Dịch bệnh nào rồi cũng sẽ chấm dứt khi số người có khả năng miễn dịch đủ để virus không còn duy trì được sự phát triển của nó. Từ trước đến nay, đậu mùa là bệnh duy nhất trên người được loại bỏ hoàn toàn. Những dịch bệnh khác, như cúm, sởi hay bệnh tả… chỉ có thể được kiểm soát dần dần chứ chưa thể bị loại bỏ bằng vắc xin hay các phương pháp điều trị y tế khác. Hầu hết các chính phủ đều đồng ý với quan điểm rằng tiêu diệt hoàn toàn virus corona là bất khả thi. Xã hội cũng không thể chịu đựng được các biện pháp phong tỏa hay cách ly nghiêm ngặt lặp đi lặp lại mãi. Sự xuất hiện của biến thể Delta dễ lây lan càng làm cho việc áp đặt những biện pháp trên trở nên khó khăn hơn. Thay vào đó, mọi quốc gia sẽ phải tìm cách sống chung với Covid-19. Con người từng làm điều tương tự đối với bại liệt và sởi, hai dịch bệnh từng hoành hành khắp thế giới. Dù vậy, Covid-19 khó có thể đi theo hướng tương tự, bởi những người được tiêm vắc xin vẫn có nguy cơ nhiễm và truyền bệnh, dù là với các triệu chứng nhẹ.
Trên toàn cầu, những làn sóng Covid-19 sẽ sớm được ngăn chặn bởi khả năng miễn dịch cộng đồng. Theo thời gian, sự bùng phát sẽ ngày càng ít đi, và Covid-19 sẽ sớm chuyển hóa thành bệnh đặc hữu. Dù vậy, đặc tính và tốc độ lưu hành của virus corona đối với từng quốc gia sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố: Tỷ lệ dân số miễn dịch với virus và tính lâu dài của tỷ lệ này; Cách thức điều trị Covid-19; Cách virus corona có thể phát triển.
Hiện tại, mức độ miễn dịch chung của thế giới đối với Covid-19 chưa thể bằng được các bệnh đường hô hấp khác. Đó là vì tất cả mọi người đều đã từng tiếp xúc với các bệnh hô hấp đời cũ nhiều lần trong đời, đặc biệt là khi còn nhỏ. Mỗi lần tiếp xúc như vậy đều mang đến một cơ hội mới để nâng cấp hệ thống miễn dịch. Covid-19 gần như chắc chắn sẽ trở thành căn bệnh mà nhân loại có thể chung sống. Và ngay cả khi Covid-19 đã chuyển hóa thành bệnh đặc hữu, nó vẫn đặt ra nhiều thách thức trong nhiều năm tới. Do đó, thế giới ngoài việc tiếp tục phân phối càng sớm càng tốt vắc xin đến tay những người dễ bị tổn thương, còn phải duy trì các biện pháp như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội… để có thể sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.
Tại Việt Nam, trong gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, gây tổn hại đến sức khỏe và sinh mạng của nhiều người. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn quân, toàn dân, Việt Nam đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt nhiều chủ trương, biện pháp để kiểm soát dịch Covid-19, thực hiện mục tiêu kép, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế-xã hội, dần đưa nước ta trở lại trạng thái bình thường mới. Đặc biệt mới đây Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ đã quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, các hoạt động xã hội, sản xuất kinh doanh đang từng bước được khôi phục, tinh thần, cuộc sống người dân có sức sống vui tươi hơn, lạc quan hơn, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.
Tuy cơ bản kiểm soát được dịch bệnh nhưng đối với địa phương là những vùng có nguy cơ cao thì vẫn còn đó những yếu tố dẫn đến dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường nếu chúng ta chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong tự bảo vệ mình, bảo vệ cho người thân và toàn xã hội. Rút kinh nghiệm từ những làn sóng dịch Covid-19 trước đây, một số việc cần thiết làm để tích cực, chủ động sống chung an toàn hơn nữa với Covid-19, cụ thể như sau:
1. Để thích ứng với trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” các cấp, các ngành cần quan tâm tập trung tuyên truyền về phương thức sống chung với Covid-19. Sống chung với Covid-19 hoàn toàn không có nghĩa là sống chung với đại dịch. Sống chung với Covid-19 chỉ có nghĩa là giảm thiểu tác hại của dịch bệnh. Để sống chung với Covid-19 thì cũng cần phải trang bị cho người dân sự hiểu biết chính xác, khách quan, khoa học về Covid-19 và cách thức phòng chống theo nguyên tắc “5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của Nhân dân và các biện pháp khác”. Trong đó, ý thức trách nhiệm của người dân là yếu tố quyết định; phát huy vai trò người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Chính sự hiểu biết sẽ làm gia tăng sức đề kháng bệnh dịch của toàn bộ hệ thống xã hội.
2. Mọi người dân cũng như các cơ quan đơn vị, nhà máy xí nghiệp không thể nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh mà buông lỏng cảnh giác. Trên thực tế, dịch bệnh vẫn tiếp tục và vẫn có thể có các trường hợp diễn biến phức tạp. Có biện pháp để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; khen thưởng kịp thời đối với những cá nhân, đơn vị có thành tích trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Khẩn trương ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh Covid-19 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược này; nghiên cứu, tăng cường dự báo xu hướng Covid-19; chỉ đạo bộ, ngành, địa phương kịp thời ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, ứng phó với dịch Covid-19.
3. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ngành y tế; tăng cường năng lực của hệ thống y tế nhằm thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực cho y tế cơ sở, y tế dự phòng và phát huy vai trò của mạng lưới y tế cơ sở trong phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu; có cơ chế nhằm huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong phòng, chống dịch Covid-19; rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ lực lượng tham gia phòng, chống dịch để có hình thức động viên, khuyến khích trong thời gian cao điểm chống dịch; sớm ban hành hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, hỗ trợ tâm lý cho người bị di chứng sau nhiễm Covid-19.
4. Tiếp tục thực hiện chiến lược ngoại giao vắc xin, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin trong nước để chủ động nguồn cung, tự chủ vắc xin bảo đảm cung ứng cho người dân trong nước; chỉ đạo triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, phân bổ vắc xin hợp lý. Nghiên cứu, ban hành hướng dẫn tiêm vắc xin cho trẻ em ở các độ tuổi để bảo đảm đưa trẻ trở lại trường học sớm trên cơ sở nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với thực tiễn.
5. Trong trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, cần đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là nhóm đối tượng lao động tự do, hộ kinh doanh cá thể, người nhập cư, người yếu thế,… chịu tác động từ đại dịch nặng nề hơn so với các nhóm đối tượng khác. Tăng cường thực hiện phương châm xã hội hóa, huy động các nguồn lực của xã hội thực hiện an sinh xã hội trên cơ sở minh bạch, chuyên nghiệp có sự giám sát quản lý của các cơ quan chức năng. Cần tập trung thực hiện tốt an sinh xã hội theo hướng phù hợp, kịp thời hơn với nhu cầu điều kiện của công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, tạo nên sự yên tâm trong nghề nghiệp và cuộc sống của người lao động; không tạo ra các làn sóng di dân bất thường, nhằm đảm bảo không bị đứt gãy thị trường lao động. Tiếp tục xem xét ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền các chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, các khoản đóng bắt buộc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh Covid-19; kịp thời nối lại hoạt động thông thương, xuất nhập khẩu hàng hóa quốc tế….
Ban Biên tập