Nhiều quốc gia thịnh vượng rồi suy vong, nguyên do tại đâu và điều đó là tất nhiên hay chỉ là may rủi… - câu hỏi này đã được đặt ra và được bàn luận từ hàng ngàn năm trước. Còn các quốc gia thất bại hay thành công - trong điều kiện chẳng mấy khác nhau mà có xã hội thì “hóa hổ, hóa rồng”, trong khi các quốc gia khác lại vẫn đói nghèo, lạc hậu - thì lại là vấn đề mới nảy sinh gần đây, thậm chí từ những năm rất gần đây. Khoa học xã hội gồm cả các khoa học nhân văn, với trình độ hiện đại của mình, đang cố gắng trả lời những câu hỏi này.
Nhìn lại những dấu tích huy hoàng của các xã hội cổ xưa như Angkor Wat ở Campuchia hay Harappa ở Ấn Độ, Mycenea ở Hy Lạp hay Maya ở Mehico…, người ta không khỏi giật mình tại sao những nền văn minh đã rực rỡ tới nhường ấy mà lại trở thành nơi hoang tàn qua bao thế kỷ. Sai lầm nào của con người hay sự tàn phá của tự nhiên liệu rồi có biến một thành phố hiện đại nào đó sau này lại cũng trở thành phế tích trong rừng già hay không.
Khoa học xã hội đến nay đã trả lời ít nhiều thuyết phục về nguyên nhân hưng vong của các xã hội cổ xưa. Nhưng với sự thành bại của xã hội hiện đại thì vấn đề và những câu trả lời, dù của Jared Diamon, của Daron Acemoglu hay James Robinson , dẫu sao cũng mới chỉ là giả thuyết, còn cần phải được phản biện, kiểm chứng và lý giải làm sâu sắc thêm.
Để chào mừng lần đầu tiên “Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18 tháng 5”, chúng tôi xin được bày tỏ một vài suy nghĩ về vấn đề khó, phức tạp và dễ tranh cãi này, với mong muốn để tất cả những ai mến yêu khoa học xã hội một lần nữa suy ngẫm về sự đóng góp của khoa học xã hội nước nhà cho sự phát triển Đất nước và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Xem thêm >>