I. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC
Viện Sử học mà tiền thân là Tổ Lịch sử thuộc Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học được thành lập ngày 2/12/1953 tại chiến khu Việt Bắc theo Quyết định số 34 NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đến nay tròn 60 năm xây dựng và phát triển.
Sự ra đời của Ban Nghiên cứu Lịch sử - Địa lý - Văn học (sau đổi thành Ban Nghiên cứu Văn - Sử - Địa) đánh dấu một bước phát triển mới của khoa học xã hội Việt Nam, trong đó có khoa học lịch sử. Trong Ban Nghiên cứu Lịch sử - Địa lý - Văn học, Tổ Lịch sử đóng vai trò trung tâm. Trong số 5 thành viên sáng lập và lãnh đạo Ban lúc đó có 4 thành viên của Tổ Lịch sử, gồm: Trần Huy Liệu, Tôn Quang Phiệt, Minh Tranh và Trần Đức Thảo. Trần Huy Liệu là Trưởng ban, đồng thời là người trực tiếp phụ trách Tổ Lịch sử. Tổ Lịch sử ban đầu có 7 người trong đó có 3 cán bộ nghiên cứu, 1 phiên dịch Hán - Nôm, 1 cán bộ tư liệu - thư viện và 2 nhân viên hành chính.
Năm 1954, sau khi Thủ đô được giải phóng, cùng với các cơ quan khác của Trung ương, Ban Nghiên cứu Văn - Sử - Địa chuyển về Hà Nội. Năm 1956, theo yêu cầu phát triển của đất nước và để phù hợp với việc quản lý nhà nước, Ban Nghiên cứu Văn - Sử - Địa từ chỗ là cơ quan của Đảng chuyển về trực thuộc Bộ Giáo dục. Tổ Lịch sử được chuyển thành Phòng Lịch sử.
Sau khi Ban Nghiên cứu Văn - Sử - Địa thành lập, tháng 6/1954, Tập san Nghiên cứu Sử ký - Địa lý - Văn học ra số đầu tiên, đến số 3 được đổi là Tập san Văn Sử Địa. Sang năm 1955, trước sự phát triển của Ban và yêu cầu công bố rộng rãi các công trình nghiên cứu cũng như phổ biến các bộ lịch sử do ông cha ta để lại, Tổ Xuất bản được thành lập, sau đó Tổ Xuất bản chuyển thành Nhà xuất bản Văn Sử Địa, sau này phát triển thành Nhà xuất bản Sử học rồi Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
Điều kiện hòa bình đã giúp cho Phòng Lịch sử ngày càng phát triển. Lúc này số lượng cán bộ, nhân viên của Phòng được tăng lên do tiếp nhận được một số cán bộ trí thức từ quân đội chuyển ngành sang, từ Khu học xá Trung ương về, từ miền Nam tập kết ra Bắc…Từ số lượng ít ỏi ban đầu gồm 7 người lúc mới thành lập, đến năm 1956, Phòng Lịch sử thuộc Ban Nghiên cứu Văn - Sử - Địa đã tăng lên thành 20 người và đến năm 1959 đã có trên 40 người. Đó là sự phát triển đáng kể về lực lượng cán bộ Phòng Lịch sử.
Sang năm 1959, để đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học, kể cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 4/3/1959, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh thành lập Uỷ ban Khoa học Nhà nước trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Phòng Lịch sử cùng với các bộ phận nghiên cứu về Văn học, Địa lý của Ban Nghiên cứu Văn - Sử - Địa được chuyển từ Bộ Giáo dục sang Uỷ ban Khoa học Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 039-TTg, ngày 6/2/1960, thành lập Viện Sử học thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước. Quyết định quy định nhiệm vụ của Viện Sử học là: "Căn cứ vào đường lối của Đảng và Chính phủ, nghiên cứu lịch sử theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, góp phần vào cuộc đấu tranh cho hòa bình và chủ nghĩa xã hội thế giới".
Tập san Văn Sử Địa được chuyển thành Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, cơ quan ngôn luận của giới sử học Việt Nam và trực thuộc Viện Sử học cũng ra số đầu tiên từ tháng 3 năm 1959.
Sự ra đời của Viện Sử học trên cơ sở Phòng Lịch sử thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước là một bước tiến trên con đường xây dựng một Viện nghiên cứu đầu ngành về sử học nói riêng và về khoa học xã hội ở nước ta nói chung.
Việc đầu tiên mà Viện Sử học thực hiện là xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, xây dựng và củng cố tổ chức của Viện. Từ năm 1960 đến năm 1965, Viện Sử học đã xây dựng được một hệ thống tổ chức khá hoàn chỉnh. Giúp việc cho Viện trưởng về mặt khoa học có Hội đồng khoa học Viện. Các tổ chức trực thuộc Viện gồm có: Văn phòng Viện, Nhà xuất bản Sử học (sau chuyển thành Nhà xuất bản Khoa học xã hội), Tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử và các ban nghiên cứu khoa học: Lịch sử Cổ - Trung đại Việt Nam, Lịch sử Cận đại Việt Nam, Lịch sử Hiện đại Việt Nam, Lịch sử Thế giới, Khảo cổ học, Dân tộc học, Ban Phiên dịch Hán - Nôm.
Trải qua nhiều lần thay đổi, đến nay cơ cấu tổ chức của Viện Sử học bao gồm Hội đồng Khoa học, 9 phòng nghiên cứu và nghiệp vụ: Phòng Nghiên cứu Lịch sử Cổ - Trung đại Việt Nam, Phòng Nghiên cứu Lịch sử Cận đại Việt Nam, Phòng Nghiên cứu Lịch sử Hiện đại Việt Nam, Phòng Nghiên cứu Lịch sử Địa phương và Chuyên ngành, Phòng Nghiên cứu Lịch sử Thế giới, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Phòng Thông tin - Thư viện, Phòng Hành chính - Tổ chức, Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế.
Số lượng cán bộ của Viện ngày càng được bổ sung từ nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu là từ các trường đại học trong nước và nước ngoài. Vào năm 1975, số cán bộ của Viện lên đến 80 người. Hiện nay, Viện Sử học có gần 60 cán bộ, viên chức, trong đó có 40 cán bộ có trình độ trên đại học gồm 12 Phó giáo sư - Tiến sỹ, 4 Tiến sỹ và 24 thạc sỹ, số còn lại phần lớn đang theo học nghiên cứu sinh và cao học.
