Hội thảo quốc tế: Mỹ và trật tự thế giới mới

17:00 08/10/2022
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 7/10/2022, tại hội trường 3D, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo quốc tế “Mỹ và trật tự thế giới mới”. Hội thảo do PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ và PGS.TS. Cù Chí Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Châu Mỹ Ngày nay đồng chủ trì. Hội thảo diễn ra ở 2 hình thức, trực tiếp và trực tuyến thông qua ứng dụng Zoom.
PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo về phía khách mời quốc tế có: Ngài Miguel Angel Rodriguez, Đại sứ Colombia tại Việt Nam; Ngài Camilo Acosta, Bí thư thứ 2, Đại sứ Colombia tại Việt Nam; Bà Teskeen Umar, Phó Đại sứ Pakistan tại Việt Nam; Bà Giormis Gomez Guillen, Bí thư thứ 2, Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam.

Về phía khách mời Việt Nam có: ông Nguyễn Đăng Quang, Quỹ Hòa Bình và Phát triển Việt Nam, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Indonesia; TS. Trần Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao; GS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng cùng sự có mặt của đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài Viện Hàn lâm và một số cơ quan thông tấn báo chí đến đưa tin về Hội thảo.

Đại sứ Nguyễn Đăng Quang trình bày tham luận tại Hội thảo

Chia sẻ về chủ đề Hội thảo, tại phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung cho biết Trật tự thế giới có thể hiểu là một sự tồn tại ổn định tương đối trạng thái của các thực thể quốc gia trên thế giới. Nó được xem xét ở 3 yếu tố: Sự cân bằng giữa các chủ thể tham gia; thể chế và luật lệ để duy trì sự cân bằng đó và; giá trị chi phối gồm các tiêu chuẩn, giá trị văn hóa, ý thức hệ… Khi 1 trong 3 yếu tố này thay đổi sẽ khiến cho trật tự thế giới thay đổi, trong đó yếu tố sức mạnh và sự cân bằng giữa các chủ thể tham gia dễ thay đổi nhất, tiếp đến là các vấn đề thể chế, luật lệ và cuối cùng là các giá trị biến đổi chậm hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, nhất là sau khi chúng ta chứng kiến Đại dịch Covid-19 đã cướp đi mạng sống của nhiều triệu người, làm đình trệ nền kinh tế toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến tất cả chúng ta phải nhìn nhận lại giá trị cuộc sống cũng như chiến lược phát triển bền vững của mỗi đất nước. Những điểm nổi lên đó khẳng định chắc chắn rằng các quan hệ quốc tế đang có nhiều biến đổi cả bản chất lẫn hình thức. Qua đó, P PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung bày tỏ hy vọng Hội thảo sẽ có nhiều trao đổi sâu nhằm góp phần giải đáp những câu hỏi: Trật tự thế giới hiện nay sẽ biến đổi như thế nào trong trung và dài hạn, đơn cực, lưỡng cực, đa cực hay không cực? Và với một trật tự mới hình thành, vai trò vị trí của Mỹ và các nước lớn như thế nào? Những tác động cũng như cơ hội và thách thức đối với các nước tầm trung và nước nhỏ như Việt Nam? Dưới tác động của biến đổi Trật tự thế giới, Cục diện thế giới sẽ có thay đổi như thế nào? Ở mức độ cụ thể hơn tiến trình toàn cầu hoá hiện nay có những biến đổi gì và môi trường an ninh tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có rơi vào bất ổn lớn hay không?

TS. Hoàng Huệ Anh (giữa), Viện Nghiên cứu Trung Quốc phát biểu thảo luận tại Hội thảo

Thông qua 2 phiên làm việc với 8 tham luận và ý kiến phát biểu, Hội thảo đã bàn thảo nhiều vấn đề liên quan tới những bước ngoặt làm biến đổi trật tự thế giới, trật tự thế giới sẽ là đơn hay đa cực, kết thúc thế kỷ Mỹ và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở…

Theo Đại sứ Nguyễn Đăng Quang thế giới đang ở bước ngoặt mag tính lịch sử, việc củng cố của các quốc gia hàng đầu thế giới, sự gia tăng số lượng của các trung tâm kinh tế và chính trị dẫn đến sự thay đổi cấu trúc quyền lực thế giới, định hình các cấu trúc, quy tắc và nguyên tắc cho một trật tự mới chưa hình thành.

Trong bối cảnh cục diện thế giới phức tạp và đầy biến động như vậy, tư tưởng chiến lược và kế hoạch chiến lược của một chiến lược quốc gia tổng thể sẽ phải xuất phát từ nhận thức tình hình, những yêu cầu đặt ra từ môi trường bên ngoài và những đòi hỏi từ bên trong nhằm tìm ra phương cách xử lý đúng các mối quan hệ lớn, giữa bảo vệ chủ quyền – vấn đề rộng lớn liên quan đến lợi ích an ninh và phát triển không chỉ bó hẹp trong chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ mà cần phải tính đến việc đảm bảo môi trường hòa bình ổn định, mối quan hệ giữa an ninh quốc gia và quốc tế với tầm vóc và mức độ khác nhau.

