"Giữ nhịp cho chiếc cầu phát triển" - Vai trò của Khoa học Xã hội và Nhân văn trong sự phát triển bền vững

14:58 11/04/2025
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương “Chú trọng phát triển đồng bộ khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị”, nhưng thời gian qua, khoa học xã hội và nhân văn còn chưa được quan tâm đúng mức. Cổng thông tin điện tử Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam gửi tặng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Đồng chí Lê Minh Hoan - Phó Chủ tịch Quốc Hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Có một bức tranh, không phải trong viện bảo tàng, mà trong đời sống thường nhật, đó là hình ảnh một cây cầu tre đơn sơ bắc qua con suối nhỏ ở miền Trung. Dưới chân cầu, một cậu bé gùi sách tới trường, mẹ em đứng trên đầu cầu tiễn con, còn bên kia, người cha đang lội ruộng, gánh phân cho vụ lúa sắp tới.

Cây cầu ấy chẳng to, chẳng hiện đại, nhưng nếu không có nó, những nhịp sống kia không thể gặp nhau. Nó chính là sự kết nối giữa hai bờ: quá khứ và tương lai; kinh tế và con người; lý trí và cảm xúc. Và chợt hiểu rằng Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH &NV) cũng giống như một cây cầu như thế.

Vì sao Khoa học xã hội và nhân văn KHXH&NV thường bị xem nhẹ?

Trong kỷ nguyên của số hóa, AI, công nghệ xanh và những công trình tầm vóc, người ta dễ bị cuốn vào nhịp độ “thực dụng” của sự phát triển. Những con số GDP, chỉ số năng suất, biểu đồ thị phần… dường như dễ nắm bắt, dễ đo đếm hơn là những giá trị như niềm tin, bản sắc, công lý hay sự đồng cảm.

Khoa học tự nhiên và công nghệ trở thành “người hùng” trong con mắt công chúng bởi thông qua đó có thể chế tạo ra máy móc, phát minh ra thuốc chữa bệnh, tạo ra của cải vật chất nhìn thấy được. Trong khi đó, KH XH&NV lại trầm lặng hơn vì “sản phẩm” là nhận thức xã hội, tư tưởng con người, và chiều sâu văn hóa. Những thứ ấy không thể đo bằng cân, đếm bằng số, hay biểu diễn bằng biểu đồ. Nhưng điều đó không có nghĩa là KHXH&NV không quan trọng mà cần được nhìn bằng một đôi mắt khác.

Dịch bệnh nguy hiểm trên người có thể có những vắc xin chữa trị, nhưng sang chấn tâm lý lại cần đến những nghiên cứu chuyên sâu về con người. Xoá đói giảm nghèo không chỉ hỗ trợ bằng vật chất mà còn cần những đề tài phân tích mang tính cá nhân hoá. Tư duy cộng đồng và tâm lý đám đông cần những phân tích thấu đáo để tránh những ngộ nhận trong xã hội. Văn hoá lãnh đạo, văn hoá doanh nhân, văn hoá trong tổ chức và văn hoá làng xã vần những nghiên cứu thấu đáo để tạo nền tảng cho xã hội phát triển bền vững.

KHXH&NV trong phát triển, không phải là “phụ trợ”, mà là “định hướng”

Theo lý thuyết kinh tế học tân cổ điển, con người là chủ thể ra quyết định hợp lý dựa trên tối đa hóa lợi ích và tối thiểu hóa chi phí. Nhưng lý thuyết ấy,  dù mạnh mẽ, lại giả định rằng con người luôn hành xử như một “con người kinh tế” có lý trí, độc lập, và hoàn toàn có thông tin cân xứng.

Thực tế thì khác. Con người không chỉ là sinh vật kinh tế mà là sinh thể xã hội  mang theo nỗi sợ, ký ức, tập quán, niềm tin và cả định kiến. Chính những yếu tố phi kinh tế như văn hóa, đạo đức, truyền thống, cấu trúc xã hội, tâm lý đám đông, mới là thứ định hình hành vi tiêu dùng, đầu tư. Trong xã hội ngày nay, người tiêu dùng thường không chọn sản phẩm dựa vào giá cả và chất lượng mà còn dựa vào cảm xúc in sâu vào tâm trí từ những câu chuyện kể.

