Hội thảo được đón tiếp ông Hồng Tiểu Dũng, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; GS.TS. Lưu Thế Cầm, nguyên Phó Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc vụ viện; GS.TS. Phan Duy, Đại học Bắc Kinh; GS Hạ Xuân Đào, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc; GS Chu An Đông, Đại học Thanh Hoa; TS. Trương Lâm Sơn, Ủy ban cải cách và phát triển, cán bộ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam..;
Tham dự Hội thảo về phía Việt Nam có PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; các vị khách mời có GS.TS. Lê Hữu Nghĩa, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Ông Trần Văn Thơ, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc; Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung..; cùng các đại biểu đến từ Viện Hàn lâm; các nhà khoa học đến từ cơ quan nghiên cứu, trường đại học của hai nước.
Sau gần 40 năm cải cách mở cửa của Trung Quốc và hơn 30 năm đổi mới ở Việt Nam, hai nước đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật. Sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII, Trung Quốc tiến hành cải cách toàn diện, điều chỉnh chiến lược nhằm phát triển cân bằng, hiệu quả và bền vững, hướng tới xây dựng hiện đại hóa với mục tiêu giàu mạnh, dân chủ, văn minh và hài hòa. Ở Việt Nam, sau Đại hội lần thứ XII của Đảng, đất nước bước vào giai đoạn đẩy mạnh toàn diện đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, bối cảnh quốc tế và khu vực có những biến đổi sâu sắc, tình hình mỗi nước đang đối mặt với những thời cơ và thách thức. Do vậy, việc củng cố và nâng cao sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới phương thức quản lý đất nước trong giai đoạn mới là vấn đề đang quan tâm của các nhà lãnh đạo, giới khoa học của hai nước Việt - Trung hiện nay.
Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Đặng Nguyên Anh nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu; đồng thời đánh giá cao thành tựu to lớn và ý nghĩa lịch sử của công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc và sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam thời gian qua. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch cũng chỉ ra những khó khăn và thách thức hiện nay hai nước đang phải đối mặt, đặc biệt trong việc tìm kiếm động lực mới, phương thức mới cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt hơn các mối quan hệ giữa ổn định và phát triển, đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, phát triển xã hội bền vững...Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng, cải cách quản lý đất nước giữ vai trò nòng cốt.
Trong tình hình mới, Việt Nam và Trung Quốc đều coi trọng công tác chính trị tư tưởng, công tác lý luận, tổng kết thực tiễn. Cả hai nước đều ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng Đảng, quản lý đất nước, đặc biệt là nâng cao năng lực cầm quyền, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, ứng phó kịp thời và thích ứng linh hoạt với những biến đổi của tình hình quốc tế và khu vực. Qua đó PGS.TS. Đặng Nguyên Anh khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của chủ đề Hội thảo nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là giới học giả, góp phần thực hiện các thỏa thuận cấp cao mà các lãnh đạo Đảng và Nhà nước hai bên đã cam kết.
![Toàn cảnh Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/anh%20toan%20canh%20ht%2015-9%20tq.jpg) |
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, ông Hồng Tiểu Dũng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHND Trung Hoa tại CHXHCN Việt Nam khẳng định, xây dựng Đảng và quản lý đất nước là nội dung quan trọng của hợp tác, giao lưu giữa hai Đảng Việt Nam - Trung Quốc. Qua đó Đại sứ mong muốn hai bên tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về lĩnh vực xây dựng Đảng; nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng; phát triển kinh tế- xã hội; tăng cường quản lý đất nước nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp hiện nay.
Hội thảo nhận được 25 báo cáo và có 14 tham luận trình bày và chia thành 04 phiên thảo luận, tập trung vào 03 vấn đề chính:
Phiên 1: Xây dựng Đảng trong tình hình mới (TS. Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc và GS. Phan Duy, Đại học Bắc Kinh chủ trì), các diễn giả (PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; GS. Phan Duy; GS. Châu An Đông; GS. Lê Hữu Nghĩa) trình bày nội dung về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo Nghị quyết Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam; nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ, Đảng viên - Quan điểm và thực tiễn của Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam. GS Phan Duy trình bày về đổi mới sự lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc; GS Châu An Đông trình bày về chống tham nhũng ở Trung Quốc.
