Viện Kinh tế và Chính trị thế giới

17:00 25/06/2023
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +

 

I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN VIỆN KINH TẾ VÀ CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI

 Tiền thân của Viện Kinh tế và Chính trị thế giới là Ban Kinh tế Thế giới trực thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam được thành lập tháng 12 năm 1980. Trước những đòi hỏi ngày càng cao trong việc nghiên cứu cơ bản và toàn diện những vấn đề kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế, Ban Kinh tế thế giới được tách khỏi Viện Kinh tế học trở thành một bộ phận độc lập trực thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam do đồng chí Võ Đại Lược làm Trưởng ban. Năm 1983, Viện Kinh tế Thế giới, có tên giao dịch tiếng Anh là Institute of World Economy (IWE), chính thức được thành lập theo Nghị định số 96/HĐBT ngày 09/9/1983 của Hội đồng Bộ trưởng, do đồng chí Võ Đại Lược làm Viện trưởng, trụ sở đóng tại 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội.

Năm 1989, Viện chuyển trụ sở về 176 Thái Hà, cũng là năm đầu ra mắt   tạp chí tiếng Việt “Những vấn đề Kinh tế Thế giới” và tạp chí tiếng Anh  “Vietnam Economic Review” (Những vấn đề kinh tế Việt Nam).

Ngay từ năm 1998, Viện đã tiến hành xây dựng quy hoạch phát triển tổng thể đến năm 2010, trong đó dự kiến mở rộng chức năng nghiên cứu của Viện sang lĩnh vực chính trị quốc tế và lập thêm một số phòng mới. Năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2004/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức mới của Viện KHXH Việt Nam, đồng thời Viện Kinh tế Thế giới đổi tên thành Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, có tên giao dịch tiếng Anh là Institute of World Economics and Politics (IWEP). Trên cơ sở Nghị định này, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã ban hành Quyết định số 991/QĐ-KHXH qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức mới của Viện. Theo đó, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới có chức năng nghiên cứu cơ bản những vấn đề về kinh tế và chính trị thế giới; cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tổ chức tư vấn đào tạo sau đại học, tham gia phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu kinh tế và quan hệ đối ngoại của Việt Nam. 

Ngày 26/12/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2012/NĐ-CP đổi tên Viện Khoa học xã hội Việt Nam thành Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Đây là sự khẳng định mối quan tâm sâu sắc và đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với vai trò của nền khoa học xã hội nước nhà nói chung, của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói riêng và của các viện thành viên trong đó có Viện Kinh tế và Chính trị thế giới. Ngày 27/2/2013, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ban hành Quyết định số 272/QĐ-KHXH quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, tiếp tục khẳng định lại vị thế cũng như tầm chiến lược của Viện trong hoạt động nghiên cứu, tư vấn chính sách và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế nhằm đáp ứng các nhiệm vụ chính trị to lớn trong giai đoạn mới.

Để đáp ứng chức năng, nhiệm vụ trên, hiện nay Viện có 9 phòng nghiên cứu, cùng 4 phòng phục vụ nghiên cứu và giúp việc cho Lãnh đạo Viện. Đội ngũ cán bộ của Viện ngày càng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, Viện có tổng cộng 60 cán bộ viên chức, trong đó có 5 phó giáo sư - tiến sĩ, 6 tiến sĩ và 21 thạc sĩ. Nhiều cán bộ đã trưởng thành từ Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới hiện đang nắm giữ những cương vị quan trọng tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và các đơn vị nghiên cứu trực thuộc, các cơ quan của Đảng, Nhà nước ở cấp trung ương và địa phương. Viện cũng đã đào tạo ra các thế hệ nghiên cứu sinh, hiện đang công tác tại các bộ, ngành, doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu và trường đại học trong cả nước.  