Các cán bộ lãnh đạo của Viện Sử học đã qua nhiều lần thay đổi. Từ khi chính thức thành lập Viện năm 1960 đến năm 1969, Viện Sử học do GS.VS. Trần Huy Liệu làm Viện trưởng, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Sau khi GS.VS. Trần Huy Liệu qua đời (tháng 6/1969), GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội kiêm nhiệm Viện trưởng Viện Sử học. Tiếp đó, từ năm 1980 đến năm 2005, lần lượt GS. Văn Tạo, GS. Nguyễn Hồng Phong, PGS. Cao Văn Lượng, PGS.TS. Trần Đức Cường làm Viện trưởng. Từ năm 2005 đến nay, Viện Sử học do PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật làm Viện trưởng. Các nhà khoa học sau đây đã giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Sử học: GS. Văn Tạo, GS. Nguyễn Công Bình, GS.TS. Phạm Xuân Nam, PGS. Cao Văn Lượng, PGS.TS. Đỗ Văn Ninh, Nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc, PGS.TS. Trần Đức Cường, PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật, TS. Trần Hữu Đính, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Mão. Từ năm 2012 đến nay, Phó Viện trưởng là PGS.TS. Đinh Quang Hải và PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Viện thường xuyên chăm lo tập hợp, xây dựng và đào tạo đội ngũ chuyên gia về các lĩnh vực, các thời kỳ lịch sử. Trong đội ngũ khoa học của Viện Sử học, nhiều người trở thành những chuyên gia đầu ngành của nền sử học ở Việt Nam như: GS.VS. Trần Huy Liệu, GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn, GS. Trần Văn Giàu, GS. Đào Duy Anh, GS. Trần Đức Thảo, GS. Trần Văn Giáp, GS. Văn Tân, GS. Nguyễn Đổng Chi, Nhà nghiên cứu Nguyễn Lương Bích, Hoa Bằng, Tôn Quang Phiệt, Minh Tranh, GS. Nguyễn Hồng Phong, GS. Văn Tạo, GS. Nguyễn Công Bình, PGS. Bùi Đình Thanh, GS.TS. Phạm Xuân Nam, PGS. Cao Văn Lượng, PGS.TS. Trần Đức Cường ...
Trong số các nhà khoa học kể trên, một số nhà sử học như GS.VS. Trần Huy Liệu, GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn, GS. Đào Duy Anh, GS. Trần Văn Giàu, GS. Trần Văn Giáp, GS. Văn Tân... thuộc thế hệ đầu tiên của Viện Sử học, đồng thời cũng thuộc thế hệ đầu tiên của nền sử học mácxít Việt Nam. Với kiến thức uyên thâm, phong cách làm việc khoa học, cần mẫn các nhà khoa học trên không những có tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các thế hệ cán bộ của Viện Sử học, mà còn góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nền sử học nước nhà, nhất là vào việc đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kế tiếp của Viện, trong đó có nhiều học trò ưu tú đã và đang đảm nhiệm vai trò nòng cốt trong nghiên cứu và giảng dạy lịch sử ở một số Viện nghiên cứu và Trường Đại học.
Sự lớn mạnh của Viện Sử học cũng như sự phát triển của đội ngũ cán bộ khoa học của Viện đã góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển một số cơ quan nghiên cứu khác của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Năm 1968, do yêu cầu phát triển của các ngành khoa học lịch sử, Tổ Khảo cổ học và Tổ Dân tộc học của Viện Sử học được Nhà nước cho phép tách ra để thành lập Viện Khảo cổ học và Viện Dân tộc học. Những cán bộ của Viện Sử học trở thành đội ngũ nòng cốt đầu tiên để xây dựng hai Viện nghiên cứu này.
Vào những năm tiếp theo, nhiều cán bộ cốt cán của Viện Sử học được điều sang thành lập và công tác tại các Viện nghiên cứu và các cơ quan chuyên môn khác như: Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Sử học cung cấp 12 trên tổng số 16 cán bộ đầu tiên), Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Xã hội học v.v...
Một số cán bộ cốt cán của Viện đã được bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng trong tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội như Bí thư Đảng ủy Phạm Xuân Nam, Cao Văn Lượng, Trần Đức Cường; Phó Giám đốc Trung tâm KHXH&NV Quốc gia Phạm Xuân Nam, Phó Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam Trần Đức Cường.
II. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA VIỆN SỬ HỌC HIỆN NAY
Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước cũng như vai trò ngày càng quan trọng của Viện Khoa học xã hội Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2012/NĐ-CP, ngày 26 tháng 12 năm 2012 Về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Trên cở sở Nghị định số 109/2012/NĐ-CP của Chính phủ, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ra Quyết định số 258/QĐ-KHXH, ngày 27 tháng 02 năm 2013 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Sử học.
1. Vị trí, chức năng
1. Viện Sử học là tổ chức nghiên cứu khoa học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học lịch sử; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch và chính sách phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tổ chức tư vấn và đào tạo sau đại học về khoa học lịch sử; tham gia phát triển tiềm lực khoa học lịch sử của cả nước.
2. Viện Sử học có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật, hoạt động từ ngân sách nhà nước; là đơn vị kế hoạch tài chính của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
3. Viện Sử học có trụ sở chính đặt tại thành phố Hà Nội; tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh: Institute of History.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Trình Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chiến lược, quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm của Viện Sử học và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
2. Nghiên cứu cơ bản về những vấn đề lịch sử trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm làm rõ sự thật lịch sử, từ đó phát hiện những quy luật, tìm ra những bài học bổ ích, những di sản lịch sử cần kế thừa, góp phần vào việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, xã hội hiện tại và những dự án cho tương lai.
3. Tổ chức nghiên cứu những vấn đề lý luận và phương pháp luận sử học, phê phán các quan điểm phi lịch sử hoặc bóp méo, xuyên tạc lịch sử.
4. Nghiên cứu, biên soạn, giới thiệu lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại, nghiên cứu và giới thiệu lịch sử các nước trên thế giới.
5. Kết hợp nghiên cứu với đào tạo trong lĩnh vực lịch sử, thực hiện đào tạo sau đại học theo quy định của pháp luật, tham gia phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao theo yêu cầu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các ngành, các địa phương.
6. Góp ý và phản biện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng theo yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương theo sự phân công của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
7. Tổ chức tư vấn khoa học và thực hiện cung cấp dịch vụ về những vấn đề kinh tế - xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện Sử học.
8. Hợp tác quốc tế về nghiên cứu và đào tạo theo quy định hiện hành.
9. Trao đổi thông tin khoa học với các cơ quan trong nước và nước ngoài theo quy định; quản lý tư liệu, thư viện; xuất bản các ấn phẩm khoa học; phổ biến các kết quả nghiên cứu khoa học và truyền bá các kiến thức khoa học.
10. Quản lý về tổ chức, bộ máy, vị trí làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số người làm việc trong đơn vị; tài sản và kinh phí của Viện Sử học theo các quy định của Nhà nước và theo sự phân cấp quản lý của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
11. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam .
3. Cơ cấu tổ chức
Tổ chức của Viện Sử học gồm Ban Lãnh đạo Viện, Hội đồng khoa học, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 5 phòng nghiên cứu khoa học và 3 phòng chức năng, nghiệp vụ như đã nêu ở phần I.
