Viện Thông tin Khoa học xã hội

17:00 17/10/2023
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +

I. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Viện Thông tin Khoa học xã hội (KHXH) trực thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) được thành lập theo Quyết định số 93/CP ngày 8/5/1975 của Hội đồng Chính phủ, trên cơ sở thống nhất hai tổ chức đã có là Thư Viện Khoa học xã hội (thành lập năm 1968) và Ban Thông tin Khoa học xã hội (thành lập năm 1973). Viện có tên giao dịch quốc tế là Institute of Social Sciences Information.

Theo Quyết định số 93/CP, Viện Thông tin Khoa học xã hội được giao chức năng “Nghiên cứu, thông báo, cung cấp tin tức và tư liệu về khoa học xã hội cho các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức quần chúng có trách nhiệm đối với công tác khoa học xã hội”.

Ngày 24/3/1976, trên cơ sở tổ chức hệ thống thông tin tại Uỷ ban, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam đã ra Quyết định số 54/KHXH-QĐ, quy định:

Viện Thông tin Khoa học xã hội là cơ quan khoa học phụ trách công tác thư viện, tư liệu và thông tin của Uỷ ban Khoa học xã hội”. Viện có nhiệm vụ:

1. Bổ sung và thống nhất quản lý vốn sách báo tư liệu trong phạm vi Uỷ ban.

2. Bổ sung và hoàn thiện hệ thống phiếu tra cứu sách báo tư liệu trong thư viện của Uỷ ban.

3. Dịch và quản lý việc dịch tài liệu khoa học từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt trong phạm vi Uỷ ban, phối hợp với các cơ quan khác trong việc tổ chức dịch và sử dụng tài liệu dịch.

4. Tổ chức việc cho mượn sách báo tư liệu.

5. Thông báo kịp thời và chính xác những thành tựu mới, những vấn đề mới của các ngành KHXH trong và ngoài nước cho cán bộ và cơ quan có trách nhiệm về KHXH, trước mắt nhằm vào những vấn đề có liên quan trực tiếp đến cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

6. Cùng với thủ trưởng các Viện và Ban nghiên cứu khoa học xây dựng hệ thống thư viện, tư liệu và thông tin KHXH trong toàn Uỷ ban, chỉ đạo về nghiệp vụ đối với hệ thống đó.

7. Nghiên cứu thông tin học, thư viện học và thư mục học nhằm cải tiến và hoàn thiện không ngừng các công tác đó.

8. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thông tin tư liệu, thư viện trong toàn Uỷ ban.

9. Xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho công tác thông tin tư liệu, thư viện trong toàn Uỷ ban.

10. Thực hiện việc hợp tác quốc tế về thông tin và thư viện KHXH trong phạm vi những hiệp định mà Uỷ ban KHXH đã ký kết. (Điều 1, Quyết định số 54/KHXH-QĐ).

Ngày 25/4/2005, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam ban hành Quyết định số 352/2005/QĐ-KHXH, tiếp tục khẳng định chức năng của Viện là: Nghiên cứu khoa học, thông tin khoa học, hoạt động thư viện, đào tạo nguồn nhân lực và xuất bản tạp chí cùng các sản phẩm thông tin KHXH.

Ngày 27/02/2013 Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ra Quyết định số 266/2013/QĐ-KHXH, Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Thông tin KHXH, quy định rõ 4 chức năng của Viện là:

1) Thông tin khoa học cho các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức nghiên cứu và đào tạo, các doanh nghiệp... về những vấn đề cơ bản và xu hướng phát triển của thế giới, khu vực và Việt Nam, về KHXH thế giới và Việt Nam.

2) Bảo tồn, khai thác và phát huy di sản truyền thống Thư Viện Khoa học xã hội. Xây dựng và phát triển Thư viện là Thư viện Quốc gia về Khoa học xã hội.

3) Chủ trì, điều phối và hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ thuộc lĩnh vực thông tin và thư viện trong toàn Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

4) Đào tạo, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực thông tin và thư viện KHXH.

Như vậy, hoạt động của Viện gồm ba lĩnh vực lớn: 1/ Nghiên cứu khoa học 2/ Thông tin khoa học và 3/ Hoạt động thư viện. Từ khi được thành lập đến nay, chức năng hoạt động của Viện Thông tin KHXH về cơ bản không thay đổi. Tuy nhiên, về quy mô và phạm vi hoạt động đã được mở rộng, phát triển và lớn mạnh không chỉ qua bề rộng mà chủ yếu là ở chiều sâu và tầm ảnh hưởng của hoạt động thông tin, khoa học và thư viện của Viện đối với sự nghiệp khoa học xã hội nước nhà.

Với tư cách là một cơ quan thông tin chuyên ngành về KHXH, Viện Thông tin KHXH có trách nhiệm cung cấp nhiều loại hình thông tin: thông tin phục vụ nghiên cứu khoa học với thông tin phục vụ lãnh đạo, thông tin khoa học cơ bản và thông tin mũi nhọn mang tính cấp thiết, thông tin hồi cố và thông tin cập nhật, thông tin nguồn trong nước và thông tin nguồn nước ngoài, thông tin nguồn tài liệu gốc và thông tin thứ cấp... Đặc biệt, Viện là một trong các cơ quan nguồn cung cấp thông tin quan trọng trong lĩnh vực khoa học và phát triển. Các ấn phẩm khoa học của Viện hiện có: Tạp chí Thông tin KHXH; Bản tin phục vụ nghiên cứu; Niên giám thông tin KHXH; Thông tin KHXH nước ngoài; Thông báo sách mới; Các ấn phẩm xuất bản và dịch từ tiếng nước ngoài...

Thư viện KHXH do Viện quản lý là thư viện chuyên ngành về KHXH cấp quốc gia, có đối tượng phục vụ là bạn đọc có trình độ thuộc giới nghiên cứu và giảng dạy trong và ngoài nước, các nhà hoạt động xã hội, các tổ chức và cá nhân dùng tin có nhu cầu. Trong Nghị định số 72/2002/NĐ-CP của Chính phủ về Pháp lệnh thư viện, thì Thư viện KHXH là một trong 6 thư viện được công nhận có vị trí “đặc biệt quan trọng”, được Nhà nước “đầu tư tập trung”.

Thư viện KHXH chính thức được thành lập năm 1968, sau khi Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 117/CP ngày 31/7/1967, quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban KHXH Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, Thư viện đã có lịch sử hơn 100 năm do được kế thừa di sản của Học viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO, thành lập năm 1901, năm 1957 người Pháp bàn giao lại với khối tư liệu khoa học đa ngành đồ sộ và quý giá từ Thư viện EFEO cho phía Việt Nam).

Hiện tại, Thư viện có khoảng 1.000.000 đầu tài liệu, gồm 500.000 sách, hơn 2.000 loại báo, tạp chí tiếng Việt và tiếng nước ngoài thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó hơn 400 loại báo và tạp chí tiếng nước ngoài “sống” (được bổ sung đủ và thường xuyên). Bộ sưu tập sách Nhật cổ có 11.223 bản, Trung Quốc cổ có 31.175 bản (đứng thứ 4 sau Thư viện quốc gia Bắc Kinh, Thư viện Đại học Tokyo, và Thư viện quốc gia Đài Loan.). Trung Quốc hiện đại có 11.223 bản, sách Latin có 40.000 bản... Bản sách cổ nhất của thư viện có niên đại từ thế kỷ XIV. Bản độc đáo nhất của Thư viện có dấu “Ngự” của Triều Thanh Trung Quốc (Thế kỷ XVIII). Một phần bộ “Vĩnh lạc đại điển” và một phần bộ “Tứ khố toàn thư” là những sách có giá trị đặc biệt mà ngay tại nơi sinh ra nó là Trung Quốc cũng không có đủ, thì tại Thư viện vẫn sưu tập và lưu giữ được.

Trong kho tư liệu truyền thống có hơn 160 tập thần tích, thần sắc của khoảng 9000 làng Việt (với khoảng 230 nghìn trang tư liệu viết tay, 1.225 bản hương ước được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, bằng bút lông trên giấy dó, trong đó có khoảng 50 văn bản soạn vào thế kỷ XVIII - XIX. Hơn 5.000 bản hương ước bằng chữ quốc ngữ, viết tay. Hơn 3.534 bản kê bằng chữ Hán, chữ Nôm các dạng văn hóa làng xã như thần sắc, văn bia, địa bạ, khoán lệ... Và bản kê địa danh làng xã năm 1923 của hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước.

