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Phó Giáo sư Sanae Suzuki, chuyên gia ngành quan hệ quốc tế, Đại học Tokyo nhận định: Nhật Bản đánh giá cao vai trò hợp tác với các quốc gia trong khu vực ASEAN. Với vị trí địa chiến lược quan trọng, ASEAN đang trở thành đối trọng quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong giai đoạn hiện tại Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Nhật Bản, quan hệ với ASEAN ngày càng được chính phủ Nhật Bản được nhấn mạnh đặc biệt, trong đó quan hệ với Việt Nam được coi là then chốt nhất, mặc dù hai nước vẫn còn nhiều khác biệt về quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế.
|
Phó Giáo sư Sanae Suzuki, chuyên gia ngành quan hệ quốc tế, Đại học Tokyo thuyết trình trực tuyến từ Nhật Bản |
Bên cạnh các vấn đề liên quan đến vị trí, triển vọng của ASEAN các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận sâu hơn về những vấn đề liên quan đến Myanmar; vai trò của Chủ tịch và các đặc phái viên ASEAN đối với các vấn đề liên quan đến trật tự khu vực; vấn đề nhân đạo, an ninh hàng hải; ảnh hưởng của cạnh tranh Trung - Mỹ…
Theo PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, việc nhận định và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong các liên kết kinh tế sẽ giúp mở ra cơ hội thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp trao đổi thương mại, thu hút đầu tư, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hơn nữa, khi là một phần trong các mắt xích liên kết kinh tế quốc tế khu vực, các nước thành viên ASEAN sẽ buộc phải đổi mới, điều chỉnh, cải thiện chính sách, tạo môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng hơn nhằm thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ trong các nước nội khối ASEAN mà cả từ các nước ngoại khối, nhất là nguồn vốn Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao từ các nước đối tác Hiệp định thương mại tự do (FTA) của ASEAN tham gia vào chuỗi giá trị khu vực. Ngoài ra, việc thúc đẩy liên kết kinh tế sẽ khiến sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các bên, qua đó phần nào xoa dịu các căng thẳng chính trị ở khu vực.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng thảo luận sâu về vấn đề củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong liên kết kinh tế khu vực như: Nâng cao nội lực của chính mình; phát huy vai trò dẫn dắt trong thúc đẩy ngoại giao đa phương nói chung và liên kết kinh tế đa phương nói riêng; các mô hình phát triển kinh tế bền vững nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước; thúc đẩy hợp tác liên quốc gia giữa các thành viên trong khu vực nhằm khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong liên kết khu vực cũng như quản lý một cách chủ động và hiệu quả những thách thức chung như khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, xung đột, dịch bệnh và thảm họa thiên nhiên…
|
Toàn cảnh Hội thảo |
Tổng kết Hội thảo TS. Đặng Xuân Thanh đã đánh giá cao kết quả Hội thảo và cho rằng với các thông tin được chia sẻ các đại biểu có cơ hội hiểu biết hơn về nội hàm chính sách và các sáng kiến của Nhật Bản liên quan Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở; Hiểu biết hơn về lập trường, quan điểm của hai bên về các vấn đề khu vực và quốc tế; Ý nghĩa và tác động của việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN với việc thực thi Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Nhật Bản tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; Vai trò của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong việc hỗ trợ các nước ASEAN nâng cao tự chủ chiến lược và sức chống chịu kinh tế; Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong khung khổ Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở vì phát triển hòa bình, thịnh vượng, bao trùm trong bối cảnh quốc tế mới… góp phần khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh khu vực và quốc tế đầy biến động hiện nay./.
Phạm Vĩnh Hà