III. NHỮNG THÀNH TỰU CHỦ YẾU
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được Đảng và Nhà nước cũng như Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam quy định, trong 60 năm qua, các hoạt động của Viện Sử học tập trung thực hiện và đạt được những thành tựu chủ yếu sau đây:
1. Nghiên cứu những vấn đề cơ bản của lịch sử Việt Nam.
Nghiên cứu những vấn đề cơ bản của lịch sử Việt Nam vừa có ý nghĩa lý luận vừa có giá trị thực tiễn phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong suốt 60 năm qua, Viện Sử học đã tập trung nghiên cứu và xuất bản nhiều công trình khoa học có giá trị trên nhiều lĩnh vực.
- Nghiên cứu các vấn đề lịch sử thời đại Hùng Vương
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về tư liệu lịch sử, phương tiện và kỹ thuật, tài chính…, Viện Sử học đã đạt được những thành tựu mà giới học giả trong và ngoài nước đánh giá cao. Các công trình nghiên cứu về vấn đề này được thể hiện trong bộ sách Thời đại Hùng Vương: Lịch sử kinh tế, văn hóa, xã hội gồm 4 tập (của Văn Tân, Nguyễn Linh, Lê Văn Lan). Những kết quả nghiên cứu về thời đại Hùng Vương đã góp phần khẳng định và tạo niềm tin của nhân dân ta vào cội nguồn và sự thống nhất quốc gia, dân tộc Việt Nam.
- Nghiên cứu về văn hóa - văn minh Việt Nam
Viện Sử học là cơ quan khởi xướng và tổ chức nghiên cứu về văn hóa - văn minh Việt Nam, coi đây là một trong những chủ đề quan trọng nhằm làm sáng tỏ bản sắc văn hóa dân tộc. Về lĩnh vực này, đã có hàng loạt các công trình nghiên cứu được công bố, đáng chú ý nhất là các công trình: Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám (công trình của GS. Trần Văn Giàu, gồm 3 tập, đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I), Giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam (của GS. Trần Văn Giàu), Tâm lý, tính cách dân tộc Việt Nam (của GS. Nguyễn Hồng Phong), Văn hóa, văn minh vì sự phát triển và tiến bộ xã hội và hai đề tài thuộc chương trình cấp Nhà nước do Viện Sử học thực hiện: Văn hóa quản lý (GS. Nguyễn Hồng Phong làm Chủ nhiệm), Văn minh Việt Nam trong quá khứ và viễn cảnh (PGS.TS. Trần Đức Cường làm Chủ nhiệm); một số đề tài khác thuộc chương trình cấp bộ cũng đã được công bố, như cuốn Văn hóa chính trị Việt Nam (của GS. Nguyễn Hồng Phong), cuốn Sự đa dạng văn hóa và đối thoại giữa các nền văn hóa - Một góc nhìn từ Việt Nam (của GS.TS. Phạm Xuân Nam), sách Lịch sử tư tưởng phương Đông và Việt Nam (của PGS.TS. Nguyễn Minh Tường) v.v...
- Nghiên cứu các vấn đề về chính trị, kinh tế - xã hội trong lịch sử
Nghiên cứu các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử là một vấn đề quan trọng, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc, góp phần làm sáng tỏ những đặc điểm, quy luật và di sản của lịch sử dân tộc và qua đó góp phần nhất định vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Về chủ đề này, đáng chú ý nhất là các công trình Xã thôn Việt Nam, Một số vấn đề hình thái kinh tế - xã hội, văn hóa và phát triển (của GS. Nguyễn Hồng Phong), Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, Tìm hiểu xã thôn Việt Nam thời Lý - Trần, (của nhiều tác giả), Phương thức sản xuất châu Á - Lý luận Mác - Lênin và thực tiễn Việt Nam, Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, Chúng ta kế thừa di sản nào? (của GS. Văn Tạo, Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử (GS. Văn Tạo và GS Furuta Motoo chủ biên), Chính quyền thuộc địa ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 (của PGS.TS. Dương Kinh Quốc), Nhà Đinh dẹp loạn và giữ nước, Hồ Quý Ly (của PGS.TS. Nguyễn Danh Phiệt), Cải cách hành chính dưới triều Minh Mệnh, Cao Bá Quát - con người và sự nghiệp (của PGS.TS. Nguyễn Minh Tường), Thiết chế và phương thức tuyển dụng quan lại của chính quyền nhà nước trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII ( của PGS.TS. Trần Thị Vinh), v.v.. Nhiều cuộc hội thảo khoa học đã được Viện Sử học tổ chức về những cuộc canh tân, cải cách trong lịch sử như cuộc cải cách của Hồ Quý Ly, Nguyễn Trường Tộ; tổ chức các chuyên san về Nhà Mạc, Nhà Hồ, Nhà Nguyễn … để làm sáng tỏ thêm một số vấn đề về lịch sử dân tộc.
- Nghiên cứu về giai cấp công nhân
Đây là những vấn đề được Viện Sử học quan tâm nghiên cứu và đã đạt được những kết quả đáng kể. Ngoài công trình đồ sộ Giai cấp công nhân Việt Nam (của GS. Trần Văn Giàu, đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I) và Giai cấp công nhân Việt Nam trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa (công trình hợp tác giữa Viện Sử học Việt Nam và Viện Phương Đông Liên Xô), còn có một số công trình về giai cấp công nhân Việt Nam đã được xuất bản như: Công nhân miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 (của PGS. Cao Văn Lượng), Giai cấp công nhân Việt Nam những năm trước khi thành lập Đảng (của PGS. Ngô Văn Hòa và PGS.TS. Dương Kinh Quốc), Giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ 1939-1945 (của PGS. Cao Văn Biền), Giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ 1945-1954 (của Nguyễn Hữu Hợp và Phạm Quang Toàn), Giai cấp công nhân miền Bắc Việt Nam 1955-1960 (của GS. Văn Tạo và PGS.TS. Đinh Thị Thu Cúc), Công nghiệp than Việt Nam (của PGS. Cao Văn Biền), Công nghiệp hóa - hiện đại hóa và sự phát triển của giai cấp công nhân (do PGS. Cao Văn Lượng làm Chủ biên), Xây dựng và phát triển văn hóa của giai cấp công nhân Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế (PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật làm Chủ biên), Về thực trạng giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay (TS. Phạm Quang Trung, PGS.TS. Cao Văn Biền, PGS.TS. Trần Đức Cường) v.v...