Trong kho bản đồ còn lưu giữ 3.137 loại bản đồ với trên 9.437 tấm và 122 tập Atlát về 3 nước Đông Dương được vẽ hoặc in rất sớm, từ những năm 1584 đến năm 1942. Nhiều bản đồ được coi là quý, chẳng hạn bản đồ Hà Nội năm 1831 “Hoài Đức phủ toàn đồ”, bản đồ Hà Nội 1873; bản đồ Sài Gòn năm 1902. Hơn 400 bản sắc phong của triều Lê, triều Nguyễn và các triều đại phong kiến thời trước, bản cổ nhất mà Thư viện có được là vào thế kỷ XVI (đầu thế kỷ XVII: bản sắc phong có ký hiệu VHTS2, ngày ban sắc 17/6 năm Hoằng Định thứ hai -1602).

Kho ảnh của Thư viện có 58.000 ảnh về các di tích lịch sử, kiến trúc, khảo cổ, sinh hoạt văn hoá, trong số này có khoảng 40.000 ảnh về Việt Nam, Lào, Campuchia. Kho ảnh này được hình thành chủ yếu từ các công trình nghiên cứu của các nhà sử học, kiến trúc sư, khảo cổ học, dân tộc học... người Pháp và người Việt Nam. UNESCO đã đề nghị Viện Thông tin KHXH làm hồ sơ để bộ sưu tập ảnh này được đăng ký công nhận là Ký ức thế giới (Memory of the World).

Về cơ cấu tổ chức: Viện có 21 phòng chức năng, gồm: Phòng Thông tin Chính trị và những vấn đề chiến lược phát triển; Phòng Thông tin Kinh tế; Phòng Thông tin Nhà nước và Pháp luật; Phòng Thông tin Lịch sử, Dân tộc và Tôn giáo; Phòng Thông tin Văn hoá và Phát triển; Phòng Thông tin Xã hội và Con người; Phòng Thông tin Toàn cầu và Khu vực; Phòng Thông tin Ngữ văn; Phòng Nghiệp vụ thư viện; Phòng Bổ sung - Trao đổi; Phòng Phân loại - Biên mục; Phòng Bảo quản; Phòng Công tác bạn đọc; Phòng đọc Báo - Tạp chí; Phòng Xây dựng Cơ sở dữ liệu - Thư mục; Phòng Tin học hoá; Phòng Phổ biến tin; Phòng In; Phòng Tổ chức - Hành chính; Phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác quốc tế; Tạp chí Thông tin KHXH.

Tổng số cán bộ, viên chức của Viện là 96 người. Về trình độ học vấn: có 4 GS, PGS, TS; 49 ThS (trong đó có 10 cán bộ đang làm NCS); 35 đại học (trong đó 12 cán bộ đang học cao học).

Về cơ sở vật chất: sau thời gian dài hoạt động trong điều kiện trụ sở chật hẹp tại 26 Lý Thường Kiệt, ảnh hưởng nhiều đến công tác bảo quản, phục vụ bạn đọc, hạn chế lắp đặt các thiết bị bảo quản, cập nhật thông tin thiết yếu…, từ năm 2012, Trụ sở Viện được chuyển về số 1B Liễu Giai, với diện tích tạm đủ cho hoạt động trong điều kiện hiện nay, cơ sở vật chất được trang bị hiện đại hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đúng chức năng, nhiệm vụ của Viện.

II. NHỮNG THÀNH TỰU CHỦ YẾU

1. Giai đoạn 1975 - 1985

a. Xây dựng hệ thống tra cứu, khai thác nguồn lực thông tin - thư viện

Bên cạnh vốn tài liệu, sách, báo được bàn giao từ EFEO, trong giai đoạn đầu từ khi thành lập Viện, việc trao đổi nguồn lực thông tin của Viện Thông tin KHXH được thực hiện chủ yếu với các cơ quan thông tin - thư viện của các nước xã hội chủ nghĩa ngày đó, đặc biệt là Liên Xô. Do vậy, vốn tài liệu sách báo khoa học tiếng Nga chiếm một tỷ lệ cao trong nguồn tài liệu bổ sung.

Trước năm 1973 Thư Viện KHXH sử dụng khung phân loại thập tiến rút gọn có bổ sung, gồm 17 lớp do Thư viện Quốc gia Việt Nam biên soạn dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô. Đến năm 1973, Thư viện đã nghiên cứu để áp dụng khung phân loại thư mục - thư viện (BBK) của Liên Xô; tổ chức dịch, biên tập và biên soạn lại các chương, mục cho phù hợp với tình hình và điều kiện phát triển cụ thể của các ngành KHXH. Từ năm 1976, Viện đã bắt đầu nghiên cứu và đưa vào áp dụng mô tả thư mục theo quy tắc ISBD (M) và ISBD (S) của Liên đoàn quốc tế các hiệp hội và tổ chức thư viện (IFLA).

Việc áp dụng mô tả thư mục theo ISBD là một bước đi lớn của Viện Thông tin KHXH trong tiến trình xây dựng nghiệp vụ thư viện vươn lên nắm bắt trình độ quốc tế.

b. Các sản phẩm và dịch vụ thông tin

Ngay từ khi thành lập, Viện đã chú trọng tổ chức - xây dựng hệ thống các ấn phẩm thông tin KHXH. Đến nay, hệ thống ấn phẩm - nguồn tin nội sinh của Viện đã xác lập được vị trí đặc thù riêng trên thị trường tin trong nước, và trở nên quen thuộc với đông đảo người dùng tin từ Trung ương đến địa phương. Những năm tháng hoạt động của Viện cũng là thời gian Viện dò tìm, nghiên cứu, sáng tạo và định hình các hình thức xử lý thông tin như: làm chú giải, lược thuật, dịch thuật và tổng thuật. Trên những nền móng đó, Viện đã xây dựng các loại hình ấn phẩm thông tin cho nghiên cứu lý luận và quản lý triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá, khoa học, giáo dục… ở Trung ương và địa phương.

Ấn phẩm thông tin đầu tiên mang tên Viện Thông tin KHXH là loại thông tin thư mục “Thông báo sách mới” (tháng 12-1975). Sau đó các thông tin thư mục được xuất bản hàng quý, theo từng bộ môn KHXH như triết học, xã hội học, kinh tế học, luật học, sử học, dân tộc học, khảo cổ học, văn học, ngôn ngữ học… Ngoài ra, Viện còn biên soạn thông tin thư mục bài trích các tạp chí trong và ngoài nước và cho xuất bản thành những tập riêng. Lý do chủ yếu để thông tin thư mục ra đời sớm, trước hết là vì loại hình thông tin này đã kế thừa những sản phẩm thư mục của Thư Viện KHXH, cũng còn vì thông tin thư mục phải là bước đi trước tiên chuẩn bị cho các bước xử lý tiếp theo trong quá trình thông tin.

Trên cơ sở nguồn vốn thông tin được tổ chức và xây dựng trong những năm 1975-1977, từ năm 1977-1978 Viện đã xuất bản định kỳ các tập san thông tin chuyên ngành KHXH, chủ yếu là các bài dịch thuật, lược thuật các công trình nghiên cứu KHXH ở trong và ngoài nước là chủ yếu.

Một loại hình ấn phẩm thông tin khác - đó là các sưu tập thông tin chuyên đề. Cũng giống như các tập san thông tin chuyên ngành, các sưu tập thông tin chuyên đề gồm các bài dịch thuật, lược thuật, tổng thuật phân tích khoa học nhưng mang tính chọn lọc, định hướng rõ rệt, thường là về những vấn đề mà đông đảo giới dùng tin trong nước đang quan tâm, hoặc về những vấn đề có tính tổng kết các lĩnh vực khác nhau của đời sống khoa học và thực tiễn xã hội.

Năm 1978, Tập san Thông tin KHXH được xuất bản theo giấy phép số 387/GPXB của Bộ Văn hóa. Một năm sau, Tập san được cấp giấy phép chuyển thành Tạp chí Thông tin KHXH vào năm 1979, là cơ quan ngôn luận của Viện Thông tin KHXH có nhiệm vụ “nghiên cứu về mặt lý luận và phổ biến những thành tựu mới, luận điểm mới, phương hướng mới và phương pháp mới của các bộ môn khoa học xã hội ở Việt Nam và trên thế giới” (giấy phép số 378/GPXB). Tạp chí Thông tin KHXH nhanh chóng chiếm một vị trí quan trọng trong quá trình cung cấp thông tin khoa học cho giới nghiên cứu và các nhà quản lý.

Trong các ấn phẩm của Viện Thông tin KHXH, còn phải kể đến tài liệu dịch. Đây là những tài liệu nước ngoài có giá trị khoa học, có tính cập nhật và thời sự. Ngay từ những năm đầu hoạt động, Viện đã chú ý đến loại hình dịch thuật. Cuốn sách đầu tiên mà Viện đã tuyển chọn, tổ chức dịch và xuất bản (năm 1978): Có thể nuôi được 10 tỷ người không? của J. Klatsmann; sau đó, một số tài liệu khác được xuất bản phục vụ cho công tác tư tưởng như Hồi ký Vương Minh (1979); Ghi chép về Trung Quốc (1979), Các khoa học xã hội và thông tin (1980)…

c. Nghiên cứu lý luận nghiệp vụ thông tin - thư viện

Thư Viện Khoa học xã hội từ trước năm 1975 đã từng triển khai công tác nghiên cứu các vấn đề cơ bản của thư viện học, thư mục học, thư tịch học, một số vấn đề của thông tin học và được tiếp tục tăng cường sau ngày thành lập Viện nhằm tạo nền tảng xây dựng cơ sở lý luận cho chuyên ngành thông tin - thư viện trong lĩnh vực KHXH.

