Hội nghị Thông báo Dân tộc học năm 2020 “Những vấn đề mới về quan hệ dân tộc ở Việt Nam hiện nay”

17:00 10/11/2020
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Thực hiện chương trình thường niên năm 2020, được sự đồng ý của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, sáng ngày 11 tháng 11 năm 2020, tại Hội trường trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm), số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Dân tộc học tổ chức Hội nghị Thông báo Dân tộc học năm 2020 với chủ đề: “Những vấn đề mới về quan hệ dân tộc ở Việt Nam hiện nay”, PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm đến dự chủ trì và phát biểu khai mạc.
Chủ tịch Bùi Nhật Quang phát biểu khai mạc Hội nghị  

Hội nghị vinh dự được đón tiếp các đại biểu, khách quý đến từ các tổ chức nghiên cứu, đào tạo và quản lý Nhà nước về lĩnh vực dân tộc. Về phía các tổ chức nghiên cứu, giáo dục và quản lý Nhà nước có: TS. Phan Văn Hùng, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; TS. Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam; cùng nhiều đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên đang công tác tại các tổ chức nghiên cứu, đào tạo trong cả nước. Về phía Viện Hàn lâm còn có các viện trưởng, phó viện trưởng, các nhà nghiên cứu thuộc các viện nghiên cứu chuyên ngành trực thuộc Viện Hàn lâm.

Trong các vấn đề dân tộc và tộc người, quan hệ dân tộc có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận lẫn thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ở những quốc gia đa tộc người. Vấn đề cốt lõi nhất của quan hệ dân tộc là quan hệ giữa các tộc người thiểu số với tộc người đa số, giữa người dân các tộc người với cộng đồng dân tộc - quốc gia. Thực tiễn cho thấy, nếu các mối quan hệ dân tộc nói chung, nhất là quan hệ giữa người dân các tộc người với quốc gia - dân tộc nói riêng diễn ra tốt đẹp thì đất nước sẽ ổn định và phát triển, ngược lại, nếu thường xuyên nảy sinh bất đồng, mâu thuẫn sẽ gây mất đoàn kết dân tộc, có thể dẫn đến bạo loạn đòi tự trị - ly khai, nghiêm trọng hơn sẽ xảy ra chiến tranh cục bộ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Chính vì vậy, chiến lược và mục tiêu xuyên suốt của chính sách dân tộc ở những quốc gia đa tộc người về cơ bản là thực hiện thành công chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc thống nhất, vững mạnh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Viện Hàn lâm, PGS.TS. Bùi Nhật Quang nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu, các nhà khoa học, các nhà quản lý đã dành thời gian quí báu tham dự Hội nghị Thông báo Dân tộc học năm 2020 và tin tưởng đây là Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về khoa học và thực tiễn. Chủ tịch Bùi Nhật Quang khẳng định, ở nước ta, quan hệ dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhất quán thực hiện các nguyên tắc cơ bản về công tác dân tộc và chính sách dân tộc là: Đoàn kết toàn dân tộc là chiến lược của cách mạng Việt Nam; các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các nguyên tắc này được thể hiện thành những chủ trương, quan điểm lớn trong các văn bản quan trọng nhất của đất nước, đặc biệt là Hiến pháp và những Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng qua các thời kỳ, đồng thời cụ thể hóa thành những chính sách để thực hiện phát triển từng tộc người, từng địa phương và trên cả nước trong các thời kỳ lịch sử.

Chủ tịch Bùi Nhật Quang nhấn mạnh, các kết quả đạt được trong quá trình kiên trì thực hiện các nguyên tắc này của Đảng và Nhà nước ta đã có những ảnh hưởng to lớn và sâu sắc đến công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, củng cố các mối quan hệ dân tộc tốt đẹp và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước, các tộc người thiểu số đã sát cánh với tộc người đa số và cùng nhau có nhiều đóng góp to lớn; bước vào thời kỳ tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng và Nhà nước ta càng có điều kiện để tập trung thực hiện các nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển trong từng tộc người và giữa các tộc người. Với chủ trương, chính sách ưu việt như vậy, quan hệ dân tộc ở nước ta trước đây và trong thời kỳ Đổi mới hiện nay, về cơ bản là ổn định, đoàn kết, gắn bó mật thiết giữa các tộc người, giữa các tộc người với quốc gia - dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển hiện nay, do nhiều yếu tố tác động cả chủ quan và khách quan ở trong và ngoài nước, nên không tránh khỏi việc nảy sinh những vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc tại một số địa phương, cần quan tâm giải quyết thấu đáo, nhất là các cuộc biểu tình, bạo loạn những năm đầu thế kỷ XXI ở Tây Nguyên để đòi thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề ga” của một bộ phận nhỏ người dân thuộc các tộc người thiểu số tại chỗ; hay một bộ phận nhỏ người Hmông tập trung ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đòi thành lập “Vương quốc Hmông” năm 2011;... Các vấn đề đó cho thấy, quan hệ dân tộc ở nước ta hiện nay còn ẩn chứa một số yếu tố chưa thật sự ổn định, diễn biến khó lường, đặt ra yêu cầu cần được nghiên cứu đánh giá toàn diện và sâu sắc hơn nhằm làm rõ thực trạng, dự báo xu hướng trong những năm tới để cung cấp luận cứ khoa học cho việc thực hiện các chính sách phù hợp nhằm tiếp tục phát triển các mối quan hệ dân tộc tốt đẹp, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng cộng đồng dân tộc - quốc gia Việt Nam thống nhất, vững mạnh trong bối cảnh thế giới, khu vực và đất nước ngày càng chuyển đổi mạnh mẽ, nhanh chóng.