Với cơ cấu tổ chức và một đội ngũ cán bộ nghiên cứu mạnh, công tác nghiên cứu của Viện được triển khai đồng thời cả theo chiều sâu và chiều rộng: vừa nghiên cứu lý thuyết cơ bản, vừa đánh giá phân tích những biểu hiện mới của nền kinh tế và chính trị thế giới; kết hợp nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm xây dựng và phát triển chính trị - kinh tế - xã hội của từng nước, với việc nghiên cứu phân tích những động thái chính trị - kinh tế chính trong quan hệ quốc tế của khu vực và thế giới trong mối quan hệ tùy thuộc nhau chặt chẽ của xu thế toàn cầu hóa; lấy việc nghiên cứu kinh nghiệm thế giới với thực tiễn phát triển ở Việt Nam để từ đó có những đóng góp luận cứ khoa học quan trọng góp phần xây dựng đường lối chính sách kinh tế đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới đất nước theo hướng hiện đại hóa, tri thức hóa.

Trong 30 năm xây dựng, hoạt động và trưởng thành, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới luôn thể hiện là một cơ quan nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam về kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế, được thể hiện ở các công trình nghiên cứu đã công bố, đúc kết kinh nghiêm phát triển của các nước; làm rõ những yếu tố kinh tế, chính trị thế giới… tác động tới tiến trình phát triển của Việt Nam và đặc biệt là luôn gắn với những vấn đề do thực tiến Việt Nam đặt ra. Những kết quả nghiên cứu của Viện được  đánh giá cao và là một trong số ít đơn vị của Viện KHXH Việt Nam có tránh nhiệm gửi báo cáo trực tiếp lên Ban Bí thư, cũng như thường xuyên có những đóng góp khoa học hữu ích trong việc xây dựng chiến lược và hoạch định đường lối chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Viện cũng đã xây dựng được một mạng lưới đối tác quốc tế, gồm các Viện, các trường đại học, các học giả, các nhà tài trợ ở nhiều nước và khu vực trên thế giới. Uy tín và hình ảnh của Viện ở trong và ngoài nước luôn được tăng cường.

 II. NHỮNG THÀNH TỰU NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NỔI BẬT

30 năm qua, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới đã thực hiện hàng nghìn công trình nghiên cứu ở mọi cấp độ: từ cấp Nhà Nước, cấp Bộ đến các dự án hợp tác nghiên cứu quốc tế. Viện cũng đã tổ chức hàng trăm hội thảo lớn nhỏ, cấp quốc gia và quốc tế gây được tiếng vang và sự chú ý của dư luận và các nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước. Thông qua những hội thảo đó, chất lượng của các nghiên cứu được tăng cường, các kết quả nghiên cứu được công bố rộng rãi và hình ảnh của Viện đã được nhiều người biết đến. Ngoài ra, Viện cũng tiến hành hoặc phối hợp tiến hanh nhiều cuộc điều tra khảo sát, trong đó có các cuộc điều tra đối với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các doanh nghiệp xuất khẩu hàng công nghiệp, điều tra dư luận xã hội, điều tra về tình hình lao động v.v... Các kết quả từ những cuộc điều tra trên đã cung cấp cơ sở dữ liệu tin cậy cho các nghiên cứu và là luận cứ thực tiễn quan trọng cho việc hoạch định chính sách phát triển của đất nước. 

Có thể thấy, những bước tiến trong nghiên cứu khoa học của Viện được thể hiện qua 2 giai đoạn chính:

 - Thời kỳ trước Đổi mới

 Một là, nghiên cứu kinh nghiệm cải cách kinh tế ở các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) để vận dụng vào việc quản lý và phát triển nền kinh tế Việt Nam. Các đề tài nghiên cứu của Viện thời kỳ này đã tập trung vào việc xem xét quá trình biến đổi của các nền kinh tế XHCN, đặc biệt chỉ ra những giới hạn của sự phát triển theo chiều rộng và xu hướng phát triển theo chiều sâu dựa trên việc áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất. Những bất cập của mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung cũng đã được phân tích trong nhiều công trình, đồng thời chỉ rõ xu hướng tất yếu của sự vận dụng các quan hệ hàng hoá - tiền tệ trong nền kinh tế XHCN. Trong thời kỳ này, xu hướng cải tổ, cải cách ở Liên bang Xô Viết và các nước XHCN Đông và Trung Âu đã chiếm một vị trí nổi bật trong các nghiên cứu của Viện; việc nghiên cứu và đăng tải những thông tin về cuộc cải cách và mở cửa ở Trung Quốc cũng có ý nghĩa tham khảo rất tích cực.