Thư viện đã nghiên cứu và đưa vào áp dụng các quy trình xử lý kỹ thuật tài liệu, quy trình lựa chọn và duyệt mua sách báo tư liệu khoa học, tổ chức kho và các chế độ phục vụ bạn đọc. Một vấn đề quan trọng trong giai đoạn này là nghiên cứu những vấn đề lý luận và cấu trúc của khung phân loại BBK nhằm mục tiêu đưa khung phân loại BBK của Liên Xô áp dụng vào công tác phân loại các tài liệu của Thư viện. Ngoài ra, Thư viện còn tổ chức nghiên cứu các loại hình thư mục nhằm mục đích biên soạn các loại thư mục phục vụ nhu cầu tra cứu tin đa dạng của nhiều đối tượng dùng tin khác nhau.

Nhiều vấn đề lý luận, phương pháp luận, phương pháp của các khoa học thông tin, thư viện đã được triển khai nghiên cứu. Giai đoạn này, Viện đã tập trung nghiên cứu và làm sáng tỏ mô hình tổ chức thông tin KHXH, trong đó có vấn đề thống nhất hoạt động thư viện với hoạt động thông tin. Những vấn đề nghiên cứu tiếp theo là xác định rõ vai trò, vị trí của thông tin KHXH trong hoạt động nghiên cứu KHXH, giảng dạy và truyền bá KHXH, nâng cao dân trí và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

Là một cơ quan thông tin đa ngành về KHXH, việc nghiên cứu những đặc thù của thông tin KHXH cũng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Vào thời điểm này, vấn đề cấp bách đặt ra là phải nhanh chóng nghiên cứu nhằm đưa ra được các phương pháp xử lý, phân tích, tổng hợp thông tin KHXH, Viện đã dịch và biên soạn tài liệu hướng dẫn các phương pháp chú giải tài liệu, biên soạn thư mục có chú giải, giới thiệu tài liệu trên tạp chí và các ấn phẩm thông tin khác của Viện. Hình thức xử lý thông tin chủ yếu của Viện là làm lược thuật các tài liệu khoa học (chiếm khoảng 70 - 80% số lượng tài liệu được xử lý). Việc nghiên cứu các phương pháp lược thuật công bố trong các ấn phẩm thông tin của Viện, đã giúp người tìm tin nắm bắt được một cách bao quát nội dung chính của tài liệu gốc (tài liệu cấp một), đồng thời có tính hướng dẫn kỹ năng của người làm thông tin khoa học. Những nghiên cứu này đã được áp dụng trong thực tiễn hoạt động xử lý tin của Viện trong suốt giai đoạn này.

Trong 10 năm đầu, Viện đã bám sát thực tiễn xã hội, đời sống khoa học của đất nước, cung cấp các loại hình ấn phẩm thông tin KHXH được người dùng tin chấp nhận.

Công tác phổ biến tin được bắt đầu triển khai từ năm 1977 khi hàng loạt ấn phẩm thông tin khoa học của Viện ra đời. Khi đó các ấn phẩm thông tin được phục vụ miễn phí đến các cơ quan của Đảng và Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, các viện nghiên cứu khoa học, các trường đại học trong phạm vi cả nước.

2. Giai đoạn từ 1986 đến 2004

Sau 10 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Thông tin KHXH bước sang một giai đoạn phát triển mới. Đường lối đổi mới do Đại hội VI của Đảng hoạch định đã ảnh hưởng tích cực và trực tiếp đến hoạt động nghiên cứu KHXH&NV, và đặc biệt đến hoạt động thông tin - thư viện của Viện.

a. Xây dựng, nghiên cứu nguồn lực thông tin

Nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng nội dung thông tin, nắm vững những vấn đề khoa học được thông tin, phục vụ nhiệm vụ phát triển KHXH và nhân văn, bên cạnh xây dựng, bổ sung nguồn lực thông tin thường xuyên, các đề tài nghiên cứu và thông tin là một trong số các hoạt động khoa học chủ yếu của Viện.

Trong giai đoạn này, Viện Thông tin KHXH đã chú trọng xây dựng nguồn vốn tài liệu khoa học phong phú và có chất lượng khoa học cao. Không chỉ các loại hình sách, báo, tạp chí, microfilm, mà nhiều cơ sở dữ liệu rất phong phú trên CD-ROM…, nhiều bộ từ điển song ngữ quý hiếm, từ điển đối chiếu, từ điển giải nghĩa, nhiều bộ Đại bách khoa toàn thư, cùng với hàng chục bộ bách khoa thư chuyên ngành rất quý, mới được xuất bản trong những năm đó tại nhiều nước trên thế giới... được bổ sung về Thư viện để phục vụ độc giả. Từ góc độ nghiên cứu để thông tin, nhiều vấn đề cấp thiết trong đời sống xã hội và học thuật đã được chọn lọc, xử lý, tổng quan trong các ấn phẩm của Viện như các xu hướng phát triển của thế giới ngày nay, vấn đề công nghiệp hoá, hiện đại hoá, các vấn đề tộc người và xung đột sắc tộc, sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn đối với khu vực Đông Nam Á sau chiến tranh lạnh, các vấn đề khu vực và toàn cầu, văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường, vấn đề tôn giáo, vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, sử học trước ngưỡng cửa của thế kỷ XXI, v.v...

Các đề tài khoa học và nhiệm vụ chuyên môn cấp Viện được tổ chức thực hiện ở các phòng chuyên môn theo phương thức vừa phục vụ nghiên cứu cơ bản vừa đáp ứng nhu cầu thông tin về những vấn đề bức xúc của đời sống học thuật và của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Các đề tài và nhiệm vụ khoa học cấp Viện do các phòng xác định, đăng ký được Hội đồng Khoa học của Viện tham gia ý kiến tư vấn và đề xuất lựa chọn ưu tiên thực hiện. Cán bộ của các phòng phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo tổ chức thực hiện với sự hợp tác của đội ngũ cộng tác viên khoa học. Nhờ vậy, nhiều đề tài khoa học đã hoàn thành kịp thời và với chất lượng cao.

Từ năm 1991, Viện đã chủ trì và thực hiện nhiều đề tài/nhiệm vụ cấp Bộ và tham gia nghiên cứu nhiều chương trình, đề tài cấp Nhà nước. Việc thực hiện các đề tài khoa học khẳng định thêm vai trò và vị trí của thông tin khoa học trong đời sống khoa học và đời sống tinh thần xã hội, khẳng định khả năng và năng lực của đội ngũ cán bộ của Viện.

b. Hệ thống ấn phẩm và dịch vụ thông tin

Thông tin thư mục

Từ năm 1986 đến năm 2004, Viện đã xuất bản trên 50 bộ thư mục các loại. Trước hết là các Thư mục thông báo sách mới nhập về Viện và về các Viện trong toàn Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Loại thư mục này, vào thời kỳ đầu mỗi năm ra một số và đến năm 1993 mỗi năm ra hai số. Từ năm 1998 đến 2004, Thư mục thông báo sách mới nhập về các Viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, ra đều đặn hàng tháng, do Viện Thông tin KHXH chủ trì phối hợp và xuất bản. Đây là một nghiệp vụ rất cơ bản của hoạt động thư viện, đồng thời rất cần thiết đối với giới nghiên cứu.