- Nghiên cứu về giai cấp nông dân, vấn đề ruộng đất, nông thôn, nông nghiệp trong lịch sử
Đây cũng là vấn đề mà Viện Sử học tập trung nghiên cứu và thu được nhiều thành tựu. Nhiều công trình về vấn đề này đã được xuất bản như: Nông thôn Việt Nam trong lịch sử 2 tập (của nhiều tác giả), Nông dân và nông thôn Việt Nam thời cận đại 2 tập (của nhiều tác giả), Tìm hiểu vấn đề ruộng đất Việt Nam đầu thế kỷ XIX (của PGS. Vũ Huy Phúc), Quá trình biến đổi về chế độ sở hữu ruộng đất và cơ cấu giai cấp nông thôn đồng bằng sông Cửu Long (1969-1975) (của TS. Trần Hữu Đính), Thái ấp điền trang thời Trần (của PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi), Đồn điền của người Pháp ở Bắc Kỳ 1884-1918 (của PGS.TS. Tạ Thị Thúy), Lịch sử tín dụng nông nghiệp Việt Nam (của TS. Phạm Quang Trung), Vấn đề trị thủy ở đồng bằng Bắc Bộ dưới triều Nguyễn (của TS. Đỗ Đức Hùng), Việc nhượng đất, khẩn hoang ở Bắc Kỳ từ 1919 đến 1945 (của PGS.TS. Tạ Thị Thúy), Hương ước cổ làng xã Đồng bằng Bắc Bộ (của PGS.TS. Vũ Duy Mền), Sông đào Thanh Hóa từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, Làng nghề thủ công và làng khoa bảng thời phong kiến ở đồng bằng sông Mã của TS. Hà Mạnh Khoa v.v... Ngoài ra, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử đã công bố hàng trăm bài nghiên cứu về vấn đề ruộng đất và phong trào nông dân trong lịch sử.
- Nghiên cứu những vấn đề về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc
Nghiên cứu, khai thác những bài học lịch sử về quá trình đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc luôn là nhiệm vụ quan trọng của Viện Sử học. Về chủ đề này, trước hết phải kể đến các công trình: Lịch sử 80 năm chống Pháp (của GS.VS. Trần Huy Liệu, đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I), Nguyễn Trãi đánh giặc, Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ (của Nguyễn Lương Bích), Cách mạng Tây Sơn (của GS. Văn Tân), Hai mươi năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (của PGS. Bùi Đình Thanh), Công cuộc bảo vệ và xây dựng chính quyền nhân dân trong những năm 1945-1946 (của TS. Nguyễn Tố Uyên), Lịch sử cách mạng miền Nam 1954-1960 của PGS. Cao Văn Lượng v.v... Ngoài ra, trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử đã đăng tải nhiều bài về giai cấp công nhân miền Bắc Việt Nam, về vấn đề hợp tác hóa nông nghiệp, vấn đề văn hóa, giáo dục, về nhà nước cách mạng Việt Nam...
Nghiên cứu về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Viện Sử học được Bộ Chính trị giao nghiên cứu và xuất bản các công trình: Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Liên khu Việt Bắc (1945-1954), Lịch sử kháng chiến chống Pháp của quân và dân khu Tây Bắc (1945-1954).
Phục vụ sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, trước hết phải kể đến công trình đồ sộ Miền Nam giữ vững thành đồng gồm 5 tập (của GS. Trần Văn Giàu) và công trình Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một của nhiều tác giả). Ngoài ra, còn có một số công trình nghiên cứu về cách mạng miền Nam, về đấu tranh thống nhất đất nước đã được Viện Sử học xuất bản trong những năm 1959-1976.
Viện Sử học cũng đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế và quốc gia kỷ niệm những ngày lễ lớn như kỷ niệm Chiến thắng Bạch Đằng, Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4 v.v... Trong các dịp kỷ niệm lớn này, Viện Sử học đã cho xuất bản cuốn sách như Cách mạng tháng Tám - Những sự kiện lịch sử, Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh dân tộc và tầm vóc thời đại, Nửa thế kỷ đấu tranh dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội v.v...
2. Biên soạn các bộ thông sử
Đi đôi với việc nghiên cứu, biên soạn các công trình chuyên sâu về những vấn đề lịch sử, Viện Sử học tổ chức nghiên cứu, biên soạn bộ Thông sử Việt Nam từ khởi thủy cho đến nay. Trước đây, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội, kiêm Viện trưởng Viện Sử học, một số nhà sử học trong và ngoài Viện đã thực hiện việc biên soạn và xuất bản bộ Lịch sử Việt Nam gồm 2 tập.
Đến nay, Viện Sử học đã tổ chức biên soạn bộ thông sử Lịch sử Việt Nam 15 tập từ khởi thủy đến năm 2000 theo quy mô đề tài trọng điểm cấp Bộ. Một số tập đã được xuất bản và trong năm 2013 sẽ xuất bản trọn bộ 15 tập của bộ sách này gồm: Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ X (do PGS.TS. Vũ Duy Mền làm chủ biên), Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV (do PGS.TS. Trần Thị Vinh làm chủ biên), Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI (do PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn làm chủ biên), Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII (do PGS.TS. Trần Thị Vinh làm chủ biên), Lịch sử Việt Nam từ 1802 đến 1858 (do TS. Trương Thị Yến làm chủ biên), Lịch sử Việt Nam từ 1858 đến năm 1896 (do PGS.TS. Võ Kim Cương làm chủ biên), Lịch sử Việt Nam từ 1896 đến 1919, Lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 1930, Lịch sử Việt Nam từ 1930 đến 1945 (do PGS.TS. Tạ Thị Thúy làm chủ biên), Lịch sử Việt Nam từ 1945 đến 1950 (do PGS.TS. Đinh Thị Thu Cúc làm chủ biên), Lịch sử Việt Nam từ 1951 đến 1954 (do PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật làm chủ biên), Lịch sử Việt Nam từ 1954 đến 1965 (do PGS.TS. Trần Đức Cường làm chủ biên), Lịch sử Việt Nam từ 1965 đến 1975 (do PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật làm chủ biên), Lịch sử Việt Nam từ 1975 đến 1986 (do PGS.TS. Trần Đức Cường làm chủ biên), Lịch sử Việt Nam từ 1986 đến 2000 (do PGS.TS. Nguyễn Ngọc Mão làm chủ biên).
Tuy nội dung có thể chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của giới Sử học cũng như của xã hội, song bộ Lịch sử Việt Nam 15 tập của Viện Sử học là bộ thông sử lớn nhất được công bố hiện nay. Các tập thông sử nói trên góp phần vào việc truyền bá, nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử Việt Nam ở trong nước cũng như quảng bá lịch sử, văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Đồng thời với việc xuất bản bộ thông sử Việt Nam 15 tập, Viện Sử học biên soạn và xuất bản bộ sách Lịch sử Việt Nam thường thức từ khởi thủy đến năm 2000 gồm 5 tập. Tập 1: Lịch sử Việt Nam thường thức từ khởi thủy đến thế kỷ X (do TS. Hà Mạnh Khoa làm chủ biên); Tập 2: Lịch sử Việt Nam thường thức từ thế kỷ XX đến 1858 (do PGS.TS. Nguyễn Minh Tường làm chủ biên); Tập 3: Lịch sử Việt Nam thường thức từ 1858 đến 1945 (do PGS.TS. Tạ Thị Thúy làm chủ biên); Tập 4: Lịch sử Việt Nam thường thức từ 1945 đến 1975 (do PGS.TS. Đinh Quang Hải làm chủ biên); Tập 5: Lịch sử Việt Nam thường thức từ 1975 đến năm 2000 (do PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ làm chủ biên).