Hai là, nghiên cứu lý giải những biến đổi trong hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa, đặc biệt chú trọng nghiên cứu những thành tựu kinh tế nổi bật của Nhật Bản từ sau Chiến tranh thế giới hai; nghiên cứu và phổ biến kinh nghiệm phát triển kinh tế ở nhóm nước tư bản phát triển và nhóm nước đang phát triển, nhất là quá trình cải cách khu vực kinh tế nhà nước và chính sách kinh tế đối ngoại của các nước này. Nhiều công trình biên soạn và dịch thuật đã cung cấp những thông tin trung thực và hữu ích về quá trình phát triển kinh tế ở các nước và các khu vực trên thế giới, đã tạo cơ sở nền tảng cho những đánh giá khách quan về xu hướng vận động của thời đại.

Ba là, bên cạnh nghiên cứu chung về lý thuyết kinh tế và quan hệ kinh tế quốc tế, hướng nghiên cứu lý thuyết của Viện trong thời kỳ này tập trung chủ yếu vào việc làm sáng tỏ lý luận của thời kỳ quá độ có liên quan trực tiếp đến con đường phát triển của Việt Nam và các lý thuyết kinh tế học hiện đại. Viện Kinh tế Thế giới khi ấy là một trong những cơ quan nghiên cứu đi đầu trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và phổ biến những tri thức kinh tế mới và hiện đại của thế giới vào Việt Nam.

 - Thời kỳ từ Đổi mới đến nay, các công trình nghiên cứu của Viện tiếp tục góp phần quan trọng vào việc cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho công cuộc đổi mới, đồng thời giới thiệu đến đông đảo bạn đọc trong nước bức tranh tổng thể về nền kinh tế và chính trị thế giới. Những thành tựu nghiên cứu trong thời kỳ này của Viện được thể hiện tập trung ở những điểm chính sau:

Một là, phân tích và luận giải những đặc điểm và xu thế phát triển của kinh tế thế giới qua các thời kỳ. Trong thời kỳ 1986 - 1990, Viện tiếp tục nghiên cứu sâu hơn quá trình cải cách ở các nước XHCN, tập trung luận giải những  mâu thuẫn của  nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung; phân tích quá trình liên kết kinh tế quốc tế XHCN. Trong thời kỳ này, nhiều công trình nghiên cứu cũng đã chú ý đến thành công của các nước đang phát triển châu Á, nhất là mô hình chiến lược công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu, quá trình cải cách khu vực kinh tế nhà nước, cũng như phân tích những chuyển biến chiến lược trong tư duy và chính sách kinh tế ở các nước trên thế giới, đồng thời chỉ ra được xu hướng cải tổ, cải cách và chuyển sang phát triển theo chiều sâu ở các nước này. Về vấn đề này, ngay từ cuối những năm 1980, những số tạp chí đầu tiên của Viện đã công bố một số bài nghiên cứu chỉ ra những xu hướng lớn của sự phát triển kinh tế thế giới, trong đó đã làm rõ xu hướng chuyển sang nền tảng công nghệ mới và kinh tế thị trường như là những đặc điểm lớn chi phối kinh tế thế giới trong những năm tiếp theo.

Đến đầu những năm 1990, Viện đã hướng nghiên cứu của mình vào những vấn đề cơ bản hơn nhằm vạch ra những xu hướng và đặc điểm lớn của thế giới sau Chiến tranh lạnh, đó là xu hướng hoà bình và hợp tác; xu hướng chuyển sang cơ sở vật chất kỹ thuật mới dựa trên cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại; xu hướng toàn cầu hoá kinh tế; xu hướng chuyển sang nền kinh tế thị trường; xu hướng hình thành hệ thống chính trị toàn cầu. Các công trình nghiên cứu cũng phân tích và đánh giá nguyên nhân sụp đổ của hệ thống XHCN, khả năng thích ứng và tự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản, những vấn đề của các nước đang phát triển trong thế giới hiện đại và những vấn đề toàn cầu như gia tăng dân số, đói nghèo và chênh lệch phát triển, hay sự xấu đi của môi trường sinh thái… Có thể nói, những kết luận và nhận định về chiều hướng phát triển của kinh tế thế giới đã được chỉ ra khá xác đáng, nhiều luận điểm khoa học phải mất nhiều năm sau mới được thừa nhận rộng rãi ở nước ta. Đặc biệt, các công trình nghiên cứu của Viện không chỉ dừng lại ở việc nhận diện xu hướng chung, mà còn đi sâu phân tích những tác động đa chiều của chúng đối với thế giới và từng khu vực nói chung, cũng như tới từng nền kinh tế nói riêng; nhất là chú trọng xem xét phản ứng chính sách của các nước lớn, các tổ chức liên kết khu vực, các tổ chức và định chế quốc tế.