Trước năm 1987, Viện còn biên soạn và xuất bản thư mục chuyên ngành về các bộ môn KHXH như Triết học, Xã hội học, Kinh tế học, Luật học, Văn học, Ngôn ngữ học, Sử học, Khảo cổ học, Dân tộc học... Về sau, do những yêu cầu có sự chuyển đổi nên các loại thư mục trên đã không được tiếp tục mà chuyển sang biên soạn thư mục chuyên đề, thư mục nhân vật, thư mục địa chí... Kế tiếp các tập thư mục rất có giá trị khoa học ở giai đoạn trước như Thư mục Hồ Chí Minh (1970), Thư mục Nguyễn Trãi (1980), trong đó có chú giải nội dung, có các loại bảng tra, nhân dịp kỷ niệm tròn 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Viện đã biên soạn và xuất bản Tổng mục lục các công trình nghiên cứu về Hồ Chí Minh của các tác giả trong nước và ngoài nước có tàng trữ tại các thư viện lớn ở Việt Nam (4 thứ tiếng Việt, Nga, Anh, Pháp) (1990), và các bộ thư mục được biên soạn khá công phu như: Hương ước Việt Nam - thời kỳ cận đại (1991), Hương ước Việt Nam - Văn bản Hán - Nôm (1994), Thư mục Thần tích thần sắc (1996). Các thư mục hương ước và thần tích thần sắc trên đây phản ánh toàn bộ các tư liệu Hương ước và Thần tích thần sắc hiện đang được bảo quản, lưu trữ trong kho sách của Viện. Ngoài ra, Viện còn xuất bản các thư mục tổng hợp như Tổng mục lục các công trình khoa học xã hội dưới dạng sách 1953 - 1992 (1993); Mục lục liên hợp - tài liệu tiếng Việt về khoa học xã hội và nhân văn. T1 (1994); Thư mục Văn hoá làng xã Việt Nam: Truyền thống và phát triển (1996); Thư mục Phan Châu Trinh (1998), Thư mục Việt Nam học (1999); Thư mục ngàn năm Thăng Long - Hà Nội (2000);  Tổng mục lục Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội: 1978 - 1998 (2000)...

Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội

Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội (xuất bản từ năm 1978), lúc đầu phát hành 12 số/năm. Từ năm 1986 đến đầu những năm 1990 do gặp nhiều khó khăn về kinh phí, Tạp chí phát hành rút xuống còn 6 số/ năm, và từ 100 trang in rút xuống còn 84 trang. Đến giữa năm 1994 do nhu cầu thông tin, Tạp chí trở lại ra hàng tháng, trung bình mỗi số 1500 bản, mỗi bản 64 trang (in lazer, hình thức đẹp, trang trọng). Tính đến hết tháng 4 năm 2005 Tạp chí đã ra được 268 số và một Tổng mục lục 20 năm tạp chí Thông tin Khoa học xã hội (1978-1998).

Tạp chí thực hiện đúng tôn chỉ mục đích báo chí, bám sát tình hình thực tế đời sống KHXH & NV trong và ngoài nước. Các bài công bố trên Tạp chí gồm chủ yếu là các bài nghiên cứu, tổng thuật, lược thuật và một số ít là dịch thuật.

Về nội dung, Tạp chí đã tuyển chọn, xử lý và cung cấp những thông tin mới phục vụ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục - đào tạo, về khoa học - công nghệ, về văn học, tôn giáo và dân tộc, những kinh nghiệm cải cách, mở cửa và hội nhập quốc tế, các chương trình nghiên cứu KHXH & NV...

Ngoài những vấn đề trên, Tạp chí còn đăng tin, bài trong các mục “Chân dung các nhà khoa học xã hội và nhân văn”, “Diễn đàn thông tin khoa học xã hội”, “Đời sống - Tư liệu khoa học”, “Giới thiệu sách nhập về Thư viện Viện Thông tin KHXH”. Từ đầu năm 2000, Tạp chí mở thêm chuyên mục “Giới thiệu luận án tiến sĩ KHXH & NV”.

Cùng với quá trình trưởng thành của Viện, Tạp chí Thông tin KHXH đã không ngừng phấn đấu, tự khẳng định vai trò là cơ quan ngôn luận của Viện và của giới KHXH Việt Nam, là cầu nối giữa bạn đọc, người dùng tin và Viện Thông tin KHXH. Tạp chí có mối quan hệ trao đổi với nhiều tạp chí khoa học trong cả nước.

Tập san thông tin chuyên ngành

Trong giai đoạn từ năm 1977 - 1982, Viện có xuất bản Tập san Thông tin Khoa học xã hội chuyên ngành nhưng đến năm 1983 các loại tập san trên đình bản do khó khăn về kinh phí và giấy in. Năm 1990, Tập san Thông tin KHXH chuyên ngành được xuất bản trở lại dưới tên gọi Cái mới trong khoa học xã hội. Tính đến giữa năm 1994, Viện đã cho xuất bản số thứ 40 Cái mới trong khoa học xã hội, số lượng in ra bình quân 300 - 500 bản/số. Điều đáng chú ý ở loại hình ấn phẩm này là công bố nhiều vấn đề của các khoa học liên ngành. Từ ngày thành lập Viện đến năm 1994 đã có trên 65 số tập san được phát hành, đưa đến cho bạn đọc những thông tin mới bổ ích về tình hình nghiên cứu, triển khai những vấn đề khoa học, về những cái mới trong lĩnh vực KHXH & NV. Tập san thông tin KHXH chuyên ngành Cái mới trong KHXH tồn tại đến năm 1994 thì chuyển sang loại hình ấn phẩm Thông tin chuyên đề.

Thông tin chuyên đề là một loại hình ấn phẩm thông tin KHXH gồm các bài dịch thuật, lược thuật, tổng thuật phân tích khoa học về một vấn đề lý luận hay thực tiễn đang được người dùng tin quan tâm nghiên cứu. Loại hình ấn phẩm này ra đời đã góp phần cung cấp các thông tin chuyên sâu phục vụ giới nghiên cứu và giảng dạy KHXH ở nước ta. Hàng chục ấn phẩm theo hướng chuyên đề đã được tổ chức biên soạn và phục vụ bạn đọc trong cả nước về nhiều diện đề tài, trong đó không ít sưu tập mang tính định hướng đối với hoạt động nghiên cứu khoa học như: Đào tạo cán bộ quản lý (1987), Phong cách quản lý của người lãnh đạo (1987), Quá trình công nghiệp hoá ở một số nước trên thế giới (1988), Tâm lý xã hội và đời sống xã hội (1988), Nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên thế giới (1990), Về chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc (1990), Văn hoá và tính cách người Mỹ (1991), Nhà nước pháp quyền và xã hội công dân (1991), Những cuộc tranh luận về chủ nghĩa xã hội (1991), Văn học - nghệ thuật và sự tiếp nhận (1991), Khoa học - văn hoá - phát triển (1993), Nhỏ là đẹp (1994)...

Từ năm 1994, Thông tin chuyên đề KHXH được xuất bản thay cho Cái mới trong khoa học xã hội, (theo giấy phép xuất bản số 1708/BC ngày 27/6/1994 của Bộ Văn hoá Thông tin), gồm các bài nghiên cứu và thông tin về các thành tựu và kết quả nghiên cứu, thông tin dự báo về sự phát triển của các ngành KHXH&NV, về văn hoá và phát triển... Có thể nêu ra hàng loạt ấn phẩm thông tin chuyên đề đã được người sử dụng rất quan tâm như Xung quanh sự đụng độ giữa các nền văn minh (1995), Kinh nghiệm phát triển Đông Á (1995), Quyền con người trong thế giới hiện đại (1995), Triết học Đông - Tây (1996), Các chiều trong không gian thông tin (1996), Cải cách sử học (1996), Kinh tế các nước trong khu vực (1996), Tôn giáo và đời sống hiện đại (5 tập, 1997 - 2001), Những vấn đề xung quanh việc hợp nhất châu Âu (1997), Hiện tượng thần kỳ Đông Á - Các quan điểm khác nhau (1997), Sử học trước ngưỡng cửa của thế kỷ XXI (1997), Châu Á - thái bình Dương tìm kiếm một hình thức hợp tác mới cho thế kỷ XXI (1998), Vị trí chiến lược vấn đề biển và luật biển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (1998), Khủng hoảng tài chính tiền tệ ở châu Á - những vấn đề đặt ra hiện nay (1998), Sự đột phá của khoa học thông tin trước thế kỷ XXI (1998), Truyền thống và hiện đại trong văn hoá (1999), Nông nghiệp, an ninh lương thực với vấn đề tăng trưởng (1999), Sử gia và thời đại (1999), Văn học Mỹ Latinh (1999), Khu vực hoá và toàn cầu hoá - hai mặt của tiến trình hội nhập quốc tế (2000), Toàn cầu hoá và khu vực hoá - cơ hội và thách thức (2000), Tri thức, thông tin và phát triển (2000), Văn hoá học và văn hoá thế kỷ XX (2 tập, 2000), Chuẩn hoá và phong cách ngôn ngữ (2000), Sử học Trung Quốc trước gạch nối hai thế kỷ (2000), Sáng tác của Dostoevski - những cách tiếp cận từ nhiều phía (2000), Những vấn đề của toàn cầu hoá kinh tế (2001),...