Hiện nay, Viện Sử học đã hoàn thành việc biên soạn bộ Lịch sử Giáo dục Việt Nam từ thế kỷ X đến năm 2000 gồm 5 tập: Tập 1: Giáo dục Việt Nam từ thế kỷ X đến năm 1858 (do PGS.TS. Vũ Duy Mền làm chủ biên); Giáo dục Việt Nam từ 1858 đến năm 1945 (do PGS.TS. Trần Đức Cường làm chủ biên); Giáo dục Việt Nam từ 1945 đến năm 1975 (do PGS.TS. Đinh Quang Hải làm chủ biên); Giáo dục miền Nam Việt Nam 1954-1975 (do PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật làm chủ biên); Giáo dục Việt Nam từ năm 1975 đến năm 2000 (do PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi làm chủ biên). Bộ sách này sẽ được xuất bản trong thời gian tới.
Đi đôi với việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam, Viện Sử học còn tổ chức nghiên cứu và biên soạn lịch sử thế giới. Hướng nghiên cứu cơ bản chủ yếu tập trung vào phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc và lịch sử một số nước lớn trên thế giới.
Một số công trình về lịch sử thế giới đã được công bố như: Phong trào đấu tranh chống đế quốc Mỹ ở châu Mỹ Latinh, Lịch sử cách mạng Cuba (của GS.TS. Phạm Xuân Nam), Lịch sử Indonexia (của Võ Văn Nhung), Chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ và phong trào chống Mỹ ở châu Phi (của Nguyễn Hữu Thùy), Châu Phi vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (của Ngô Phương Bá, Võ Kim Cương, Lê Trung Dũng), Cách mạng tháng Mười và Cách mạng Việt Nam (của nhiều tác giả). Hiện nay Viện Sử học đang biên soạn 2 tập Đại cương lịch sử Thế giới (do PGS.TS. Lê Trung Dũng và TS. Nguyễn Thị Hồng Vân làm chủ biên).
Như vậy, tính đến nay, Viện Sử học đã xuất bản được hơn 400 đầu sách (trong đó, có những đầu sách gồm hàng chục tập), ra được 450 số Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử với hơn 5.000 luận văn, trong đó có nhiều công trình góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hình thành quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
3. Sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật và công bố tư liệu lịch sử, biên soạn các bộ sách công cụ
Cùng với việc nghiên cứu, biên soạn các bộ thông sử, các sách chuyên khảo sâu về các lĩnh vực, Viện Sử học luôn chú trọng nghiên cứu, khai thác các di sản lịch sử của dân tộc. Trong nhiều năm, Viện đã thu thập, giám định, dịch thuật và cho xuất bản các bộ lịch sử cổ bằng chữ Hán mà các thế hệ ông cha để lại, trong số đó đáng chú ý nhất là các bộ như Việt sử thông giám cương mục (20 tập), Đại Việt sử ký toàn thư (4 tập), Đại Nam nhất thống chí (5 tập), Đại Nam thực lục (38 tập), Lịch triều hiến chương loại chí (2 tập), Nguyễn Trãi toàn tập, Lê Quý Đôn toàn tập, Đại Việt thông sử, Quốc triều hình luật, Đại Nam liệt truyện, Lê triều quan chế, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (10 tập), Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt địa dư toàn biên, Sử học bị khảo, Gia Định thành thông chí, Cổ luật Việt Nam và nhiều bộ sách khác. Hiện nay, Viện phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục tái bản bộ Đại Nam thực lục (10 tập) và với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế hoàn chỉnh bản dịch và công bố lần đầu bộ sách Đại Nam hội điển sự lệ (tục biên) gồm 10 tập.
Do có một đội ngũ cán bộ có trình độ học vấn cao, nên những bộ sách nói trên đã được dịch ra tiếng Việt một cách chuẩn xác, trở thành sách công cụ của giới sử học và là cơ sở cho tất cả những ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Đó còn là những di sản vô giá mà ông cha ta để lại giúp chúng ta nghiên cứu, đánh giá những giá trị và bản sắc của văn hóa dân tộc.
Không chỉ tổ chức sưu tầm, thẩm định, dịch thuật và xuất bản các tác phẩm lịch sử do ông cha ta để lại, Viện Sử học đã tổ chức biên soạn, chỉnh lý và công bố các bộ sách về tư liệu lịch sử, như: Tài liệu tham khảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam (12 tập), Cách mạng Tháng Tám (2 tập), Biên niên lịch sử Việt Nam từ Cổ đại đến Hiện đại (4 tập), Thế giới - Những sự kiện lịch sử thế kỷ XX (2 tập), Việt Nam - Những thay đổi địa danh và địa giới hành chính (1945-2002), Cách mạng Tháng Tám 1945 - Những sự kiện lịch sử...Hiện nay Viện Sử học đang chỉnh sửa để xuất bản 2 tập Biên niên các sự kiện lịch sử Thế giới từ khởi thủy đến thế kỷ X do PGS.TS Nguyễn Ngọc Mão và PGS.TS. Lê Trung Dũng làm chủ biên.
Những bộ sách công cụ và tư liệu lịch sử nói trên trở thành nguồn tài liệu tham khảo tin cậy, có giá trị giúp cho việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, được giới sử học cũng như đông đảo bạn đọc hoan nghênh và đánh giá cao.
4. Thực hiện những nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao
Viện Sử học là một trong những cơ quan đi đầu trong việc nghiên cứu, đề xuất với Trung ương Đảng và Chính phủ một số vấn đề về cải cách ruộng đất, về hợp tác hóa nông nghiệp, về các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam, về con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, về đấu tranh thống nhất nước nhà, về chính sách xã hội, về vai trò của văn hóa trong việc phát triển đất nước, về xây dựng và phát triển giai cấp công nhân…
Trong việc nghiên cứu về di sản lịch sử và xuất phát điểm của Việt Nam khi đi lên chủ nghĩa xã hội, Viện Sử học được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề Quy luật và đặc điểm lịch sử xã hội Việt Nam - Cái mạnh, cái yếu của Việt Nam do lịch sử để lại khi tiến lên chủ nghĩa xã hội, vấn đề Những bài học dựng nước, giữ nước đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay. Để góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biển đảo của Việt Nam, Viện Sử học được giao thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như Lịch sử quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ, Sự phân định biên giới Việt Nam - Cămpuchia, vấn đề của cái gọi là "Nhà nước Đề Ga", Nhà nước "Khmer Krom" trong lịch sử v.v...