Hai là, một khối lượng lớn các công trình nghiên cứu của Viện tập trung phân tích những vấn đề của chủ nghĩa tư bản hiện đại dưới góc độ kinh tế chính trị học. Các công trình này đã phân tích chủ nghĩa tư bản như một hình thái kinh tế - xã hội với nhiều biến thái trong thời đại toàn cầu hoá và cách mạng khoa học công nghệ, chỉ ra những mâu thuẫn của nó gắn liền với các xu thế mới này. Những nghiên cứu của Viện về chủ nghĩa tư bản hiện đại còn đi sâu phân tích các mô hình của chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là quan hệ hợp tác và cạnh tranh giữa các trung tâm lớn của chủ nghĩa tư bản.

 Ba là, nghiên cứu quá trình chuyển đổi kinh tế ở các nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Đây là một trong những hướng nghiên cứu có những đóng góp khoa học hữu ích đối với quá trình chuyển đổi kinh tế ở nước ta. Trên cơ sở bức tranh chung về cải cách và chuyển đổi kinh tế, nhiều công trình nghiên cứu tập trung tìm hiểu, phân tích quá trình cải cách sở hữu, coi đây là vấn đề cốt lõi nhất của toàn bộ quá trình chuyển đổi, phân tích cả về lý luận và thực tiễn của quá trình cải cách chế độ sở hữu, bước đi, hình thức và những vấn đề nảy sinh của việc cải cách khu vực kinh tế nhà nước. Các công trình này cũng chỉ ra những điểm đặc thù, các mô hình tư nhân hoá và cổ phần hoá khác nhau giữa các nước.

Bốn là, các công trình nghiên cứu của Viện cũng đã dành sự quan tâm đặc biệt đến những vấn đề thương mại và đầu tư quốc tế. Quá trình tự do hoá thương mại toàn cầu trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như tự do hoá thương mại khu vực, đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định tự do thương mại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AFTA) đã được nghiên cứu dưới nhiều cấp độ khác nhau. Những nghiên cứu này đã phân tích cơ sở lý thuyết của xu thế tự do hoá thương mại, những nguyên tắc của hệ thống thương mại đa phương, tiến trình tự do hóa thương mại khu vực; nhiều công trình cũng đã phân tích những tác động của các quá trình này đến kinh tế thế giới nói chung và khu vực nói riêng, đồng thời đúc rút ra được những bài học của quá trình tự do hoá thương mại. Những mặt tích cực và hạn chế trong hoạt động đầu tư quốc tế từ hai phía: nước tiếp nhận và chủ sở hữu nguồn vốn; hay tác động của hoạt động đầu tư quốc tế tới quá trình hình thành mạng lưới sản xuất toàn cầu  thông qua các mắt xích liên kết chính là các công ty xuyên quốc gia…, cũng được các công trình nghiên cứu của Viện nghiên cứu phân tích và lý giải.

 Năm là, những vấn đề cơ bản của hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế –một lĩnh vực còn tương đối mới vào thời điểm khi Việt Nam mới tiến hành mở cửa và chuyển sang nền kinh tế thị trường cũng đã được đề cập đến trong các công trình nghiên cứu của Viện, nhất là các vấn đề liên quan đến chế độ tỷ giá, thị trường ngoại hối, hay quá trình cấu trúc lại hệ thống tài chính quốc tế đã và đang được xem xét khá toàn diện và hệ thống, góp phần vào việc tìm hiểu và nghiên cứu những chiều hướng mới của nền kinh tế thế giới. 