Đến năm 2003, do các điều kiện xuất bản có thay đổi, Viện Thông tin KHXH không còn tự xuất bản các sưu tập thông tin chuyên đề nữa mà chuyển sang liên kết với Nhà xuất bản KHXH để xuất bản loại ấn phẩm này dưới dạng sách. Một lần nữa loại hình ấn phẩm thông tin tham khảo này lại trải qua một bước đổi mới về hình thức. Từ đây, phụ san chuyên đề của Tạp chí Thông tin KHXH chấm dứt tồn tại để nhường chỗ cho loại hình “sách sưu tập chuyên đề”. Với hình thức xuất bản mới này, Viện đã cho ra mắt được một số ấn phẩm như: Khủng bố và chống khủng bố với vấn đề an ninh quốc tế (2003), Chủ nghĩa tư bản hiện đại Hoa Kỳ đầu thế kỷ XXI (2003), Kinh tế tư nhân trong giai đoạn toàn cầu hoá hiện nay (2003), Những vấn đề văn học và ngôn ngữ học - 30 năm thông tin các khoa học ngữ văn (2003), Chủ nghĩa khủng bố toàn cầu: vấn đề và cách tiếp cận (2004)... Nhìn lại chặng đường phát triển của tập san thông tin chuyên ngành và sưu tập chuyên đề, có thể thấy thông tin KHXH đang phát triển theo chiều sâu.

Các ấn phẩm thông tin khoa học chuyên đề đã cung cấp kịp thời các thông tin bổ ích cho người dùng tin và được đông đảo người dùng tin trong cả nước hoan nghênh đón nhận. Các ấn phẩm thông tin chuyên đề đã khắc phục phần nào sự thiếu hụt thông tin và góp phần giúp bạn đọc tiếp cận nhanh với những thành tựu KHXH của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Cùng với các sưu tập chuyên đề, các số thông tin chuyên đề KHXH đã đứng vững trong hệ thống ấn phẩm thông tin của Viện Thông tin KHXH và chiếm một vị trí quan trọng trên thị trường thông tin khoa học ở nước ta hiện nay.

Bản tin Tài liệu phục vụ nghiên cứu (Tin nhanh - TN)

Đây là loại hình tài liệu dịch toàn văn các bài viết mới được công bố trên sách, báo và (chủ yếu là) tạp chí nước ngoài về những vấn đề lý luận và thực tiễn của KHXH và nhân văn cũng như những vấn đề quốc tế đang được giới dùng tin nước ta quan tâm. Bản tin loại này được xuất bản lần đầu tiên vào tháng 9-1990. Tin nhanh thể hiện tính đặc thù và độc đáo của thông tin KHXH ở nước ta, phục vụ kịp thời cho nghiên cứu KHXH và hoạch định chính sách ở trình độ chuyên sâu cập nhật được các hoạt động mới của KHXH thế giới trong quá trình đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tin nhanh đã nhanh chóng trở thành hoạt động mũi nhọn của Viện và góp phần đáp ứng một nhu cầu thông tin rất lớn ở nước ta từ bấy đến nay.

Ban biên tập tin nhanh đã không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng nội dung thông tin và rà soát lại đối tượng người dùng tin thường xuyên. Tính ưu việt của tin nhanh này là xử lý nhanh, dịch, biên tập với chất lượng tốt, nội dung thông tin phong phú và khá tập trung về nhiều lĩnh vực đang được quan tâm. (Cũng do vậy, một số cơ quan của Đảng đã tái sử dụng các tài liệu của Tin nhanh cho các ấn phẩm của mình).

Từ tháng 6/1993, Viện phát hành thêm bản tin Tài liệu tham khảo đặc biệt (TĐB), là loại tài liệu phục vụ cho một số địa chỉ xác định, với số lượng không nhiều (25 - 30 số mỗi năm). Đây cũng là những bản dịch toàn văn các bài nghiên cứu được công bố trên sách báo nước ngoài về những vấn đề lý luận, chính trị - xã hội, về chủ nghĩa Mác - Lênin, về chủ nghĩa xã hội, về chủ nghĩa tư bản hiện đại, về những vấn đề dân tộc và xung đột sắc tộc, về kinh tế học v.v… được cung cấp đến địa chỉ người dùng tin là các cán bộ lãnh đạo từ Trung ương đến các tỉnh thành trong cả nước. Đây là loại hình tài liệu dịch thông tin nhiều chiều trong KHXH&NV. Trung bình mỗi năm, Viện cung cấp cho người dùng tin 145 số bản tin góp phần bảo đảm thông tin đa dạng, khắc phục tình trạng thiếu hụt thông tin, góp phần phục vụ nghiên cứu khoa học, hoạt động lý luận và sự chỉ đạo quản lý của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp từ Trung ương đến các địa phương trong tình hình mới.

Tin nhanh Tin tham khảo đặc biệt không chỉ coi trọng chất lượng khoa học của các tài liệu gốc mà cả chất lượng dịch thuật, hiệu đính, biên tập và in ấn. Đây là những bản dịch toàn văn, được xử lý kịp thời, nên nhận được sự quan tâm và đón nhận nhiệt tình của người dùng tin là các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đông đảo giới nghiên cứu và hoạt động quản lý, chỉ đạo thực tiễn tại các cơ sở và địa phương trong cả nước.

Trong những năm 1980, do những khó khăn về kinh tế, tài chính, giấy, mực in nên nhiều công trình dịch thuật không có điều kiện xuất bản. Sau đó do sự thúc bách của nhu cầu xã hội, Viện dần dần phục hồi lại và xuất bản hàng loạt công trình có giá trị khoa học cao thuộc nhiều lĩnh vực như: về chủ nghĩa xã hội, về tư tưởng Mác - Lênin, về vấn đề dân tộc, về kinh tế học, về chính trị học v.v…

Nhiều công trình dịch thuật được giới khoa học đánh giá cao về mặt chất lượng phục vụ nghiên cứu, lãnh đạo và quản lý của các cấp, các ngành như: Chủ nghĩa xã hội và tin học của N.N. Moissev (1989); Cẩm nang tài khoản khách hàng (1993), Cẩm nang tín dụng (1994), Cẩm nang thanh toán quốc tế (1996), Nhỏ là đẹp của E.F. Schumacher (1994); Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn (1995), Marx - nhà tư tưởng của cái có thể của Michel Vadée (1996), Chiến tranh và chống chiến tranh của A. Toffler và H. Toffler (1998)… Có những cuốn thuộc diện tham khảo hẹp như Thất bại lớn. Sự ra đời và cái chết của chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ XX của Zbigniew Brzezinski (1992), Đế chế tan vỡ. Cuộc nổi dậy của các dân tộc ở Liên Xô của Hélène Carrere d’Encausse (1993).

Các loại hình ấn phẩm thông tin của Viện Thông tin KHXH được xây dựng là phương thức chuyền tải thông tin theo các cấp độ phục vụ những nhu cầu của thực tiễn xã hội đang đặt ra. Điều  này có thể cắt nghĩa được sự nỗ lực của hoạt động thông tin KHXH trong tình hình mới và vì sao thông tin KHXH đứng vững được trên vị trí của mình và không ngừng cải tiến, phát triển.

Từ năm 1986 đến 2004, Viện đã xây dựng và tổ chức các kênh thông tin từ Trung ương xuống các địa phương trong cả nước, đã nghiên cứu và phân loại đối tượng người dùng tin và tương ứng với từng đối tượng đó là các loại hình ấn phẩm thông tin và hình thức xử lý tài liệu cho phù hợp. Người dùng tin - đối tượng phục vụ, nhu cầu tin của họ là yếu tố quyết định và định hướng hoạt động của Viện.

Công tác phổ biến tin thực sự phát triển mạnh và có hiệu quả cao nhất vào những năm 90. Viện  đã chuyển tải thông tin của mình tới 800 cơ sở dùng tin từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, nhà trường, viện nghiên cứu và các cơ sở sản xuất kinh doanh… trong cả nước; chuyển tới tay người dùng tin hàng trăm nghìn ấn phẩm thông tin của Viện. Khi bản tin Tài liệu phục vụ nghiên cứu (Tin nhanh - TN) ra đời, chỉ tính riêng sáu tháng cuối năm 1990 đã có 40 tài liệu với số lượng in 300 bản về các vấn đề: sự tiến hoá của chủ nghĩa xã hội, về sở hữu, về nhà nước, về con người mới, về kinh tế, văn hoá… đã được phát hành và cung cấp cho 200 địa chỉ người dùng tin là các cán bộ lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học... Trong các năm 1992-1994, Viện đã cung cấp, phổ biến trên 118.000 đơn vị ấn phẩm các loại, đưa đến cho người dùng tin nhiều tư liệu có giá trị tham khảo, gợi ý nhiều mặt trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Có thể nói hoạt động thông tin KHXH của Viện đã đạt được những thành quả đáng khích lệ so với những năm trước đó. Hiệu quả thông tin được khẳng định bằng sự tin cậy của người dùng tin thể hiện qua các đơn đặt hàng thường xuyên, ổn định và đặc biệt Viện nhận được những nhận xét quý báu và rất tốt của người sử dụng các ấn phẩm thông tin.