Viện Sử học được Đảng và Nhà nước giao thực hiện nhiều chương trình, đề tài cấp nhà nước như: Văn hóa, văn minh vì sự phát triển và tiến bộ xã hộị, (Chủ nhiệm: GS. Nguyễn Hồng Phong, PGS.TS. Trần Đức Cường), Luận cứ khoa học cho sự đổi mới chính sách xã hội (Chủ nhiệm: GS.TS. Phạm Xuân Nam), Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Liên khu Việt Bắc (Chủ nhiệm: PGS.TS. Trần Đức Cường), Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Khu Tây Bắc (Chủ nhiệm: PGS. Cao Văn Lượng), Công nghiệp hóa - hiện đại hóa và sự phát triển của giai cấp công nhân. Những chính sách và giải pháp nhằm xây dựng giai cấp công nhân, củng cố và tăng cường vị trí của giai cấp công nhân trong xã hội (Chủ nhiệm: PGS. Cao Văn Lượng), Xây dựng và phát triển văn hóa của giai cấp công nhân Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế (Chủ nhiệm: PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật), Dự án điều tra cơ bản về giai cấp công nhân (Chủ nhiệm: PGS.TS. Cao Văn Biền), Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trong tiền trình đổi mới ở Việt Nam (Chủ nhiệm: PGS.TS Trần Đức Cường), Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ (Chủ nhiệm: PGS.TS. Trần Đức Cường), Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1955-1976) (Chủ nhiệm: PGS.TS. Trần Đức Cường) v.v... Các chương trình, đề tài cấp Nhà nước mà Viện Sử học thực hiện đều được đánh giá cao và đã được xuất bản, phổ biến rộng rãi trong xã hội.
Với tư cách là nhà khoa học, Giáo sư Nguyễn Hồng Phong đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa VI) giao nhiệm vụ tham gia Ban soạn thảo Chiến lược, phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000; Giáo sư Phạm Xuân Nam được điều động tham gia: Tổ biên tập Cương lĩnh (năm 1991), dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội VIII của Đảng, một số Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị về khoa học - kỹ thuật, về phát triển văn hóa; Phó Giáo sư Bùi Đình Thanh được đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười giao cho việc nghiên cứu tầng lớp chủ doanh nghiệp tư nhân...
Cùng với những nhiệm vụ được giao nói trên, Viện Sử học đã chủ động đề xuất nhiều ý kiến với Trung ương Đảng và Chính phủ về nhiều mặt của cuộc sống.
5. Tham gia thẩm định các chương trình, kế hoạch về văn hóa, khoa học xã hội, hợp tác với các ngành, các địa phương và quốc tế
Với uy tín khoa học cao trong ngành và giới, Viện Sử học cũng như các cán bộ của Viện được Nhà nước và các cơ quan, tổ chức mời tham gia các hội đồng chuyên môn thẩm định và xét duyệt các chương trình, đề tài khoa học như Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Quốc gia UNESCO, Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Hải quan Việt Nam, Hội Xuất bản, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Ủy ban nhân dân một số tỉnh và thành phố...
Ngay từ khi mới thành lập, Viện Sử học đã xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu trong nước, bao gồm cả hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ. Nhiều công trình hợp tác nghiên cứu có giá trị đã được công bố về lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới và phương pháp luận sử học. Viện Sử học đã tổ chức và chủ trì nhiều hội thảo khoa học ở trung ương và các địa phương về các vấn đề hình thành dân tộc, vấn đề ruộng đất và nông dân, vấn đề hình thái kinh tế - xã hội và về việc đánh giá, làm rõ thân thế, sự nghiệp của một số nhân vật lịch sử, quá trình ra đời và phát triển của các địa phương, các ngành. Viện Sử học chủ trì và tham gia biên soạn nhiều công trình lịch sử và địa chí cho các ngành, các địa phương trong cả nước như Lịch sử Chính phủ, Lịch sử Thanh tra Việt Nam, Lịch sử Hải quan Việt Nam, Lịch sử tỉnh Cao Bằng, Lịch sử tỉnh Phú Yên...; địa chí Thái Nguyên, địa chí Ninh Bình, địa chí Hà Nam, địa chí Quảng Ninh, địa chí Hòa Bình, địa chí Thanh Hóa v.v...
Không chỉ đẩy mạnh việc nghiên cứu lịch sử, Viện Sử học còn góp phần hướng dẫn, bồi dưỡng lý luận và phương pháp biên soạn lịch sử cho các địa phương và các ngành. Nhiều lớp bồi dưỡng về chuyên môn cho các cán bộ lịch sử địa phương và chuyên ngành đã được tổ chức ở cả miền Bắc và miền Nam, đáp ứng một phần yêu cầu của phong trào nghiên cứu và biên soạn lịch sử địa phương và chuyên ngành đang có chiều hướng phát triển.
Về đối ngoại, Viện Sử học xây dựng và tăng cường quan hệ hợp tác với các nhà nghiên cứu, các trường đại học và một số Viện nghiên cứu ở các nước: Liên Xô (trước đây), Nga, Ucraina, Pháp, Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Ôxtrâylia, Thụy Điển, Na Uy, Bungari, Ba Lan, Lào, Cămpuchia...Viện Sử học phối hợp với Viện Lịch sử Lào bổ sung, chỉnh lý cuốn sách Lịch sử Lào, cùng với Viện Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga biên soạn bộ sách Lịch sử Việt Nam 6 tập.
Quan hệ hợp tác quốc tế của Viện Sử học đã góp phần không nhỏ vào công tác đào tạo cán bộ của Viện, giới thiệu với bạn bè quốc tế về lịch sử đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của nhân dân ta; qua đó, nâng cao uy tín của Viện và các nhà nghiên cứu trong Viện. Giáo sư Trần Huy Liệu - Viện trưởng đầu tiên của Viện được công nhận là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Dân chủ Đức và được tặng thưởng Huân chương Humboldt, Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội kiêm Viện trưởng Viện Sử học được công nhận là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.
6. Đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu lịch sử
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Viện Sử học luôn chú ý đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu lịch sử có trình độ cao.
Nhìn chung, trước năm 1975, Viện Sử học chưa có điều kiện đưa cán bộ đi đào tạo chính quy. Phương hướng đào tạo cán bộ chủ yếu của Viện trong thời gian này là vừa làm, vừa học, đào tạo qua công việc. Đã có không ít cán bộ của Viện trưởng thành trong công tác nghiên cứu khoa học là nhờ có tinh thần say mê khoa học, vượt mọi khó khăn, chịu khó lăn lộn trong thực tế công tác.