Sáu là, kể từ cuối những năm 1990, đặc biệt là sau khi Viện Kinh tế thế giới được đổi tên thành Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện đã mở rộng  lĩnh vực nghiên cứu từ kinh tế vốn là thế mạnh truyền thống  sang cả các vấn đề kinh tế - chính trị quốc tế và khu vực như: Cộng đồng ASEAN; Cộng đồng Kinh tế Đông Á; vấn đề Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS); các vấn đề an ninh phi truyền thống như: khủng bố và chống khủng bố, chênh lệch phát triển, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh môi trường…; các vấn đề cải tổ các tổ chức và định chế kinh tế và chính trị quốc tế; vấn đề “Hai hành lang, một vành đai Việt Nam - Trung Quốc”... nhằm đưa ra những nhận định xác thực, cung cấp cho giới hoạch định chính sách và đông đảo công chúng những thông tin và bình luận có giá trị khoa học cao. Có thể nói, nhiều công trình nghiên cứu không chỉ dừng lại ở phân tích sự kiện mà đã đi sâu tìm hiểu căn nguyên của các biến chuyển gần đây và xem xét những giải pháp chính sách.

Bảy là, những nghiên cứu về mô hình và kinh nghiệm phát triển của các quốc gia trên thế giới – một trong những thành tựu khoa học nổi bật của Viện trong 30 năm qua. Về mặt này, các công trình nghiên cứu đã đi sâu phân tích những vấn đề có ý nghĩa tham khảo thiết thực cho Việt Nam như kinh nghiệm công nghiệp hoá, cải cách kinh tế, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế. Kinh nghiệm trong thu hút đầu tư trực tiếp và viện trợ nước ngoài, trong hoạt động ngoại thương, trong quá trình cải cách và cải tổ cơ cấu kinh tế, phát triển các khu kinh tế mở, trong việc kết hợp tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội, trong phát triển nguồn nhân lực cũng đã được nghiên cứu trong nhiều công trình.   

Có thể nói, hầu hết các công trình nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài đã nhằm vào giải đáp những vấn đề bức xúc của Việt Nam, vì vậy có ý nghĩa tham khảo rất tích cực. Các công trình này đã khái quát những mô hình kinh tế thị trường hiện đại, phân tích và so sánh một số hình mẫu phát triển cụ thể để rút ra những gợi ý tham khảo cho việc nghiên cứu xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Một loạt công trình, đề tài nghiên cứu của Viện đã tập trung nghiên cứu các vấn đề vừa cơ bản vừa cấp bách cả về lý luận và thực tiễn đối với quá trình cải cách kinh tế thị trường ở Việt Nam. Các công trình này đã phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn về vai trò kinh tế của Nhà nước và chỉ ra xu hướng giảm sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào quá trình phát triển kinh tế, đồng thời khẳng định tính đặc thù và đa dạng trong các mô hình và phương thức mà nhà nước tác động vào phát triển kinh tế, nhờ đó đã góp phần vào nhận thức và đổi mới tư duy về kinh tế thị trường ở nước ta. Viện cũng đã tiến hành những nghiên cứu về kinh nghiệm quản lý và hoạt động kinh doanh ở tầm vi mô như những vấn đề cải tổ công ty, kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật Bản và một số nước châu Á.

Viện đã xác định rằng mọi nghiên cứu (dù là kinh tế hay chính trị thế giới) của Viện đều phải hướng vào giải đáp những vấn đề thiết thực của Việt Nam và phải luôn đặt việc nghiên cứu Việt Nam trong nghiên cứu tổng thể về nền kinh tế và chính trị thế giới nói chung. Vì vậy, ngay từ những năm 1980, nhiều công trình nghiên cứu của Viện đã cung cấp các luận cứ khoa học xác đáng cho việc đề ra đường lối đổi mới mà trọng tâm là cải cách kinh tế theo hướng thị trường, mở cửa và hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới.