Từ năm 1996 đến năm 2004, Viện đã chuyển tới người dùng tin trên 70 tên sách tham khảo nội bộ, các sưu tập chuyên đề, các số tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, gần 1000 số bản tin Tài liệu phục vụ nghiên cứu (cả Tin nhanh lẫn Tin đặc biệt). Các loại hình ấn phẩm thông tin của Viện ngày càng phong phú và đa dạng. Hình thức phục vụ cũng hết sức linh hoạt, không chỉ phục vụ gửi tới tận tay người dùng tin số rời mà còn chọn lọc các bản tin đã phát hành theo nội dung, giúp cho người dùng tin có được tài liệu nghiên cứu một cách có hệ thống. Đây là công sức đóng góp của tập thể cán bộ, công chức của Viện làm việc ở nhiều bộ phận khác nhau trong dây chuyền nghiên cứu, xử lý, quản lý, sản xuất, chế bản, in ấn… trong đó có sự đóng góp tích cực và có hiệu quả của công tác nắm bắt nhu cầu tin, tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến tin.

Riêng trong năm 2000, Viện đã phục vụ gần 4000 lượt người dùng tin trong cả nước, với 57.149 đơn vị tài liệu. Có 10.899 đơn vị tài liệu được biếu trực tiếp đến các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Bộ, ban, ngành, Trung ương và các địa phương, ngoài ra còn có 46.520 đơn vị tài liệu được bán trực tiếp cho người dùng tin.

Mặc dù kinh phí còn hạn hẹp, hàng năm Viện phát kênh giới thiệu sản phẩm của mình đến gần 10.000 đơn vị người dùng tin trong cả nước. Do tiếp cận được thị trường và đặc biệt nắm bắt được nhu cầu ngày càng cao của người dùng tin, cho nên nhiều ấn phẩm số lượng in ra đã không đủ để đáp ứng yêu cầu của người dùng tin và đã được tái bản. Chẳng hạn năm 1997 là năm Viện vượt mức kế hoạch về xuất bản và phục vụ tin về tài liệu thông tin KHXH cho đông đảo người dùng tin trong cả nước, góp phần khẳng định vị trí KHXH của đất nước.

Tuy nhiên, cho đến năm 2004, các sản phẩm thông tin của Viện Thông tin KHXH chưa thoát khỏi khuôn mẫu truyền thống, công tác nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu tin, tuyên truyền, phổ biến tin cũng chưa có sự đầu tư tương xứng. Vấn đề bản quyền trên thế giới cũng đang yêu cầu Viện phải có sự thay đổi trong phương thức xử lý và phổ biến thông tin.

3. Giai đoạn từ 2005 đến nay

a. Hoạt động xuất bản và thông tin - thư viện

Bắt đầu từ năm 2005, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã ban hành quy chế mới cho hoạt động của Viện Thông tin KHXH, trong những chức năng cơ bản của Viện (nghiên cứu khoa học, thông tin khoa học và hoạt động thư viện) thì chức năng xây dựng và phát triển Thư viện thành Thư viện quốc gia về khoa học xã hội đã trở nên cấp thiết. Với tiềm lực mạnh đã có và đang được xây dựng, thư viện Viện Thông tin KHXH ngày càng được thừa nhận là một thư viện có tầm cỡ không chỉ trong nước mà còn ở tầm khu vực. Hiện tại, Viện đang xây dựng đề án để phát triển thư viện của Viện trở thành thư viện đầu ngành về KHXH tầm cỡ khu vực.

Cũng bắt đầu từ năm 2005, trước tình hình tràn ngập thông tin đa dạng, đa chiều, đa trình độ... của thế giới ngày nay, cùng với việc Việt Nam chuẩn bị gia nhập Công ước Bern về quyền tác giả, việc duy trì hình thức phổ biến thông tin như trước không còn đáp ứng các điều kiện và yêu cầu của xã hội thông tin hiện đại. Từ đây, Viện Thông tin KHXH buộc phải từng bước thay đổi cách thức hoạt động của mình cho thích hợp. Các sưu tập chuyên đề chỉ chủ yếu gồm các bài dịch từ nước ngoài trở nên không phù hợp với yêu cầu bản quyền, buộc phải chuyển sang hình thức xuất bản liên kết với các nhà xuất bản, đặc biệt là Nhà xuất bản KHXH. Dạng thông tin chuyên ngành  ra đời, đòi hỏi mỗi người làm tin đồng thời cũng phải phát ngôn với tư cách là nhà nghiên cứu và giữ quyền tác giả ở mức độ nhất định. Đó là hình thức xử lý tổng quan một vấn đề của KHXH dựa trên nguồn tin đa dạng trong và ngoài nước. Điều này đã gặp phải không ít khó khăn, do đội ngũ làm thông tin của Viện đang có sự chuyển giao thế hệ, với một lực lượng trẻ đang dần thay thế cho các thế hệ trước đang chuẩn bị về hưu. Một số cán bộ chưa kịp đáp ứng bước chuyển đổi nhanh sang hình thức thông tin mới.

Ngoài loại hình thông tin chuyên ngành, Viện vẫn liên hệ đàm phán về bản quyền để duy trì loại hình thông tin dịch toàn văn. Đến nay, Viện đã xuất bản được một số công trình dịch quan trọng như: Có một nước Mỹ khác: sự nghèo khó ở Hoa Kỳ (2006), Những vấn đề mũi nhọn trong nghiên cứu triết học đương đại (2008), Tư duy chiến lược, Vốn con người,...

Đặc biệt, những năm gần đây Viện đã thực hiện và cho ra mắt hai loại hình thông tin mới là Niên giám thông tin KHXH Niên giám thông tin KHXH nước ngoài. Kể từ năm 2006, Niên giám thông tin KHXH là  ấn phẩm định kỳ tổng kết các thành tựu nghiên cứu KHXH trong nước hằng năm và xuất bản vào năm sau. Số đầu tiên, số 01 - ra mắt vào năm 2006. Cho đến nay, Viện đã xuất bản được 8 số. Niên giám thông tin KHXH nước ngoài ra mắt số đầu tiên vào năm 2010, đến nay đã xuất bản đến số 5 với độ dày mỗi số trên 1000 trang khổ 16 x 24. Hai loại hình ấn phẩm này tuy kén bạn đọc nhưng đã nhanh chóng nhận được sự đánh giá cao của các nhà nghiên cứu, hoạt động  xã hội và quản lý.

Từ 2005, phối hợp với Mạng Quốc tế các ấn phẩm khoa học (INASP), Viện Thông tin KHXH đã tổ chức nhiều hoạt động nghiệp vụ, triển khai đào tạo, hướng dẫn về xuất bản trực tuyến với các tạp chí khoa học trong cả nước. Từ năm 2006, Tạp chí Thông tin KHXH đã xuất bản Online toàn văn (dưới dạng truy cập mở và có độ trễ nhất định) trên CSDL Tạp chí Khoa học Việt Nam trực tuyến (www.vjol.info.vn). Định kỳ và đều đặn đến hết năm 2012, Tạp chí đã xuất bản hơn 1.000 bài trên CSDL này, thu hút lượng lớn độc giả trên khắp thế giới truy cập và tải về. Đến nay, số lượng người truy cập ngày một tăng; tính trung bình mỗi tháng có khoảng 10.000 lượt người truy cập, mỗi số tạp chí có khoảng 2.000 lượt người download.

Năm 2007, Viện bắt đầu xuất bản Tạp chí Thông tin KHXH bằng tiếng Anh  Social Sciences Information Review, ra 4 số một năm. Tạp chí đã nhận được phản hồi tích cực từ phía các độc giả ngoài nước. Đây là một cố gắng lớn của Viện trong xu hướng tham gia hội nhập quốc tế.

Năm 2011 - 2013, Viện được Nhà nước đầu tư dự án "Nâng cao chất lượng quản lý và phục vụ khai thác các kho tư liệu tại Thư viện KHXH". Với dự án này, Thư viện đã được trang bị một số thiết bị chuyên dụng và phần mềm hiện đại ở trình độ các thư viện đẳng cấp. Kho tư liệu Trung Quốc cổ, Nhật cổ, tiếng Nga… được làm CSDL thư mục theo chuẩn Millennium. Nhờ có Roboscanes Treventus, các tài liệu độc bản như hương ước, thần tích, thần sắc Hán Nôm, tư liệu địa danh làng xã... đã từng bước được số hóa. Hệ thống cổng từ, mã vạch, mã số… cho tài liệu bắt đầu được thực hiện.