Từ năm 1978, Viện Sử học được Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học. Cho đến nay, Viện Sử học đã tổ chức được 12 khóa đào tạo nghiên cứu sinh chính quy và một số nghiên cứu sinh hệ ngắn hạn. Số nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành tại cơ sở đào tạo Viện Sử học từ năm 1978 đến nay là gần 100 người. Việc tổ chức đào tạo nghiên cứu sinh của Viện Sử học không những nhằm nâng cao trình độ khoa học cho cán bộ trong Viện, mà còn góp phần không nhỏ vào việc đào tạo cán bộ khoa học lịch sử cho các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy lịch sử trong cả nước. Hầu hết số nghiên cứu sinh được đào tạo tại Viện Sử học đã trở thành các nhà nghiên cứu, cán bộ giảng dạy và quản lý có trình độ cao, giữ những vị trí quan trọng trong ngành và trong các cơ quan nghiên cứu, đào tạo và quản lý về khoa học xã hội.
Cùng với việc tổ chức đào tạo nghiên cứu sinh tại Viện, nhiều cán bộ khoa học của Viện tham gia đào tạo cao học, nghiên cứu sinh tại nhiều trường đại học, học viện và các cơ quan nghiên cứu trong nước; hướng dẫn một số nghiên cứu sinh nước ngoài như Trung Quốc, Pháp, Lào, Campuchia, Mỹ...
Viện Sử học đã cử nhiều cán bộ của Viện sang làm nghiên cứu sinh, thực tập sinh và trao đổi chuyên môn tại các nước: Liên Xô (trước đây), Liên bang Nga, Cộng hòa Liên bang Đức, Bungari, Cộng hòa Séc, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Ôxtrâylia...
Ngoài việc đào tạo cán bộ trên đại học theo hai hướng trên, Viện Sử học thường xuyên chú trọng việc tự đào tạo nhằm nâng cao trình độ và bồi dưỡng chuyên gia. Viện đã mở các lớp Hán - Nôm, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp, các lớp phương pháp luận, lý luận và chuyên môn, nghiệp vụ với nhiều thông tin, lý luận mới về khoa học lịch sử và liên ngành.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ khoa học Viện có trình độ học vấn và chuyên môn cao, có phẩm chất chính trị vững vàng, nhờ đó, Viện Sử học đã góp phần tích cực phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao phó.
7. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử
Trong quá trình xây dựng và phát triển của Viện Sử học, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử có vị trí rất quan trọng. Tạp chí không chỉ là tiếng nói của Viện, mà còn là diễn đàn khoa học, là trung tâm tập hợp, đoàn kết giới sử học nói riêng và khoa học xã hội nói chung kể cả ở trong và ngoài nước. Tạp chí được giới nghiên cứu đánh giá là tạp chí đầu ngành về khoa học Lịch sử ở Việt Nam, được phát hành rộng rãi trong cả nước và quốc tế.
Từ ngày ra đời đến nay, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử do các nhà khoa học của Viện Sử học như GS.VS. Trần Huy Liệu, GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn, GS. Văn Tạo, PGS. Cao Văn Lượng làm Chủ nhiệm, Tổng Biên tập. Các Phó Tổng Biên tập qua các thời kỳ là PGS. Cao Văn Lượng, PGS.TS. Nguyễn Danh Phiệt, PGS.TS. Võ Kim Cương, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi. Hiện nay, Tổng Biên tập là PGS.TS. Võ Kim Cương.
Ngay từ khi mới ra đời, Tập san Văn Sử Địa và sau đó là Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử đã nhận được sự quan tâm cộng tác, viết bài của các nhà nghiên cứu sử học, văn học, dân tộc học, khảo cổ học, triết học, địa lý học, văn hóa dân gian... Để làm rõ những vấn đề quan trọng của lịch sử, Tạp chí đã ra các chuyên san như chuyên san về Thời đại Hùng Vương; về hình thái kinh tế, xã hội; về phương pháp luận Sử học; về vấn đề ruộng đất và nông dân, về Nhà Nguyễn; Nhà Hồ; Nhà Tây Sơn; Nhà Mạc và các chuyên san kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, dân tộc.
Cho đến nay, Tạp chí đã ra được 450 số với hơn 3.000 bài viết, trong đó có nhiều bài viết có giá trị góp phần góp phần xứng đáng vào việc xây dựng một nền sử học mới cũng như phục vụ nhiệm vụ cách mạng trước mắt và lâu dài, đưa công tác sử học hòa nhập vào bước đi của các ngành khoa học xã hội và nhân văn trong nước và quốc tế.
8. Công tác thông tin, thư viện
Ngay từ khi mới thành lập, Tổ Lịch sử và sau đó là Phòng Lịch sử rồi Viện Sử học đã rất quan tâm xây dựng Thư viện chuyên ngành của mình nhằm phục vụ có hiệu quả công tác nghiên cứu sử học. Cho đến nay, Thư viện Viện Sử học đã xây dựng được những kho sách quý hiếm, lưu giữ hàng vạn đầu sách, tạp chí trong và ngoài nước, đặc biệt là các sách, tài liệu Hán nôm, tiếng Pháp... Đến nay, Thư viện Viện Sử học đã số hóa được hàng trăm đầu sách, dịch được nhiều công trình chữ Hán nôm phục vụ đắc lực công tác nghiên cứu và học tập của cán bộ trong và ngoài Viện.
IV. NHỮNG DANH HIỆU ĐƯỢC ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC PHONG TẶNG
Cho đến nay, Viện Sử học mà tiền thân là Tổ Lịch sử trong Ban Nghiên cứu Lịch sử - Địa lý - Văn học đã trải qua chặng đường 60 năm.
Trong 60 năm qua, mỗi bước trưởng thành, phát triển của Viện đều gắn liền với sự phát triển và thắng lợi của cách mạng Việt Nam cũng như sự phát triển của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Đảng và Nhà nước đánh giá cao những cống hiến của Viện cũng như của các thế hệ cán bộ của Viện Sử học.
Năm 1980, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trao tặng Viện Sử học Huân chương Lao động hạng Nhất và Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử Huân chương Lao động hạng Nhì.
Năm 1998, trong dịp Kỷ niệm 45 năm thành lập, Viện Sử học vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Năm 2000, Viện Sử học lại vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới. Đây là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ Viện Sử học về những đóng góp của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, tập thể Viện Sử học luôn chăm lo xây dựng và củng cố khối đoàn kết trong Viện. Mỗi cán bộ, nhân viên coi đoàn kết là tài sản quý giá, là truyền thống đáng trân trọng do GS.VS. Trần Huy Liệu và các thế hệ cán bộ tiếp theo của Viện để lại. Viện Sử học là một đơn vị phát triển toàn diện, vững mạnh trong Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Chi bộ Viện Sử học luôn được công nhận là chi bộ trong sạch, vững mạnh, Công đoàn Viện Sử học luôn đạt danh hiệu Tổ chức công đoàn vững mạnh, Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là Chi đoàn xuất sắc.