Nhiều công trình nghiên cứu đã góp phần thiết thực vào giải quyết những vấn đề kinh tế nóng bỏng của đất nước như thời kỳ chống lạm phát (1987 - 1989), về tự do hoá thương mại, về chính sách tài chính tiền tệ, về đối sách với các nước lớn... Những nghiên cứu cụ thể về tiến trình cải cách, chính sách công nghiệp, tác động của thương mại và đầu tư đối với phát triển kinh tế đã có những kết quả tốt, thể hiện qua các khuyến nghị chính sách cũng như được khẳng định qua thực tế phát triển kinh tế. Các công trình đã phân tích hệ thống tiến trình cải cách chính sách thương mại - đầu tư của Việt Nam, chỉ ra những tác động của chúng đối với các ngành kinh tế chủ lực của Việt nam và đưa ra những khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy phát triển các ngành có lợi thế so sánh trong quá trình hội nhập.

Đặc biệt, Báo cáo thường niên tình hình kinh tế thế giới, sau năm 2003 chuyển thành Báo cáo thường niên Kinh tế và Chính trị thế giới của Viện đã được xuất bản đều đặn, phân tích những diễn biến cơ bản của tình hình kinh tế, chính trị hàng năm, tác động tới Việt Nam và đưa ra những dự báo cho năm sau, là một công trình có tiếng vang lớn, được đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước và giới hoạch định chính sách tham khảo, tín nhiệm.

Các công trình nghiên cứu của Viện ngày càng gắn với định hướng tư vấn chính sách, chiến lược phát triển của đất nước nhiều hơn. Trong giai đoạn vừa qua, các hoạt động nghiên cứu của Viện đã tập trung phục vụ cho việc bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991 và soạn thảo Báo cáo chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đại hội Đảng lần thứ XI, trong đó có các nội dung về sự vận động của nền kinh tế và chính trị thế giới 10 năm đầu thế kỷ XXI, những lý thuyết và cơ sở lý luận mới của nền kinh tế và chính trị thế giới, tình hình, dự báo các động thái kinh tế và chính trị ngắn hạn và trung hạn của các nước và khu vực; tác động của các động thái và xu hướng phát triển trên thế giới đến sự phát triển của Việt Nam từ đó đưa ra những kiến nghị đối sách thích hợp.

Với mục tiêu đó, các đề tài nghiên cứu của Viện đã bước đầu được tổ chức lại, tạo thành một Chương trình nghiên cứu chung. Trong đó, các lĩnh vực kinh tế được Viện nghiên cứu bao gồm các lý thuyết và mô hình phát triển kinh tế; cải cách và chính sách kinh tế của các quốc gia; sự phát triển của các ngành kinh tế trên thế giới; toàn cầu hoá và cải tổ hệ thống kinh tế quốc tế; liên kết kinh tế song phương và khu vực; cải tổ các định chế quốc tế và khu vực; vai trò và hoạt động của các công ty xuyên quốc gia; quan hệ giữa các trung tâm kinh tế lớn; quan hệ kinh tế giữa các nước phát triển và đang phát triển.... Các lĩnh vực chính trị quốc tế được nghiên cứu bao gồm những xu hướng mới trong hệ thống chính trị quốc tế đầu thế kỷ XXI (trật tự và cục diện thế giới và khu vực); các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, vấn đề khủng bố và chống khủng bố quốc tế, vấn đề ly khai và chủ nghĩa ly khai, quan hệ và chính sách đối ngoại của các nước. Các đề tài và Chương trình nghiên cứu của Viện đã làm rõ được những vấn đề nổi bật, xu hướng cơ bản của kinh tế, chính trị thế giới đến năm 2020 và những tác động chủ yếu đến Việt Nam.

Các nghiên cứu của Viện cũng gắn với các vấn đề lý luận quan trọng trong sự nghiệp xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa xã hội của đất nước. Tiêu biểu trong số đó là các vấn đề về chủ nghĩa tư bản hiện đại, mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới của Việt Nam, sở hữu trong nền kinh tế thị trường hiện đại và thực tiễn của Việt Nam, các vấn đề về thể chế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, v.v… Với thế mạnh là nghiên cứu kinh nghiệm cả về lý luận và thực tiễn thế giới, các kết quả nghiên cứu của Viện đã và đang có những đóng góp không nhỏ cho việc làm sáng tỏ hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam trong bối cảnh mới.