Cũng trong những năm này, Viện đã chủ động thực hiện nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Bộ về hoạt động thư viện. Việc phát triển và xây dựng hệ thống CSDL đồng bộ, đầy đủ cho mọi loại hình ấn phẩm của thư viện được chú ý thực hiện. Nhờ có dự án thư viện kể trên, lần đầu tiên, mọi loại hình ấn phẩm của thư viện đều có CSDL thư mục tương ứng, đạt chuẩn quốc tế, là vào năm 2013. Đây là một cố gắng lớn của đội ngũ cán bộ thế hệ mới của Viện. Điều này có ý nghĩa rất đáng kể, nếu chú ý rằng có nhiều bộ sưu tập quý hiếm từ thời “Viễn Đông bác cổ” cho đến tận hôm nay mới có CSDL thư mục gồm đầy đủ các yếu tố theo chuẩn quốc tế, tra được trên Computer. Trước đó những tài liệu như vậy chỉ được biết đến thông qua các sổ “Đăng ký cá biệt”. Dĩ nhiên điều này làm phần lớn các tài liệu rơi vào tình trạng “chỉ được ngắm trong két sắt”, chưa phát huy được giá trị của chúng. Hiện nay, bộ sưu tập tài liệu số, các công cụ tra cứu đa dạng, đặc biệt các công cụ tra cứu dựa trên nền tảng phần mềm thư viện Millennium đã giúp cho bạn đọc tìm tin và khai thác mọi nguồn tin một cách thuận tiện. Các tài liệu quý được bạn đọc biết đến nhiều hơn. Người đọc có nhu cầu có thể tiếp cận được nguồn tin mà mình cần. Chất lượng phục vụ của thư viện đã đạt đến một số chuẩn quốc tế. Nhiều CSDL đã có thể tra cứu được trên mạng Internet...

b. Hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế

Với tư cách là cơ quan đầu ngành về hoạt động thông tin - thư viện trong lĩnh vực KHXH, trong công tác nghiên cứu khoa học, Viện luôn chủ động xây dựng các chương trình, đề tài, hệ đề tài nghiên cứu chuyên sâu về thông tin - thư viện trên tất cả các lĩnh vực KHXH. Trong khoảng thời gian từ năm 2005 - 2012, Viện được giao thực hiện 01 đề tài cấp nhà nước, 16 đề tài và 13 nhiệm vụ cấp Bộ, 81 đề tài cấp Viện. Bên cạnh đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm nghiên cứu đứng ra đảm nhận các chức trách nghiên cứu, Viện đã không ngần ngại giao cho một số cán bộ trẻ, không nhiều kinh nghiệm nhưng có năng lực làm chủ nhiệm các đề tài, kể cả các đề tài cấp bộ với sự kèm cặp, giúp đỡ của của đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm. Họat động khoa học và công tác quản lý khoa học nhờ đó đã có bước tiến đột phá khi Viện thực hiện chủ trương này. Mô hình hoạt động nghiên cứu khoa học nhiều tầng với mỗi tầng thuộc một lớp trình độ khác nhau - đi từ giả thiết nghiên cứu  đến các bước tiếp theo như thu thập tư liệu, điều tra thực địa, phỏng vấn sâu, nghiên cứu chuyên đề, phân tích thực trạng, tổng hợp kết quả, báo cáo chuyên sâu, báo cáo tổng hợp, kết luận đánh giá, phát kiến - phát minh… đã bước đầu được triển khai ở Viện Thông tin và tỏ ra là có hiệu quả thực tế. Đến nay Viện đã có được đội ngũ cán bộ trẻ có kinh nghiệm và tương đối có năng lực trong nghiên cứu khoa học.

Sự nỗ lực nghiên cứu của các thế hệ đã làm cho Viện có được những sản phẩm nghiên cứu và thông tin có giá trị khoa học, được xã hội ghi nhận. Kết quả là hệ thống các đề tài/nhiệm vụ nghiên cứu khoa học các cấp do Viện chủ trì đã triển khai thành công với nhiều đề tài nhiệm vụ được sđánh giá xuất sắc. Đặc biệt, cuối năm 2007, lần đầu tiên Viện đã chủ trì một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước do cán bộ của Viện làm chủ nhiệm: Những nhân tố cơ bản tác động đến sự biến đổi của con người và văn hoá Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Đề tài đã được nghiệm thu đúng hạn và đã công bố trước một phần kết quả. Cán bộ của Viện cũng đã chủ trì các đề tài có sự phối hợp nghiên cứu với Viện KHXH quốc gia Lào, với một số tỉnh như Hòa Bình, Hà Tây...

Từ 2005 đến nay, Viện đã công bố được những kết quả nghiên cứu quan trọng dưới dạng những công trình chuyên luận có giá trị khoa học cao như: Về giá trị và giá trị châu Á (2005, 2007), Văn hoá và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hoá (2006), Kinh tế tư nhân Việt Nam sau hai thập kỷ đổi mới - Thực trạng và những vấn đề (2006), Việt ngữ học dưới ánh các lý thuyết hiện đại (2006), Con người và phát triển con người (2007), Con người và phát triển con người ở Hoà Bình (2007), Thị trường một số nước châu Phi: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam (2007), Ngôn ngữ học:Một số phương diện nghiên cứu liên ngành (2008), Diện mạo và triển vọng của xã hội tri thức (2008), Con người và văn hoá Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập (2009), Học viện Viễn Đông Bác cổ - giai đoạn 1898 - 1957 (2009), Địa chính trị trong chiến lược và chính sách phát triển quốc gia (2011), Chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ở một số nước trên thế giới (2012)...

Có thể nói, trong một thời gian ngắn của giai đoạn mới này, Viện Thông tin đã có những biến chuyển về chất, được công nhận là một trong những cơ quan thực sự nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, bên cạnh tư cách là cơ quan thông tin khoa học và hoạt động thư viện.

Cùng với quá trình đổi mới, mở rộng hợp tác và đa phương hoá các quan hệ quốc tế của đất nước, trong những năm gần đây công tác hợp tác quốc tế của Viện Thông tin KHXH ngày càng phong phú, đa dạng. Hiện nay Viện đã có quan hệ chính thức với hơn 80 trung tâm thông tin, thư viện và các trường đại học của hơn 30 nước trên thế giới như Nga, Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ,... với các tổ chức như Quỹ TOYOTA (Nhật Bản); Quỹ “Nghiên cứu Châu Á”, (Hàn Quốc); SINICA, Đài Loan; Quỹ Ford, Christopher Roynolds, Obor, Đại học Temple (Mỹ); Tổ chức CIDA (Canada); INASP (Anh),... Việc trao đổi sách, báo và các tư liệu khác, trao đổi nghiệp vụ và đào tạo cán bộ, hợp tác hoạt động thư viện, thông tin, dịch thuật... vẫn được triển khai có hiệu quả. Lượng sách, báo, tạp chí được biếu tặng cũng đã đạt đến con số rất đáng kể; nếu tính bằng giá trị thực tế, thì số lượng được biếu tặng này cũng tương đương với lượng sách, báo, tạp chí mà Viện chủ động bổ sung hàng năm. Hiện nay, Viện vẫn làm tốt chức năng là thành viên của Liên đoàn quốc tế các hiệp hội thư viện (IFLA), thành viên của APINESS...

Trong hoạt động nghiệp vụ thư viện, việc tăng cường các hợp tác quốc tế thời gian gần đây đã tạo điều kiện để Viện từng bước hiện đại hóa hoạt động thư viện. Năm 2007, Viện đã hợp tác với cơ quan văn hóa khoa học Pháp thử nghiệm số hóa một số tài liệu tiếng Pháp. Từ năm 2008 Viện đã hợp tác với Đại học Temple, Mỹ thử nghiệm số hóa một số tài liệu Hán Nôm. Năm 2008, Viện đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho Thư viện Viện KHXH Quốc gia Lào. Năm 2009 Viện đã tặng Thư viện Viện KHXH Quốc gia Lào một số sách và ấn phẩm có giá trị. Năm 2010, nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Viện được giao nhiệm vụ tổ chức lần đầu tiên công bố tài liệu gốc Bản đồ Hà Nội 1831- Hoài Đức phủ toàn đồ và trao tặng phiên bản tấm bản đồ này cho Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. Hằng năm, Viện thường cử các đoàn công tác đi nước ngoài để tham quan, trao đổi kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực thư viện. Với các hoạt động này, trình độ cán bộ của Viện được nâng cao, uy tín của Viện càng được khẳng định, hoạt động của Thư viện và của Viện ngày một tiếp cận gần hơn với các hoạt động khoa học hiện đại.

*                                      *

*

Sau 37 năm hình thành và phát triển, Viện Thông tin KHXH đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và của Nhà nước:

  •  Huân chương Độc lập hạng Ba (2010);
  •  Huân chương Lao động hạng Nhất (1995);
  •  Cờ thi đua của Chính phủ (2011);
  •  Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2009);
  • Và nhiều bằng khen, Cờ thi đua của Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ) và của các Bộ, ngành khác.

III. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020

1.Thách thức trong điều kiện hội nhập

Trong điều kiện hội nhập, nền khoa học, công nghệ, thông tin trên thế giới phát triển mạnh, đưa lại nhiều thuận lợi cho người làm công tác thông tin - thư viện. Internet và các công cụ thông tin khác đã giúp nhà khoa học, nhà quản lý, bạn đọc tìm kiếm thông tin ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào; tài liệu giấy, thư viện truyền thống dường như đang bị thay thế dần bởi tài liệu điện số, thư viện điện tử. Người dùng tin có vẻ đang ít dần thói quen đọc sách, báo giấy; văn hóa nghe nhìn đang lấn át văn hóa đọc; các phương thức của thư viện truyền thống đang bị chia sẻ, bạn đọc thưa dần. Tuy nhiên, đến nay các thư viện trên thế giới vẫn luôn tồn tại và phát triển, thư viện truyền thống và thư viện điện tử luôn song hành làm cho hoạt động thư viện trở nên quan trọng hơn. Vấn đề ở chỗ cần có chiến lược phát triển hợp lý cho mỗi loại hình thư viện để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của xã hội trong kế thừa tri thức nhân loại thông qua thư viện. Đây là những thách thức lớn đặt ra cho hệ thống thư viện truyền thống nói chung và Thư viện KHXH nói riêng.

 Để xây dựng Thư viện KHXH thực sự trở thành Thư viện có hoạt động thường nhật ở phạm vi quốc gia về Khoa học xã hội vào sau những năm 2030, trước mắt, Thư viện KHXH vẫn giữ vai trò là thư viện chủ đạo của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, các thư viện thuộc các viện nghiên cứu chuyên ngành là các thư viện vệ tinh. Nhiệm vụ của thư viện không chỉ là nơi độc giả tới khai thác văn bản hay tư liệu số, là nơi lưu giữ, bảo quản tài liệu tra cứu mà còn thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng, thực hành nghiệp vụ thư viện cho cán bộ ngành KHXH theo chỉ đạo chương trình của Viện Hàn lâm KHXHVN.

Một trong những hướng quan trọng để xây dựng thư viện ngày nay là mở rộng hợp tác liên thông trên phạm vi toàn cầu. Giá trị thư viện trong xu hướng này không chỉ ở chỗ thư viện sở hữu bao nhiêu tài nguyên thông tin mà còn ở chỗ thư viện sử dụng CNTT như thế nào để truy cập thông tin khắp nơi nhằm phục vụ tốt cho người sử dụng. Chiến lược của công tác thông tin - thư viện là phát triển thư viện điện tử trên cơ sở tài nguyên vốn có và tài nguyên cập nhật từ tất cả các nguồn khác trên thế giới để hình thành một ngân hàng dữ liệu đủ lớn, đa dạng, cập nhật và chuyên sâu về thông tin khoa học xã hội.

2. Chiến lược phát triển

a. Định hướng chung

- Bám sát tình hình đất nước, sự phát triển của khoa học, chức năng, nhiệm vụ của Viện Hàn lâm, chủ động đáp ứng nhu cầu về thông tin KHXH và hoạt động thư viện của các cơ quan Đảng và Nhà nước, của các giới dùng tin.

- Gắn kết chặt chẽ hoạt động nghiên cứu, hoạt động thông tin với hoạt động thư viện và xuất bản, đào tạo.

- Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực trong nghiên cứu khoa học, nắm bắt thông tin khoa học và nghiệp vụ thư viện. Chú trọng giới thiệu các sản phẩm khoa học đến khu vực và thế giới.

b. Mục tiêu chiến lược

Nâng cao năng lực và triển khai mạnh mẽ các nghiên cứu khoa học; khai thác và đáp ứng mọi nhu cầu thông tin về khoa học xã hội; hiện đại hóa hoạt động thư viện; xây dựng Viện thành ngân hàng dữ liệu lớn và có uy tín về khoa học xã hội; từng bước bắt kịp sự phát triển của hoạt động thông tin khoa học xã hội và hoạt động thư viện  khu vực và thế giới. Cung cấp các nguồn thông tin quý và hiện đại về KHXH cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, các viện, truờng, các tổ chức quốc tế và các cá nhân có nhu cầu. Quản lý, vận hành Thư viện KHXH ở trình độ tiên tiến của quốc gia/khu vực, đảm đương tốt vai trò liên kết các thư viện chuyên ngành trong Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và với các thư viện trong và ngoài nước, đáp ứng nhu cầu tin phục vụ nghiên cứu, phát triển và đào tạo của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và của toàn xã hội.

c. Chiến lược phát triển

  •  Trong nghiên cứu khoa học và thông tin khoa học:

Tổ chức thật tốt các hoạt động nghiên cứu khoa học và thông tin khoa học hàng năm theo hướng cập nhật thông tin về những cái mới của KHXH thế giới và Việt Nam. Cố gắng nghiên cứu sâu để có các sản phẩm thông tin chuyên đề thông tin chuyên ngành ở cả 3 lĩnh vực:  

- Thông tin về những vấn đề, hiện tượng cấp bách về mặt KHXH.

- Thông tin đáp ứng các yêu cầu “đặt hàng” của các cơ quan Đảng và Nhà nước và của giới dùng tin.

- Thông tin về hoạt động cơ bản của KHXH thế giới và trong nước.

Chủ động tổ chức họat động nghiên cứu thông tin theo hướng tổng quan các kết quả nghiên cứu theo chuyên đề, theo lĩnh vực, theo thời gian nhằm cung cấp tư liệu tổng quan nghiên cứu cho các đề tài KHXH của các viện, trường, cơ quan nghiên cứu theo "đặt hàng". Chú trọng phục vụ các đối tượng chuyên biệt về thông tin KHXH như các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, các tổ chức và cả các cá nhân có nhu cầu; tổ chức dịch vụ cung cấp tin...

Đẩy mạnh giới thiệu, công bố các sản phẩm truyền thống là thế mạnh vốn có của Viện. Nâng cao chất lượng và tiếp tục xuất bản các sản phẩm đặc thù của Viện Thông tin KHXH. Tăng số lượng Tạp chí tiếng Anh ra 6 số/năm (hiện 4 số/năm).

  • Trong lĩnh vực thư viện:

Nâng cao trình độ nghiệp vụ thư viện ở tất cả các khâu của dây chuyền thư viện. Cố gắng từng bước hiện đại hóa hoạt động thư viện. Coi tiêu chuẩn quốc tế về hoạt động thư viện là mục tiêu phấn đấu trong mọi công đoạn và ở mọi sản phẩm thư viện.

Nâng cao năng lực và vai trò của cán bộ thư viện theo hướng chuyên nghiệp hóa. Tin học hóa các hoạt động quản lý thông tin và thư viện theo yêu cầu của phần mềm Millennuium.

Thử nghiệm các hoạt động dịch vụ thông tin KHXH; thành lập các hệ thống khai thác và cung cấp tư liệu.

  •  Phát triển các nguồn tài nguyên số

- Từng bước số hóa toàn bộ các tài liệu truyền thống có tại Thư viện KHXH. Số hóa các tài liệu là kết quả các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu KHXH cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp cơ sở do các thành viên trong Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam thực hiện. Tạo cơ chế tập trung, bổ sung các đề tài KHXH bên ngoài, các luận văn, luận án tiến sĩ, thạc sĩ, các sách mới xuất bản từ các nhà xuất bản nộp lưu chiểu về thư viện, tạo sự đa dạng trong nguồn tin truyền thống, nguồn tin dạng số.

- Xây dựng chiến lược, kế hoạch bổ sung các CSDL toàn văn các tạp chí nghiên cứu, bách khoa thư về KHXH (EBSCO, Emerald, Proquest, Springers,v.v...) để phục vụ công tác nghiên cứu và đào tạo của toàn Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

- Xuất bản định kỳ và toàn văn Tạp chí Thông tin KHXH trên CSDL trực tuyến VJOL và từng bước tham gia vào các CSDL quốc tế khác. Từng bước công bố Online các sản phẩm vốn có đều và đủ trên mạng INASP (Mạng quốc tế các sản phẩm khoa học Online).

  •  Để thực hiện được yêu cầu trên, thời gian trước mắt, Viện chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ:

- Phát triển về số lượng và chất lượng các nguồn tài nguyên dạng về KHXH, phát triển các CSDL thư mục phục vụ tra cứu hiệu quả các nguồn tài nguyên truyền thống và Online.

- Phát triển mạnh thư viện số. Khai thác tối đa các nguồn tin nội sinh và ngoại sinh. Mạnh dạn thử nghiệm các dịch vụ thông tin. Tích cực ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin.

- Xây dựng hạ tầng kỹ thuật CNTT, cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại. Đẩy mạnh liên kết các thư viện chuyên ngành trong Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, liên kết với các thư viện tiến tiến trong và ngoài nước; đảm nhiệm tốt vai trò đầu mối các hoạt động thông tin - thư viện của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; chủ động làm đầu mối tổ chức đào tạo hướng dẫn nghiệp vụ thông tin - thư viện cho hệ thống thư viện.

Nguồn: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

In trang Chia sẻ

Tin khác