Phiên 2: Quan điểm và thực tiễn quản lý đất nước (GS.TS. Đỗ Tiến Sâm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc và GS. Hạ Xuân Đào, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc chủ trì), các diễn giả (PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng, VASS; GS. Hạ Xuân Đào và GS.TS. Đỗ Tiến Sâm; ông Nguyễn Vinh Quang;) phân tích các nội dung liên quan đến quản trị quốc gia và những gợi mở cho tiến trình cải cách thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; đổi mới lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ cải cách mở cửa đến nay; hợp tác Việt - Trung trong nghiên cứu những vấn đề nổi bật về lý luận và thực tiễn đổi mới, cải cách ở mỗi nước trong bối cảnh mới.
![TS. Nguyễn Xuân Cường và GS. Phan Duy chủ trì phiên 1](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/chu%20tri%20phien%201%20tq%20ht%2015-9.jpg) |
|
![GS.TS. Đỗ Tiến Sâm và GS. Hạ Xuân Đào chủ trì phiên 2](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/chu%20tri%20phien%202%20tq%20dang%2015-9.jpg) |
Phiên 3: Quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội (PGS.TS. Phùng Thị Huệ, Viện Nghiên cứu Trung Quốc và TS. Trương Lâm Sơn, Viện Nghiên cứu Thể chế và quản lý kinh tế - Ủy ban Cải cách phát triển Quốc gia chủ trì), các diễn giả (GS.TS. Lưu Thế Cẩm; TS. Lê Xuân Sang, Viện Kinh tế Việt Nam; TS. Trương Lâm Sơn) trình bày một số vấn đề trong phát triển kinh tế Trung Quốc và bài học kinh nghiệm gợi mở cho Việt Nam; cải cách thể chế kinh tế ở Việt Nam trong bối cảnh mới (thuận lợi, thách thức và quan điểm đổi mới); biện pháp và kinh nghiệm chủ yếu trong cải cách doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc.
Phiên 4: Trao đổi và thảo luận chung (TS. Nguyễn Xuân Cường và TS. Đổng Quan Bằng chủ trì), các diễn giả (TS. Từ Vĩ, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc vụ viện; TS. Đổng Quan Bằng; TS. Vương Hùng Quân, Trung tâm Phát triển tri thức Quốc tế Trung Quốc cùng phần bình luận của PGS.TS. Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học, Bộ Công an; TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã phân tích thực tiễn và kinh nghiệm của Trung Quốc trong điều tiết vĩ mô thời kỳ chuyển đổi mô hình; phát triển con người mang tính bao trùm thông qua đổi mới xã hội… Bên cạnh đó, Hội thảo nhận được nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu tập trung vào đánh giá bối cảnh mới, thời kì mới (toàn cầu hóa, chống toàn cầu hóa; chủ nghĩa dân túy; khủng bố, biến đổi khí hậu, cuộc cách mạng Khoa học công nghệ…) tác động sâu sắc đến Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là Đảng cầm quyền; chống suy thoái; hóa giải các thách thức, nguy cơ; nâng cao năng lực lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo, theo đó Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ là cơ chế vận hành quan trọng của hệ thống chính trị giữa hai nước, cần phải tiếp tục đổi mới, thích ứng với tình hình mới.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/ts%20luu%20bich%20ho%20pb%2015-9%20ht%20tq.jpg) |
|
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/pgs%20le%20van%20cuong%20pb%2015-9%20ht.jpg) |
TS. Lưu Bích Hồ và PGS. TS. Lê Văn Cương phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Các đại biểu đều cho rằng, hai Đảng, hai nước đang nỗ lực giải quyết những thách thức đối với bản thân mỗi Đảng, mỗi nước. Đồng thời, hai Đảng, hai nước cần phải đi sâu hợp tác thực chất, quản lý tốt các bất đồng, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh.
Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật và chia sẻ kinh nghiệm thiết thực giữa các học giả cấp cao hai bên, đặc biệt là hóa giải những thách thức trong nhiệm vụ xây dựng Đảng, quản lý đất nước ở hai quốc gia trong tình hình mới nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, góp phần thúc đẩy mối quan hệ Việt - Trung ổn định, phát triển./.
Nguyễn Thu Trang