Tác động xã hội, ứng phó và vượt qua đại dịch Covid-19 ở Việt Nam

11:11 06/02/2025
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +

Tác giả: PGS.TS. Trần Thị Lan Hương (chủ biên)

Đia chỉ liên hệ: Nhà xuất bản Khoa học xã hội

Năm xuất bản: 2024

Trong thế kỷ XXI, đại dịch Covid -19 xuất hiện từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) từ tháng 12 năm 2019, virus corona nhanh chóng trở thành một đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3/2020 bởi sức tàn phá khủng khiếp, mang tính toàn cầu, lây nhiễm khoảng 785 triệu người và cướp đi sinh mạng của hơn 7 triệu người trên thế giới tính đến thời điểm tháng 5 năm 2023. Việt Nam xuất hiện ca bệnh đầu tiên tháng 12 năm 2019 và trải qua 4 đợt sóng dịch bệnh, ngay từ những ngày đầu, đại dịch đã gây ra tâm lý căng thẳng, lo âu cho tất cả người dân. Đến thời điểm đỉnh cao của đại dịch, khi mạng sống của con người phải đối diện từng ngày, từng giờ làm ảnh hưởng đáng kể tới toàn bộ hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe và nhiều hoạt động xã hội.

Cuốn sách là một phần kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học độc lập cấp nhà nước: “Đánh giá tác động của Đại dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam: Thực trạng, những vấn đề đặt ra và khuyến nghị chính sách”, mã số ĐTĐL.XH/09-21 do PGS.TS. Trần Thị Lan Hương là chủ nhiệm đề tài, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan chủ trì thực hiện. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được xuất bản trong 02 cuốn sách “Thế giới trong Đại dịch Covid-19: Tác động, những thay đổi cơ bản và bài học cho Việt Nam” và “Kinh tế Việt Nam: con đường phục hồi và phát triển sau Đại dịch Covid-19”. Nội dung cuốn sách tiếp tục làm rõ hơn những tác động xã hội của Đại dịch Covid-19, giải pháp ứng phó của chính phủ và các chính quyền địa phương, các vấn đề xã hội đặt ra từ đại dịch và tương lai phát triển của xã hội Việt Nam sau đại dịch.

Ngoài phần Mở đầu và kết luận, cuốn sách được kết cấu trong 08 chương. nội dung cuốn sách đã phác họa lại bức tranh của Đại dịch Covid-19 tác động đến xã hội Việt Nam trong các lĩnh vực: (1) sức khỏe và chăm sóc sức khỏe; (2) việc làm, thu nhập và tình trạng nghèo khổ; (3) Giáo dục; (4) Bảo trợ xã hội; (5) Gia đình và cộng đồng; (6) Văn hóa; (7) Tôn giáo và tín ngưỡng. Các tác động xã hội của đại dịch Covid-19 được phản ánh trong 4 nội dung chính: (1) Tác động cơ bản; (2) Phản ứng chính sách của chính phủ, bộ ngành và các chính quyền địa phương; (3) Những vấn đề đặt ra; (4) Triển vọng vượt qua đại dịch và phát triển.

Thông qua việc khảo sát 3 vùng Bắc- Trung- Nam, đại diện vùng phía Bắc quanh Hà Nội, Bắc Ninh, miền Trung quanh Đà Nẵng, miền Nam quanh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang và Kiên Giang, thông qua các đối tượng bị tác động chính, bao gồm: người lao động, người già, trẻ em, phụ nữ, người lang thang cơ nhỡ, trẻ mồ côi vì Đại dịch Covid-19, giáo viên, y tá và bác sĩ… Kết quả nghiên cứu đã phân tích đánh giá và dự báo như sau:

Thứ nhất, Covid-19 tác động toàn diện và nghiêm trọng đến các lĩnh vực xã hội của Việt Nam. Đây là một đại dịch lớn chưa từng có và kéo dài ở đất nước ta, gây ra nhiều tổn thất về người và của;

Thứ hai, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm người già, phụ nữ, trẻ em, lao động, di cư và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khác;

Thứ ba, năng lực phục hồi vượt qua đại dịch của Việt Nam được thế giới đánh giá cao nhờ phát huy truyền thống yêu nước và sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc.

Thứ tư, nhiều giá trị được củng cố và nhân rộng trong đại dịch sau một thời gian dài chưa có dịp kiểm định trong quá trình đổi mới và phát triển kinh tế, trong đó có giá trị gia đình, giá trị con người, giá trị của lòng yêu nước, giá trị thơ ca và nhiều giá trị nhân văn khác.

Thứ năm, Việt Nam rút ra bài học kinh nghiệm để ứng phó với những đại dịch tương tự có thể xảy ra trong tương lai khi thế giới ngày càng bất định và rủi ro khó lường.

Đặc biệt, cuốn sách đã đưa ra những kiến nghị, giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn như: (1) Chính sách bảo trợ và an sinh xã hội cần đảm bảo bao phủ, nhóm dễ bị tổn thương dễ dàng tiếp cận và kịp thời trong những thời điểm khó khăn nhất; (2) Xã hội hóa các mô hình chăm sóc sức khỏe cho người dân; (3) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội bền vững cho một xã hội già hóa dân số khi Việt Nam sắp bước qua giai đoạn dân số vàng; (4) Duy trì các giá trị văn hóa, tôn giáo truyền thống, đồng thời nhanh chóng thích ứng với thời đại cách mạng công nghệ 4.0 để xây dựng xã hội văn minh, văn hóa truyền thống kết hợp với hiện đại, tạo sức sống mới cho bản sắc văn hóa- tôn giáo dân tộc; (5) Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, thương mại điện tử. Đồng thời là những khuyến nghị chính sách đối với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Kết quả nghiên cứu đã có đóng góp quan trọng trong việc phân tích sâu sắc tác động của đại dịch Covid-19 đến với các lĩnh vực xã hội Việt Nam. Đây là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan quản lý nhà nước, nhà hoạch định chính sách, các bộ, ban ngành từ Trung ương đến địa phương trong việc đưa ra các giải pháp nhằm ứng phó với những đại dịch tương tự, đại dịch mới có thể xảy ra trong tương lai. Đồng thời cũng là nguồn tài liệu quí báu cho các học giả, nhà khoa học cùng các chuyên gia tham khảo, gợi mở thêm nhiều hướng nghiên cứu mới trong tương lai.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

 

Tác Giả: Nguyễn Thu Trang

In trang Chia sẻ

Tin khác