Phát biểu tại Tọa đàm PGS.TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Đông và Châu Phi đã nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của các đại biểu, nhấn mạnh đến tính ưu việt của mô hình tổ chức tọa đàm trong bối cảnh dịch bệnh covid 19 đang diễn ra phức tạp hiện nay và cho rằng, vượt lên trên hết những khó khăn của dịch bệnh, các kế hoạch khoa học vẫn được Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ với chất lượng vượt trội. Thông qua tham luận của GS. Xavier Ragot, Phó Giáo sư, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông tin rằng sẽ có rất nhiều thông tin được cung cấp với những góc nhìn đa chiều tiệm cận được với những vấn đề được tọa đàm quan tâm liên quan đến bối cảnh kinh tế trước đại dịch, đánh giá và dự báo được viễn kinh tế thế giới năm 2020, 2021.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/c6905652d2562d087447.jpg) |
GS. Xavier Ragot tham luận trực tuyến với các nhà khoa học từ Pháp qua ứng dụng CNTT tại Hôi trường 3D |
Theo đó, trong nội dung tham luận GS. Xavier Ragot đã đặc biệt chỉ ra “khoảng tối” rất lớn trong bức tranh kinh tế toàn cầu có liên quan đến dịch bệnh covid, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020 (giai đoạn đại dịch) kinh tế toàn cầu đã bước vào một cuộc suy thoái tồi tệ, dịch covid 19 đã cuốn trôi 12.000 tỷ USD của cải trên toàn thế giới, có tác động đến mọi khu vực địa lý trên toàn cầu khiến GDP của thế giới thấp hơn 4.9% so với năm 2019.
GS. Xavier Ragot cho biết, triển vọng của nền kinh tế hiện tại có thể được đánh giá trên hai cấp độ. Ở cấp độ vĩ mô, tiêu dùng sẽ giảm do các hộ gia đình và các doanh nghiệp phải thực hiện cân đối tài chính và thắt lưng buộc bụng; hàng loạt vụ phá sản sẽ diễn ra, tâm lý phòng ngừa rủi ro dịch tái phát sẽ khiến chi tiêu, đầu tư mới sụt giảm. Ở cấp độ vi mô, việc tránh tiếp xúc trực tiếp sẽ khiến cả mô hình sản xuất và tiêu thụ thay đổi nhanh chóng, từ đó mang lại sự chuyển đổi cơ cấu rộng hơn.
Một tác động thứ ba mà thế giới phải đối mặt, đó là gia tăng bất bình đẳng. Nguyên nhân là các cỗ máy không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sẽ có thêm lợi thế so với người lao động, đặc biệt trong lĩnh vực sử dụng lao động phổ thông. Trong khi đó, người thu nhập thấp phải dành phần lớn thu nhập cho hàng hóa cơ bản, trái ngược với những người có thu nhập cao.
Điều này đã dẫn đến, triển vọng phục hồi hiện tại trở nên ảm đạm hơn khi nền kinh tế vẫn phải loay hoay trong chính quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế. Chẳng hạn, Chính sách tiền tệ không thể xử lý được vấn đề thanh khoản, cũng như không thể kích thích nền kinh tế khi lãi suất tại nhiều nền kinh tế trước đó đã gần như bằng 0; Hay rủi ro khi bảo lãnh những doanh nghiệp yếu kém và đã mắc các khoản nợ do chính bản thân họ tạo ra trước dịch Covid-19 đã hạn chế sự năng động của nền kinh tế và khả năng phục hồi sau đại dịch. Giáo sư khuyến nghị dịch bệnh có thể còn kéo dài và các chính phủ trong giới hạn ngân quỹ cho phép, cần ưu tiên việc phân bổ nguồn lực hỗ trợ đến đúng đối tượng, đúng dự án, đẩy nhanh quá trình hồi phục, thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế bền vững.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/z2054705513386_82275bd7c47b0f00ad907acac4cff88f.jpg) |
Toàn cảnh Tọa đàm |
Qua các trao đổi, các nhà khoa học đều cho rằng kinh tế thế giới năm 2021, có khả năng còn tiếp tục bi quan hơn bao giờ, bởi thế giới thực sự đang đứng trước nhiều ẩn số, mà trong đó, ẩn số lớn về virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 vẫn đầy bí ẩn. Chắc chắn các khu vực kinh tế bị ảnh hưởng lớn bởi các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội từ du lịch, giải trí đến sản xuất… đều không thể hồi phục nhanh chóng. Đó là chưa kể các biện pháp phòng chống ở mỗi quốc gia vẫn chưa đủ mạnh để có thể ngăn chặn nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới sẽ có nhiều thay đổi mạnh mẽ liên quan và tác động trực tiếp đến cấu trúc vĩ mô của các nền kinh tế, sẽ xuất hiện những loại hình dịch vụ mới, mà ở đó, yếu tố công nghệ và ứng dụng xã hội của nó sẽ là nền tảng của sự tái cơ cấu mới phù hợp hơn với bối cảnh kinh tế toàn cầu.
Phạm Vĩnh Hà