Thực tiễn đòi hỏi tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu tổng két, bổ sung phát triển lý luận về quan hệ dân tộc trong thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng cộng đồng quốc gia – dân tộc Việt Nam, nhằm nhận diện các vấn đề mới về lý luận và thực tiễn về quan hệ dân tộc ở nước ta hiện nay; đánh giá những ảnh hưởng của các mối quan hệ dân tộc đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị và bảo vệ tài nguyên môi trường; phân tích các nguyên nhân tác động và dự báo những xu hướng của các mối quan hệ dân tộc ở nước ta trong thời gian tới;... Trên cơ sở đó, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng và thực hiện thành công các chính sách dân tộc nhằm phát triển các mối quan hệ dân tộc tốt đẹp, nhất là quan hệ giữa các tộc người với quốc gia Việt Nam; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam thống nhất, vững mạnh. Chính vì vậy, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao cho Viện Dân tộc học tổ chức Hội nghị Dân tộc học năm 2020 với chủ đề “Những vấn đề mới về quan hệ dân tộc ở nước ta hiện nay”.

PGS.TS. Bùi Nhật Quang, PGS.TS. Lâm Bá Nam và PGS.TS. Nguyễn Văn Minh đồng chủ trì Hội nghị

PGS.TS. Bùi Nhật Quang đề nghị các quý vị đại biểu, các nhà khoa học tập trung trao đổi, thảo luận về một số nội dung trọng tâm sau đây: (1) các vấn đề khái niệm, lý luận, lý thuyết, cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu... về quan hệ dân tộc trên thế giới, trong khu vực và ở Việt Nam; (2) thực trạng và xu hướng của các mối quan hệ dân tộc ở nước ta hiện nay diễn ra như thế nào trên các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, tài nguyên môi trường... trong nội bộ tộc người và giữa các tộc người với nhau ở trong nước cũng như liên/xuyên quốc gia, giữa người dân các tộc người với quốc gia - dân tộc Việt Nam; (3) tác động của các mối quan hệ dân tộc đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người, xây dựng văn hóa quốc gia, bảo đảm quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, quản lý và hưởng dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống; (4) những yếu tố tác động đến thực trạng và xu hướng của các mối quan hệ dân tộc ở nước ta trong thời gian tới; (5) quan điểm, định hướng, chính sách và giải pháp nhằm phát triển các mối quan hệ dân tộc tốt đẹp góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và bảo vệ tài nguyên môi trường của nước ta, của các vùng miền, của các tộc người trong bối cảnh mới hiện nay.

Hội nghị nhận được 70 báo cáo tham luận từ các nhà khoa học, nhà quản lý ở Trung ương và địa phương quan tâm đến các vấn đề tộc người, quan hệ dân tộc, chính sách dân tộc ở nước ta và trên thế giới. Các báo cáo tham luận đã đề cập đến những vấn đề mới và lý thú trên nhiều lĩnh vực từ các góc độ tiếp cận khác nhau.

Dưới sự đồng chủ trì gồm: PGS.TS. Bùi Nhật Quang, PGS.TS. Lâm Bá Nam và PGS.TS. Nguyễn Văn Minh, Hội nghị được nghe 04 tham luận được trình bày: PGS.TS. Dương Văn Huy, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Một số vấn đề mới về quan hệ tộc người ở Đông Nam Á hiện nay; PGS.TS. Vương Xuân Tình, Viện Dân tộc học - Nghiên cứu quan hệ dân tộc: Từ góc nhìn về ý thức quốc gia - dân tộc của các tộc người vùng biên giới; PGS.TS. Bùi Xuân Đính, Viện Dân tộc học - Quan hệ tộc người xuyên biên giới ở một vùng biên – tiếp nối và đổi thay giữa hai thời điểm; TS. Trần Hữu Sơn, Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng - Hiện tượng mới trong quan hệ dân tộc (tộc người) ở miền núi phía Bắc Việt Nam: vai trò của mạng xã hội.

Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị Thông báo Dân tộc học năm 2020 được tổ chức nhằm nhận diện, đánh giá đúng thực trạng những vấn đề cấp bách trong năm. Các tham luận và nội dung thảo luận diễn ra sôi nổi, tập trung làm rõ vào những vấn đề cơ bản, những vấn đề mới về quan hệ dân tộc ở Việt Nam hiện nay, so sánh với các dân tộc khu vực Đông Nam Á, châu Á và trên thế giới.

PGS.TS. Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Dân tộc học phát biểu tổng kết Hội nghị

Phát biểu kết thúc Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Dân tộc học cảm ơn Lãnh đạo Viện Hàn lâm, cảm ơn sự có mặt đông đủ của lãnh đạo, đại diện lãnh đạo của các bộ, ban, ngành, các nhà khoa học tạo nên thành công của Hội nghị. Viện trưởng Nguyễn Văn Minh cho biết các tham luận và nội dung của Hội nghị là rất cởi mở và khoa học đã nêu lên nhiều các dữ kiện, nhiều ý tưởng, các ý kiến thảo luận tại Hội nghị đều rất bổ ích, đặt ra những vấn đề mới, vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu thảo luận thêm. PGS.TS. Nguyễn Văn Minh khẳng định quan hệ dân tộc luôn luôn tiềm ẩn chứa đựng các lợi ích trong đó, và rằng quan hệ dân tộc nằm ngay trong mỗi bản thân chúng ta, trong mỗi gia đình, dòng tộc, khu phố… PGS.TS. Nguyễn Văn Minh mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp bổ ích, đồng thời tiếp thu các ý kiến đã trình bày, thảo luận, trao đổi tại Hội nghị, đó là những tiền đề để Viện Dân tộc học cân nhắc, lựa chọn cho chủ đề của năm tiếp theo và định hướng các nghiên cứu trong tương lai.

 

PV.

 

In trang Chia sẻ

Tin khác