Nhìn chung, các công trình nghiên cứu của Viện đã thể hiện tính hệ thống, toàn diện và thực tiễn; có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm, và nhất là luôn có sự gắn kết chặt chẽ giữa những vấn đề do thực tiễn phát triển của Việt Nam đặt ra, với những xu hướng phát triển chủ yếu của nền chính trị và kinh tế thế giới. Hầu hết những kết quả nghiên cứu này đã được chuyển tải trực tiếp đến các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, cũng như được phổ biến rộng rãi cho nhiều đối tượng độc giả khác nhau qua những bài tạp chí, báo cáo, sách tiếng Việt và tiếng nước ngoài… ở trong và ngoài nước.

III. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TỪ NAY ĐẾN NĂM 2020

1. Mục tiêu đến năm 2020:

1. Phát triển Viện Kinh tế và Chính trị thế giới đến năm 2020 thành một viện hàng đầu ở Việt Nam về nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới, có đóng góp lớn đến quá trình hoạch định chính sách ở Việt Nam, có uy tín cao trong nước và quốc tế.

2. Công bố các công trình nghiên cứu có chất lượng cao, đạt chuẩn khu vực, có tác động lớn đến quá trình hoạch định chính sách ở Việt Nam.

3. Xây dựng và phát triển đội ngũ các nhà nghiên cứu của Viện, với nòng cốt là đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao, có khả năng giải quyết những nhiệm vụ khoa học quan trọng, tham gia có hiệu quả vào hợp tác khoa học quốc tế.

4. Cơ sở vật chất của viện được nâng cấp và hiện đại hóa một bước; bước đầu đáp ứng được yêu cầu của một cơ sở nghiên cứu hiện đại.

5. Có mạng lưới cộng tác viên mở rộng hơn, kết nối với các cơ sở nghiên cứu khoa học, mạng lưới các nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan hoạch định chính sách trong và ngoài nước; hình ảnh của Viện được nâng cao hơn một bước. 

2. Các nhiệm vụ đến năm 2020:

a,Về công tác nghiên cứu:

Những hướng nghiên cứu lớn từ nay đến 2020 của Viện là:

- Nghiên cứu và dự báo những xu hướng phát triển chủ yếu của thế giới trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI về kinh tế, chính trị, an ninh, trong đó chú trọng đặc biệt đến những đặc điểm và xu hướng lớn của nền kinh tế và chính trị thế giới với tư cách một chỉnh thể;

- Nghiên cứu và dự báo cuộc cách mạng khoa học công nghệ, nội dung, đặc điểm và những tác động về mặt kinh tế và chính trị của nó đối với các quan hệ quốc tế và sự phát triển của các quốc gia, đến sự hình thành của nền kinh tế tri thức;

- Nghiên cứu các lý thuyết và mô hình phát triển, đặc biệt là quá trình hình thành và tiến triển của các chiến lược và chính sách phát triển của các quốc gia, làm nổi bật những tác động của các lý thuyết, mô hình, chiến lược và chính sách phát triển đến các vấn đề, các tổ chức quốc tế, các khu vực và quốc gia trong các thập kỷ tới;

- Nghiên cứu những vấn đề chung của nền kinh tế thế giới như thương mại quốc tế và tương lai của vòng đàm phán Đôha, sự dịch chuyển và quản lý các dòng vốn quốc tế, sự di dân quốc tế và khu vực, phân tích và dự báo về sự tiến triển của các thị trường tài chính tiền tệ, các đồng tiền chủ chốt, và tác động của chúng đến quốc tế, khu vực và đặc biệt là Việt Nam;

- Nghiên cứu vị thế và vai trò của các chủ thể của nền kinh tế và chính trị thế giới, như các Nhà nước quốc gia, các tổ chức quốc tế, các công ty xuyên quốc gia, và các tổ chức phi chính phủ;

- Nghiên cứu toàn diện về các tổ chức quốc tế và các chủ thể phi quốc gia, như Liên hợp quốc, WTO, WB, IMF, ADB, EU, APEC, NAFTA, ASEAN,.. vấn đề, vai trò và chiều hướng cải cách của chúng;

- Nghiên cứu các quan hệ xuyên châu lục như quan hệ Á - Âu, Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, quan hệ giữa các nước lớn; quan hệ Bắc - Nam, quan hệ Nam - Nam, cũng như các hình thức mới của các quan hệ quốc tế;

- Nghiên cứu những vấn đề toàn cầu như dân số; xóa đói giảm nghèo, khủng hoảng môi trường và biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực và khủng hoảng năng lượng;

- Nghiên cứu những đặc điểm chung của các nước phát triển, động thái và chính sách của các nước lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, và các nước đang phát triển, nhất là những nền kinh tế mới nổi như BRICS hay VISTA;

- Nghiên cứu tác động của những xu hướng phát triển lớn, những diễn biến kinh tế và chính trị trên thế giới đối với Việt Nam;

- Nghiên cứu quá trình hội nhập của Việt Nam vào đời sống kinh tế và chính trị quốc tế và khu vực; đặc biệt là việc thực hiện các cam kết WTO, APEC, ASEAN, Cộng đồng Kinh tế Đông Á (EAEC), và Hợp tác GMS.

b, Về công tác phát triển nguồn nhân lực:

- Khuyến khích sự say mê, sáng tạo, chủ động trong nghiên cứu khoa học, trọng dụng người tài;

- Tăng cường công tác bồi dưỡng các cán bộ nghiên cứu trẻ, khuyến khích học tập;

- Đầu tư phát triển các kỹ năng, phương pháp nghiên cứu hiện đại;

- Tăng cường trình độ ngoại ngữ cho các cán bộ;

- Chú trọng công tác tuyển dụng, khuyến khích tuyển dụng các cán bộ du học ở ngoài nước.

c, Về công tác phát triển cơ sở hạ tầng:

- Đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác nghiên cứu;

- Kiện toàn hệ thống thư viện; xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử;

- Đầu tư phát triển các phần mềm phân tích và xử lý số liệu phục vụ nghiên cứu .

d,Về công tác mở rộng mạng lưới cộng tác viên, quảng bá hình ảnh của viện:

- Tiếp tục mở rộng mạng lưới cộng tác viên trong và ngoài nước, các cán bộ nghiên cứu đã nghỉ hưu, đã chuyển đi, các thế hệ nghiên cứu sinh của Viện;

- Tăng cường quan hệ với các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước, các cơ quan hoạch định chính sách;

- Tăng cường quan hệ với cộng đồng doanh nghiệp, khuyến khích gắn nghiên cứu lý thuyết với ứng dụng vào thực tế;

- Đầu tư cho cổng thông tin điện tử của Viện;

- Tăng cường các hoạt động hội nghị, hội thảo khoa học;

- Chú trọng công tác truyền thông, xuất bản.

Ba đột phá chiến lược:

- Đầu tư phát triển và xây dựng thương hiệu của Báo cáo thường niên Kinh tế và Chính trị thế giới;

- Phát triển đồng bộ đội ngũ cán bộ khoa học và cán bộ quản lý, đối mới căn bản cơ chế quản lý khoa học;

- Xây dựng mạng lưới cộng tác viên trong và ngoài nước thông qua các hoạt động nghiên cứu; Tăng cường phát triển công tác truyền thông, xuất bản, hội thảo khoa học.

Trải qua 30 năm Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới ngày càng trưởng thành, phát triển và có những đóng góp thực sự có hiệu quả cho nền khoa học xã hội và sự phát triển của đất nước. Ghi nhận những đóng góp của Viện, nhân dịp 15 năm thành lập tháng 9/1998, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho tập thể Viện.

Hiện tại, đội ngũ cán bộ khoa học của Viện ngày càng được nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng tốt mọi nhiệm vụ được giao, hoạt động hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng; cơ sở vật chất kỹ thuật và điều kiện làm việc của Viện ngày càng được cải thiện nâng cấp, bộ mặt của Viện ngày càng được khang trang hơn. Với một thế và lực mới, cùng với quyết tâm mới, lãnh đạo và các cán bộ của Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới qua các thế hệ sẽ chung tay để xây dựng Viện trở thành một viện chuyên ngành hàng đầu của đất nước, phấn đấu trở thành viện có tầm cỡ trong khu vực và quốc tế trong nghiên cứu  kinh tế và chính trị thế giới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao những nhiệm vụ mà  công cuộc phát triển đất nước đặt ra.

Nguồn: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

In trang Chia sẻ

Tin khác