Cùng với những danh hiệu cao quý mà tập thể Viện Sử học được phong tặng, nhiều nhà khoa học của Viện đã được Nhà nước trao tặng các phần thưởng cho các công trình nghiên cứu. GS.VS. Trần Huy Liệu, người sáng lập và là Viện trưởng đầu tiên của Viện Sử học, GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội kiêm Viện trưởng Viện Sử học, GS. Trần Văn Giàu, GS. Đào Duy Anh, GS. Trần Văn Giáp, GS. Nguyễn Đổng Chi được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh; Nhà nghiên cứu Hoa Bằng, Nhà nghiên cứu Nguyễn Lương Bích, GS. Văn Tân, GS. Nguyễn Hồng Phong, GS. Văn Tạo, PGS.TS. Nguyễn Danh Phiệt, PGS.TS. Dương Kinh Quốc và nhiều tác giả tham gia biên soạn các công trình tập thể được trao Giải thưởng Nhà nước cho các công trình nghiên cứu khoa học.
Nhiều cán bộ của Viện đã vinh dự được nhận các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: GS.VS. Trần Huy Liệu được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập hạng Nhất; GS. Trần Văn Giàu được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; GS. Nguyễn Đổng Chi được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì; GS. Văn Tân được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; GS. Văn Tạo, PGS. Bùi Đình Thanh, GS. Nguyễn Hồng Phong, GS.TS. Phạm Xuân Nam, PGS. Cao Văn Lượng, PGS.TS. Trần Đức Cường được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Nhiều cán bộ của Viện được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân, Huy chương kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Huy chương vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ, Huy chương vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam và Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Khoa học xã hội và Nhân văn cùng nhiều kỷ niệm chương khác.
V. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020
Đất nước ta đang thực hiện công cuộc đổi mới trong bối cảnh quốc tế biến đổi nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Tuy vậy, trong những thập niên tới, hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo; toàn cầu hóa và khu vực hóa tiếp tục là xu thế phát triển hiện nay trên thế giới. Ở trong nước, thành tựu của sự nghiệp đổi mới đã đưa đất nước thay đổi một cách căn bản, toàn diện và sâu sắc trên tất cả các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chủ trương của Đảng và Nhà nước là tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tăng cường hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh và xu hướng phát triển đó, cùng với nhiệm vụ chung của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học tiếp tục tập trung nghiên cứu, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn của lịch sử, góp phần tổng kết những kinh nghiệm, dự báo những vấn đề, xu hướng nảy sinh, phục vụ thiết thực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
1. Mục tiêu chiến lược
- Tiếp tục xây dựng Viện Sử học trở thành cơ quan nghiên cứu hàng đầu về khoa học lịch sử của đất nước, giải quyết những vấn đề cơ bản của lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần nâng cao vị thế của ngành Sử học trong và ngoài nước.
- Tổ chức nghiên cứu những vấn đề lý luận và phương pháp luận sử học, phê phán các quan điểm phi lịch sử hoặc bóp méo, xuyên tạc lịch sử nhằm làm rõ sự thật lịch sử, từ đó phát hiện những quy luật, tìm ra những bài học bổ ích, những di sản lịch sử cần kế thừa góp phần vào việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, xã hội hiện tại và những dự án cho tương lai.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học lịch sử có trình độ cao cả về số lượng và chất lượng, góp phần đào tạo cán bộ nghiên cứu lịch sử cho cả nước đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành khoa học xã hội, nói riêng, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế nói chung.
- Góp ý và phản biện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng theo yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương theo sự phân công của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Tổ chức tư vấn khoa học và thực hiện cung cấp dịch vụ về những vấn đề kinh tế - xã hội cho các bộ, ngành, các địa phương phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện Sử học.
- Tiếp tục nghiên cứu và biên soạn các bộ lịch sử chuyên ngành và lịch sử các địa phương, lịch sử các nước trên thế giới phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như hội nhập quốc tế của Việt Nam.
2. Nhiệm vụ cụ thể
- Nghiên cứu và công bố các công trình về lịch sử đấu tranh dựng nước, giành độc lập và giải phóng dân tộc, lịch sử công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, vấn đề ruộng đất, nông nghiệp, nông thôn, giao thông vận tải; lịch sử văn hóa, văn minh, giáo dục; lịch sử các giai tầng xã hội như công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân vv…
- Đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ trên tất cả các mặt: chính trị, tư tưởng, chuyên môn, nghiệp vụ; kết hợp giữa việc đào tạo cán bộ có trình độ sau đại học với đào tạo các môn bổ trợ khác như ngoại ngữ, khoa học liên ngành; chú trọng việc đào tạo chuyên gia. Có kế hoạch cụ thể và chi tiết trong công tác đào tạo cán bộ trẻ, gắn việc đào tạo chuyên môn với công tác phát triển đảng, giữa đào tạo với quy hoạch cán bộ kế cận cả về chuyên môn và quản lý.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực nghiên cứu, trao đổi thông tin, tài liệu và đào tạo cán bộ với các đối tác truyền thống như Nga, Trung Quốc, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia ...
3. Giải pháp
- Kiện toàn và đổi mới cơ cấu tổ chức theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo Quyết định của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ban hành và phù hợp với điều kiện cụ thể của Viện.
- Quy hoạch cụ thể, chi tiết về đào tạo cán bộ với cơ cấu hợp lý, đồng bộ, có sự tiếp nối giữa các thế hệ; chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia có trình độ cao.
- Xây dựng và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, nhất là hệ thống thư viện chuyên ngành.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên cả lĩnh vực nghiên cứu khoa học, trao đổi thông tin và đào tạo cán bộ.
*
* *
Thành tựu to lớn mà Viện Sử học đã đạt được trong 60 năm qua bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Đảng ủy và Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam qua các thời kỳ; và từ những cố gắng không mệt mỏi của mỗi cán bộ, nhân viên trong Viện, sự đoàn kết, thống nhất trong chi bộ, cơ quan... Mỗi thành tựu mà Viện đã đạt được gắn liền với công lao to lớn của các thế hệ cán bộ, nhân viên của Viện Sử học kể từ năm 1953 đến nay và sự phối hợp, giúp đỡ của các nhà nghiên cứu, các cơ quan hữu quan trong và ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường 60 năm, có thể khẳng định: Thành tựu Viện Sử học đã đạt được là toàn diện cả về nghiên cứu khoa học, về nghiệp vụ cũng như về xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ... Những thành tựu ấy là niềm tự hào to lớn của các thế hệ cán bộ Viện Sử học trong suốt 60 năm qua.
Trong tình hình và nhiệm vụ mới hiện nay, với truyền thống đoàn kết, thống nhất, với lòng hăng say học tập và lao động, toàn thể cán bộ, viên chức Viện Sử học sẽ cố gắng vươn lên, tích cực xây dựng đội ngũ, nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao để xứng đáng với những thành tựu trong quá khứ và đáp ứng được những đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay./.
Nguồn: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN