TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
------------------------------
Số: 81/KH-CĐVC
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------------------------------
Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
Triển khai thực hiện Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động
Thực hiện Kế hoạch số 87 /KH-TLĐ ngày 20/01/2021 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc triển khai thực hiện Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 trong công nhân lao động, công chức, viên chức và tổ chức công đoàn. Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Bộ luật Lao động trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và tổ chức công đoàn cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU
1. Nâng cao nhận thức cho cán bộ công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành, từ đó thúc đẩy việc tuân thủ và thực thi pháp luật trong đoàn viên, người lao động. Phấn đấu 100% cán bộ công đoàn được tập huấn, phổ biến những nội dung cơ bản của Bộ luật Lao động.
2. Thể hiện rõ vai trò của tổ chức công đoàn và cán bộ công đoàn trong thực hiện, giám sát thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định.
3. Việc triển khai thực hiện phải đảm bảo thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, góp phần thực hiện nghiêm túc Bộ luật Lao động trong thực tiễn.
II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Tuyên truyền, phổ biến về Bộ luật Lao động, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động
a) Nội dung, hình thức
- Giới thiệu, phổ biến các nội dung cơ bản, nhất là các nội dung mới của Bộ luật Lao động, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Đặc biệt là những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của người lao động và tổ chức công đoàn.
- Tìm hiểu, nghiên cứu kỹ những nội dung pháp luật quy định cho hai bên thương lượng, thỏa thuận để tổ chức Công đoàn và người lao động thực hiện theo hướng bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động.
- Sử dụng các hình thức tập huấn, hội thảo, hội nghị tuyên truyền, phổ biến phù hợp với cán bộ công đoàn, người lao động, nhất là trong khu vực doanh nghiệp; Biên soạn, phát hành tài liệu giới thiệu về Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ.
b) Đơn vị thực hiện: Ban Chính sách pháp luật, Ban Tuyên giáo - Nữ công, các Công đoàn trực thuộc Công đoàn Viên chức Việt Nam
c) Thời gian thực hiện: Thường xuyên (tập trung trong năm 2021).
2. Tham gia xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động; sửa đổi, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện trong hệ thống Công đoàn Việt Nam phù hợp với pháp luật lao động.
- Tiếp tục tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động do Tổng Liên đoàn chủ trì.
- Tổ chức lấy ý kiến thông qua các hội nghị, hội thảo, khảo sát tại đơn vị, doanh nghiệp, lấy ý kiến trực tiếp vào dự thảo văn bản…vv
3. Phối hợp rà soát, sửa đổi các quy định trong đơn vị, doanh nghiệp phù hợp với pháp luật lao động
a) Nội dung - hình thức
- Hỗ trợ người lao động rà soát các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động trong hợp đồng lao động, nhất là tiền lương, thời giờ làm việc…vv để sửa đổi theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người lao động và phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động.
- Phối hợp với người sử dụng lao động rà soát hợp đồng lao động, nội quy, quy chế, quy định, thỏa ước lao động tập thể…vv tại đơn vị, doanh nghiệp. Đối với hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, các thỏa thuận hợp pháp đã giao kết có nội dung không trái hoặc bảo đảm cho người lao động có quyền và điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của Bộ luật Lao động thì tiếp tục thực hiện. Đối với những nội dung trái hoặc bất lợi cho người lao động thì phải tiến hành sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động.
b) Đơn vị thực hiện: Công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở.
d) Thời gian thực hiện: Thường xuyên (tập trung trong năm 2021).
3. Giám sát và hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức công đoàn cơ sở thực hiện các quy định của pháp luật lao động; sơ kết tình hình thực hiện Bộ luật Lao động
a) Nội dung – hình thức
- Đối thoại, trao đổi, giải đáp pháp luật lao động, kịp thời nắm bắt tình hình thực tiễn và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho người lao động, tổ chức công đoàn, doanh nghiệp trong quá trình áp dụng Bộ luật Lao động.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức các đoàn giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt là các quy định của Bộ luật Lao động.
- Sơ kết tình hình thực hiện Bộ luật Lao động, tổng hợp kết quả thực hiện, vướng mắc, khó khăn trong 3 năm thi hành Bộ luật Lao động (quý 4/2023).
b) Đơn vị thực hiện: Ban Chính sách pháp luật, các công đoàn cấp trên cơ sở.
c) Đơn vị phối hợp: các ban của Công đoàn Viên chức Việt Nam.
đ) Thời gian thực hiện: Hàng năm (trọng tâm là năm 2021, 2022, 2023).
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm thực hiện
a) Ban Chính sách pháp luật, Ban Tuyên giáo- Nữ Công, các công đoàn trực thuộc Công đoàn Viên chức Việt Nam và các ban, đơn vị liên quan có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này.
b) Trên cơ sở Kế hoạch này các Công đoàn trực thuộc triển khai cụ thể hóa kế hoạch phù hợp với tình hình cơ quan đơn vị.
c) Giao cho Ban chính sách pháp luật là bộ phận thường trực, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch này.
2. Kinh phí bảo đảm thực hiện: Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch này được bảo đảm từ nguồn tài chính công đoàn theo quy định và nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Bộ luật Lao động trong trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Công đoàn Viên chức Việt Nam yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện.
Nơi nhận:
- Các công đoàn trực thuộc;
- Các ban CĐVCVN;
- Lưu: VP, Ban CSPL, Ban TGNC.
|
T.M BAN BAN THƯỜNG VỤ
PHÓ CHỦ TỊCH
Đã ký
Phan Phương Hạnh
|