Toàn cảnh Hội thảo

Bàn về vấn đề Hoa Kỳ sẽ ở đâu trong trật tự thế giới mới hậu Covid-19, TS. Lê Lan Anh (Viện Nghiên cứu Châu Mỹ) có bài nhận định: Ngày nay, muốn lập lại trật tự thế giới mới, Mỹ cần phải sử dụng nhiều biện pháp linh hoạt, có những chiến lược và đối sách phù hợp với từng chủ thể, cụ thể là đối với các đồng minh của mình. Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ cũng phải giải quyết những câu hỏi rõ ràng về việc ai và làm thế nào để điều hướng một thế giới ngày càng chia rẽ trở nên gắn kết, phụ thuộc lẫn nhau. Dù thực thế cho thấy đối sách của chính quyền tổng thống Biden từ khi nhậm chức có một số vấn đề chưa hợp lý nhất định nhưng đã giúp thế giới nhìn nhận rõ về một số nguy cơ gây bất ổn trên thế giới như Chiến sự Nga – Ucraina, chiến sự này cho thấy một số quốc gia có thể trừng phạt Nga nhưng không thể cô lập hoàn toàn quốc gia này do có những mối liên hệ ràng buộc nhất định. Tương tự, họ cũng không thể tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc, nguy hiểm hơn nếu Mỹ cố cô lập hai quốc gia này có thể sẽ tạo ra một trục quyền lực “không có giới hạn” được hợp thành bởi hai quốc gia sẽ xuất hiện. Từ đó có thể gia tăng áp lực lên hai vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Do đó, Mỹ cần đảm bảo xây dựng những điều khoản thỏa thuận phụ thuộc lẫn nhau có lợi cho thế giới tự do. Điều này giúp thắt chặt mối liên kết về thương mại, tài chính và công nghệ của thế giới tự do, thúc đẩy sự phát triển và đổi mới cũng như giảm bớt tính dễ bị tổn thương.

Có thể thấy những điểm nổi lên đó khẳng định chắc chắn rằng các quan hệ quốc tế đang có nhiều biến đổi cả bản chất lẫn hình thức. Mối quan hệ Mỹ - Trung đang chuyển hướng sang cạnh tranh chiến lược với nhiều bất ổn tiềm ẩn; mối quan hệ Nga - Mỹ, Nga - EU cũng đang gặp nhiều trở ngại; trong khi đó quan hệ Trung - Nga trở nên gần gũi hơn.

Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Ngoài ra cũng cho thấy rõ hơn sự suy giảm tương đối vai trò của Mỹ trên thế giới. Nước Mỹ cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn ở bên trong cũng như thách thức bên ngoài. Mỹ đã điều chỉnh chiến lược an ninh của mình, sự xoay trục sang châu Á, rồi sự ra đời của chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do và mở và hàng loạt sáng kiến khác để nhằm tập hợp lực lượng ứng phó với sự đe dọa của Trung Quốc.

Trật tự đơn cực do Mỹ đứng đầu hiện nay đang bị Nga và Trung Quốc thách thức, và bắt đầu có những quan điểm cho rằng thế giới đang chuyển dịch sang Trật tự lưỡng cực mà cả Mỹ và Trung Quốc cùng chi phối.

TS. Hoàng Huệ Anh (Viện Nghiên cứu Trung Quốc) cho rằng khi sự chênh lệch sức mạnh giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục giảm đáng kể, đồng thời khoảng cách giữa Trung Quốc với những đại cường còn lại là quá lớn thì sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ định hình lại cấu trúc quốc tế từ thế đơn cực do Mỹ lãnh đạo sang thế lưỡng cực Mỹ - Trung. Quá trình tái định hình này còn trở nên trơn tru hơn nhờ hai chất xúc tác mang tính đột biến là Đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng Nga – Ucraina. Cái gọi là chiến tranh lạnh công nghệ đang nhanh chóng trở thành chiến trường chính trong cuộc cạnh tranh lưỡng cực Mỹ - Trung. Cả hai nước lớn này đều gia tăng năng lực tự chủ công nghệ và tiến hành tập hơn lực lượng trên lĩnh vực công nghệ. Do phương thức cạnh tranh và cân bằng quyền lực tập trung vào công nghệ, nên hệ thống lưỡng cực mới do Trung Quốc và Mỹ lãnh đạo sẽ tương đối ổn định, không có khả năng leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn hệ thống.

Sự chuyển đổi trật tự thế giới để tiến đến một sự cân bằng mới, đó là cả một chuỗi thời gian. Trong quá trình chuyển đổi đó, chúng ta sẽ chịu tác động nhiều của sự hợp tác, cạnh tranh và xung đột. Đó đều là những cơ hội và thách thức đối với các nước trong đó có Việt Nam. Thực tế đặt ra nhiều vấn đề cần có nhiều nghiên cứu sâu hơn nữa cả về lý luận cũng như thực tiễn cần nhằm giúp các nhà lý luận và nhất là các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận rõ xu thế phát triển của thế giới trong thời gian tới cũng như những việc hình thành những chuẩn bị chiến lược trước một thế giới đầy biến động như hiện nay cũng như trong tương lai.

Phạm Vĩnh Hà

 

In trang Chia sẻ

Tin khác