Hạt gạo không chỉ là một sản phẩm vật chất mà ẩn đằng sau là văn hoá, là một phần của “nền văn minh lúa nước”. “Bạn ăn cơm chưa?” là văn hoá chào hỏi của người Việt. Trong bài “Rock hạt gạo” có những ca từ đậm chất nhân văn: “Hò ơi… Nước non xanh muôn đời quê mình xinh đẹp quá. Đồng xanh nay đã trĩu nặng gần xa. Là người Việt Nam xin cám ơn cuộc đời. Xin cám ơn viên ngọc trời ơi hạt gạo ơi”…. “Lên thân xong rồi lên hoa. Hạt gạo nuôi bao nhiêu anh em dần khôn lớn. Nên thân xong rồi nên hoa. Người Việt thêu nên gấm hoa”.

Kinh tế – Văn hóa – Xã hội: Mối quan hệ không thể tách rời

Phát triển bền vững không chỉ là phát triển kinh tế mà không làm tổn hại môi trường, mà còn là phát triển mà không để lại vết rạn trong lòng xã hội và bản sắc văn hóa. Một thành phố giàu có nhưng mất bản sắc là một đô thị trống rỗng. Một xã hội tăng trưởng nhưng bất công là một xã hội dễ bất ổn. Một cộng đồng hiện đại nhưng cô đơn là một cộng đồng thiếu gốc rễ tinh thần.

KHXH&NV cung cấp các hệ thống cân bằng mềm”: đạo đức học để giới hạn lòng tham; xã hội học để điều chỉnh chính sách; văn hóa học để khơi dậy nội lực bản địa; tâm lý học để thấu hiểu con người bên trong dữ liệu. KHXH &NV giúp trả lời: Vì sao có những mô hình kinh tế thành công ở nước này, nhưng thất bại ở nước kia? Vì sao chính sách hợp lý về mặt kỹ thuật lại vấp phải phản ứng xã hội? Vì sao con người biết điều tốt nhưng vẫn chọn điều sai? Vì sao cùng một cơ chế chính sách có người thành công có người lại thất bại, có người giàu có mà có người vẫn nghèo khó?

KHXH&NV: Không làm thay” nhưng soi đường”

Người ta ví von nếu các ngành kỹ thuật xây nên những con đường, thì KHXH&NV sẽ đặt tấm biển chỉ hướng. Nếu kinh tế là cỗ máy, thì KHXH&NV là người lái, biết khi nào nên tiến, khi nào nên dừng, và đi về đâu. Trong kỷ nguyên phát triển bền vững, không thể chỉ đặt câu hỏi: Làm sao để tăng trưởng? Mà cần hỏi thêm: Tăng trưởng cho ai? Tăng trưởng để làm gì? Và liệu nó có đánh đổi điều gì không? Chính những câu hỏi ấy, KHXH&NV mới là người trả lời tốt nhất: nhận thức xã hội, cấu trúc cộng đồng, tầng văn hoá của con người.

Sứ mệnh tương lai: Đồng hành – Phản biện – Gợi mở

KHXH &NV không đối đầu với khoa học tự nhiên mà đi cùng, là làm người bạn đường nhắc nhở, người phản biện công bằng, và người truyền cảm hứng. Trong thế kỷ của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và vũ khí sinh học, con người không chỉ cần những bộ não giỏi tính toán, mà còn cần trái tim biết thấu cảm và đôi mắt biết nhìn xa. Một học giả còn cho rằng cần đầu tư trí tuệ con người ngang tầm đầu tư cho trí tuệ nhân tạo trước dự báo nhiều rủi ro. Một nhà kinh tế đúc kết Phát triển mà mất nhân văn thì không phải là phát triển, mà là phiêu lưu”.

Quay trở lại cây cầu ở đầu bài viết, chiếc cầu không nổi bật, nhưng nếu thiếu nó, cuộc sống sẽ chia lìa, KHXH &NV cũng vậy. Không ồn ào, không hào nhoáng, nhưng là cái nhịp cầu giữ cho phát triển không bị lệch nhịp, cho kinh tế không bỏ rơi con người, và cho tương lai không rạn nứt gốc rễ. Nhưng KHXH&NV vẫn đồng hành cùng trăm triệu dân tiến vào kỷ nguyên vươn mình./.

 

Tác Giả: Lê Minh Hoan - Phó Chủ tịch Quốc Hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

In trang Chia sẻ

Tin khác